Menu Close

Ngày ta bỏ núi (kỳ 2)

Khác kỳ 1 của hồi ký Ngày Ta Bỏ Núi hãy còn là những tâm tình riêng cùng những ký ức của Thiếu tá Vương Mộng Long về gia đình, về các cấp chỉ huy của mình, kỳ 2 nhấn người đọc tức khắc vào chiến tranh. Đã vào giữa tháng 3-1975, Ban Mê Thuột đã thất thủ, Kontum, Pleiku đã bỏ ngỏ và Cộng quân bắt đầu tấn công Kiến Đức. Súng không giật SKZ 75 ly, cối 82 ly, trọng liên 12 ly 7 của Bắc quân bắn xối xả. Phóng lựu M-79, đại liên M-60 và cối 81 của miền Nam đáp trả. Dưới những dòng chữ sống động làm người đọc như đang nhìn thấy trước mắt cảnh tượng, nghe thấy đối đáp giữa những người lính, lo âu cùng với họ, là tính chất bi tráng của một đơn vị Biệt Động Quân. Trang bị nhẹ, không quân vận, không công binh chiến đấu, phải xin pháo Tiểu khu mà không phải lúc nào cũng có, mỗi tiểu đoàn Biệt Động Quân đều phải tự lực cánh sinh gần như chiến đấu đơn độc. Nhưng người đọc cũng nhìn thấy tinh thần của những người lính này vô cùng vững chắc. Tình đồng đội keo sơn giữa họ và đặc biệt là sự thương mến dành cho tiểu đoàn trưởng. Tất cả những tốt đẹp ấy đều không cần đến chính trị viên tiểu đoàn, không cần “học tập” nghị quyết hay chính sách, cũng không cần phải “phấn đấu” hay “thấm nhuần” một chủ nghĩa nào đó… Ngày Ta Bỏ Núi còn cho thấy khả năng chuyên môn của các sĩ quan cùng phương cách tác chiến và phối hợp giữa các đại đội của tiểu đoàn 82. Là ưu điểm của chương này. Trần Vũ

Ngày ta bỏ núi (kỳ 2)

Vương Mộng Long

Sáng sớm 16/3/75, trung đội tuần đường của Ðại đội 1/TÐ 82 BÐQ vừa tới đầu khúc cua chữ “S” cách Kiến-Ðức hơn 3 cây số thì đại liên 12.7 ly choang choác nổ giòn. Ông Thượng sĩ Y Ngon Near bị phòng không bắn chết nơi đầu dốc. Trung đội tuần đường tháo chạy ngược về hướng Kiến- Ðức. Từ giờ này đoạn tỉnh lộ Kiến-Ðức, Nhơn-Cơ bị cắt. Xác ông Tiểu đội trưởng Y Ngon Near bị bỏ rơi nằm chình ình giữa lộ. Ngay lúc đó pháo địch từ hướng tây bắc nã khoảng gần 100 viên đại bác 105 ly trên đồi Kiến-Ðức. Lúc đạn địch rơi, tôi đang thăm khu dân tỵ nạn để hỏi han họ lý do tại sao họ không về Nhơn-Cơ chiều hôm trước. Bây giờ thì rõ ràng rồi: địch chặn đường! Lúc này Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 81 BÐQ báo cáo rằng chiến xa địch đang từ hướng Phước Long tiến về Bù Binh, nơi ông đang đóng quân. Liên đoàn cho lệnh ông Mẫn rút về với tôi. Tối đó Tiểu đoàn 81/BÐQ được tôi chia cho phần nhiệm vụ phòng thủ mặt đông Ngã Ba Kiến-Ðức, án ngữ hướng về Nhơn-Cơ. Ðêm 16/3/75 Trung tá Liên đoàn trưởng ra lệnh cho Thiếu tá Mẫn nỗ lực vượt qua nút chặn của Cộng quân để về phòng thủ quận Nhơn-Cơ.

