Những lá thư của người con từ chiến trường gởi về cho mẹ là những kỷ niệm thiêng liêng và quý báu nhất. Và người mẹ đã cất giữ cho tới giờ cuối cùng.
Mời quý vị và các bạn theo dõi câu chuyện cảm động trong Chicken Soup for the Mother’s Soul. NS
Kính tặng mẹ của con!
Khi chưa đầy 17 tuổi, tôi quyết định gia nhập lính hải quân. Mẹ tôi cố hết sức khuyên bảo nhưng cuối cùng bà cũng đành phải ký vào giấy đồng ý cho tôi đi lính.
Chỉ sau một thời gian ngắn huấn luyện, tôi mới biết rằng mình sẽ bị chuyển đi xa cách nửa vòng trái đất, đến tận Philippines. Trước khi vào lính, tôi chưa bao giờ đi cách xa nhà mình ở New Jersey quá 80 dặm.
Một ngày nọ, sau khi đã đến Philippines được hai năm. Tôi được gọi lên văn phòng của Ðại úy Boyd. Ông là một người tính tình rất dễ chịu, nhưng tôi chắc chắn rằng ông gọi tôi lên không phải để giết thời gian. Ðứng trước bàn của ông, tôi cảm thấy hơi lo lắng trong lúc ông đọc lướt qua một số giấy tờ. Sau đó ông nhìn lên và hỏi:
“Hãy nói cho tôi nghe tại sao sáu tháng qua anh không hề viết thư cho mẹ anh?”
Tôi cảm thấy đầu gối dưới chân mình như yếu hẳn đi. “Không lẽ đã lâu đến thế sao?” – Tôi tự hỏi.
“Tôi không có gì để viết, thưa Ðại úy”.
Ông nhìn tôi với vẻ ngờ vực. Thật ra, lúc đó những chàng lính hải quân trẻ tuổi như chúng tôi có nhiều thứ để tiêu khiển khi rảnh rỗi, nên tất cả những chuyện khác dường như không còn quan trọng đối với chúng tôi.
Ông Ðại úy đã cho biết rằng mẹ của tôi đã liên lạc với Hội Hồng Thập Tự và sau đó tổ chức này đã liên lạc với chỉ huy của tôi để hỏi lý do tại sao tôi không còn liên lạc với bà.

“Anh có thấy cái bàn gỗ đằng kia không?”
“Dạ có, thưa ngài”.
“Hãy mở cái ngăn kéo trên cùng ra, anh sẽ thấy một ít giấy và bút. Hãy ngồi xuống và viết cho mẹ của anh một cái gì đó đi”.
“Vâng, thưa ngài!”.
Sau khi viết xong một bức thư ngắn, tôi trình diện trước chỉ huy tôi.
“Anh hãy viết cho mẹ anh cái gì đó ít nhất mỗi tuần một lần, hiểu chưa?” Ông Ðại úy bảo. Và tôi đã làm theo điều đó.
Ba mươi lăm năm trôi qua, mẹ của tôi nay đã già yếu và đã lẩn. Tôi rất đau khổ, nhưng rồi cũng phải chấp nhận để mẹ vào nhà an dưỡng.
Khi lướt nhìn qua những đồ đạc cá nhân của bà, tôi mở chiếc hộp gỗ nhỏ bằng gỗ tuyết tùng đã cũ, dưới đáy hộp là một xấp thư dày được cột bằng một sợi ruy băng màu đỏ. Ðó là những lá thư mà tôi đã được “lệnh” phải viết từ Philippines. Tôi ngồi bệt xuống sàn trong căn phòng của bà, đọc lại những bức thư đó và nước mắt rơi tự lúc nào! Giờ đây tôi đã nhận ra rằng mình đã từng làm cho mẹ buồn biết bao vì sự vô tâm của mình.
Có lẽ điều tôi nhận ra đã quá trễ và tôi cũng khó còn có cơ hội để xin mẹ tha thứ cho tôi, nhưng nó đã giúp tôi trưởng thành hơn.
Và giờ đây tôi không còn cần một viên sĩ quan đứng cạnh tôi nhắc nhở mình viết thư cho những người thân vào một khoảng thời gian nhất định nào đó nữa.
NS