Menu Close

Ngũ Hành Sơn

ngu-hanh-son-da-nang

Ngày nay, con đường lớn Lê Văn Hiến trơ mặt nghẹt những vết chằng chịt của bánh xe đưa khách Trung Quốc đến với đất Ngũ Hành Sơn, nơi có chùa Quán Thế Âm đông nghẹt khách xin quẻ, có làng đá non nước với những bức tượng tạc từ đá nổi tiếng nhiều nơi.

Con đường Lê Văn Hiến ngày nào chật hẹp với khoảng 10 chuyến xe buýt tuyến Ðà Nẵng – Non Nước – Hội An không còn nữa. Chỉ trong vòng 12 năm, từ ngày tôi vào đại học, con đường đầy bụi, lổm chổm ổ gà, bề ngang chưa đầy 15 mét ấy đã trở thành một trong những con đường rộng, đẹp nhất Ðà Nẵng.

Ngày nay, ngã tư đường Hồ Xuân Hương nối với đầu đường Lê Văn Hiến dẫn ra biển không còn lãng đãng chiều sinh viên rủ bạn ăn kem khi nhận được tiền dạy thêm nữa, thay vào đó là những hàng quán cho khách Trung Quốc, những biển hiệu tiếng Trung, những đoàn người kéo dài lê thê với tiếng ‘tung của’ và rác vứt lại nơi họ đi qua.

Ngũ Hành Sơn cũng là nơi mà câu chuyện bà La Sát buồn tình còn rợn rợn trong từng thớ đá. Những thớ đá non nước vân nâu, màu trắng sữa đi ra khắp ba miền, xuôi ra Bắc, lạng lách qua những con đường quanh co, những con đèo để đến cửa biên giới Tân Thanh, tìm sang Trung Quốc như một miền đất hứa. Và dường như xứ Việt trong vài chục năm nay vẫn luôn ngộ nhận Trung Quốc là miền đất hứa. Không ít trường hợp như vậy. Sự ngộ nhận này cũng khiến cho người ta đi đến một ngã chấp khác, đương nhiên. Cái miền đất hứa của nhà buôn, người sản xuất đá mỹ nghệ đôi khi cũng giống như thứ tình yêu cay đắng, cố chấp và có chút gì đó hằn học của bà La Sát trên đỉnh Ngũ Hành Sơn.

Tượng sư tử ngày nay nhìn dữ, và tượng nghê được bày bán khắp nơi.
Tượng sư tử ngày nay nhìn dữ, và tượng nghê được bày bán khắp nơi.

Thuở khu vực Non Nước Ngũ Hành Sơn còn thưa dân cư, có nhiều câu chuyện về hình ảnh bà La Sát bay từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác trong những đêm trăng mờ và tiếng cười của bà làm nhiều gia đình phải bỏ xứ mà đi! Dường như bất kỳ đôi lứa yêu đương nào đến Non Nước, thậm chí đã cưới nhau mà chưa có con đều không dám đến dạo chơi Non Nước. Bởi đến Non Nước xong thì về nhà cách gì cũng bỏ nhau. Ðiều này nghe ra có chút gì đó hơi giống với chùa Linh Mụ trên đất Huế, thường thì khi các cặp bỏ nhau, thường ca thán “biết vậy đừng dắt nhau đi Linh Mụ!”. Câu chuyện đúng sai, hư huyễn bao nhiêu không biết nhưng thực sự thì có một bóng ma nào đó đang phủ trên đỉnh Non Nước thời bây giờ.

Như lời của bà Huyện, sống ở Non Nước sáu mươi tám năm nay và bà là đời thứ ba sống ở đây:

– Bây giờ khó bề mà phân biệt đâu là ma đâu là người!

– Nghĩa là sao cháu vẫn chưa hiểu bà ơi?

– Thì ngày xưa, nơi đây chỉ có một bà La Sát và bà ấy cũng nằm trong chuyện kể nghe hoang đường thôi. Vì núi bao bọc, ban đêm thanh vắng, nhiều khi có ai đó cười từ ở một chỗ nào đó, vọng ra khắp nơi thì người ta lại nghĩ như vậy. Ngày nay lại khác, người ta có cười cả nhà cũng không ai nghe, nhưng lạ là vẫn có một bóng ma nào đó. Những cái bóng ma đó làm cho thanh niên thì đâm ra hư hỏng, người lớn thì đâm ra thực dụng, tầm thường!

Non nước nhìn từ ngọn Thủy Sơn
Non nước nhìn từ ngọn Thủy Sơn

– Bà nói như vậy, nghe ra hình như bà muốn nói đến chuyện du lịch làm cho người ta chỉ biết kiếm tiền và kiếm tiền bằng dịch vụ?

– Không phải cháu à, nếu chỉ biết kiếm tiền và kiếm tiền thì cũng không hẳn là sai hay xấu. Mà cái kiểu kiếm tiền đạp lên lương tâm mới là xấu. Bà thấy đau nhất là các làng nghề bây giờ trá hình nhiều quá. Như tượng đá Non Nước là nhà bà đã có ba đời làm tượng, nhìn qua là bà biết ngay tượng nào làm từ đá của hòn núi nào. Ví dụ như hòn Thủy Sơn thì màu đá xám hơn, hòn Hỏa Sơn thì đỏ, Kim Sơn thì trắng, Mộc Sơn thì xanh, Thổ Sơn thì vàng. Ngày xưa ông bà mình đặt Ngũ Hành Sơn là căn cứ vào màu đá. Vậy mà bây giờ đụng đâu cũng thấy đá Non Nước, cái nào cũng khăng khăng là đá Non Nước, mà thực ra là bột đá tất tần tật.