Vương Mộng Long
Vương Mộng Long

Suốt ngày 17/3/75, đạn 12.7 ly nổ rền trời nơi khúc quanh có xác Thượng sĩ Ngon. Tiểu đoàn 81 BÐQ không tiến được bước nào. Ðêm xuống, con cáo già khóa 2 Ðồng-Ðế, Hoàng Ðình Mẫn cho đơn vị chui lòn trong rừng, đánh một vòng rộng về hướng nam, xa hẳn vùng Việt-cộng đóng chốt để tìm đường vào phi trường Nhơn-Cơ. Ông Mẫn đã khôn khéo tránh né đụng độ, và đã hoàn thành nhiệm vụ bắt tay được Thiếu tá Khánh, Quận trưởng Kiến-Ðức ở căn cứ Nhơn-Cơ buổi sáng ngày hôm sau.

Mờ sáng 18/3/75, súng cối 82 ly của địch từ hướng tây lại tái pháo kích vào BCH TÐ 82 BÐQ. Từ tuần lễ nay, đồi Bù Row bỏ ngỏ. Ðịch đã quay lại chiếm lĩnh cao điểm này. Từ đây, súng không giật SKZ 75 của chúng liên tục đánh phá khu trung tâm đồi chỉ huy của tiểu đoàn. Thêm vào đó, đạn đại bác 105 ly từ đằng xa phía bắc, nã không ngừng trên nửa ngọn đồi hướng bắc, nơi những ụ súng pháo binh đã bỏ hoang từ khi pháo đội 105 ly của SÐ 23 BB rút đi. Tôi phải bỏ cái hầm chỉ huy đã sập, rồi tụt xuống ngã ba Quốc lộ 14. Tôi dùng một cái hầm nhỏ của Ðại đội 1/82 bên đường làm hầm chỉ huy. Tôi không cho lệnh phản pháo tức thời như vẫn làm thường lệ khi bị địch pháo kích. Tôi cùng toán hộ tống chạy thẳng lên đỉnh ngọn đồi hướng tây do Ðại đội 2/82 trấn giữ. Từ đây tôi có thể chấm chính xác 3 vị trí cối 82 ly và nơi phụt khói 75 ly của địch. Tôi cho trung đội Pháo binh Biên-Phòng đang ở với tôi và Pháo binh Diện Ðịa Nhơn Cơ mười phút để lột vỏ 400 quả đạn và chuẩn bị yếu tố tác xạ trên bốn vị trí tôi đã chấm. Ðại đội 2/82 được lệnh di chuyển tiến đánh hai khẩu cối 82 ly đặt gần, ngay sau lưng một ngọn đồi trọc hướng tây. Ðại đội 2/82 đang thiếu đại đội trưởng. Sau Tết Âm Lịch vài ngày, Trung úy Danh (khóa 24 Võ Bị) bị sốt rét đi nằm nhà thương nên Ðại đội 2/82 tạm thời do Chuẩn úy Gấm cầm đầu. Trung úy Ðăng xin tôi cho anh chỉ huy Ðại đội 2/82 trong lần ra quân này.Tôi ái ngại:

“Chú nghĩ sao mà xin đi đánh cú này?”

“Vợ con tôi ở hậu cứ. Hậu cứ mất rồi. Tôi còn gì đâu? Thiếu tá cho tôi trở lại đại đội cho quên chuyện gia đình.” Ðăng nghẹn ngào.

“Ừ! Cậu đã muốn thế thì tôi cũng okay! Thôi đi đi!” Tôi tần ngần.

