Menu Close

Asghar Farhadi thế mạnh là kịch bản

Cho đến bây giờ thì Asghar Farhadi đã là một cái tên khá lớn trong môi trường điện ảnh thế giới. Asghar Farhadi là đạo diễn, biên kịch điện ảnh người Iran đầu tiên 2 lần đoạt  Oscars hạng mục Best Foreign Language Film với hai bộ phim “A Separation” (2011) và “The Salesman” (2017).

Cho đến bây giờ thì Asghar Farhadi đã là một cái tên khá lớn trong môi trường điện ảnh thế giới. Asghar Farhadi là đạo diễn, biên kịch điện ảnh người Iran đầu tiên 2 lần đoạt  Oscars hạng mục Best Foreign Language Film với hai bộ phim “A Separation” (2011) và “The Salesman” (2017).

Trước đó, ông cũng đã từng nhận được hàng loạt giải thưởng quốc tế khác. Ví dụ, Best DirectorBest Screenplay cho bộ phim “Dancing in the Dust” tại Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương (Asia Pacific Film Festival), 2003. Giải Grand Prix tại Liên hoan phim quốc tế Warsaw và Con Công Vàng (Golden Peacock) tại Liên hoan phim quốc tế India, 2004 cho bộ phim “The Beautiful City”. Giải Gold Hugo tại Liên hoan phim Quốc tế Chicago, 2006 cho “Fireworks Wednesday”. Giải Gấu Bạc (Silver Bear) Best Director cho“About Elly” tại Liên hoan phim quốc tế Berlin 2009.

Hàng loạt giải thưởng dành cho bộ phim “Nader and Simin, A Separation” (2011) trong đó có giải César cho Best Foreign Film, Special Prize of the Ecumenical và Gấu Vàng (Golden Bear) tại Liên hoan phim quốc tế Berlin 2011, Quả Cầu Vàng (Golden Globe) cho Best Foreign Language Film tại Giải Quả Cầu Vàng 2012…trước khi giành Oscar cùng năm. Bộ phim “The Salesman” cũng giành được Best Screenplay Award tại Liên hoan phim Cannes 2016 trước khi đoạt Oscar 2017 như đã kể. Bộ phim này đã được giới thiệu trong mục Thế giới Ðiện ảnh của báo Trẻ trước đây.

Những bộ phim của Asghar Farhadi là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Iran hiện đại, với những sự phức tạp không thể tránh khỏi, đặc biệt khi có sự tương tác chéo giữa các tầng lớp và giới tính khác nhau. Asghar Farhadi không đề cập đến những vấn đề chính trị lớn lao như tự do, dân chủ, nhân quyền, những ràng buộc của tôn giáo-những chủ đề mà dẫu sao cũng không thể vượt qua sự kiểm duyệt khắt khe của nhà nước Hồi giáo Iran. Các bộ phim của Farhadi là những bức chân dung đa dạng về mối quan hệ xuyên suốt giữa các tầng lớp, giới tính và các nhóm xã hội. Ông thể hiện nhân vật trong những mối quan hệ cá nhân, quan hệ xã hội, khi các nhân vật thường phải đứng trước những mâu thuẫn, những sự lựa chọn và họ cố gắng làm điều đúng nhất có thể.

Nhưng sự hấp dẫn của phim Asghar Farhadi là ông không lên lớp, không thuyết giảng, không cho người xem thấy ai đúng ai sai.

Ví dụ trong “A Separation” hai vợ chồng Nader và Simin tạm thời sống ly thân, Nader phải thuê Razieh, một người phụ nữ đang trong hoàn cảnh khó khăn, cần tiền, đến giúp việc nhà và chăm sóc người cha bị chứng mất trí nhớ Alzheimer. Một hôm khi về nhà thấy người cha bị té xuống đất, một tay bị cột vào thành giường và số tiền để dành thì bị mất trong khi Razieh thì không thấy đâu, đến khi Razieh trở lại, Nader đã nổi nóng và xô Razieh ra khỏi cửa. Sau đó cả hai vợ chồng hay tin Razieh bị sẩy thai. Người chồng nóng nảy của Razieh đã kiện Nader ra tòa.

Ở đây Nader phải đối mặt với câu hỏi là anh có biết Razieh có thai khi xô Razieh không. Nếu anh biết thì anh sẽ bị buộc tội và sẽ phải ngồi tù. Nader đã nói dối mình không biết nhưng trước những câu hỏi của đứa con gái, cuối cùng anh đành phải thú nhận mình biết người phụ nữ ấy có bầu, để rồi sau đó có lúc chính cô con gái cũng phải nói dối tòa cho bố. Cô giáo của cô con gái cũng nói dối cho Nader nhưng rồi bị dằn vặt đã rút lại lời làm chứng.

Hai vợ chồng Nader và Simin cuối cùng đã chấp nhận phương án dàn xếp, đền bù tiền cho vợ chồng Razieh. Nhưng chính Razieh, một người phụ nữ ngoan đạo, cũng không chắc chắn rằng chính Nader là nguyên nhân gây ra vụ sẩy thai, hay việc chị chạy theo tìm người cha của Nader ngoài đường và bị xe hơi đâm phải mới là nguyên nhân. Chính vì thế chị không muốn nhận tiền bồi thường, cho dù người chồng nợ nần cố gắng thuyết phục vợ.

