Một lần nữa Viện Việt Học của quận Cam lại được chào đón người con gái Việt nhưng say mê nhạc Jazz Mỹ và từng xem nó như nguồn sống của cô. Nhắc tới Jazz, gần đây nhất, cuốn phim “La La Land” nói về một câu chuyện nhạc Jazz, đã huy hoàng đi vào lịch sử nghệ thuật thứ 7 với 6 giải Oscar.
Âm nhạc luôn là chiếc cầu nối tuyệt vời cho các ngành văn hóa, nghệ thuật. Show nhạc “Jazz là em” do ca sĩ Thùy Linh thực hiện đến với khán thính giả miền Nam Cali, giống chiếc cầu nối âm nhạc Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt. Tháng Tư đối với người Việt hải ngoại là một tháng buồn nhiều, niềm thương, nỗi hận trĩu nặng. Ngày 1 tháng 4/2017, Jazz của người Mỹ da màu hòa quyện với nỗi đau da vàng của người Việt ly hương, đã tạo nên một bản hòa âm lạ lẫm, dịu nhẹ, nhưng lại có sức hấp dẫn không cưỡng được. Ðêm này, khán thính giả không những được thưởng thức một chất giọng sâu và trầm lắng của Thùy Linh cùng những tiết tấu quyến rũ chập chùng của không gian rất Jazzy, mà còn được nghe các giọng hát của sắc tộc khác trong cộng đồng Nam Cali.

Cô đã ra một CD “then&now 2012” và những ca khúc được hợp soạn cùng các thi sĩ Bashou, Jenny Do, nhạc sĩ Nguyễn Dự, Nguyễn Đức Đạt và sự giúp đỡ của thân hữu như: Jazz is you-Jazz là em, Lotus child-Bé hoa sen, Jackfruit-Quả mít (ý thơ Hồ Xuân Hương), Lady moon-vịnh vấn nguyệt (ý thơ Hồ Xuân Hương)
Ðời sống con người với những giấc mơ, có lúc được xem như không tưởng. Tuy nhiên lời kết của bộ phim La La Land “Ðừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình, dẫu nó xa vời và mộng tưởng” đã cho chúng ta một lời khuyên thật hữu lý. Thùy Linh đã bắt đầu chương trình của mình với bài “Over the rainbow”. Bài hát đã gắn liền với tên tuổi của Judy Garland trong phim “Wizard of oz”. “Somewhere over the rainbow, Way up high. And the dreams that you dreamed of. Once in a lullaby. Somewhere over the rainbow. Blue birds fly. And the dreams that you dreamed of. Dreams really do come true ooh oh…”
Như một huyền thoại, nếu bạn thấy cầu vồng, nhắm mắt và bắt đầu ước, mở mắt ra, cầu vồng còn đó, thì mơ ước của bạn sẽ thành sự thật. Nội dung bài hát nói về những giấc mơ và những nguyện ước trên cao tít tầng mây, nơi có cầu vồng, có những cánh chim xanh. Một ngày nào đó mơ ước có thể thành sự thật. Thùy Linh cũng có ước mơ như mọi người, cô mong mỏi ước mơ của cô và mọi người đều thành sự thật. Và cô đang thực hiện một trong những ước mơ đó là đem nhạc Jazz vào cộng đồng các sắc tộc khác nói chung và cộng đồng Việt nói riêng.
MC Kiều Hạnh đã nói sơ về tiểu sử và giới thiệu Thùy Linh như một người có vóc dáng nhỏ bé nhưng lại tiềm tàng một ý chí và sức phấn đấu mãnh liệt với đời sống cũng như âm nhạc nhất là Jazz. Chính điều này đã lôi cuốn được Kiều Hạnh và nhóm bạn cô có mặt hôm nay để giúp đỡ và ủng hộ Thùy Linh.