02

Tôi đứng trên đồi nhìn theo bóng dáng cao gầy của Ðăng đang lẫn vào rặng cây xanh. Hồi 1969-70, khi tôi còn làm Ban 2 và Trinh Sát Liên đoàn 2 BÐQ thì Chuẩn úy Ðăng là Trung đội trưởng ở Tiểu đoàn 22 BÐQ dưới quyền một anh bạn cùng khóa của tôi. Khi tôi nhận chức Tiểu đoàn trưởng TÐ82 BÐQ thì Ðăng đang là Trung úy Ðại đội trưởng của Tiểu đoàn 22 BÐQ. Khi đó anh có gặp và xin tôi nhận anh về làm việc với tôi. Tôi từ chối vì đơn vị tôi đã đủ sĩ quan đại đội trưởng. Sau đó Ðăng bị thương; anh bị đứt một khúc ruột, chờ ra hội đồng y khoa để chuyển sang bộ binh, thương binh loại 2 yểm trợ. Ðăng lại gặp tôi và tình nguyện làm sĩ quan tiếp liệu tiểu đoàn cho tôi để anh còn được tiếp tục ở lại phục vụ binh chủng Biệt Ðộng Quân. Lần này tôi chấp thuận. Ðăng xin xuất viện về làm việc dưới quyền tôi đã được gần một năm.

Khi cánh quân của Ðại đội 2/82 báo cáo còn cách mục tiêu gần hai trăm mét thì tôi cho lệnh pháo binh khai hỏa. Ðạn đi! Mỗi mục tiêu một trăm quả hỗn tạp. Và chỉ năm phút sau khi đạn rơi, tiếng M16 nổ rộ như pháo ran chêm vào là những tiếng M 79. Khói súng và bụi che mờ một nửa ngọn đồi. Thoáng chốc, hai khẩu cối 82 ly đã đổi chủ, từ Trung đoàn E 271/T10 của Quân Khu 6/Cộng sản Bắc Việt sang Ðại đội 2/TÐ 82 BÐQ. Tôi chợt nghe AK và đại liên nổ rền trong thung lũng. Tôi hỏi Ðăng:

“Ê! Delta! ngoài tiếng AK còn tiếng đại liên. Ðại liên của cậu hay của địch vậy?”

“Của tụi nó đó Thái Sơn! Tôi đâu có đem theo M-60!”

“Delta đây Thái Sơn! Cuốn gói! Ðừng về đường cũ! Hãy theo hướng ba ngàn hai trăm! Tôi với thằng An Bình đón cậu trên đường. Tôi lặp lại! Ba ngàn hai trăm! Nghe rõ chưa?” Tôi cho lệnh Ðại đội 2/82 rút lui,

“Ba ngàn hai! Nhận 5!”

Nếu trở về đường cũ thì Ðại đội 2/82 sẽ phải qua một cái thung lũng. Và hai khẩu đại liên địch không để cho họ dễ dàng rút về an toàn trên đoạn đường gần 2 cây số rừng lau. Ðại liên địch cứ nổ giòn, đạn lửa đan chéo nhau trong thung lũng. Tôi nghĩ địch bắn hoảng bắn tiều chứ chúng chẳng rõ BÐQ đang ở chỗ nào. Tôi chấm vị trí hai khẩu đại liên địch và giao cho Ðại úy Ngũ Văn Hoàn, Tiểu đoàn phó. Ông Hoàn và Thượng sĩ Năng, trưởng khẩu 81 ly sẽ rót cối vào đầu chúng! Từ hướng bắc, đạn đại bác 105 ly địch lại rơi tới tấp trên đồi chỉ huy của tiểu đoàn. Với đại bác 105 ly thì vô phương! 105 ly của khối Cộng đã bắn dài hơn 105 ly của ta, mà súng của ta lại đặt sau hậu quân. Hai khẩu 155 ly của Sư đoàn 23 Bộ Binh tăng cường cho tôi đã bị tiểu khu đòi lại từ hai tuần lễ trước. Hiện thời, không súng nào của tôi với tới được vị trí súng của chúng. Thôi! Cứ để cho nó tác oai tác quái, chưa hề hấn gì!

Nửa giờ sau tôi và An Bình (Trung úy Trần Văn Phước, ÐÐT/ÐÐ3/82) cùng một Trung đội thuộc Ðại đội 3/82 tiếp xúc được cánh quân đầu của Trung úy Ðăng. Ðại đội 2 đã hoàn tất nhiệm vụ mà không bị tổn thất nào. Thẩm quyền Delta là một trong những người đi đoạn hậu của Ðại đội 2/82. Tôi thấy Trung úy Ðăng vừa thở, vừa cười hì hì khi leo lên mặt Quốc lộ 14. Vừa gặp mặt tôi, Ðăng đã oang oang:

“Có ngay hai khẩu 82 cho Thái Sơn đây!”

