Menu Close

Về xứ Bắc (kỳ 4)

xu-bac6
Một góc của “khu phố Tây ba-lô Ninh Bình”, một du khách Tây ba-lô chuẩn bị “phượt” đường dài! Đối diện là nhà hàng Trung Tuyết.

Kỳ 4

Phố Tây Ninh Bình hay “Hạ Long trên cạn”?

Bố già Hà Nội, chẳng thể thuyết phục tôi và gã bạn Nghiêm Chỉnh với bữa lẩu trâu hay thịt chó Nam Ðịnh. Tôi, cũng chẳng phải do Mỹ hóa mà ngàn đời không bao giờ ăn thịt chó. Có lẽ, sẽ khó để truyền đạt một thông điệp nhân bản giữa một xã hội ngày càng sa lầy trong rượu thịt, hay cực kỳ phàm thực trước bất kỳ những sinh linh nào còn lúc nhúc trên trái đất này.

Ðồng hành Nghiêm Chỉnh, vẻ như rất hào hứng với cái góc “phố Tây Ninh Bình” hơn cả chuyện mèo chó, gã bạn đã không ngừng thuyết phục, “Mỹ Hạnh phải đến cho biết!”

xu-bac8
Nhà ga Ninh Bình cũ giờ đã thành một Hostel và được thiết kế theo phong cách Haussmann

Con phố Hoàng Hoa Thám, một góc phố Tây nho nhỏ mới chớm ở Ninh Bình, nó mang vẻ sơ khai của khu phố Tạ Hiện-Mã Mây ở Hà Nội hay Bùi Viện-Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn. Cứ điểm của những khách du lịch phương Tây là một khu vực nhà ga Ninh Binh cũ nằm ngay ngã ba Hoàng Hoa Thám và Ngô Gia Tự, đúng theo lối quy hoạch Haussmann từ Paris. Dưới trào lưu kiến trúc đô thị Haussmann, tất cả các công trình điểm nhấn đều nằm ở cuối con đường, ví như ga Hà Nội nằm ở cuối đường Trần Hưng Ðạo, Nhà Hát Lớn nằm cuối con đường Tràng Tiền, và ở Ninh Bình cũng vậy. Dù chỉ là một nhà ga nhỏ bé vùng trung du Bắc bộ, nhà ga này cũng nằm cuối con đường Hoàng Hoa Thám và giờ đã biến thành một Hostel rất “tây ba lô” với bài trí năng động, sảnh rộng, bàn café… nơi chia sẻ, tin nhắn của những khách Tây muốn tìm người đi chung. Bên hông đằng sau là một garage nho nhỏ với những chiếc xe Minsk, và như tay Nghiêm Chỉnh giải thích thì “để du khách có thể cưỡi những con ngựa sắt trâu bò xứ Belarus đi ‘phượt’ trên những ‘cung đường’ Bắc bộ.” Cái cứ điểm này quả thực là có phong thái khác hẳn với vẻ đìu hiu của Ninh Bình.

Khách sạn Queen cũng nằm trên khu phố Tây, và chỉ dăm bước đến cuối đường là đụng ngay cái hostel-nhà ga. Với kinh nghiệm chu du tứ xứ, chỉ sau khi tham khảo qua trang trip advisor’s, tôi luôn ưu tiên lựa chọn nơi nghỉ ngơi qua những trang có rating toàn cầu như Hotel, Booking, Agoda hay Trip Advisor. Hẳn nhiên là chi phí có thể đắt hơn so với những khách sạn không nằm trong rating ở Việt Nam nhưng nó chắc hẳn tốt hơn nhiều khách sạn, nhà nghỉ khác dù có khang trang, sạch sẽ hơn nhưng vẫn nằm trong cung cách quản lý cũ và “ngoài luồng toàn cầu”, như cách nói của gã bạn Chỉnh.

xu-bac7
Điểm thuê xe máy ở con phố Hoàng Hoa Thám

Ngày gió bụi, lao đao sau cái yên xe của gã Chỉnh, tôi thèm mỗi cái duỗi người với chăn đệm. Gã Chỉnh thì còn nhau nhảu thêm về cái “địa chỉ đỏ của Lonely Planet”, một nhà hàng kiểu gia đình của người Việt nằm kế cửa Queen hotel.

Nhà hàng Trung Tuyết đã có tiếng lâu năm ở chốn này nhưng vẫn nằm trong quy mô gia đình, cha và mẹ nấu đồ ăn trong bếp, hai người con gái và cậu con trai với chút vốn tiếng Anh đầy accent thì phụ tiếp khách. Không gian mang vẻ bình dân của một cái quán ăn bản địa, khá tấp nập vào giờ ăn tối. Ðối diện bên đường là một quán nhỏ mang phong cách retro có vẻ khá gần gũi với khách Tây, quán mới mở nên miễn phí cho thực khách một chai bia.

