Menu Close

Lobby – vận động hành lang

Ngày 17 tháng 4 năm 2017 thông tấn xã Reuters đưa tin: Nhân viên của Tòa Bạch Ốc thông báo, chính phủ của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ không công bố danh sách những người đến Tòa Bạch Ốc, thay đổi một điều vốn được thông tin từ thời Tổng Thống Barack Obama. Giám Ðốc Truyền Thông của Tòa Bạch Ốc là ông Michael Dubke cho biết: Vì sự an nguy quốc gia, vì lo ngại quyền riêng tư của hàng trăm ngàn du khách đến Tòa Bạch Ốc hàng năm bị xâm phạm, là những nguyên nhân khiến Tòa Bạch Ốc sẽ không công bố tên tuổi của họ. Trước đây, những người ủng hộ sự minh bạch đã ca ngợi quyết định của Tổng Thống Barack Obama, khi Tòa Bạch Ốc công khai danh sách các vị khách đến Tòa Bạch Ốc, bao gồm những người nổi tiếng và các nhà từ thiện. Danh sách những người đến Tòa Bạch Ốc, có thể cho công chúng biết những điều gì đang được vận động tại văn phòng của tổng thống, và những ai có ảnh hưởng với chính phủ.

Thông báo giữ bí mật danh sách quý khách đến Tòa Bạch Ốc của chính phủ Donald Trump, đã bị các nhà quan sát phê bình. Các nghị sĩ Dân Chủ trong Quốc Hội, vừa đệ trình một đạo luật yêu cầu chính phủ phải công bố danh sách quý khách đến Mar-a-Lago, khu an dưỡng của Tổng Thống Donald Trump tại Palm Spring, Florida, và cũng là nơi Tổng Thống về nghỉ cuối tuần, từ khi ông nhậm chức. Tuy nhiên, đạo luật này khó có thể được chấp thuận, bởi vì Ðảng Cộng Hòa kiểm soát Lưỡng Viện Quốc Hội. Trong khi đó chính phủ của Tổng Thống Donald Trump tiếp tục giữ một chính sách có từ thời Tổng Thống Obama, đó là không cho phép nhân viên chính phủ trở thành người vận động hành lang, sau khi họ mãn nhiệm kỳ tại Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên, hiệu quả của bất cứ một lệnh cấm vận động hành lang nào, cũng phụ thuộc vào việc mệnh lệnh này được thảo ra và thực hiện như thế nào.

Một câu hỏi được đặt ra: Vận động hành lang là gì?

Vận động hành lang ở Hoa Kỳ được hiểu là sự vận động các nghị sĩ, dân biểu trong Quốc Hội ở cả Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện, để họ đưa ra hay ủng hộ các đạo luật, các nghị quyết, các chính sách có lợi cho từng nhóm khác nhau. Người làm nhiệm vụ này được gọi là nhà vận động hành lang [lobbyist] Họ được trả lương, để gây ảnh hưởng tới cơ quan lập pháp hoặc dư luận công chúng. Hiện nay, phố K chính là nơi đặt trụ sở của các công ty lobby hàng đầu tại Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ là nơi hoạt động vận động hành lang diễn ra sôi nổi nhất thế giới. Vận động hành lang được coi là một phần không thể thiếu, của nền chính trị Hoa Kỳ, chủ yếu trong lãnh vực chính trị lập pháp. Hoa Kỳ có nhiều văn bản pháp luật thừa nhận, và quy định các hoạt động lobby. Các nhà vận động hành lang có ghi danh hành nghề. Cơ quan quản trị sẽ yêu cầu họ gửi báo cáo định kỳ, để bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động vận động hành lang của họ. Các cựu chính khách từng nắm quyền lực và mối quan hệ rộng rãi, có nhiều thuận lợi để trở thành các nhà vận động hành lang đạt hiệu quả cao nhất.

Tháng 11 năm 2016 trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, ông Jason Miller, giám đốc truyền thông của Tân Tổng Thống Donald Trump, và cũng là phát ngôn viên của Ủy Ban Quốc Gia Ðảng Cộng Hòa, đã thông báo: Những người được chọn giữ trọng trách trong chính phủ của Tổng Thống Donald Trump, phải đệ trình giấy chứng nhận chấm dứt hoạt động vận động hành lang – nếu họ đang hành nghề. Sự kiện này được xem là hành động thực hiện lời hứa “làm sạch bãi lầy,” tại Thủ Ðô Washington của ông Donald Trump. Tuy nhiên như đã nói ở phần trên, hiệu quả của bất cứ một lệnh cấm vận động hành lang nào, cũng phụ thuộc vào việc lệnh cấm vận này được thảo ra và thực hiện như thế nào.

Một thông lệ thường thấy ở Washington, như một cách “lách luật,” đó  là các quan chức cao cấp sau khi nghỉ việc, không ghi danh để trở thành một nhà vận động hành lang. Thay vào đó, họ sẽ làm việc như là “một nhà tư vấn” hoặc “cố vấn.”  Về bản chất, công việc này cho phép họ sử dụng các kinh nghiệm, mối quan hệ cá nhân để kiếm tiền, giống như một nhà vận động hành lang.