Sau lưng Trung úy Ðăng là hai anh lính Thượng đang hì hục vác 2 cái nòng 82 ly. Hai người lính Jarai hớn hở khoe:

“Cái ông Thiếu tá ơi! Tụi Việt Cộng này đánh dở lắm! Chưa chi đã bỏ súng mà chạy! Dở hơn mấy thằng đánh với mình ở Trà-Ku nhiều!”

“Mấy hôm nữa tụi mình lại về Trà-Ku. Mấy chú có nhớ Trà-Ku không?” Tôi cười.

Người dân tộc Jarai gọi Pleiku là Trà-Ku. Tôi ở Pleiku lâu rồi, tuy không nói được tiếng Jarai nhưng nghe biết nhiều tiếng thường dùng của họ. Khi nhắc tới Trà-Ku, không ai cố ý khơi chuyện buồn. Nhưng bỗng nhiên thầy trò chúng tôi cùng ngước nhìn nhau, rồi cùng nhìn về phương bắc, rưng rưng…

Liên Đoàn 31 Biệt Động Quân tháng 4/1975. nguồn vnchtoday.blogspot.com
Liên Đoàn 31 Biệt Động Quân tháng 4/1975. nguồn vnchtoday.blogspot.com

Hướng Nhơn-Cơ có chạm súng, vì ở cuối gió nên tôi nghe rõ tiếng đạn đại liên và đạn cối nổ đì đùng. Trên máy truyền tin có giọng Thiếu tá Khánh, Chi khu trưởng Nhơn-Cơ và Thiếu tá Mẫn BÐQ gọi nhau. Thiếu tá Mẫn báo cáo với Bộ chỉ huy liên đoàn rằng Cộng quân đang tấn công vào khu xưởng cưa cách quận Nhơn-Cơ hai trăm mét về hướng đông. Hai khẩu 105 ly Biên Phòng của tôi phải trở ngược nòng về hướng đông, yểm trợ cho Thiếu Tá Mẫn suốt đêm. Sáng hôm sau có nhiều phi tuần A-37 đánh tiếp cận cho quận Nhơn-Cơ. Cuộc giao tranh có vẻ kéo dài cầm chừng cho tới trưa 19 tháng Ba.

Trong khi đó thì tình hình vùng tôi chịu trách nhiệm cũng có nhiều chỉ dấu đang biến chuyển. Nửa đêm về sáng chúng tôi thấy nhiều đốm lửa di động vùng nam Kiến-Ðức, có cả tiếng động cơ. Những toán chống tank đã được gởi đi nằm phục trong rừng. Ở đây, tôi không ngán tank VC một chút nào, vì tôi đã trấn giữ cái đồn này gần nửa năm. Tôi đã nghiên cứu, thám sát và nắm chắc địa hình vùng này. Chỉ có hai hướng xe tank có thể áp sát đồn Kiến- Ðức. Cả hai ngả đều có bãi mìn chống tank của tôi. Mỗi bãi chôn bốn mươi quả mìn đĩa. Mỗi quả mìn đĩa được kèm theo một đầu đạn 105 ly. Quan trọng nhất là việc bảo vệ bãi mìn. Bãi mìn không người bảo vệ coi như vứt đi, vô dụng. Kinh nghiệm trong quá khứ, tháng 8 năm 1973 khi nhảy toán Biên Vụ (Viễn Thám) vùng đông căn cứ Plei Djereng tôi đã thấy xe tank địch chạy phoong phoong trên bãi mìn của Quân đoàn 2 đặt gần Plei De Chi hướng tây Pleiku mà chẳng nghe mìn nổ. Công Binh Quân đoàn 2 đã bỏ công sức hàng tháng trời để thiết lập bãi mìn chống tank này. Vậy mà sau đó nó bị bỏ thí, không người canh gác. Công binh VC chỉ cần hai hàng bangalore là mở được một hành lang rộng cho tank đi qua. Ở Kiến-Ðức, mỗi bãi mìn chống tank của tôi, khi hữu sự được bảo vệ bằng một đại đội BÐQ. Ðại đội này không có nhiệm vụ đánh tank mà đánh những tên cán binh đi dò, dọn đường cho tank.

