
Kỳ 3
“Bố già Hà Nội” & xứ vạn chài
Chiếc Ford Ranger luồn lách giữa những con đường nội đô Hà Nội, giữa dòng người và xe như nêm cối. Ra tới đường Phạm Hùng, xuôi thẳng về Pháp Vân – Cầu Giẽ, trên xe chỉ có 3 người, tôi, gã Nghiêm Chỉnh và Bố già Hà Nội.
Tôi và tay Nghiêm Chỉnh đã có dịp ngồi với Bố già Hà Nội ở quán bia hơi Hải xồm trên đường Xã đàn. “Mỹ Hạnh này, phải mời cháu ngồi để biết mùi vị của mấy cái quán bia hơi ở Hà Nội này,” cái chất giọng nhừa nhựa của Bố già Hà Nội vẫn còn nét khoan thai lịch lãm còn sót lại. Dẫu chẳng thường quen hay còn dị ứng với cái thú bia rượu khật khưỡng, tôi cũng khó thể khước từ lời mời ấm áp ấy.

Quán Hải xồm là quán khá nổi ở Hà Nội với dân bia hơi. Và hẳn nhiên, “văn hóa bia hơi” thì tên quán cũng phải phù hợp với đẳng cấp. Ở chốn Hà Nội, những quán bia hơi bình dân phải có tên như Hải xồm, Long béo, Lan chín…, như gã Chỉnh nói thì phải bỗ bã mới pha chút màu anh chị. Chứ những quán hipster như Beer 2KU, Khu-9…, thì chỉ có đám thanh niên lịch lãm kiểu mới thì mới mò vào, khó thể hợp với những thế hệ cũ như tay Bố già Hà Nội. Và ở những quán bia như quán Hải xồm này thì thừa mứa những đôi gò phồn thực tiếp thị cười “nhả thính”, những em gái đại diện các hãng bia khác nhau ra sức giới thiệu cho giới nhậu, uống loại bia mà mình cố gắng tiếp thị, có thể là Heineken, Tiger, Sapporo, Halida, … Bàn nhậu của Bố già Hà Nội bao giờ cũng xôm tụ vào cuối giờ chiều tan sở. Những cán bộ nhà nước, có tay mặt còn măng non nhưng bụng bia đã vượt mặt và chớm căn bịnh gout thế kỷ.
Bố già Hà Nội là người ở Hàng Giầy. Bố già tên là Bính, đi bộ đội, sau giải ngũ về làm nhân viên ở Bộ Công nghiệp. Vốn là dân Hà Nội gốc, Bố già chán cái thời nghèo rớt trong cái xó xỉnh cơ quan nhà nước mà những anh nào “Hà Nội gốc” thì khó có cơ hội ngóc đầu lên được; ở cái thời mà lý lịch bần nông lại có phi lộ trên quan trường thênh thang hơn nhiều. Bỏ Phố Cổ, Bố già hồi ấy bỏ ra bãi An Dương ven sông Hồng khai phá đất, cất cái chòi bên bãi đất sông Hồng mà phiêu diêu một mình, hẳn lúc ấy cũng đã có người bảo rằng “cái lão ấy hâm!” Cái thời mà đất đai chẳng ai thèm quan tâm, và vốn dĩ đất ven đô chỉ được coi là “Hà Nội 7”, khỉ ho cò gáy.

Vậy mà sau bao năm phẫn chí khai khẩn đất hoang ở ven sông, sau mở cửa dân tứ xứ lại ùn ùn đổ về Hà Nội làm Bố già phải sốt vó, liền chuyển đổi ngay từ đất khai phá hợp thức hóa sang đất thổ canh và thổ cư rộng mênh mang. Cái mớ đất bên bờ đê khỉ ho cò gáy thuở nào, giờ đã thành đất không vàng mười thì cũng lấp lánh hiện kim. Cái khuôn viên rộng lớn, cho hai nhà hàng kiểu nhà vườn và nhà sàn cho thuê. Bố già Hà Nội đã qua cái thời phẫn chí và có rủng rỉnh tiền giao du để lấy lại cái phong lưu Hà Nội gốc mà xém chừng đã bị nông thôn hóa bao nhiêu năm trong cốt tủy.
Cực khoái đồ Mỹ từ thời đi bộ đội, mặc quần áo lính Mỹ, không thì ít nhất cũng phải là quân phục của NATO được nhập về, thích đi xe Jeep Mỹ và sở hữu 2 chiếc, một “con” bỏ ở Ðà Nẵng, nơi Bố già nhảy vào trong cơn sốt đất, và 1 con câu ra ngoài Hà Nội để dạo chơi. Hẳn nhiên, với những mối quan hệ cũ với lính tráng và anh em bạn bè thời cơ quan nhà nước, Bố già Hà Nội đã chạy chọt đường dây với Tổng cục đường bộ xin phép độc quyền chạy mấy tuyến xe đi vài lộ trình đặc hữu, và trong đó có những tuyến xe khách xuyên biên giới đi sang Luang Prabang, Lào. Và đúng như tay Chỉnh nhận xét thì Bố già là một loại “mosaic”- khảm trai của Hà Nội nên nhiều lớp lang sắc màu. Cũng có chút phẫn chí ẩn hiện đâu đó nhưng phải giấu như cách của dân Hà Nội, giấu qua lớp áo quần jeans hàng hiệu Levi’s, đồng hồ vàng ké, giấu qua mùi rượu và những bữa nhậu, giấu trong những tẩu thuốc và những khúc nhạc vàng trên dàn nhạc đầu Akai băng cối và căn nhà sàn cất lai tạp.

