Menu Close

Hồi hộp bầu cử Pháp

Thành phố Paris lại một lần nữa phải chịu cảnh khủng bố tấn công và lần này xảy ra chỉ cách ngày bầu cử tổng thống vòng một có ba ngày. Mặc dù sự thiệt hại không lớn: một cảnh sát chết và ba người khác bị thương, người ta vẫn phải đặt câu hỏi là lần khủng bố này có gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử hay không.

bau-cu-phap2
Bầu cử vòng một – nguồn The Economist

Trên đại lộ Champs-Élysées nổi tiếng ngay tại trung tâm của thành phố Paris, những nhân viên làm việc cho thành phố trong bộ đồng phục trắng đã có mặt trước lúc rạng đông hôm Thứ Sáu để rửa sạch những vết máu còn dính trên lề đường dành cho người bộ hành, nơi cuộc tấn công xảy ra – khung cảnh này đến nay đã trở nên quen thuộc với người dân Paris, nhưng dù sao vẫn mang chút không khí tang tóc, sau một loạt nhiều vụ tấn công đã làm thiệt mạng hơn 230 người tại Pháp trong khoảng hai năm qua. Sinh hoạt buổi sáng vẫn diễn ra đều đặn và mọi chuyện dường như có vẻ bình thường nếu như không có những chiếc xe của các đài truyền hình đang làm chương trình tin tức buổi sáng đậu nối tiếp nhau dọc theo đại lộ nơi hàng ngày tụ tập của rất nhiều du khách.

Hội đồng an ninh và quốc phòng của Tổng thống François Hollande cũng đã có một buổi họp khẩn cấp sáng hôm Thứ Sáu để xem xét lại kế hoạch nhằm đẩy mạnh thêm nỗ lực bảo vệ cho cuộc bầu cử vào ngày Chủ Nhật 23/4, nơi mà an ninh đã được siết chặt hơn bao giờ hết, với hơn 50,000 cảnh sát cơ động và binh lính, và cả nước Pháp đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp kể từ năm 2015.

bau-cu-phap3
Bích chương bầu cử ở Pháp – nguồn iStock

Có khoảng 67,000 phòng phiếu được mở ra khắp nước Pháp vào sáng Chủ Nhật cho khoảng 47 triệu cử tri Pháp đi bầu để chọn ra trong số 11 ứng cử viên ai sẽ là tổng thống tương lai của một nước Pháp đang phải đối diện với một nền kinh tế khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp cao, nền an ninh quốc nội đang gặp nhiều thử thách khi phải chống chọi với hàng loạt cuộc tấn công khủng bố, và một vấn đề quan trọng không kém là tương lai của nước Pháp trong khối Liên Âu. Trong trường hợp nếu không có ứng cử viên nào đạt được hơn 50 phần trăm số phiếu ở vòng một, và điều này đã được mọi người dự đoán, thì hai ứng cử viên về nhất nhì sẽ phải đối đầu nhau ở vòng hai diễn ra vào ngày 7 Tháng 5. Trong số 11 ứng cử viên, có bốn nhân vật được chú ý và được sự ủng hộ cao nhất trong những cuộc thăm dò ngay trước ngày bầu cử: Emmanuel Macron, ứng cử viên độc lập có quan điểm trung dung; Marine Le Pen, thuộc đảng cực hữu National Front  (Mặt trận Dân tộc); François Fillon, thuộc đảng bảo thủ Cộng hoà có quan điểm trung hữu; và Jean-Luc Mélenchon, thuộc phong trào La France insoumise (bất phục tòng) có quan điểm cực tả.

Theo các quan sát viên, cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật được cho là cuộc bầu cử khó đoán nhất trong nhiều thập niên qua.

Sau khi các phòng phiếu chính thức đóng cửa vào chiều Chủ Nhật, theo Bộ Nội vụ Pháp, có khoảng 69.42% cử tri toàn quốc đã đi bầu – tính ra là thấp hơn một chút xíu so với cuộc bầu cử năm 2012, được cho là cuộc bầu cử có số cử tri đi bầu đông hơn bình thường.

Ðến tối Chủ Nhật cùng ngày, kết quả của cuộc đếm phiếu cho thấy hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen về nhất nhì và sẽ đối đầu nhau trong cuộc bầu cử vòng hai. Với kết quả ở vòng một cho thấy hai điểm quan trọng: cuộc bầu cử 2017 ở Pháp đã làm thay đổi phần nào hệ thống chính trị của quốc gia này và là cuộc đối đầu giữa hai quan điểm trái ngược nhau về việc Pháp tham gia vào tổ chức Liên Âu.

bau-cu-phap1
Emmanuel Macron và Marine Le Pen – nguồn CNN.com

Ngay sau khi có kết quả, rất nhiều chính trị gia thuộc cả hai phe tả và hữu đã lên tiếng kêu gọi cử tri hãy dồn phiếu cho Macron trong vòng hai vì cho rằng quan điểm quốc gia quá cực đoan của bà Le Pen (chống Liên Âu và chống di dân) sẽ chỉ đưa nước Pháp đến thảm hoạ trong tương lai.