Biệt Động Quân - nguồn  Firebasenam Forum
Biệt Động Quân – nguồn Firebasenam Forum

Sáng 20/3/75, Trung tá Liên đoàn trưởng ra lệnh cho tôi bứt cái chốt của VC trên tỉnh lộ 344 để link-up với một đại đội thuộc TÐ63/BÐQ của Thiếu tá Trần Ðình Ðàng. Ðại đội này đang trấn giữ một ngọn đồi bên cái cống xi măng trên tỉnh lộ. Tôi thu Ðại đội 4/82 của Thiếu úy Trần Văn Thủy từ hướng bắc về hợp lực với đại đội của TÐ63/BÐQ tăng phái để giữ đồn Kiến-Ðức. Tôi dặn dò Ðại úy Tiểu đoàn phó về sự quan trọng của hai bãi mìn chống tank. Bất cứ giá nào cũng phải giữ. Vì nếu tôi đang đánh nhau ở phía trước, mà bị tank địch tập kích từ đàng sau thì không tài nào trở tay. Ðại úy Hoàn chần chừ một lúc rồi gãi đầu xin tôi cho đi nhổ chốt:

“Thái Sơn cho tôi đi khai thông con đường có được không?”

Quả thực, từ xưa tới nay (từ đại đội tới tiểu đoàn) tôi chưa bao giờ sử dụng người phụ tá của mình làm nỗ lực chính bao giờ. Nhiệm vụ của những ông phó cho tôi là yểm trợ cho tôi, và sẵn sàng thay thế tôi, nếu tôi nằm xuống. Ðại úy Ngũ Văn Hoàn đã phục vụ dưới quyền tôi gần nửa năm. Ông chỉ thuần túy làm công việc yểm trợ chứ không bị tôi đưa lên tuyến đầu lần nào. Thấy tôi ngần ngừ, ông ta nài nỉ:

“Giữ đồn nặng hơn bứt chốt. Thái Sơn cho tôi đi bứt chốt đi!”

Nghe ông nói có lý, tôi gọi hai Ðại đội trưởng trách nhiệm nhổ chốt là Trung úy Phước (ÐÐ3/82) và Trung úy Ðăng (ÐÐ2/82) lên dặn dò, chỉ bảo họ đường đi, nước bước, cách đánh nào thích hợp nhứt trong tình huống này. Bộ chỉ huy nhẹ TÐ 82/ BÐQ của Hoàng Long (Ð/úy Hoàn) cùng hai đại đội tác chiến lên đường lúc 10 giờ sáng 20 tháng Ba.

Trong khi tôi đang theo dõi diễn tiến hành binh của Ðại úy Hoàn thì tổ báo động hướng Bù-Binh báo cáo có tiếng xe tank địch. Ðể tiện quan sát, tôi lại cùng toán hộ tống leo lên đỉnh đồi Tây, nơi Thiếu úy Trần Văn Thủy (ÐÐT/ÐÐ4/82) trấn giữ thay cho Ðại đội 2/82 đang đi nhổ chốt. Từ đỉnh đồi tôi có thể quan sát tới khúc quanh nơi cái cống sập cách Kiến-Ðức gần hai cây số. Khẩu SKZ 57 ly của tiểu đoàn lúc nào cũng sẵn sàng trên đỉnh đồi Tây. Ống nhắm của khẩu súng đã điều chỉnh chính xác ngay cái cống sập. Nếu SKZ bắn hụt thì tổ chống tank núp sẵn trên triền đồi sẽ làm nhiệm vụ tiếp tay. Khi thằng Thọ (Binh nhì Thọ nấu cơm) trao ly cà phê cho tôi vừa trở gót xuống đồi thì tiếng 12.7 ly nổ rền hướng Nhơn-Cơ. Lúc đó là giữa trưa. Máy truyền tin các cánh quân của Ðại úy Tiểu đoàn phó gọi nhau cuống quýt. Tôi nghe Delta và An Bình báo cáo đang chạm địch nặng. Delta đang bị đại liên địch dồn xuống khe suối bên trái đường lộ. Delta yêu cầu An Bình giữ an ninh bên phải dùm anh ta để anh ta rút về con dốc đầu chữ “S”. Chuẩn úy Ðức và Trung đội đi đầu của Ðại đội 2 đã bị thất lạc. Tôi không nghe tiếng Hoàng Long trên máy. Tôi vào máy hỏi Delta và An Bình sao không nghe Hoàng Long, thì hai anh đều không rõ ông Ðại úy Tiểu đoàn phó ở chỗ nào. Tình hình có vẻ nghiêm trọng. Tôi giao cho Thiếu úy Thủy lo vụ chống tank rồi tụt xuống đồi.

