Rạng sáng hôm Thứ Tư 26/4/2017 vừa qua, lính cứu hỏa thành phố Toronto bên Canada đã giải cứu một thiếu nữ trẻ tên Marisa Lazo lâm nạn khi đi tìm cảm giác mạnh. Cô leo lên chiếc cần cẩu cao 12 tầng lầu và bị mắc kẹt trên đó. Sau khi xuống đất, thiếu nữ này bị cảnh sát câu lưu và khởi tố tội nghịch ngợm quá trớn nơi công cộng…

Trò chơi liều mạng mà Marisa Lazo tiếng Anh gọi là “Roof-Topping” (nghĩa đen “trèo lên nóc nhà”). Ðây là một thú tiêu khiển thời thượng ở các đô thị lớn, được xếp vào hàng các trò thể thao mới “New Urban Sport”.
Người chơi khám phá và chinh phục chiều cao của các cao ốc, lên càng cao càng hay, rồi chụp hình/quay phim… Ban đầu, những bức hình phổ biến nhất chỉ cho thấy các cặp chân đung đưa bên mép các cao ốc với xe cộ bé tẹo dưới đất. Về sau, các tay chơi “Roof-Topping” ngày thêm táo tợn như treo mình lủng lẳng, hay đi bộ quanh mép đỉnh cao ốc, cầu, hay cần cẩu như trong vụ cô Marisa Lazo, v.v…
Hầu hết người chơi “New Urban Sport” như “Roof-Topping” là nam thanh niên nhưng cũng không hiếm các thiếu nữ gan lì như Marisa Lazo. Tất cả có chung đặc điểm là thích đùa giỡn với tử thần, khoái cảm giác mạnh khi lên đến đỉnh cao ốc hay chiếc cầu cao.
Không thấy tay chơi “Roof-Topping” nào có biện pháp an toàn, như đeo dây hay móc. Ngược lại, họ còn tìm đủ kiểu tăng độ liều mạng, như dùng 2 tay bám thanh thép rồi treo người lủng lẳng trên các cần cẩu khổng lồ mà không có dây nịt an toàn, thậm chí chỉ bám bằng một tay…
Với nhiều người trò chơi “Roof-Topping” quá nguy hiểm, thậm chí dại dột. Nhưng nó vẫn ngày càng phổ biến trong giới trẻ. đặc biệt trong thời đại Social Media khi người ta chạy đua từng giây từng phút để tìm “like”, “follow”, “view” trên các trang mạng Instagram, Twitter, Facebook…
Nhu cầu gây chú ý cá nhân rất lớn, trở thành chứng nghiện. Từ thế giới internet một số tay chơi “Roof-Topping” chinh phục cả làng truyền thông cổ điển thông qua TV, nhật báo, lên trang bìa các tạp chí, v.v…
Năm ngoái, người mẫu người Nga Angelina Nikolau, 23 tuổi, từng gây xôn xao dư luận khi du lịch từ Moscow sang Hong Kong, vô Trung Hoa Lục Ðịa trèo lên nóc cao ốc rồi phát tán hình ảnh ra khắp thế giới. Sau một vòng liều mạng với tử thần, trang Instagram của Angelina Nikolau vọt lên 400,000 người hâm mộ.
Một tên tuổi khác là Brit Harry Gallagher chưa đầy đôi mươi nhưng là chủ trang Instagram với trên 90,000 “Follower”, trang YouTube tên “Night Scape” đăng video trèo lên đỉnh cao ốc hút nửa triệu khán giả, chưa kể sự nổi tiếng giúp anh làm giàu qua đêm nhờ bán đủ thứ “tạp pí lù” online.
Và không chỉ các tay chơi “Roof-Topping” gặt hái lợi nhuận vì đùa giỡn với tử thần. Trong Anh Ngữ, trò chơi này còn được gọi là “Photography Movement” để ám chỉ sự gắn kết mật thiết với nghệ thuật nhiếp ảnh. Trong khi 99% người chơi “Roof-Topping” tự chụp hình quay phim rồi tự đăng lên Internet lấy tiếng, thì có không ít phó nhòm nhạy bén, bám theo khi người ta “trèo lên nóc nhà”, ghi lại hình ảnh rồi đem bán hoặc mở triển lãm. Tay phó nhòm người Toronto tên Tom Ryaboi nổi tiếng bậc nhất trong làng “Roof-Topping” với trang Instagram cá nhân thu hút trên 118,000 người hâm mộ. Một nhiếp ảnh gia nổi tiếng… chuyên trị “Roof-Topping” khác tên là Mar Shirasuna người Nhật. Chỉ trong 3 năm làm việc tại New York City, anh đã chứng kiến và bấm máy chụp hình trên 150 vụ “Roof-Topping”, trong đó có series chụp hình người mẫu tha thướt bên mép các đỉnh cao ốc có khi chỉ với…đồ lót.