Ði “phượt” kiểu Tây balô là hình thức du lịch bụi, độc lập và hơn hết là tiết kiệm tối đa, không bị vướng vào những tour shopping, làng nghề mặt nạ láng trơn của ngành công nghiệp không khói. Ðông Nam Á ngày dần trở thành quen thuộc khá được yêu thích của những Backpacker Tây. Những trang mạng du lịch nổi tiếng với những ấn phẩm travel trở thành “kinh thánh” của dân phượt tây như “Lonely Planet”, “The Rough Guide”  với chuỗi khách sạn giá rẻ ăn theo phong cách “Backpacker hostel”. Quán ăn thì giá cả phải mềm, hoặc siêu rẻ.

xu-bac5
Sạp bán dê núi Ninh Bình dọc bên đường vào Tràng An. 350.000 VND/kg mại dzô và tận mắt mục kích việc xẻ thịt

Ninh Bình, đêm không mang sự ồn ã của khu phố Tây Hà Nội hay Sài Gòn, thị trấn lẻ loi và chẳng là đón đợi của những háo hức. Bữa tối của tôi thêm món bánh crepe chuối lạ vị mà những ai đến đây nên thử. Chỉ vài hôm trước, một tôi với Bố già Hà Nội, với những thanh la của bảo kê công an xã, và chuyến viếng thăm của lính lác xã hội đen… Cuộc sống ở xứ sở này như những cơn giông lạ, khiến tôi lả người.

Ngày sau là lịch trình Tràng An. Ðược vinh danh là di sản văn hóa địa mạo, địa chất của UNESCO, quần thể này đã được tập đoàn Xuân Trường, Ninh Bình đưa vào kinh doanh và quản lý. Việc thực tế là các điểm nhấn về danh thắng ở Việt Nam lần lượt rơi vào tay các tập đoàn như Sun Group, Xuân Trường, hay Vin Group, FLC, etc… có thể khiến nhiều người đặt dấu hỏi. Bên cạnh việc các địa điểm du lịch được đưa vào khai thác có hệ thống, và cũng như gã Nghiêm Chỉnh nhận xét thì, “nó cũng có thể tạo ra những hệ lụy mà có lẽ chưa ai lường trước hết. Và vẫn đang dấy lên những câu hỏi đáng suy tư!?”

Hội kiến trúc sư Việt Nam từng lên tiếng về ngôi chùa Bái Ðính mới to mà không tinh này. Thực ra ngành kinh doanh văn hóa tâm linh không mới, vì một trong những người nổi danh với nghề buôn thần bán thánh ở quy mô công ty là tay “Dũng lò vôi” ở tỉnh Bình Dương với Ðại Nam Quốc Tự. Việc một nền văn hóa Việt Nam trở lại sự đậm nét duy linh nên công việc kinh doanh chùa chiền cũng trở nên phát đạt với những Ðạo tràng và Chùa chiền mới được xây mỗi lúc một nhiều hơn, những hòm công đức cũng trở nên to thô ráp và tanh mùi kim tiền hơn. Du lịch văn hóa tâm linh ở Việt Nam dần lợt lạt như tách trà mạn đã pha qua mấy đợt, đã dần mất đi những hương vị.

xu-bac4
Rôm rả bến thuyền tấp nập. 150,000đ/chuyến được nhà đò trả cho người lái đò

Ðường vào Tràng An trước khi “lạc cảnh bồng lai ở thiên đường Hạ Long trên cạn” với những rặng đá vôi trầm uẩn, là những con dê núi nằm chỏng gọng dọc hai bên đường. Có thể là nguyên một con dê, hay chí ít là nửa thân dê có đầu với cặp sừng cong chĩa được thui vàng.

Ở  xứ sở văn minh, việc mổ xẻ những con vật như thế này nên được đưa vào sau cánh gà. Nhưng dường như với người Việt, đó là một sự kích động nguyên thủy khi họ được tận mắt chứng kiến một con vật được mổ xẻ, không chỉ là những giề thịt tươi được phơi bày để thưởng thức như một món ăn. Mỗi kg thịt dê thui được rao bán từ 350.000/kg, nó hoàn toàn không rẻ so với mức giá các loại thịt khác. Những người Á đông như Trung quốc, Việt Nam lại có thể thích thú những món như tay gấu, dê núi, hươu sao, v.v…

Những ngày ở Hà Nội, tôi thấy những quán xá với những biển hiệu gà Mạnh Hoạch, dê núi Ninh Bình, v.v… Những món ăn có tính hoang dã là một sự hấp dẫn với người Việt, nó như sự ăn sâu vào tư duy của cái gọi là “của ngon, vật lạ” với thú săn sừng tê, ngà voi. “Họ chỉ dễ lừa phỉnh khách thập phương ra vẻ đây là dê núi hoang dã, thực chất những con dê bày bán đều là dê nuôi thôi,” Nghiêm Chỉnh nhếch mép, môi chỉ là một đường ngang chéo, gã bạn hẳn biết tỏng là tôi đã đang cực kỳ nhạy cảm trước những cái sừng nướng cong thui đen kia!

xu-bac2
Những con đò vào/ra trước cửa hang động trên Tràng An sông nước

“Dân Việt mình hay bày những xác súc vật được giết mổ để thêm phần kích thích, nó dường như làm cho những người mua trở nên hưng phấn. Cũng giống như những hủ tục đâm trâu, chém lợn ở làng quê mà người ta rồ dại tung hô, những hủ tục lạc hậu ngấm sâu trong tập quán, càng sống động, càng rùng rợn, càng kích thích cái gì đó rất hoang dã của con người. Ở đường lên chùa Hương, người ta còn treo xác động vật ngay cả ngoài quán liền liền. Cứ sự mông muội!”, gã Chỉnh, vẻ lơ đễnh trong làn khói Vinataba nội địa, những suy nghĩ của gã, có khi không còn chỗ cho sự tức giận, cũng chẳng có chỗ cho niềm hy vọng.

