Menu Close

Ông lão ra đảo

Ca-nô ra đảo Bé
Ca-nô ra đảo Bé

Bạn mua một vé tàu cao tốc với giá 115 ngàn đồng từ cảng Sa Kỳ. Ngồi lắc lư với sóng tàu, chừng một giờ đồng hồ, đảo Lý Sơn hiện ra trước mắt.

– Ðây rồi, Lý Sơn, quê hương của những con sói biển. Xin chào, ta đến đây. Ông lão chống gậy hòa vào dòng người chen chúc lên bờ.

Gia đình tôi cùng ông lão ngồi chung một dãy ghế trong suốt hành trình lênh đênh trên biển để đến hòn đảo này. Chia tay và có duyên gặp lại khi đang lang thang viếng khu mộ gió cạnh chùa Ðục.

– Ði được đâu chưa cháu ơi?

– Dạ rồi, chùa Hang, chùa Ðục, đỉnh Thới Lới, hòn Mù Cu, đi nhiều rồi bác. Còn bác thế nào?

– Ừ, cũng đi thăm một số nơi, mấy người bạn thời cùng đi chung thuyền.

– Vậy là bác có bạn ở đây.

– Ừ, có bạn ở đây và cả ở khu mộ gió này nữa. Có điều là bác chưa biết nấm nào thôi. Hồi đó trong chuyến ra khơi cuối cùng, bão biển cướp mất của bác hai người bạn, không tìm thấy xác. Bác may được cứu sống, bỏ nghề luôn. Những người bị mất đều là dân Lý Sơn, họ đều là những con sói biển.

– Dạ, con chia buồn cùng bác.

– Thôi nói chuyện vui chút, cháu thử hải sản ở đây chưa?

– Dạ rồi, ngon lắm ạ, tươi và nhiều loại trước cháu chưa thử.

– Ừ, thay đổi nhiều cháu ạ. Trước đây vài năm người ta đi về là mang vào cảng Sa Kỳ bán. Giờ thì khác, du lịch phát triển, họ lại bán trên đảo đầu tiên.

– Dạ, cái này cũng thấy vậy. Hai năm trước con đi, Lý Sơn cũng khác xa giờ.

H9

Lý Sơn ngày nay đã đổi khác, nhà hàng, khách sạn, homestay mọc lên khắp. Những chiếc xe tải lớn, tải nhỏ thay phiên nhau ra vào cảng tấp nập để vận chuyển vật liệu xây dựng. Một vài người còn chở cát bằng cách chế một thùng nước nhựa, có đôn thêm một ống nhựa để chở phía sau, mỗi xe như vậy đã năm chục ngàn đồng. Khối lượng đó nếu mua trong đất liền chỉ từ năm đến mười ngàn đồng là cùng. Vậy mới biết xây dựng trên đảo khó đến mức nào. Nhưng cũng không thiếu khách sạn mấy sao hay đầy đủ tiện nghi trên đảo. Nhất là từ khi điện lưới được kéo ra đây, đảo lớn (Lý Sơn) và đảo Bé đều được thắp sáng ngày đêm. Con người bận bịu làm du lịch nên ruộng tỏi đã bị thu hẹp từng phần. Tối cuối tuần, ngay trung tâm cảng, ban ngày với lá tỏi tươi, củ tỏi thương phẩm, quán bánh mì và mì quảng xứ Quảng Nam… ban đêm chộn rộn với đủ các loại hải sản tươi sống bày ra trước mắt.

Bán tỏi ở Lý Sơn
Bán tỏi ở Lý Sơn

– Tôm hùm, cua, cá, đủ loại. Một ký từ 3 trăm rưỡi ngàn đến 500 ngàn em à. Mua xong chế biến tại chỗ.

– Dạ cám ơn chị, tụi nhỏ nhà em chưa chịu ngồi.

– Nhà hàng chị bán đến đêm, tối em trở lại nhé!

