Menu Close

Từ Ba Tri tới Cabra!

Tuồng “Ngao Sò Ốc Hến” của đất Quảng Nam, được soạn giả Năm Châu chuyển thể thành vở cải lương và nghệ sĩ lão thành Ba Vân làm đạo diễn.

Mới đầu, Thành Ðược đóng vai Huyện Trìa, Phượng Liên đóng vai Thị Hến…  Năm 1984, Thành Ðược đi hát bên Tây, nhân cơ hội, ‘dzọt’ luôn qua Mỹ mở nhà hàng. Phượng Liên thì cũng ‘dzọt’ theo chồng, bỏ hai vai nầy lại cho Thanh Ðiền (chồng), Thanh Kim Huệ (vợ) đóng.

Như vậy cũng hay! Vì đóng tới màn Huyện Trìa ve vãn Thị Hến là dê tới bến mà không sợ bị ai lột guốc, leo lên sân khấu, ‘quánh” ghen bất tử.

Sơ lược vở tuồng là: Ốc vào nhà Trùm Sò ăn trộm được một mớ, đem bán rẻ cho Thị Hến, vốn chết chồng, nhưng còn xuân hơ hớ!

Trùm Sò nhờ Lý Trưởng đến xét nhà, bắt được tang vật, liền giải Thị Hến lên Huyện Trìa nhờ phân xử.

Lý Trưởng và Trùm Sò biết làm luật ở chốn công đường nên cúng cho Thầy Ðề, Huyện Trìa một mớ. Nhưng những lễ vật hậu hĩnh nầy đều phải chịu thua cái vốn tự có của Thị Hến.

Không những bị thua kiện, Trùm Sò còn bị Huyện Trìa sai Lệ Cửu, đè ra đét đít vài hèo về tội chơi trèo… dám đi thưa Thị Hến.

Ðám tham quan ô lại nầy xúm giành con Hến, chơi xỏ nhau bằng cách đi méc vợ cả đám… Nên cuối cùng: Lý Trưởng, Thầy Ðề và Huyện Trìa đi ‘khám điền thổ’ Thị Hến chưa đâu vào đâu… thì bị mấy con ‘Sư tử Hà Ðông’ đến nắm đầu, nhéo lỗ tai, giải về chuồng cũ.

Từ tuồng hát nầy, những nhân vật nổi bật bước thẳng vào đời thường với:

‘Ðồ Trùm Sò’, chỉ kẻ có tiền nhưng keo kiệt, vắt chày ra nước, coi đồng tiền ở trên hết ráo.

‘Ðồ Thị Hến’ chỉ em nào ‘đèm đẹp’ mà lại khoái bẹo hình ẹo ẹo, lẳng lơ.

Thầy Ðề, quan lại ỷ có chút xíu quyền lực, trên đội dưới đạp, thấy Thị Hến là đòi ‘cạp’!

Còn quý ông anh mình lén vợ nhà, tính đi tù tí với ai kia thì gọi là: ‘đi khám điền thổ’.

Vụ nầy có tiền lệ rồi! Như: ‘nàng Kiều’ chỉ mấy em chuyên sống làm vợ hết người ta, đến khi chết ngắc làm ma không chồng.

‘Tú Bà’, tức ‘má mì’ thời nay, chuyên kiếm tiền bằng cách đưa người cửa trước rước người cửa sau.

‘Ðồ Sở Khanh’ chỉ kẻ chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao.

Nhưng nổi tiếng nhứt là Hoạn Thư, ghen thầy chạy, ghen hết biết trong truyện Kiều của Nguyễn Du.

o O o

‘Ông Già Ba Tri’ cũng na ná như vậy; dù không đi từ một tác phẩm văn học nào hết mà đi từ một giai thoại về một ông già ở cái đất Ba Tri bước thẳng vào đời.

Ba Tri nằm cuối Cù lao Bảo, giữa hai cửa sông lớn, nơi đến trước nhứt của những lưu dân từ miền Trung, theo ghe bầu vào lập nghiệp trên những giồng đất cao ráo của đất Bến Tre. Chỉ trong vòng hai thế kỷ, bà con mình đã biến Ba Tri, vùng đất hoang vu đầy  thú dữ thành một nơi trù phú trên đất Cù Lao.

Ông Già Ba Tri tên thiệt là Thái Hữu Kiểm, theo ông Nội là Thái Hữu Xưa từ  Quảng Ngãi vào Ba Tri khởi nghiệp từ thế kỷ 18. Sống lâu lên lão làng, lại có uy tín, nên bà con gọi ông là Cả Kiểm.

Năm 1806, Cả Kiểm dựng chợ Trong, bên cạnh rạch Ba Tri. Ðường thủy, đường bộ đều thuận tiện nên dân cư vùng lân cận kéo vào chợ Trong mua bán ì xèo, ngày một đông.

Từ hồi có chợ Trong, chợ Ngoài do Xã Hạc lập, đua không lại, bắt đầu ế khách,  vắng như  chùa Bà Ðanh.

Xã Hạc chơi ngặt, cho đắp đập, ngăn không cho ghe thuyền từ sông Hàm Luông vô chợ Trong buôn bán nữa. Chợ ế, dân khóc ròng. Nồi cơm của mình và bà con trong làng, mình làm Cả, nhờ vả vào cái chợ nầy mà buôn bán, mần ăn, sanh sống bấy lâu… nay nó chơi cái kiểu ngăn sông cấm chợ đâu có được hè!

Chữ cũng có câu rằng: “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co”. Cả Kiểm kiện lên quan huyện. Huyện quan xử: “Sông bên làng xã nó, nó có quyền đắp đập! Kệ cha nó!” Kiện lên quan Bố Chánh, tỉnh Vĩnh Long, Cả Kiểm lại bị xử thua.