Kết quả của vòng một đã đặt cử tri Pháp vào thế buộc phải lựa chọn một trong hai quan điểm trái ngược nhau về tương lai của Liên Âu và vị trí của nước Pháp trong khối đó. Nó cũng đưa đến một cuộc đối chọi giữa một tầm nhìn tương lai theo chiều hướng lạc quan của Macron về một nước Pháp bao dung với cửa biên giới để mở ngỏ, đối lập với quan điểm u ám, thu hẹp hơn của Le Pen, kêu gọi việc kiểm soát biên giới, siết chặt an ninh, bớt thu nhận di dân và bỏ việc sử dụng chung đồng Euro để trở lại với đồng bạc Franc như trước đây.

Với Le Pen muốn rời khỏi khối Liên Âu và Macron muốn một sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa 28 quốc gia thành viên của khối, kết quả cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật sau một thời gian tranh cử gay go, căng thẳng và rất khó đoán trước cũng có nghĩa là cuộc bầu cử vòng hai sẽ là một cuộc trưng cầu dân ý để cử tri Pháp quyết định tương lai của nước Pháp có nên ở lại tiếp tục là thành viên của Liên Âu hay không.

Sự vắng mặt trong vòng hai của các ứng cử viên thuộc đảng Xã hội cánh tả và đảng Cộng hoà cánh hữu – là hai chính đảng đã liên tiếp thay phiên nhau cai trị nước Pháp từ hơn một thế kỷ nay – cũng đánh dấu một sự chuyển hướng cực kỳ quan trọng trong địa thế chính trị của nước Pháp.

bau-cu-phap
Cử tri ủng hộ Le Pen – nguồn Business Insider

Ngoài ra còn một vấn đề khác cũng rất hệ trọng: đó là an ninh của Âu châu nói chung, và của nước Pháp nói riêng, sau cuộc bầu cử vòng hai. Và cho dù ai thắng, chính sách an ninh của Pháp sẽ có nhiều thay đổi.

Pháp là một trong hai cường quốc có vũ khí hạt nhân ở Âu châu, với sức mạnh quân sự đứng hàng thứ sáu trên thế giới và giữ một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Cứ thử tưởng tượng nếu như một chính quyền tương lai của nước Pháp bỏ hẳn chính sách an ninh và ngoại giao đã được theo đuổi từ suốt 65 năm qua và đi theo một hướng khác thì rất có nhiều khả năng sẽ đưa Âu châu và thế giới Tây phương vào một cuộc khủng hoảng lớn.

Nền an ninh của phương Tây mà gặp khủng hoảng thì người được hưởng lợi nhiều nhất không ai khác ngoài Tổng thống Vladimir Putin của Nga. Hiện các cơ quan an ninh của Mỹ đang điều tra tìm hiểu thực hư xem Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử vừa qua tại Hoa Kỳ hay không. Việc Nga có mưu đồ gì trong cuộc bầu cử ở Pháp thì không rõ, nhưng một điều mà ai cũng biết là nếu như có một vài kẽ hở nào đó để Nga có thể gây rối phương Tây thì chắc chắn Putin sẽ tìm cách khai thác.

Ứng cử viên Marine Le Pen thường tỏ ra không có thiện cảm với tổ chức Minh ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), cho rằng thời của NATO đã qua rồi và Pháp ít ra là nên đứng ngoài nhóm những quốc gia lãnh đạo của liên minh, nếu như không muốn bỏ hẳn tổ chức bao gồm 28 nước thành viên này. Ðảng National Front của Le Pen đã từng lên tiếng ủng hộ việc Nga sát nhập bán đảo Crimea sau khi ngang nhiên chiếm lại từ Ukraine và kêu gọi phương Tây chấm dứt việc trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Chính sách an ninh của Emmanuel Macron không đến nỗi quá cực đoan như của Le Pen. Nhưng ông này cũng tỏ ra không mấy ủng hộ chính sách an ninh như hiện nay của nước Pháp.

Thay vào đó, Macron kêu gọi thúc đẩy kế hoạch để Âu châu tự thành lập riêng một mạng lưới phòng thủ nằm ngoài cơ cấu của NATO. Ý kiến này không hẳn là mới và đã được bàn tới nhiều lần trước đây, nhưng nay càng ngày càng được ủng hộ mạnh hơn ở Âu châu vì nhiều người lo ngại không biết chính sách của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Âu châu dưới thời của chính phủ Donald Trump sẽ như thế nào. Nỗi lo ngại này thực ra có cơ sở chứ không hẳn hoàn toàn vô lý.

Nói tóm lại, quan điểm của Le Pen là an ninh quốc phòng Pháp phải là của Pháp, trong khi của Macron thì là an ninh quốc phòng Pháp phải nằm trong an ninh chung của Âu châu. Và cho dù ai thắng trong cuộc bầu cử vòng hai tới đây thì với hai quan điểm trên sẽ đưa tới ít nhiều thay đổi không thể tránh được.

Thế nên, đã có người nói rằng cuộc bầu cử ở Pháp năm nay có tầm quan trọng còn hơn vụ Brexit ở Vương quốc Anh vào mùa hè năm ngoái. Brexit thì chỉ riêng Anh rời khỏi khối Liên Âu, trong khi kết quả bầu cử ở Pháp có nhiều khả năng không chỉ dẫn tới việc Pháp rời khỏi Liên Âu (Frexit) mà còn có thể có những thay đổi trong cơ cấu an ninh của Âu châu đã có từ sau Thế chiến II.

Mặc dù cuộc bầu cử vòng đầu ở Pháp đã xong, nhiều người vẫn còn hồi hộp chờ đợi cuộc bầu cử vòng hai đúng hai tuần sau đó.

VH