Nhảy lên chiếc xe Jeep, tôi phóng nhanh tới cái nút chặn hướng đông của Ðại đội 1/82. Từ đây tôi và toán cận vệ chạy bộ lên chỗ Ðại đội 3 và Ðại đội 2 đang chạm địch. Quân của Trung úy Phước (ÐÐ3/82) đang nằm trong rừng, bên phải lộ. Phước chiếm được ngọn đồi cao, nằm dài theo hướng đông tây. Còn Trung úy Ðăng ở bên trái con đường. Ðại liên VC từ hai hướng nam bắc con lộ đang bắn tới tấp vào bên trái dốc chữ “S” nơi đơn vị của Trung úy Ðăng bị sa lầy. Ðại đội của Ðăng đang kẹt trong rừng khọt (cây dầu rái) lơ lửng giữa con suối và con đường. Tôi gọi pháo binh và cối 81 bắn cản trước mặt đại đội của Ðăng để đơn vị của anh bò từ từ lên cao, bắt tay với Ðại đội 3/82. Khi Ðại đội 2 bắt tay được Ðại đội 3, tôi ra lệnh cho hai đại đội quây tròn trên đỉnh đồi bên phải tỉnh lộ. Tôi sử dụng pháo từ Kiến-Ðức bắn ngay mặt lộ để ngăn địch truy kích. Nhưng tiếng súng của địch đã êm. Như thế là chúng không chủ tâm giao chiến, hoặc chúng chưa có lệnh giao chiến với TÐ 82/ BÐQ. Chỉ nhìn thoáng qua trận địa, tôi đã hiểu ngay chủ đích của địch là nhử quân ta tiến sát khu chữ “S” rồi chúng dùng hai khẩu 12.7 ly kềm chân quân ta. Sau đó bộ binh địch bao vây chia cắt hậu quân của ta. Bao vây chia cắt là chiến thuật cổ điển, nhưng rất hữu hiệu khi chặn đánh một đoàn quân đang khai lộ. Trung úy Ðăng báo cáo với tôi rằng khi đơn vị anh còn cách cái xác của Thượng sĩ Ngon chừng một trăm thước thì đại liên địch khai hỏa. Ðại úy TÐP hăng hái xông lên với trung đội đi đầu của Ðại đội 2/82. Ông Hoàn nói với Ðăng:

“Kỳ này mình lấy cây 12.7 ly về cho Thái Sơn giải buồn!”

Nhưng chỉ năm phút sau, từ con suối bên trái trục tiến quân, địch vừa bắn vừa ào ạt xung phong lên cắt đơn vị anh thành ba phần. Trung đội đi đầu của Chuẩn úy Ðức bị mất liên lạc. Tình trạng của Ðại úy Tiểu đoàn phó không biết ra sao.