Tức mình, Cả Kiểm cùng hai người bạn nữa là Nguyễn Văn Tới và Lê Văn Lợi, cơm đùm, cơm nắm lội bộ tuốt ra ngoài Huế để đi thưa tới ông Vua.

Ðường sá xa xôi diệu vợi, hơn cả ngàn cây số. Ðồi núi chập chùng, cheo leo, toàn cọp với  beo, vất vả trăm bề tới được kinh đô thì đã mất hết cả nửa năm trời.

Ngày xưa trong Ðại nội, kinh thành Huế, có cái trống Ðăng Văn. ‘Kích cổ đăng văn’ tức đánh trống trình đơn khiếu nại quan địa phương xử như vậy, oan ức cho con dân quá Hoàng thượng ơi!

Vua Minh Mạng, đích thân, truyền chỉ: Hàng tháng, cứ đến ngày 6, 16, 26 thì Tam Tòa (tức Ba Tòa quan lớn như xưa rày bà con mình thường nói): phải mở hội đồng để nhận đơn và xét xử các vụ kiện thưa của bá tánh trong cả nước.

Nghe tiếng trống, một trực thần từ Tam Toà ra nhận đơn, nhưng trước phải trói người đánh trống lại, giao cho lính canh giữ, để phòng khi có sự lợi dụng việc ‘kích cổ đăng văn’ mà vu cáo người ngay! (Nếu vu cáo là nhốt chú mầy luôn!)

Chuyện Ông Già Ba Tri kích cổ đăng văn, khiếu nại, cuối cùng được vua Minh Mạng xem xét, thấu đáo bèn truyền chỉ rằng: (Ðố quan nào dám cãi): “Lòng sông lòng rạch là của chung, không phải của làng này, làng kia nên quan huyện, quan phủ phải cho phá đập để dòng chảy được thông thương.”

Cả Kiểm chiến thắng, dắt đoàn quân chỉ có hai người, quay về dưới nắng hồng. Bà con trong làng reo hò tở mở!

Người dân cả nước nói chung đều thán phục; dù đường đi còn lắm chông gai, Ông Già Ba Tri cũng gỡ chông, lể gai ra mà đi tiếp, quyết vùng lên đấu tranh với bọn tham quan ô lại!

Ðừng sợ đấu tranh rồi không biết tránh đâu hay bị trâu đánh… thì đất nước mình mới mong khá lên được.

o O o

Nói nào ngay mấy ông già như tui, đầu óc u mê, còn mắc mứu về cách xử  án của mấy tay quan Tòa trong nước, nên vẫn không tin vào nền Tư pháp độc lập của nước Úc ‘Kăng gu ru’.

Cứ khư khư: ‘Vô phước đáo tụng đình’. Rất ngại lôi thôi cò bót! Bị đứa nào như thầy đội hay bọn ‘cáo sồ’ (council) lạm dụng quyền phạt vạ một cách vô lý, rõ ràng là nó hiếp đáp mình, vậy mà vẫn cắn răng mà chịu, chỉ tự an ủi ên là: “Nó hiếp đáp mình như nó hiếp đáp thằng Cha của nó vậy!”

Nhưng thế hệ thứ hai, sanh đẻ tại đây, con cháu mình, nó đâu có chịu. Hiếp đáp nó, nó thưa tới bến.

Chuyện vầy: Lúc 7giờ 23 phút, tối ngày 14 tháng Giêng, năm 2016, trạm xe lửa Liverpool, hai thầy đội Úc nghi ngờ chú em Việt Nam Mít, Hoang Thanh Le, 24 tuổi, người Cabramatta (gọi tắt là Cabra), chôm thẻ giảm giá dành cho người khuyết tật của ai đó, vì trông mặt mà bắt hình dong, chú em còn rất trẻ, ắt là phải khỏe…

Lời qua tiếng lại giữa đôi bên được ghi lại trên điện thoại di động để làm bằng chứng, để chú em nầy trình Tòa, cho thấy Thầy đội quy chụp chú em là ‘smart ass’ (láu cá), và còn hỏi: “Ê! Có bị điếc hay không?”

Thầy đội thách thức: “Cứ đưa lên các mạng truyền thông xã hội đi, rồi trở thành một anh hùng!”

Sau 4 phút 15 giây, bị buộc phải đứng đợi trên sân ga để thầy đội dùng ‘radio’ kiểm tra nhân thân, cuối cùng thì chú em nầy được hai thầy đội cho đi.

Và chú em cũng đi… nhưng đi thưa, đưa sếp trên cùng của hai thầy đội, tức chánh quyền tiểu bang NSW (New South Wales) ra Tòa!

Ông Tòa phán rằng: “Cảnh sát gọi nguyên đơn là ‘smart ass’ (láu cá) là không đúng mực! Việc cầm giữ dù chỉ 4 phút 15 giây nầy là sai!”

Ông Tòa ra lịnh chánh quyền Tiểu bang NSW phải bồi thường cho chú em Việt Nam Mít nầy 3,201 đô la về quyền lợi bị thiệt hại. Như vậy mỗi phút được gần 800 đô! Quá đã!

Từ đó mình rút ra được một bài học là: “Trong một đất nước tự do, có nền tư pháp độc lập, chí công vô tư, mình không làm gì phạm pháp là không sợ đứa nào hết ráo! Ỷ quyền, hiếp đáp dân lành thì mình đi thưa nó tới bến luôn nhe bà con!”

Xưa có thành ngữ: “Ông Già Ba Tri”, giờ bà con mình cũng nên có thành ngữ “Ông Trẻ Cabra”  mới được.

Bảo Huân
Bảo Huân

DXT – Melbourne