Menu Close

Con trâu hay máy cày?

Con trâu đi trước cái cày theo sau
Con trâu đi trước cái cày theo sau

Thời bây giờ, xe máy cày, máy kéo xuất hiện trên các cánh đồng cũng không ít. Nhưng khi tôi trò chuyện với ông thợ cày Bốn Càn, quê Duy Xuyên, Quảng Nam, ông này là sở hữu chủ của hai chiếc Koibuta hàng phế thải của Nhật (nhưng nó lại thuộc dòng “khủng” trên các cánh đồng Việt Nam), sau một lúc trò chuyện thân thiết, ông này kết luận rằng ngành nông nghiệp Việt Nam cho đến bây giờ vẫn chưa thoát cảnh “con trâu đi trước cái bừa theo sau”. Và cách lý giải của ông cũng rất thâm thúy, chính xác chứ không phải cảm tính theo cách mà phần đông nông dân thường có.

Hỷ Long (HL): Thưa bác, nghe nói trước đây bác là người nuôi trâu giỏi nhất làng, sau này bán trâu mua máy cày. Như vậy có nghĩa là bác một bước tiến thẳng lên công nghiệp hóa nông nghiệp?

Ông Bốn Càn (ÔBC): Cậu hỏi nghe cứ như cán bộ tuyên huấn giảng bài không bằng! Nào là một bước tiến thẳng lên công nghiệp hóa nông nghiệp. Thế giờ tôi hỏi cậu là cậu đang chơi khăm, hỏi đía hay là đang hỏi nghiêm túc? Nếu hỏi nghiêm túc thì nên đặt câu hỏi lại. Tôi cho cậu một cơ hội nữa đó!

Con trâu đi trước cái bừa theo sau.
Con trâu đi trước cái bừa theo sau.

HL: Dạ, thực sự là cháu sợ bác cũng quen với giọng tuyên huấn nên hỏi kiểu này chứ hỏi vậy nghe trẹo họng khó hỏi lắm! Theo bác thì cái xe máy cày nó có giúp lợi ich gì cho người nông dân miền Trung mình không hả bác?

ÔBC: Không, câu trả lời là không.

HL: Vì sao?

ÔBC: Vì thực ra từ khi cái máy cày xuất hiện, người nông dân thêm phần khổ nhọc, khổ hơn rất nhiều, ở Việt Nam, với cái đà như hiện tại, máy cày xuất hiện càng nhiều thì nông dân bỏ ruộng càng nhiều và chủ máy cày phá sản cũng nhiều không kém.

HL: Bác giải thích rộng hơn một chút được không?

ÔBC: Ðược chứ, đơn giản, ở những nước phát triển, cái này tôi nghiên cứu trên internet, họ có những chính sách hỗ trợ nông dân rất tốt và không có tham nhũng. Mà tôi biết cậu sẽ hỏi tham nhũng liên quan gì đến máy cày và đám ruộng. Ðây này, tham nhũng sẽ làm ngân sách nhà nước thâm thủng, trống rỗng, người ta sẽ tăng các loại thuế, trong đó giá xăng và dầu tăng liên tục, giá công cụ lao động như chiếc xe máy cày cũng tăng khủng khiếp, giá điện cũng tăng ồ ạt. Cuối cùng, nhà nông trả tiền cày ruộng, tiền các loại máy cao ngất ngưởng, hiếm có ai lấy lại vốn trên đồng ruộng. Hầu hết là làm kiếm nắm cám nuôi heo, nuôi con gà, lấy cái rơm nuôi con bò, con trâu, rồi bảo đảm không thiếu gạo, phòng khi trái gió trở trời, thời tiết mưa lụt… vậy thôi chứ chẳng có chi phát triển cả. Nếu không muốn nói là có cái xe máy cày về ruộng, nông dân phải cuống cuồng như con gà mắc đẻ.

Một người có nét rất giống ông Bốn Càn nhưng chưa có xe máy cày
Một người có nét rất giống ông Bốn Càn nhưng chưa có xe máy cày

HL: Vì sao lại cuống cuồng hả bác?

