Nhà văn họa sĩ Võ Đình sinh năm Quý Dậu, 1933, tại Huế. Chánh quán huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Những năm 50 du học ở Lyon và Paris. Năm 1960, Võ Đình rời Pháp sang định cư ở Mỹ. Năm 1961, triển lãm họa phẩm đầu đời ở New York City; Từ đó hơn 40 triển lãm cá nhân và vô số triển lãm tập thể ở Âu Châu, Á châu, Gia Nã Đại, và Hoa Kỳ.
Nhà văn họa sĩ Võ Đình qua đời tại nhà, ở West Palm Beach, ngày 31 tháng 5, 2009.
Là người nổi tiếng ở cả hai lãnh vực văn và họa. Nhưng chính lãnh vực văn bộc lộ tài năng và cá tính của Võ Đình nhiều nhất. Điều cần ghi nhận là Võ Đình rời đất nước du học Pháp năm 17 tuổi, rồi sang Mỹ định cư cho tới ngày qua đời năm 2009. Nghĩa là ông gần như tách rời khỏi dòng văn chương của quê mẹ. Vậy mà Võ Đình viết văn rất hay, khiến nhiều thức giả khâm phục -trong đó có Trương Vũ và Nguyễn Hưng Quốc. Nội dung những truyện ngắn của Võ Đình cũng hết sức mới mẻ và đặc sắc, như các truyện trong Huyệt Tuyết, Lầu Xép và Xứ Sấm Sét. Ở đây, chúng tôi xin mời bạn đọc lại truyện ngắn Về Nhà của Võ Đình đăng trên trang mạng Gio-o.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Về nhà
Ba mươi Tết, đoàn xe lửa dừng ở Huế lúc mặt trời mới lên. Bao nhiêu năm xa Huế, bây giờ tôi thấy ga Huế nhỏ xíu lại, và người dân Huế còn gầy gò hơn người dân Hà Nội nữa. Cái nét tiêu điều của Huế, tôi từng biết, nhưng thấy lại Huế, hai mắt tôi rưng rưng.
Cu Hảo còn ngủ khì, co quắp một góc ghế. Thằng bé đi với cha từ Hà Nội, ăn uống, ngủ ngáy thật vất vả. Cũng vất vả lắm tôi mới chạy được cái giấy phép vào Trung. Ðất nước thống nhất từ cuối xuân năm ngoái mà mãi đến bây giờ, tôi mới được lên đường về nhà cũ. Ôi chao, nghĩ đến giây phút thấy lại cha mẹ mà tôi muốn trào nước mắt. Như vậy là gần 30 năm đã trôi qua. Năm tôi ra đi, mới 20, nay, 1975, đã xém 50 tuổi. Trên đầu đã muối nhiều hơn tiêu.
Tằn tiện, hai cha con không kêu xích-lô mà đi bộ. Qua trường cũ trên đại lộ Lê Lợi. Khi tôi ra đi, đường còn mang bảng tên anh thực dân đầu sỏ Jules Ferry. Không qua cầu Trường Tiền như xưa mà qua cầu Phú Xuân. Cầu này mới quá, tôi đi rồi mới được xây. Rồi vào cửa Thượng Tứ. Cứ dọc theo đường thẳng mà về đến nhà. Ngày trước, khi còn vua, con đường đầy bóng nhãn này gọi là đường Hộ thành. Nay là đường Ðinh Tiên Hoàng. Ba mươi Tháng Chạp, đường sá vắng hoe. Lác đác một vài người đi nhanh như không muốn ai thấy mình. Tôi và thằng con đi ngoài đường, có vẻ ngơ ngáo. Hai bên đường, nhựa đã rã, để lộ đất cằn, có dấu chổi quét. Thành phố chuẩn bị ăn Tết đây. Rời đường Ðinh Tiên Hoàng, vào con hẻm nhỏ, nước mắt trào đẫm mặt. Hảo lắc lắc tay tôi: “Bố ơi, Bố, tại sao Bố khóc?” Tôi ậm ừ: “Bố mừng quá, con ạ”
Ðứng trước ngôi nhà, tôi không tin mắt mình. Ðây, chính đây rồi. Mặc dù không còn cái cổng tre ngày trước. Thế vào là cái cổng sắt bề thế, hai bên hai trụ xi-măng quét vôi vàng. Một bà già, đầu chít khăn lam như một ni sư, đang lúi húi ở sân trước.
– Cụ ơi, cụ, cho tôi hỏi thăm…
Bà già nhìn ra, hấp háy. Trời ơi, mẹ tôi đó, trời ơi…
Tay còn cầm cây chổi dài, mẹ tôi tiến lại gần cổng.
– Ông hỏi ai? Ông… Phải Huy đó không con?
Cổng mở ra, tôi lọt vào, ôm lấy mẹ.