Những giằng xé về lương tri, niềm tin vào tôn giáo, tình người khi thấy người khác cũng có những hoàn cảnh khó khăn, những nỗi khổ như mình trong khi vẫn phải nghĩ đến quyền lợi của chính mình.

Trong “The Salesman”, nhân vật nam chính Emad bị giày vò giữa việc chiều ý vợ bỏ qua vụ vợ bị một người lạ đột nhập tấn công, với tâm lý muốn trừng phạt kẻ đã gây ra tất cả những chuyện này cho cuộc sống của hai người, nhưng đến khi tìm ra thủ phạm thì lại hoàn toàn không phải như những gì chính anh hay khán giả chờ đợi hay tưởng tượng. Ðứng trước nhân vật thảm hại này, Rana trở nên sợ hãi rằng hành động của chồng sẽ là một sự trả thù và phản đối, nói rằng sẽ không liên quan, dính dáng gì tới chồng nữa nếu anh làm đúng như lời hăm dọa là gọi cả gia đình ông già tới và kể cho họ nghe những gì ông ta đã làm…

Trong “About Elly” các nhân vật bị đặt vào việc lựa chọn phải nói thật hay tiếp tục giấu giếm vị hôn phu của Elly, cô gái khách mời của cả nhóm bị mất tích một cách bí ẩn (sau đó được phát hiện đã chết đuối), rằng đây là một cuộc đi chơi đồng thời là một buổi gặp mặt giữa Elly và một chàng trai trong nhóm. Ðặc biệt Sepideh, người đã cố nài Elly đi cùng nhóm và cũng là người duy nhất biết Elly đã đính hôn nhưng đang lưỡng lự muốn cắt đứt, lúc đầu Sepideh muốn bảo vệ danh dự của Elly và nói sự thật rằng Elly nhận lời tham gia là do mình. Nhưng trước áp lực của những người khác và cảm thấy bị đe dọa bởi vị hôn phu đau khổ của Elly, cô đã nói với anh rằng Elly đã chấp nhận lời mời mà không do dự. Lời nói dối khiến trái tim người đàn ông như vỡ ra và chính Sepideh cũng bị dằn vặt.

Người xem có thể cảm nhận được đời sống văn hóa, tôn giáo của một quốc gia Hồi giáo trong những bộ phim của đạo diễn Asghar Farhadi.

Những bộ phim của Asghar Farhadi thường ít tốn kém, trừ vài phim như “Dancing in the Dust” bối cảnh chính là ngoại cảnh, sa mạc, không gian thường trong những căn nhà chật hẹp, phần lớn chỉ có thể lấy được trung cảnh hay toàn hẹp, máy cầm tay chuyển động theo nhân vật. Ðạo diễn có vẻ không quá chú trọng về phần hình ảnh, nhưng đặc biệt chăm chút phần kịch bản, những tình tiết, chi tiết, diễn biến tâm lý… của nhân vật. Bởi vì thế mạnh của Asghar Farhadi là phần kịch bản, ông thường tự viết kịch bản hoặc viết cùng người khác.

Và trong nhiều trường hợp, kịch bản phim thường mở ra những tình tiết mới khiến các nhân vật lại đặt mình trong những tình huống mới, và phải có những suy nghĩ, phản ứng khác đi.

Ví dụ trong “The Salesman” thủ phạm hóa ra lại là một ông già bệnh tật thảm hại khiến cả hai vợ chồng Emad và Rana khó xử hơn.

Trong “The Past”, khi trở lại Paris sau 4 năm để ly dị theo yêu cầu của người vợ cũ, Marie, Ahmad không nghĩ là mình lại phải chứng kiến, hơn nữa, phải tham gia vào những mối quan hệ giữa Marie và Lucie, con gái riêng với đời chồng trước, mối quan hệ giữa Marie và người đàn ông hiện tại, Samir, hay với cậu con riêng của Samir, Fouad. Trong cái nhìn của Lucie, việc Marie muốn kết hôn với Samir là không thể chấp nhận được vì Samir thật ra vẫn đang còn vợ, Léa, người vợ ấy đang hôn mê sau khi tự tử và theo lời Lucie là do biết được mối quan hệ giữa Samir và Marie. Lucie còn bị dằn vặt nặng nề vì chính mình là người đã gửi những email tình cảm giữa mẹ và Samir cho Léa.

Các tình tiết được bộc lộ và cho đến cuối cùng khán giả vẫn không chắc là Léa đã đọc những bức thư đó chưa và Léa thực sự đã nghĩ gì, cảm thấy gì khi quyết định tự tử.

Như đã nói, sự hấp dẫn của phim Asghar Farhadi là ông không thuyết giảng, không cho người xem thấy các nhân vật ai đúng ai sai. Trong nhiều phim, như “A Separation” hay “The Past” ông chọn cái kết nửa chừng để người xem tự suy diễn.

Iran là một quốc gia Hồi giáo. Về nhiều mặt, sự kiểm duyệt của chính phủ Iran đối với nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng rất nghiêm ngặt. Các bộ phim của Iran không có đến một cái hôn chứ đừng nói một cảnh thân mật, ân ái nam nữ, không có những cảnh bạo lực, không có những cái chết được mô tả cận cảnh…

Phim Iran cũng thường có cốt truyện đơn giản, ít tốn kém. Nhưng những nhà làm phim Iran trong đó có Asghar Farhadi vẫn tạo ra những tác phẩm lớn, trong vòng vài chục năm trở lại đây phim Iran thường giành được rất nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới.

SC