Chuyến phà ngày, con nước Ninh Cơ đưa tôi về bên kia xóm đạo với nhà thờ Ðổ. Mùa biển động, sóng dậy màu bùn. Vài năm trước, tay Chỉnh kể rằng dọc con sông Ninh Cơ nhỏ bé này cũng có vài xưởng đóng tàu bé bé, cũng chỉ là những việc thuần thủ công với những mối hàn thô sơ, ráp nối lại. Ninh Bình, nằm xuôi Nam sông Hồng, một tỉnh lỵ khá đìu hiu thuộc về xứ Sơn Nam, tỉnh này có cố đô Hoa Lư của nhà Tiền Lê được 2 đời là Lê Hoàn và Lê Long Ðĩnh.
Bến phà Ninh Cơ và tiếng lạch phạch của động cơ ì ạch trên chuyến phà nhỏ kéo chiếc xe Ford Ranger sang bên kia bờ. Bờ kia là thị trấn Thịnh Long, những người đàn bà chở thồ hàng và các bác tài kéo theo cái phu xe ba gác. Tôi cảm giác mùi mặn nhạt của chốn duyên hải có chút bận rộn, chút sinh khí của ngày. Thịnh Long không bãi cát trắng tinh tươm, chỉ những con đê biển xỉn màu xi măng; vùng đất còn lưu lại những nhếch nhác của cơn triều cường đổ bộ chỉ vài tháng qua.
“Resort” 2 tầng của Bố già sở hữu, mặt tiền xơ xác vài cây phi lao, khu canteen xập xệ, chỉ còn lại như một phế tích của sự hưng khởi cách đây hơn 10 năm ở vùng đất này.

Bố già Hà Nội về với đất Thịnh Long này qua lời kêu gọi đầu tư của lãnh đạo tỉnh Nam Ðịnh năm 2006, ngay trước thềm Apec. Hẳn nhiên, cũng giống như Corleone – tay Bố già kinh điển của thế giới mafia, sau tất cả những phi vụ xám đều muốn sạch hóa để trở thành những nhà đầu tư chân chính, những nhà hảo tâm được nể mặt. Công việc làm ăn điều hành hãng xe đường dài của Bố già Bính thì chẳng phải lúc nào cũng là con đường sáng. Bố già Hà Nội bỏ ra vài tỷ trong khu đất rộng vài hecta với viễn tượng tươi sáng là một khu resort mơ màng nằm trên bãi biển miền Bắc, khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới sau hiệp định WTO và đăng cai APEC 2007.
Viễn cảnh hoàn toàn không như mong đợi. Nơi đây, Bố già Hà Nội sau thời gian đầu, chán ngán vì thất bại đã cho hai vợ chồng Quý Lan xóm đạo thuê với giá 60 triệu/năm. Tay Quý, thổi kèn trong ban nhạc, hiền lành, hơi đụt nhưng vẫn kinh doanh nhà thổ. Còn ả vợ thì là con bạc có tiếng ở vùng. Và ngay khi bố già Hà Nội về đây để “quyết toán” tiền thuê cuối năm, thì Lan đã bỏ đi trốn với cái nợ 400 triệu do bài bạc, và cũng trốn luôn cả cái đám cho vay nặng lãi. Chỉ tội cái cội đào vô tội, bị phập mấy chục nhát dao, hoa cành lã chã xuống thềm gạch lạnh. Cuộc tụ họp dưới canteen khách sạn đang phần rôm rả với đủ cua ghẹ, lợn gà, rượu bia…, đúng như cái chất nhậu nhẹt xôm tụ của những tay giang hồ hảo hớn. Cũng là lúc Bố già nóng mặt vì “đám tiểu yêu nông thôn” vuốt mặt không nể mũi. Nhưng Bố chẳng muốn nhấc chân ra khỏi ghế, bởi ở đây là có cả văn hóa mặt mũi của nho giáo quân tử tàu, có sự tách bạch vai vế, “tao là dân có số má ở trung ương, tụi mày là nhãi nhép ở vùng vạn chài”. Giang còi, tay công an xã địa phương làm bảo kê và dưới trướng Bố già lập tức được gọi tới để dàn hòa.