– Bột đá được đúc thành tượng cũng tốt thôi mà bà? Vì đá ở đây giờ cũng chẳng còn mấy?

– Ðúng rồi, nhưng đúc thành tượng không thôi thì không sao, đằng này đúc cối đá là chánh, mà bán cho khách thì khẳng định một mực là đá Non Nước đục ra. Mà cháu biết đó, đá bột trộn với keo đúc thành cối, thành chày, khi giã thức ăn, đá và keo rã dần rã mòn và thấm hết vào thức ăn, độc lắm chứ đâu có giỡn chơi!

– Tượng thì sao bà, còn cái tượng nào bằng đá thật không?

– Còn nhiều chứ cháu. Thời ông bà, cha mẹ của bà làm tượng hoàn toàn khác bây giờ. Ngày đó người ta làm tượng bằng bàn tay đục đẽo, sự khéo léo và tỉ mỉ là chính. Không có tượng nào giống tượng nào, mặc dù cũng là tượng Phật nhưng lúc người thợ buồn thì gương mặt Ðức Phật có làm cách gì cũng thấy buồn, lúc người thợ vui thì tượng cũng vui. Người có dã tâm thì khó mà đục được bức tượng nhân hậu, ngược lại thì người nhân hậu, có đục tượng bà La Sát vẫn thấy sao bà La Sát này đáng yêu và dễ thương quá. Còn bây giờ thì đúc khuôn, cứ đúng một gương mặt. Riêng nhóm tượng sư tử, tượng con nghê thì bây giờ quá khác xưa. Ngày xưa tượng sư tử nhìn hiền, bây giờ dữ quá. Và tượng con nghê ngày xưa không có bởi đây là loại hàng do Trung Quốc đặt mua thôi. Chứ người Việt ít ai thờ mấy con này. Mà bây giờ đi bất kỳ nơi nào trong làng đá đều thấy loại tượng này bày ra đầy rẫy. Vì Trung Quốc người ta ưa loại tượng này. Cái bóng ma Trung Quốc nó phủ hết trơn ngọn núi này rồi. Nhớ chuyện hồi năm ngoái, có ông cán bộ Ðà Nẵng còn phát biểu ngay trong một cuộc họp cấp thành phố rằng ngày xưa Tôn Ngộ Không bị nhốt dưới núi Ngũ Hành Sơn. Ô mẹ ơi! Từ ngày lọt lòng tới giờ  bà mới nghe cái tin này, nghe mà hết cả hồn!

– Bây giờ nhà mình còn làm nghề tạc tượng không bà?

– Không cháu à, nhà bà nghỉ nghề này gần hai mươi năm rồi, từ khi nhà nước không cho khai thác đá Non Nước nữa thì nhà bà cũng bỏ nghề luôn. Làm nghề này nếu mà thật thà thì cũng chỉ đủ sống thôi chứ khó giàu lắm!

– Dạ.

Ngày nay, người du ngoạn Ngũ Hành Sơn không cần leo bộ mà có thể mua vé thang máy để lên thăm viếng ngọn Thủy Sơn.
Ngày nay, người du ngoạn Ngũ Hành Sơn không cần leo bộ mà có thể mua vé thang máy để lên thăm viếng ngọn Thủy Sơn.

Ngồi trò chuyện với bà cụ thêm một lúc, chuyện không đầu không đũa, cuối cùng tôi lại lang thang vào khu mua vé, mua bốn vé cho cả gia đình để đi thang máy một đoạn rồi tiếp tục trèo. Ðiều làm tôi kinh hãi nhất là đi đâu cũng gặp toàn người Trung Quốc, trong khu du lịch Non Nước có vẻ như tỉ lệ khách Trung Quốc ở đây rất cao, 80% đến 90% chứ không phải ít. Ði đâu cũng nghe xí lô xí là…

Vào động Âm Phủ, nhìn quanh, chỉ toàn là khách Trung Quốc. Cố tìm một người Việt thử xem sao, cuối cùng ông xã tôi cũng nhìn thấy một phiên dịch người Việt, ông lân la hỏi thăm:

– Xin lỗi, anh cho tôi hỏi thăm một chút, anh là hướng dẫn viên du lịch?

– Dạ đúng rồi. Có việc chi không anh?

– Tôi tìm một người phiên dịch tiếng Trung.

– Vậy thì anh chị chịu khó lại chỗ đoàn Trung Quốc tìm, chứ tôi thì chỉ phiên dịch tiếng Pháp, tiếng Anh thôi!

– Ồ, vậy mà tôi cứ tưởng!

– Tưởng gì mà tưởng ác vậy, bọn đó nó ồn ào lắm, tôi không bao giờ phiên dịch cho bọn nó mặc dù tôi biết tới 3 thứ tiếng gồm Anh, Pháp, Trung.

– Có vẻ như anh không ưa người Trung Quốc?

– Làm sao mà ưa được. Ðương nhiên là khách Trung Quốc cũng có người tốt kẻ xấu. Nhưng hiện tại, người tốt thì quá hiếm, mà kẻ xấu thì đủ dạng nên thôi, tốt nhất mình không đụng chạm đến họ, không qua lại gì cả. Bữa nào rảnh thì đọc sách, uống cà phê chứ quyết không làm phiên dịch cho họ.

Cái sự quyết tâm của người phiên dịch cũng như cái bóng ma Trung Quốc đang ám lấy Ngũ Hành Sơn từ chuyện tượng đá Non Nước toàn mô tuýp Trung Quốc đến cối đá giả bán cho người Việt và còn nhiều chuyện khác nữa, mà đau đầu nhất vẫn là chuyện hầu hết các cô gái Ðà Nẵng lấy chồng Trung Quốc đều ở khu vực Ngũ Hành Sơn này. Lạ!

H12

UC