ÔBC: Ừ, chớ bộ cậu tưởng các hợp tác xã nông nghiệp người ta thực sự đóng cửa sao? Không, chúng chưa hề đóng cửa, nền kinh tế tập trung, bao cấp, nông nghiệp hợp tác xã giải thể từ những năm 1986 kia, nhưng thực ra thì nó vẫn được ướp xác đến bây giờ. Mà chi phí ướp xác lúc nào cũng cao hơn chi phí nuôi lúc nó sống. Cái này thì có nhiều kinh nghiệm rất điển hình.

HL: Ướp xác nghĩa là sao hả bác?

ÔBC:  Nghĩa là nó vẫn tồn tại, nó không được nông dân góp trâu bò, ruộng đồng cho nó như trước và cũng chẳng có ai phải làm theo đội, theo nhóm để được chấm công điểm, cuối vụ lên hợp tác xã nhận lúa, nhận dầu như trước đây. Nhưng nó lại kinh doanh dựa trên quyền lực hợp tác xã. Ban đầu là nó kinh doanh điện, sau này điện lực quản lý điện thì nó kinh doanh thuốc trừ sâu, cho thuê cơ sở của hợp tác xã và kinh doanh lúa giống, thủy lợi. Cách gì thì nó cũng lấy tiền của dân được. Mà đáng sợ nhất là cái thời người ta góp của vào hợp tác xã, đến khi giải thể, nó chẳng có trả cho ai một thứ gì. Rồi khi kinh doanh điện, dân phải tốn tiền mua dây điện, đồng hồ điện, trụ điện mà nó vẫn chưa tha, bắt mỗi người đóng 50 ngàn đồng, loại bạc cua xanh thời trước đó, bây giờ bỏ rồi. Hồi đó một chỉ vàng chỉ có 150 ngàn đồng, mình phải bán hơn ba phân vàng để đóng cho nó, nhà nào cũng vậy, gọi là tiền cược. Thế rồi hai mươi mấy năm sau, điện đã giao về cho điện lực mà 50 ngàn đồng của mình thì mất tiêu, bốc hơi luôn. Có như vậy mấy thằng chủ nhiệm hợp tác xã mới giàu được chứ! Còn bây giờ, khi mình sắm một chiếc máy cày, thằng hợp tác xã bắt đầu yêu sách, bảo mình phải đóng thuế cho nó nó mới điều tiết nước cho hợp lý mà cày. Thử hỏi, nó cung cấp nước cho dân là nó đang kinh doanh, nông dân là khách hàng, nó phải cung cấp hợp lý cho dân người ta cày bừa đúng vụ mà gieo sạ chứ. Ðằng này không, nó thích thì cho nước xuống đồng. Máy cày thì cày quắn cày quíu cho kịp nước, nông dân thì tối mắt tối mũi làm bờ cỏ, kéo ghình (sống đất dô cao khi cày những chỗ khó). Nó thích thì xả nước, thích thì ngưng. Nông dân người ta nản bỏ ruộng nhiều lắm!

contrau-hay-maycay04

HL: Nông dân bỏ ruộng thì hợp tác xã hết đất sống, sao họ không điều chỉnh vừa phải để nông dân tiếp tục làm ruộng, mua nước của họ?

ÔBC: Cái này là cậu chưa biết bản chất của hợp tác xã rồi, cậu nên nhớ thằng chủ nhiệm hợp tác xã hắn có quyền lực đảng trong tay, hắn đồng thời là bí thư chi bộ đảng, hắn chỉ dưới bí thư đảng bộ cấp xã thôi. Hắn cũng đầy quyền lực đó! Hắn chỉ trông dân bỏ ruộng càng nhiều càng tốt, lúc đó hắn lại ngồi vẽ mô hình rồi xin chuyển loại hình đất để đấu giá bán xây dựng, bán cho các công ty. Mà mấy thằng cấp xã, cấp huyện, thậm chí cấp tỉnh chỉ mong có chừng đó thôi. Nghĩa là bọn chúng chỉ mong sao thằng chủ nhiệm hợp tác xã lên than “ruộng chỗ em bỏ nhiều quá, xin các anh chuyển loại hình để đấu giá!”. Có như vậy tụi nó mới bán đất, mỗi thằng chia một ít. Chính vì vậy mà hầu hết các đám ruộng nông dân bỏ đều thành miếng mồi béo của các hợp tác xã. Nói cho cùng thì chỉ có con trâu đi trước cái bừa theo sau là phù hợp với nông dân Việt Nam mình thôi.