Trò chơi “Roof-Topping” trở nên thịnh hành cách đây chưa lâu, khoảng từ dạo 2010 về sau, phát xuất từ Nga, Ukraine, lan dần ra các xứ Ðông Âu, sang Ả Rập… Một trong những lý do lý giải xuất xứ này là vì ở các nơi đó luật lệ lỏng lẻo, an ninh sơ sài. Nhưng thời gian gần đây, dân chơi “Roof-Topping” ở Ðông Á (vốn bị xem là bảo thủ) lẫn thế giới Tây Phương như Anh, Úc, Canada… (với hầu hết các cao ốc là sở hữu tư nhân được bảo vệ cẩn mật) cũng ngày càng nhiều hơn. Với sự thịnh hành của Social Media, chỉ có thời gian mới trả lời được tương lai “Roof-Topping” sẽ về đâu. Một điều khó thay đổi là tính chất nguy hiểm chết người của thú vui này. Ở trên cao, tầm nhìn rộng, cảnh đẹp kỳ vĩ, nhưng rủi ro cũng ngất ngưởng. Không ít tay chơi phiêu lưu, người mẫu, bloggers, ngôi sao YouTube… đã phải trả giá đắt cho quan niệm “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt” này. Thiếu niên Nga Andrey Retrovsky 17 tuổi rơi từ 9 tầng lầu cao tử nạn trong khi quay phim gắn lên trang Instagram cá nhân. Một cư dân 24 tuổi người New Yorker từng rớt từ nóc Four Seasons Hotel ở Manhattan xuống đất. Năm 2012, một phó nhòm Chicago cũng thiệt mạng khi chụp hình “Roof-Topping”.
Chính vì thế, mặc dù ngày càng phổ biến, trò chơi “Roof-Topping” không được lòng nhân viên công lực. Trong mắt pháp luật, liều mạng không có tội, nhưng xâm phạm cơ ngơi của người khác là phạm luật. Các tay chơi “Roof-Topping” không cần xin phép, thích bất chấp cảnh báo, thường tự ý bẻ khóa, nạy cửa, làm đủ cách để lên đến đỉnh cao ốc họ chọn. Cũng cảnh sát Toronto năm ngoái đã ra cảnh cáo về mức độ thương vong quá cao và kêu gọi cấm tiệt mọi hình thức “Roof-Topping”. Bên Úc, trang web dành cho dân phiêu lưu Sydney Cave Clan bị đóng cửa. Tại Hoa Kỳ, cũng đã thấy cảnh sát tiểu bang Maine từng chỉ trích trang web Bangor Explorers Guild đã vô trách nhiệm khi khuyến khích chơi những trò chơi có thể gây thương tích thậm chí sát thương cao. Cái khó là cho đến nay, dân chơi “Roof-Topping” chẳng tỏ vẻ gì ngán ngại… cảnh sát – tử thần mà họ còn dám giỡn mặt nữa kìa.

TTD