Chủ đề trình diễn đêm nay là Jazz nguyên thủy, nên Thùy Linh đã giới thiệu một số bài Jazz rất xưa để mọi người biết thêm về lịch sử của Jazz.
Cô giải thích thêm về định nghĩa của nhạc Jazz bằng các câu hỏi của cô và câu trả lời từ phía khán giả như “Ai có thể định nghĩa tóm tắt Jazz là gì trong một từ?”. Có những câu trả lời như “phê”, “ngẫu hứng” hay “nhịp chỏi”. Sự tương tác giữa Thùy Linh và khán giả khiến bầu không khí sôi động hẳn lên. Cô nói tất cả các câu trả lời đều đúng vì chúng ta có cảm giác “tự do” khi nghe và hát Jazz. Tuy nhiên “tự do” không có nghĩa là “muốn hát sao thì hát” mà người hát vẫn phải đi theo lề luật của bài nhạc và ban nhạc. Sự ngẫu hứng, truyền cảm hứng làm cho người hát được quyền hát khác đi. Hơn thế nữa, nó khuyến khích tinh thần sáng tạo cho ra cái mới, cái lạ, hơn là gò bó theo một khuôn phép bắt buộc của tác giả viết nhạc. Nó tượng trưng cho việc làm mới của chính người hát.
Cô bắt đầu hát biểu diễn những nhịp điệu khác nhau trong Jazz như Blues, Swing, Ballad hay Bossa Nova bằng từng đoạn ngắn hay nguyên bài. Bài “Georgia on my mind” được đưa ra làm ví dụ cho thể điệu Blues. Ðây là một bài Jazz nguyên thủy rất xưa, nổi tiếng với tiếng hát Ray Charles. Bài này đã chính thức trở thành tiểu bang ca của tiểu bang Georgia Hoa Kỳ năm 1979. Sau đó những bài hát được lần lượt trình bày như “Fly me to the moon”, Body&Soul, Besame mucho”,…”.
Khi Thùy Linh qua phần nhạc phổ thơ, cô trình diễn hai bài hát đã gây nhiều ấn tượng cho khán thính giả. Bài “Bé Hoa Sen” đã làm mọi người xúc động, riêng tôi thì rưng rưng muốn khóc. Bài “Lotus child, tức Bé Hoa Sen” lời Anh của Bashou, lời Việt J Dovinh và Nguyễn Ðức Ðạt. Bài này được Thùy Linh sáng tác để tưởng nhớ các nạn nhân Việt Nam còn sống sót qua các tệ nạn buôn người. Thân phận đau xót của những người con gái Việt ấy không thua gì thân phận người Mỹ Châu Phi ngày xưa đã làm cô cảm động. Sự đồng cảm khiến cô nghĩ nhạc Jazz thể hiện được nỗi đau cùng cực và đắng chát của thân phận bạc bẽo của các thiếu nữ Việt Nam đã lâm vào các cảnh khốn khổ đó. (“Lotus Child” live in concert, May 2012 –https://www.youtube.com/watch?v=SeAM70-OZsk)
Bài thứ nhì, cô đã phổ thơ Hồ Xuân Hương vào nhạc. Cô viết nhạc và lời Anh. Ðó là bài “Quả mít/Jack Fruit”. Nhịp điệu Bossa Nova/Calypso trong bài “Jack Fruit” đã mang lại không khí tươi vui pha chút lẳng lơ, lãng mạn cho buổi nhạc thính phòng.
Ðiều đặc biệt trong show của TL là cô luôn khích lệ các ca sĩ nhạc Jazz khác tham dự chương trình của cô, kể cả những người chưa từng hát Jazz muốn thử nghiệm thể loại nhạc này. Sự góp mặt của Mạc Vũ-Phạm Gia Cổn là một thí dụ điển hình, khi ông giới thiệu ông chưa từng bao giờ hát trên sân khấu, dù ông có sáng tác nhạc. Ông nói, ông có một giọng rất khàn chỉ để hút thuốc lào, nhưng lại được TL khuyến khích rằng “giọng này hát Jazz được” nên ông muốn thử. Mạc Vũ là một bác sĩ đã về hưu, ông còn là một nghệ sĩ thổi kèn Saxophone rất độc đáo. Ngoài ra ông sáng tác nhạc và là chưởng môn Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc có chi nhánh ở nhiều nơi. Ông đã song ca cùng Thùy Linh 2 bài hát ông phổ thơ theo nhịp điệu Bossa Nova, bluesy, có tên “Once my fairy tale-Ðã một lần” (thơ Ðịnh Phương) và “Afternoon longing-Buổi chiều, nhớ” (thơ Như Thường). Thùy Linh hát tiếng Anh lời Anh do cô dịch, Mạc Vũ hát lời Việt. Màn song ca rất thú vị và tạo không khí hứng khởi cho cử tọa.

Một giọng Jazz nữ người Phi cũng tham dự đêm đó là Joni Villamil. Cô học âm nhạc ở Cerritos College và từng đoạt 2 giải thưởng thanh nhạc và một giải Spotlight Award cho ca sĩ hát hay nhất nhịp Bossa Nova của cộng đồng Phi Luật Tân. Cô trình diễn bài “Ipanema và Night and Day” thật dịu dàng và duyên dáng trong nhịp Bossa Nova và Med. Swing.

Xen kẽ vào những tiết mục ca nhạc là những màn độc tấu kèn Saxophone của Mạc Vũ và Douglas Hachiya. Dĩ nhiên ban nhạc là những người không thể thiếu trong một show diễn. Ðêm đó Mina Choi là người chơi dương cầm, sử dụng Bass là Stephen Dizon, Douglas Hachiya chơi cả trống và Alto Saxophone.
Thùy Linh đi lại và lên xuống sân khấu hơi khó khăn và phải nghỉ ngắt quãng nhiều lần vì đôi chân bị mỏi. Tuy nhiên, lúc nào cô cũng giữ được vẻ hạnh phúc vì đang thực hiện việc mình ưa thích. Tôi cũng vui vì đêm ấy khán giả hiện diện đầy phòng. Tôi ước mong người con gái yêu Jazz này được thành công và như nguyện.

TT