Thông báo cấm vận động hành lang trong 5 năm được đưa ra, ngay thời điểm nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng Thống đắc cử Donald Trump, tiến hành việc loại bỏ các nhà vận động hành lang ra khỏi danh sách. Việc này do Phó Tổng Thống đắc cử Mike Pence trực tiếp xem xét. Nhóm chuyển giao quyền lực của Tân Tổng Thống lúc đó, gồm nhiều chính khách thuộc các nhóm lợi ích, các nhà vận động hành lang, các nhân viên trong nền chính trị mà ông Donald Trump gọi là “bãi lầy,” đã làm dấy lên sự hoài nghi, liệu chủ nhân mới của Tòa Bạch Ốc có giữ lời hứa cải tổ của ông hay không.
Ngày 13 tháng 11 năm 2016 khi trả lời phỏng vấn trong chương trình “60 phút,” Tân Tổng Thống Hoa Kỳ thừa nhận, trong nhóm của ông có quá nhiều nhân vật ở “bãi lầy.” Ông nhận xét: “Ai ở đó cũng đi vận động hành lang. Ðây là vấn đề về hệ thống.”Chính phủ của ông sẽ phải nỗ lực, để làm sạch hệ thống này.

Tại Hoa Kỳ nghề lobby được bảo vệ và điều chỉnh bởi Ðạo Luật Công Khai  Công Lobby (Lobbying Disclosure Act 1995 – LDA), Bộ Luật Về Ngân Sách Liên Bang  (Internal Revenue Code – IRC) và Ðạo Luật Ghi Danh Ðại Diện Cho Ngoại Quốc (Foreign Agents Registration Act – FARA). Vì được sự bảo vệ của luật pháp, nghề lobby tại Hoa Kỳ phát triển rất mạnh. Theo thống kê, vào năm 1998 có 1,447 công ty và tổ chức thuê lobby, để giải quyết các vấn đề về ngân sách. Ðến năm 2006, con số này đã tăng lên tới 4,516. Năm 2009, ước tính có khoảng 13,700 lobbyist, và khoảng 300 công ty lobby có ghi danh hành nghề. Nghề lobby tại Hoa Kỳ phát triển mạnh, do quốc gia này là đối tác kinh tế-chính trị quan trọng hàng đầu, của hầu hết các nước trên thế giới. Hơn nữa, ngân sách từ  Washington cũng vô cùng “béo bở,” đối với các thương nghiệp trong nước.

Coca Cola và Pepsi, Boeing và Airbus là những vụ lobby nổi tiếng tại Hoa Kỳ. Trong bài viết này, chỉ xin đơn cử trường hợp Coca Cola và Pepsi

van-dong-hanh-lang1
Nikita Khrushchev thử Pepsi với Richard Nixon tại Moscow nguồn Pinterest

Pepsi ra đời sau Coca Cola 13 năm. Trong khi Coca Cola càng ngày càng phát triển trên toàn thế giới, thì Pepsi hai lần phá sản. Nhưng hiện nay có thể nói danh tiếng của Pepsi và Coca Cola không chênh lệch nhiều. Ngoài những nguyên nhân như cải tiến công thức, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng…, còn một nguyên nhân quan trọng khác cho sự thành công của Pepsi, đó và vận động hành lang. Nhân vật quan trọng nhất trong chiến dịch lobby của Pepsi trước đây, chính là Tổng Thống Hoa Kỳ đời thứ 37 – ông Richard Nixon. Dĩ nhiên, Pepsi tạo dựng quan hệ với Nixon từ khi ông chưa trở thành ông chủ của Tòa Bạch Ốc. Nhờ mối quan hệ này, Pepsi đã có cú đột phá ngoạn mục, khi ông Nixon vô tình mời Tổng Bí Thư Liên Xô Nikita Khrushchev cụng ly Pepsi, để chụp ảnh lên báo ở Hội Chợ Moscow năm 1959. Tương truyền vì nặng “ơn nghĩa” với Pepsi, sắc lệnh đầu tiên của ông Nixon khi trở thành tổng thống, đó là… chỉ thị gỡ bỏ hết máy tự động bán Coca Cola trong dinh tổng thống, thay vào đó là Pepsi. Dĩ nhiên, Coca Cola không khoanh tay chịu “ức hiếp.” Hãng này cũng tìm đến một nhân vật danh tiếng để vận động hành lang, đó là ông Jimmy Carter. Sau khi lên làm Tổng thống, ông Jimmy Carter cũng làm một điều tương tự: Ðó là chỉ thị gỡ bỏ hết máy bán Pepsi trong dinh tổng thống, thay bằng máy của Coca Cola. Nhưng Tổng Thống Carter rõ ràng không có cơ hội để tạo ra được dấu ấn mạnh mẽ, như trường hợp của Tổng Thống Nixon năm 1959. Cho đến nay, Coca, Pepsi và các thương nghiệp về nước giải khát, vẫn bỏ ra rất nhiều tiền cho hoạt động lobby. Năm 2009, ngành này chi tổng cộng $60 triệu Mỹ kim. Dĩ nhiên, Coca và Pepsi luôn dẫn đầu. Năm 2009, Coca chi khoảng $9.4 triệu Mỹ kim. Pepsi cũng không chịu kém cạnh, tăng chi phí vận động lên đúng $9.4 triệu Mỹ kim.

van-dong-hanh-lang
Tổng thống Mỹ Bill Clinton (giữa), Hillary Rodham Clinton và Giám đốc Khu vực Coca-Cola ở Nga Michael O’Neill uống Coca-Cola tại Moscow năm 1995 – nguồn geopoliticalfutures.com

Tóm lại, vận động hành lang là một ngành sáng giá tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển, đặc biệt tại Hoa Kỳ.

HV