HL: Lẽ nào một người nhà nông giỏi giang như bác cũng lắc đầu chào thua tình thế?

ÔBC: Chào thua là cái chắc, bởi cậu nên nhớ rằng người nông dân mình đóng đủ các thứ thuế trong hột lúa nên chẳng còn gì để sống đâu. Trong khi đó, những người cố làm cho nó sáng sủa hơn như dân cày ruộng chúng tôi thì càng muốn hiện đại bao nhiêu càng chết bấy nhiêu. Cậu không thấy vụ Ðồng Tâm, Mỹ Ðức sao? Rồi vụ Ðoàn Văn Vươn, Văn Giang… Bây giờ có hàng ngàn vụ, nó chưa xì ra đó thôi! Tất cả đều là đất nông nghiệp. Thực sự là Việt Nam khó mà phát triển nông nghiệp được khi mà công nghiệp lấn quá nặng. Trong khi đó, công nghiệp của mình cũng chỉ lẹt đẹt theo sau người ta, chính sách công nghiệp Việt Nam là chính sách bán sức lao động, bán tài nguyên một cách rẻ rúng. Ðất đai và con người bị vắt kiệt, như một cái bã mía vậy đó. Chẳng có chi hơn đâu! Suốt đời vẫn cứ con trâu đi trước cái bừa theo sau là ổn định. Nhưng mà cũng chẳng còn cơ hội ổn định nữa đâu! Ðất mình cày kiếm cơm hằng ngày mà thằng này thằng khác dòm ngó cứ như nó là chủ đất còn mình là tá điền vậy. Thử hỏi sống sao cho nổi?!

HL: Cháu rất bất ngờ bởi cách nhìn nhận vấn đề rất chi là sâu sắc và chuẩn của bác!

ÔBC: Lại nữa! Vậy là các cậu xem thường nông dân chúng tôi quá rồi. Chúng tôi có thể ít chữ nghĩa. Nhưng mà chữ nghĩa của chúng tôi là chữ nghĩa thảnh thơi chứ không phải chữ nghĩa bận rộn!

Chiếc máy cày"khủng" thứ 2 của ông Bốn Càn
Chiếc máy cày”khủng” thứ 2 của ông Bốn Càn

HL: Nghĩa là sao hả bác? Khó hiểu quá!

ÔBC:  Chữ nghĩa các ông nhiều, nhưng các ông bận tâm nhiều thứ, trong đó việc bận tâm làm sao cho cấp trên vừa lòng, cho cô chân dài vừa ý không thôi cũng đã mất hết thời gian. Còn chúng tôi chỉ có ít chữ nhưng cũng chẳng có gì ngoài miếng đất làm hương hỏa mai sau, vừa kiếm sống nữa. Chính vì vậy mà chúng tôi suốt đời chỉ nghĩ đến đất, nghĩ đến ruộng, chúng tôi buộc phải tư duy cho sâu, bởi chúng tôi sống chết với nó.

HL: Nhưng đâu phải ai cũng tư duy được theo kiểu tư duy của một cựu sĩ quan, từng học trường Võ bị Đà Lạt như bác?!

ÔBC: Cái này cậu chỉ đúng một phần thôi, thực ra, nông dân bây giờ người ta sâu sắc lắm đó, bởi người ta đã trải qua quá nhiều mất mát và đau khổ, người ta cũng nhìn thấy cái giả dối, trơ tráo của kẻ nắm quyền. Chính vì vậy mà người ta phải tự biết mình phải làm gì, biết gì, đọc gì. Cậu thấy đó, người nghe RFA, RFI, đọc BBC, xem VOA bây giờ toàn nông dân với trí thức phản biện là chủ yếu chứ ai khác đâu!

HL: Dạ, cám ơn bác, kính chúc bác mạnh khỏe, an vui. Một cuộc trò chuyện rất thú vị mặc dù bên trong nó thì rất buồn và mệt mỏi, đúng không bác?

ÔBC: Cũng đúng có một phần, mệt mỏi bởi cái thời đại, cái xã hội nó làm mình mệt, nhưng thấy được cái mệt thì phẻ re (khỏe re)! Vậy nhá, tôi đi sửa cái máy bơm nước. Hẹn gặp cậu sau!

HL