Kính thưa bác sĩ, khoảng gần một năm nay tôi thường xuyên đau tức ở dưới xương sườn bên phải, khoảng 3 giờ sau bữa ăn. Cảm giác đau tức giảm dần rồi dứt hẳn sau khi đi đại tiện hoặc trung tiện nhiều lần trong ngày. Tôi đã chích ngừa viêm gan siêu B cách đây một năm.
Xin bác sĩ vui lòng cho biết đây có phải là do bệnh sỏi mật không. Lê Tịnh Thông.
Đáp
Thưa ông Thông. Cảm giác đau ở phía dưới xương sườn bên phải có thể là do nhiều nguyên nhân trong đó sỏi túi mật là một. Chúng tôi đề nghị với ông xin bác sĩ gia đình chụp cho một hình X-quang ở vùng đó thì khám phá ra ngay. Nếu có sỏi mà không có triệu chứng đau trầm trọng thì có thể quan sát. Khi đau thường xuyên với vàng da thì cần giải phẫu loại bỏ sỏi mật.
An toàn nhà ở
Một lão niên hỏi thăm làm sao có an toàn nơi nhà ở, xin đề nghị một bản kiểm điểm dưới đây :
- Cần lau khô ngay khi sàn nhà bị ướt vì bất cứ lý do gì để tránh trơn trượt.
- Cần giữ sàn nhà và cầu thang không bị các vật linh tinh nằm vương vãi cản trở bước đi.
- Giữ cất các dụng cụ cần thiết ở các tầng tủ vừa tầm tay với tới.
- Khi đánh bóng sàn nhà, nên dùng loại sáp không trơn trượt.
- Thảm nhỏ trải trên sàn nhà phải là loại bám vào sàn, không trượt khi bước lên.
- Không nên trải tấm thảm nhỏ ở đầu và cuối thang lên lầu vì dễ trơn tuột.
- Không dùng những tấm thảm đã rách, có xơ làm vướng chân.
- Ở buồng tắm: trải thảm cao su hoặc dán những miếng cao su nhỏ trong bồn tắm để tránh trợt té khi đang tắm; dựng tay vịn ở thành bồn tắm; để xà phòng nơi dễ với tay lấy.
- Không có vật cản trở ở hành lang thông từ phòng này sang phòng khác, nhất là từ phòng ngủ sang phòng tắm.
- Dây điện thoại, dây điện nối nguồn điện với máy truyền thanh, truyền hình cần được thu gọn trong mép tường, không cản trở lối đi.
- Cần có đầy đủ ánh sáng trong các phòng. Nút mở-tắt đèn nên đặt gần cửa ra vào cho tiện dùng; có đèn mờ suốt đêm trong phòng tắm, hành lang, cầu thang.
- Thang lầu có tay vịn suốt chiều dài của thang, tay vịn to vừa bàn tay nắm; bậc thang không lung lay; nếu có trải thảm thì thảm phải được gắn chặt vào bậc thang.
- Việc sử dụng thang bước cao và ghế đẩu: Thang và ghế phải ở tình trạng tốt, vững chắc, đặt trên mặt phẳng, rắn, thăng bằng. Khi leo lên thang thì mặt phải đối diện với bậc thang; không đứng trên bậc cao chót của thang.
- Sử dụng giầy dép: giầy phải có đế bám sát trên mặt sàn hay mặt đường. Không nên mang tất khi đi đứng trên sàn nhà gỗ hay đá hoa vì trơn trượt.
- Cần luôn luôn đề cao cảnh giác với các nguy cơ bất chợt có thể xảy ra. Coi chừng đồ chơi trẻ con vung vãi trong nhà hay chó mèo luẩn quẩn vướng bước chân.
- Khi ôm vác đồ vật cồng kềnh đừng để chúng cản tầm nhìn của ta.
- Khi nghe tiếng chuông điện thoại hay chuông gọi cửa, không hấp tấp vội chạy đến trả lời.
- Khi đứng lên hay ngồi xuống, nên chậm rãi, tránh té ngã vì chóng mặt, mất thăng bằng.
- Ngoài sân, vườn: quét sạch lá, rác rưởi trên lối đi. Dụng cụ làm vườn cất dọn vào kho an toàn. Nên có thảm chùi chân ở ngưỡng cửa.
- Uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng, giờ uống.
Một số điều cần lưu ý khi uống rượu
Uống rượu dù nhiều hay ít cũng nên nhớ một số vấn đề sau đây:
- Rượu và thuốc acetaminophen( Tylenol) không đi đôi với nhau được, nhất là khi cả hai đều được dùng ở mức độ cao vì cả hai đều do gan chuyển hóa và đưa tới suy yếu các chức năng của gan.
- Các thuốc chống đau nhức không có steroid như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen đều kích thích niêm mạc bao tử, đưa đến viêm bao tử, giống như tác dụng của rượu. Khi dùng các thuốc này mà uống nhiều rượu thì nên coi chừng vì bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Thuốc trị trầm cảm và rượu đều có tác dụng làm dịu thần kinh, mà nếu dịu quá thì lại có nhiều hậu quả không tốt. Vì sẽ có tai nạn khi lái xe tự động, giảm chức năng nhiều cơ quan, đưa đến khó thở, buồn ngủ, huyết áp thấp, hôn mê.
Bệnh nhân đang uống loại thuốc tâm thần Monoamine Oxidase (MAO) đều không được uống rượu vì tương tác mạnh của hai thứ.
- Tại các trung tâm chữa ghiền rượu, người bệnh thường được cho uống thuốc viên loại Disulfam. Ðây không phải là thuốc chữa nghiện rượu, mà chỉ là thứ thuốc “răn đe”, nhắc nhở người ghiền đừng uống rượu. Vì khi đã uống Disulfam thì dù chỉ uống một tý rượu là mặt mày nóng bừng, ói mửa chóng mặt, huyết áp giảm, tâm thần bấn loạn rất khó chịu. Mỗi lần nghĩ tới phản ứng này là người nghiện sẽ ghê sợ, không dám uống rượu nữa.
- Ðang uống thuốc cầm máu, đang có bệnh tiểu đường thì không nên uống rượu vì rượu làm chuyển hóa thuốc cầm máu, máu loãng hơn cũng như rượu giảm đường trong máu khiến có cơn thiếu đường trầm trọng.
- Người uống rượu mà hút tới một bao thuốc lá mỗi ngày thì có nhiều nguy cơ ung thư phổi hơn người không uống rượu.
7- Bia có nhiều Purine, tiền thân của uric acid, nên người bị thống phong (Gout), không nên uống để tránh cơn đau nhức ngón chân.
- Người bị cao huyết áp uống nhiều rượu cũng dễ bị cơn huyết áp đột ngột lên cao.
- Có người cho là rượu làm tăng khả năng hoạt động tình dục. Ðiều này chỉ đúng khi uống một chút rượu trong lúc tâm thần thư giãn, dục tính lên cao vì rượu có khả năng kích thích. Còn khi uống nhiều, rượu không những không làm tăng mà còn có khả năng làm mất khả năng hoạt động tình dục.