“Bắc bộ thì phổ biến nhất là đá vôi, nó chẳng phải là thứ làm nên những thành quách kiên cố, nhưng nó lại tạo ra hàng loạt những hang động ẩn mình, như động Hương Tích đã từng được vua Minh Mạng gọi là Nam thiên đệ nhất động, những lớp thạch nhũ đổ xuống quần thể sông nước có thể làm dân xứ khác trầm trồ, nhưng đấy là điều khá bình thường ở Bắc bộ.” Gã Chỉnh trở lại cái cung cách tự mãn hay những biểu cảm nhai nhái khi nói về một vẻ đẹp nào đấy. Chẳng hạn, như cách gã đặc tả về những rặng núi đá vôi thì cũng đã làm nên một thứ rất thâm trầm ẩn mình, ví như căn nhà ba gian của Bắc bộ ẩn mình trong lũy tre làng vậy!

Tôi và gã đồng hành, rồi cũng đến cái bến đò của quần thể Tràng An. Bên ngoài bến đò mới do tập đoàn Xuân Trường xây dựng là một loạt các kiosk được phân lô và bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Hai nhân viên ngồi đồng trong quầy Thông tin có vẻ khá cáu kỉnh khi thấy Nghiêm Chỉnh lấy những brochure về Tràng An. Có lẽ cũng giống như tình trạng quan liêu độc quyền thời bao cấp, họ đã dần tự cho mình mới có quyền ban phát những thông tin khi tập đoàn Xuân Trường độc quyền thâu tóm việc khai thác du lịch.

xu-bac3
Vive la France! Tay khách Tây cùng đò với tác giả, con đò kia với đoàn du khách Việt thì hoàn toàn thờ ơ với cái áo phao!

Vẫn như những khung cảnh du lịch thường thấy, kiểu du lịch Tây phương lặng lẽ đối chỏi với Á đông ồn ã bầy đoàn. Schopenhauer, người luôn đề cao sự tinh khiết của âm nhạc và coi rằng những ai ồn ào phá vỡ mạch suy tư cảm nhận của những người xung quanh thì thuộc về một thế giới kém văn minh hơn. Ðiều này cũng có vẻ đúng ở Việt Nam, nơi có thể thấy những cửa hàng ở trung tâm chốn thôn quê luôn đặt những loa thùng ngoại cỡ và tra tấn thính giác của người đi đường.

Nghiêm Chỉnh lấy hai vé đi đò của Xuân Trường với giá 200.000/vé. Cái bến đò cũng được mô phỏng có chút gì đó lai giữa chùa và đình, nhưng sự ồn ào của buôn bán khiến tôi khó có cảm giác nó thuộc về cái gì cổ kính; ngay cả những gam màu tối bóng lộn trên những cột kèo gỗ lớn ,cũng chẳng khiến tôi mơ hồ sự thanh tao như cái cách vãn cảnh sông nước tao nhã trong huyền sử đất Tràng An này.

Cùng đò có cặp đôi du khách Pháp, vẻ chút hào hứng chút lãnh đạm. Bốn cái áo phao cam chói của bọn tôi và cặp Tây cùng đò bỗng trở thành lạ lẫm với những đoàn đò của khách Việt nội địa, dù rằng nhiều người Việt cũng không rành bơi.

xu-bac
Tác giả và “mái chèo khua khúc phiêu du” giữa Tràng An

“Cái bến đò mới của tập đoàn Xuân Trường này cũng thủ tiêu luôn cái sinh kế của những nhà hàng, khách sạn tư nhân được xây ở bến đò cũ”,  gã Chỉnh rất hoàn hảo để là một đồng hành với những ý tưởng có phần sáng láng tri thức. Ðiềm đạm, dễ mến và thường khó nổi nóng.

Dạo cảnh sông nước mà chẳng tìm thấy sự minh nhiên thanh tịnh. Ba giờ đồng hồ cho một tour trên Tràng An sông nước. Từ động sang động, từ ồn ã đến ồn ào. Nó tựa như là  cả một vùng sông nước rộng lớn mà không thỏa chí, tôi lại  cảm thấy tù túng bởi những số phận gắn liền với cái bến đò và hai mái chèo.

Không cảm xúc của sự nỉ non sông nước. À, mà cậu thanh niên lái đò như lạc điệu, có nét gì đó rệu rã và cam chịu.

xu-bac1
Phủ Khổng cổ kính dưới chân núi Tràng An

Ðmh

Facebook: https://www.facebook.com/hanhphoto