Từ 4 giờ chiều, các gian trưng bày sản phẩm của các quán hải sản mọc lên. Ban đầu tôi cứ nghĩ là chợ hải sản, thích lắm. Nhưng đêm kéo xuống thì hỡi ôi. Một thế giới không thực, âm thanh của những tiếng cụng ly, của tiếng đập vỏ cua, càng cua, tiếng gọi món, tiếng còi xe, tiếng hú hét, dường như cái không gian này đã không còn là của hành nhân đi tìm chút bình yên trên đảo nhỏ.

Dù né tránh không muốn bàn luận công việc lúc đưa con đi nghỉ, nhưng tôi cũng buột miệng hỏi ông xã:

– Anh à, sao đâu rồi cũng vậy, người ta kéo nhau xếp hàng dài, nằm vật vạ để mua được vé tàu ra đây, rồi lại tốn một mớ tiền thuê phòng, dịch vụ; mà đâu hẳn riêng chỗ này đâu, khu nào mở du lịch rồi cũng vậy, du lịch một chứ ăn nhậu mười. Em thực sự chẳng hiểu nổi.

– Có gì ngạc nhiên đâu em, nhìn khách du lịch cũng như nhìn vào văn hóa của một nước. Anh thấy nước giàu người ta đi du lịch thì thèm tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, thèm biết về phong cảnh… Còn dân nước nghèo thì đi đâu cũng thèm ăn, người ta đi du lịch để ăn là chính. Người ta có thể giàu có, thừa ăn nhưng thói quen quan tâm về cái ăn vốn dĩ hay có ở người dân nước nghèo. Ðói từ trong tâm thức em à.

H4

Nghe đến đây tôi chỉ biết thở dài. Dường như biết được điểm yếu của tôi, ông xã tôi tiếp lời:

– Thôi em đừng suy nghĩ làm gì, sáng mai nhà mình đi đảo Bé, hy vọng là khá hơn!

Trời Lý Sơn trong xanh. Ra đầu cảng, lại cảnh người người chen nhau mua vé tàu để vào đất liền bởi hôm nay đã là Thứ Hai. Số là phải đủ số lượng khách, ca-nô mới khởi hành ra đảo Bé. Mà giờ này thì còn ai đi đâu, 9 giờ, rồi 10 giờ, 10 giờ 30 phút. Một nhóm bạn trẻ xuất hiện với đầy đủ củi, trại, khăn… Ra là họ ra đảo Bé cắm trại du lịch qua đêm, đúng như lời giới thiệu trên các trang tour.

Khoảng cách từ đảo lớn ra đảo Bé chỉ khoảng 10 phút bằng ca-nô với một cái vé 40 nghìn đồng mỗi hành khách. Chúng tôi thuê hẳn một chiếc xe vòng quanh đảo Bé đang đậu ở bến ca-nô với giá 100 ngàn đồng mỗi lượt. Nói là vòng quanh đảo chứ với con đường bê tông chưa đầy 3km, trên hòn đảo rộng chưa đầy 1 km vuông này, chúng tôi chỉ mất khoảng 10 phút di chuyển chậm và dừng lại ở bãi tắm đảo Bé, Lý Sơn

– Xe này chạy bằng điện hả anh?

– Không chị, mình độ lại rồi, giờ chạy bằng xăng.

– Cả đảo có bao nhiêu gia đình vậy anh?

– Có chưa đến 100 gia đình đâu chị. Trước cũng nhiều hơn vài nhà nhưng giờ người ta đi vào Nam hết rồi. Nhà cửa để vậy đó. Thanh niên cũng ít người ở đây lắm, giờ còn lẻ tẻ vài người. Hai năm nay, điện kéo ra nên du lịch phát triển hơn, một số người mới gắng bám trụ ở lại, làm du lịch chị à, chứ khó sống lắm.