Cái hotel làng chài, tôi chẳng tiện nêu tên, bản chất nó đã bị vợ chồng Quý Lan biến thành cái nhà thổ để du khách tới vùng Thịnh Long này dùng nơi hành lạc. Thật thảm họa để gọi nó với cái tên “resort” như Bố già đã quảng cáo để mời tôi đến “khu nhà nghỉ ở ven biển Nam Ðịnh”. Cái cảm giác của một đêm trong căn phòng đẫm mùi xú uế, mùi bệ rạc của cái máy lạnh như kéo bễ, tủ lạnh tẩm mốc và một phòng tắm cáu bẩn; một nội thất xuống cấp trầm trọng, trần trụi như cái bản chất vốn dĩ của nó.
Chất gái quê ở vùng này chắc có khi có tiếng chẳng kém khu Quất Lâm nằm bãi phía trên của tỉnh Nam Ðịnh. Dọc theo bãi biển, san sát những nhà nghỉ để khách làng chơi tới lui khu “đèn đỏ” này. Cái thời chữ “quê”được nhìn nhận như một chứng chỉ đỏ về sạch. Dù là lợn quê, rau quê, gà quê…, hay đến cái gái quê.
Tay Nghiêm Chỉnh, suốt buổi sắc mặt đanh lại nhưng vẫn thể hiện qua hành động cười nói một cách giả lả. Và tôi thì vốn luôn với cái vẻ hồn nhiên Mỹ quốc, nhưng đã có lúc thất thần trước cảnh tượng đòi nợ rất máu tiết của đám xã hội đen vùng vạn chài. Ở cái xứ phép vua thua lệ làng nên cái chức công an xã thì chả bõ bèn gì, nhưng cái xứ xa mặt trời, cộng với tinh thần tự trị về tính huyền thoại của làng xã đất Bắc đã khiến vai trò của gã Giang còi bỗng trịch thượng hẳn.

Tuy gọi là Giang còi, nhưng gã này bụng phệ vượt ngưỡng, chân đi lặc lè, má bệu, mắt híp rịm, dáng vẻ rất có thể là tín đồ trung thành của “gout thời đại”. Nhà Giang còi vừa nuôi lợn, vừa nấu rượu và “đấy là mô hình khép kín” như gã Nghiêm Chỉnh giải thích với tôi thì bã rượu ở trong Nam gọi là hèm có thể cho lợn ăn. Cái tô tiết canh đánh đục, bỏ trên bát tộ như cho heo ăn, đĩa lòng, thịt chặt nham nhở. Giang còi, chễm chệ ngồi trên sập gụ xếp bằng gọi vợ thất thanh không thành tiếng, cũng chẳng rõ là Hây hay Ơi. Chuyến đi thực tế với Bố già Hà Nội có tạt ngang nhà Giang còi, Bố già đặt gạo nếp, lợn với rượu cũng chỉ là cái cớ thắt chặt quan hệ cho hài hòa đúng theo tinh thần xã hội là “anh có cơm thì chú mày cũng phải có chút cháo!”
“Một năm cho thuê chỉ vài chục triệu, cái bãi biển chết tiệt này cũng chẳng thể phất lên được,” mặt Bố già Hà Nội vẫn còn chút đỏ gay sau chầu nhậu giải quyết sự vụ. Ma men đã dần ngấm nên Bố già lại huỵch toẹt về cái thứ khách sạn mà Bố già sở hữu, rồi hăm hở bảo tay Chỉnh có thể kêu bất cứ đứa con gái nào về đây, kể cả gái 18 thì tao cũng có thể điều tới được!
Thời quán internet thọc vô hết xó xỉnh góc làng, ở cái xứ mà “ẩm thực còn xuống cấp” thì nói gì đến cái món “thịt gái quê”. Gã Nghiêm Chỉnh, chẳng hiểu cớ gì mà vẻ mặt rất ư hình sự, gã còn khước từ cả lời mời của Bố già Hà Nội về cái thú karaoke miệt biển.
Ở Thịnh Long, thời gian dường như chảy chậm hơn về đêm…

Ðmh
Facebook: https://www.facebook.com/hanhphoto