– Con đây, Huy đây mẹ…
Hai mẹ con ôm nhau, khóc. Vừa khóc mẹ tôi vừa mếu máo vào tai tôi:
– Con vô chào Thầy đi. Con xin Thầy tha tội đã bỏ nhà ra đi đi…
Qua màn nước mắt, tôi thấy một người mặc áo xám nhạt ngồi ở nhà trên. Trong một tích tắc, tôi nhớ lại hết. Những năm sôi sục sau Cách Mạng Tháng Tám 1945. Không khí u uất của vùng còn nằm trong tay thực dân. Khí thế bừng bừng của lòng “yêu nước” và “trai thời loạn”. Cha tôi có một con dao nhỏ ông rất quý. Lưỡi dao có thể xếp vào cán; tiếng Pháp là ca-níp (caniffe). Toàn thân con dao là loại i-nốc sáng loáng. Trên vỏ cán, có khắc con gà trống. Ghét thực dân thì cứ ghét, nhưng hình khắc đó không làm cho chúng tôi nghĩ đến con gà trống “Gô-loa”, hình ảnh tượng trưng của nước “Ðại Pháp”. Ra đi theo kháng chiến, tôi chỉ đem theo một bảo vật duy nhất, con dao của cha. Những năm lang bạt rừng rú, rồi sau Giơ-neo, ngoài Bắc, không biết con dao đã đi vào đâu. Tiếc nó trong bao năm trời…
Trong một tích tắc, tôi nhớ lại cả. Gần 30 năm tưởng như không thay đổi gì nơi con người của tôi. Mẹ tôi quỳ xuống, ôm lấy Hảo, khóc:
– Cháu nội đây hả cháu. Cháu ơi!
Hốt nhiên, tôi không đứng vững nữa, hai chân tôi sụm xuống. Cứ thế, tôi lết, tôi bò về phía cha tôi.
Cha tôi ngồi bất động bên bàn trà. Tóc râu bạc trắng, mặt đỏ. Áo xám dài và rộng như áo người tu hành. Về sau, tôi mới biết gọi đó là “áo tràng”. Cha tôi nói:
– Huy đó hả. Con vô lạy ông bà. Rồi ngồi xuống đây.
Tôi lết lên tam cấp. Cha tôi đứng dậy, quẹt diêm, thắp hai cây hoàng lạp lớn trên bàn thờ, rồi nghiêm chỉnh vái dài trước khi ngồi xuống bàn trà. Bàn thờ sáng lòa, trầm hương nghi ngút. Thấp thoáng sau mấy chân hương, tôi thấy di ảnh của ông bà, của đứa em mất sớm. Tôi lấy hết sức đứng dậy, chắp tay lạy. Mấy chục năm rồi tôi mới làm lại cử chỉ đó. Nước mắt đã khô, nay lại trào ra. Tôi đến ngồi gần cha tôi ở bàn trà, mặt đẫm ướt.

Mẹ tôi đã vào nhà, còn ôm lấy thằng Hảo. Cha tôi mở cái hộp nhỏ, viên một bi thuốc, cho vào nõ (ngày tôi ra đi, cha tôi đã quen hút cái ống điếu bạc này), châm lửa, rít một hơi dài, thở khói ra trắng xóa, rồi hỏi, giọng bình tĩnh:
– Ngoài nớ, ngoài Hà Nội, con có xe đạp không?
– Dạ có. Con có chiếc Phụng Hoàng, Trung quốc làm, khá tốt.
– Với xe đó, giả sử con đạp cả ngày thì đi được mấy cây?
– Dạ, ít nhất cũng 35-40 cây.
– Con có biết Hà Nội – Huế, cách xa bao nhiêu cây không?
– Dạ, mới mua vé xe lửa nên con còn nhớ. Dạ, chừng 700 cây số.
– Rứa thì con đạp xe từ Hà Nội vô Huế, mất hết mấy ngày?
– Dạ, chậm lắm cũng chừng hai mươi ngày…
– Hai mươi ngày là ngót ba tuần lễ. Ðất nước bình yên từ cuối Tháng Tư dương lịch năm ngoái, đến nay sắp Tết ta. Ðể coi… Rứa là đã 9 tháng trời. Tại răng con lâu lắc rứa? Tại răng con để Thầy Mẹ chờ lâu rứa?
– Dạ, im tiếng súng là con xin đi Huế ngay. Nhưng cơ quan, họ nói phải chờ…
– À, thì ra cơ quan nói chi con cũng vâng dạ à? Kệ họ chớ! Nhảy lên xe, con đạp đêm ngày thì đoàn tụ với cha mẹ sớm biết mấy!
…
Tôi xa nhà gần 30 năm. Ðã sống qua những năm kháng chiến “thần thánh”. Ðã trải qua giai đoạn “thành lũy thượng tầng không gian B 52” oanh tạc “trải thảm” miền Bắc. Ðã sống qua bao nhiêu ngày “hầm cá nhân”, bao nhiêu đêm “nhà tập thể” ở thủ đô Hà Nội. Và hôm nay, tôi mới thấy hết cái chông chênh của vị trí trái tim con người trong sự bình thản nghiệt ngã của một guồng máy.

VĐ – 2007 gio-o