Xạ thủ đại liên
Xạ thủ đại liên

Xế trưa, tôi áp dụng cách rút sâu đo, cho quân lui từ từ về hướng Kiến-Ðức. Chiều đó chúng tôi mới về tới tiếp điểm của Ðại đội 1/82. Khoảng 4 giờ chiều cùng ngày tôi nghe tiếng Hoàng Long trong tần số nội bộ của Delta. Ông Tiểu đoàn phó nói rất nhỏ, có lẽ ông ta đang bị địch bám sát,

“Tôi đi với đứa con đầu của thằng Delta. Tôi bị đánh bọc hậu mất liên lạc với đàng sau. Hiện tôi ở trên triền một ngọn đồi hướng bắc con đường, nhưng không xác định được tọa độ. Chúng nó (VC) đang đuổi theo tôi.”

“Rồi! Bình tĩnh! Anh còn bao nhiêu người cho tôi biết đi?”

“Tôi còn sáu chục người!”

“Sáu chục thì đủ mạnh để đánh mở đường về với tôi rồi. Cứ hướng bốn nghìn tám trăm mà phóng đi! Càng nhanh càng tốt! Giữ liên lạc với tôi!”

Có tiếng bấm ống nghe “xẹt!xẹt!” rồi tiếng Hoàng Long thì thào:

“Thái Sơn ơi! Tôi còn có sáu người thôi! Tôi ngụy thoại thành sáu chục đó (!) Tôi với năm thằng lính của Delta là sáu. Tụi tôi bị chúng nó (VC) cắt ngang từ phút đầu. Cái máy này là của Trung đội đầu của thằng 2.”

Thực là dở khóc, dở cười. Tuy vậy tôi cũng an tâm là ông Hoàn vẫn còn sống. Tôi ôn tồn:

“Thôi được rồi! Bây giờ làm theo tôi chỉ. Ði thẳng hướng sáu nghìn tư cho tới con suối hướng bắc ngọn đồi anh đang đứng. Sau đó quẹo trái, ngược dòng con suối đi riết về hướng tây. Hết suối là về tới chỗ tôi. Làm ngay đi!”

“Tôi nghe 5! Thái Sơn nhớ báo cho tụi thằng Hồng Hà (Thiếu úy Học) tránh ngộ nhận tôi đó nhe!”

“Ừ! Thôi! Lẹ lên!”

Từ đồn Kiến-Ðức, Thiếu úy Thủy báo cáo rằng, nơi cái cống sập, chiếc tank từ hướng Bù-Binh bò lên đã hiện nguyên hình là cái máy cày cài cành lá ngụy trang. Ba tên cán binh VC trên xe, đã vứt xe, nhảy xuống đường định chạy thoát thân khi trái hỏa tiễn XM 202 xé nát đầu chiếc máy cày. Hai băng M16 đốn ngã 3 tên giặc. Ba khẩu AK 47 và một khẩu phòng không 12.7 ly cháy theo chiếc xe tank dỏm. Chiếc xe máy cày bị bắn cháy đã trở thành chướng ngại vật cản trở xe tank nằm giữa đường Bù-Binh, Kiến-Ðức.

Gần tối hôm đó Ðại úy Tiểu đoàn phó và năm người lính theo ông về tới tiền đồn bắc của Ðại đội 1/82. Trước đó vài phút, Trung đội của Chuẩn úy Ðức chui ra khỏi rừng hướng nam con lộ và liên lạc được toán tiếp đón của Ðại đội 1. Người mang máy PRC 25 cho Ðại úy Hoàn có mặt trong Trung đội của Chuẩn úy Ðức. Cái máy truyền tin của ông Tiểu đoàn phó đã bị bắn bể từ phút đầu tiên. Tính tới 5 giờ chiều, Ðại đội 2/82 còn thiếu 14 người. Ðêm xuống, sương mù dày đặc, trăng thượng tuần có cũng như không. Các tiền đồn không dám gài mìn bẫy vì sợ quân bạn thất lạc trở về vướng bẫy. Gần sáng, Trung tá Liên đoàn trưởng cho lệnh tôi bỏ Kiến-Ðức, tìm mọi cách rút về Nhơn-Cơ.

 (Còn tiếp)