Chuối chín vườn, được bày bán ở đảo Bé, Lý Sơn
Chuối chín vườn, được bày bán ở đảo Bé, Lý Sơn

Anh chàng này đúng là cũng biết làm du lịch ra phết khi dừng xe lại ngay quán nước dừa của bà xã anh ở bãi tắm. Một phụ nữ dáng người nhỏ, lanh lẹ và hiếu khách tiếp chúng tôi với nụ cười trên môi:

– Anh chị dùng gì ạ. Ở đây em có nước dừa, nước giải khát, các món hải sản. Bãi tắm ở trước, anh chị có thể tắm lại nước ngọt phía đằng sau.

– Cám ơn chị, dừa đảo Bé mình hả chị, cho em 4 trái nha!

– Ðúng rồi chị, anh chị đi sớm nên có dừa đảo mình. Chừng khoảng 1 tháng nữa là tụi em phải nhập dừa ở bển qua, vì lúc đó khách đông lắm!

Nghe lại từ “ở bển” tôi không thể dừng cái tính tò mò của mình:

– Chị người miền trong hả chị?

– Em người ở đây chị à, từ nhỏ giờ.

– À, tại chị nói dễ nghe quá. Trước em có đứa bạn học người Quảng Ngãi, mỗi lần nó nói là em phải gắng mới nghe được. Nó cũng bảo vậy, bảo là giọng em khó nghe. Riết chơi với nhau hoài cũng đâm ra quen tiếng. Mà hình như có mỗi mình nó thôi chứ mấy hôm nay, em gặp người trên đảo, ai cũng nói giọng Sài Gòn hết.

-Dạ, cám ơn chị. Cái này em cũng nói thật chứ em mất gần hai tháng để luyện tiếng đó chị. Ai ở đây cũng vậy, bên đảo lớn em nghe người ta nói là mấy bạn trẻ nói còn hay hơn. Mình phải đổi giọng chị à, chứ làm du lịch mà cục bắt hòn, ‘nối tiến quản ngĩa’ thì không mời khách được.

Dường như câu nói của cô chủ quán nhỏ cứ theo tôi tới bãi tắm. Ðứa con trai lớn của tôi cũng hóng chuyện theo mẹ bảo rằng cô đó nói chuyện hay mẹ hỉ.

H6

Rất tiếc là khăn gói mang theo đồ bơi, khăn tắm của chúng tôi chỉ dừng lại ở việc ngồi ngắm biển từ các mỏm đá. Bởi tôi không dám mạo hiểm cho con mình tắm được, mặc dù chúng thèm tắm biển từ lúc biển miền Trung nhiễm độc đến giờ. Chẳng bù với những năm trước cứ cuối tuần là ông xã gọi hai đứa dậy chở ra biển từ 6h sáng cho đến 9h lại về.

Hai ngày nữa trôi qua, chúng tôi mua vé tàu rời đảo Lý Sơn. Từ xa đã nhìn thấy ông lão hôm nào.

– Cháu chào bác, sao bác có vẻ không vui vậy? Tôi hỏi

– Mất hết rồi cháu à, mất thật rồi.

– Bác bị mất gì à? Cháu cũng mới mất cái điện thoại sáng nay. Gọi vào thì máy rung nhưng có ai đó bấm tắt. Nhắn tin xin lại, rồi chuộc lại cũng không được.

– Mất rồi, mất rồi, cái lõi đạo đức của người Lý Sơn. Ông già vừa lẩm bẩm vừa bước chân về hướng tàu.

“Cái lõi đạo đức của người Lý Sơn” thực sự câu nói chua chát và buồn bã của ông lão ra đảo cùng chúng tôi khiến tôi phải nghiền ngẫm: Ðiều gì khiến ông lão thăm bạn mang tâm trạng đó rời khỏi đây, có phải đã đến lúc nên đặt câu hỏi về sự phát triển du lịch của một hòn đảo chưa được đào luyện về du lịch. Mà ngược, phải chăng cơn gió du lịch thời đại qua đây đã thổi bay mất một phần hồn của hòn đảo này?

H8

UC