Ngay ngã tư Trương Tấn Bửu, Nguyễn Huỳnh Ðức, có hẻm nhỏ đâm qua đường Hồ Biểu Chánh. Lâu rồi, dân bán lẻ tụ lại bày hàng kiếm sống, sau đó mọc thêm tiệm sửa xe, cà phê, vài người với tấm bạt trải xuống đất bày kềm búa, xích xe cũ, lon đinh ốc, trong hẻm có tiệm Tàu bán gạo lẻ, mắm, cá khô, bên kia đường là sạp bán bún riêu, kế bên là hai tiệm tạp hóa, bán sữa, kem, tối có tiệm phở bên lề, bây nhiêu đó tạo thành “Khu Chợ Nhỏ Nguyễn Huỳnh Ðức” như những người sống chung quanh thường gọi.
Anh Sáu Ðờn sống ở khu này, chỗ lưu trú của anh là cái sạp nhỏ sửa xe, ban đêm bỏ trống, bên hông căn nhà hai tầng, đối diện sạp bún riêu.
Chủ căn nhà là bà góa, chồng chết trong trại cải tạo, gạ được tay cán bộ Ngoại Thương, chuyên xuất thịt bò qua Liên Xô, bán bò, nên xơi nhiều bò, 3 năm sau chết vì cao máu. Thời đó, Sài Gòn có phong trào lấy Việt kiều để ra đi, bà góa chộp Việt kiều để ở lại làm cảnh, nên quơ ngay tay Việt kiều Mỹ, loại thất nghiệp kinh niên bên Quận Cam, ban ngày lái chiếc Lexus coi mổ bò, ban đêm “mổ” con lợn lòng hồi xuân của bà, tháng kiếm rủng rỉnh vài ngàn đô, dân khu này gọi là “Việt kiều Bò.”
Không ai biết và cũng không ai quan tâm anh Sáu Ðờn từ đâu tới. Với khuôn mặt sạm đen, hốc hác, một chân cụt tới ống, anh có vẻ như một thương binh trước 75. Ngoài cây nạng gỗ, gia tài được chiếc mền dù, vài quần áo lính, ca nhôm, muỗng dao, tất cả dồn trong cái ba lô vải màu kaki của quân trường ngày xưa. Anh Sáu Ðờn ăn đó, ngủ đó, kiếm sống bằng cái ghi ta cũ, đứt một dây và những bài hát xưa. Anh đàn không hay, giọng hát như nghẹt mũi, nhưng cũng có người nghe, bằng chứng là cái lon nhôm trước mặt ngày nào cũng lưng lửng tiền lẻ của các bà các cô hay lai vãng bên hàng bún riêu. Cũng như tay “Việt kiều Bò”, người ta gọi anh là Sáu Ðờn.
Cuộc đời tất bật trôi qua, sáng trưa chiều tối vùn vụt tới, mọi người lo tranh sống trong cái không khí đổi đời nghẹt thở, không ai để ý tới sự hiện diện của anh Sáu và càng không quan tâm tới tiếng đàn thiếu dây, tiếng hát nghẹt mũi bên hông căn nhà hai tầng khu Chợ Nhỏ Nguyễn Huỳnh Ðức.

Nhưng không phải ngày nào rồi cũng trôi qua yên ổn như nhau.
Sáng đó, anh Sáu tới máy nước trong hẻm rửa mặt, lấy bình nước, ôm cái ghi ta, quẹt tới quẹt lui.
– Ư ư!… em hỏi anh! em hỏi anh bao giờ trở lợi!… xin trả lời! xin trả lời!… mai mốt anh dzzzìììaaaaaa!…
Sao hôm nay giọng Sáu Ðờn mùi quá, đã vậy anh còn rống lên, xuống giọng rên i ỉ như khóc đám ma, bà con qua lại chợt rợn người, bùi ngùi nhớ chuyện xưa, mấy cô xì xụp tô bún riêu bên kia đường thổn thức ngày tháng cũ, ai đi ngang cũng bỏ vô lon nhôm của anh Sáu chút tiền lẻ.
Riêng anh công an khu vực thì khác, anh không bùi ngùi chuyện xưa, mà cũng đếch có chuyện cũ để nhớ nên anh khó chịu.
– “Lày”! “Nàm” quái gì ông ống thế hở?
Sáu Ðờn đang nhắm mắt:
– Anh trở dzìa! Anh trở dzìa!! Ư ư có khi là người đã cụt chân...
Sáu Ðờn, lim dim, quơ cái ống chân cụt ốm nhách như khúc củi khô trước mặt, anh công an tới sát bên, la lớn:
– “Lày”! Im không thì bảo?
Anh Sáu mở mắt, tắt tiếng.
Góc Chợ Nhỏ nghẹt thở, mọi người nhìn anh Sáu và người công an.
– “Nàm” gì “na” hét mất trật tự thế hở?
– Dạ! háát!
Mặt Sáu Ðờn xanh lè, anh lí nhí:
– Dà!… dà! Hát kiếm cơm mà anh!
– Hát cái gì mà cụt chân, cụt tay? Nhạc “lào” vậy?
– Dạ! Em đâu biết! Nghe sao hát vậy mà!
Anh công an chỉ bên kia đường.
– Qua trụ sở “nàm” việc!
Sáu Ðờn lí nhí năn nỉ, anh công an lấy đàn, ba lô bước qua trụ sở kế tiệm thuốc Bắc nằm bên góc Nguyễn Huỳnh Ðức.
Anh công an không thèm hỏi han gì tới lý lịch, hộ khẩu của Sáu Ðờn, vì anh thừa biết có bao nhiêu thương binh ngày xưa lây lất kiếm ăn trong thành phố, anh nghiêm mặt:
– Muốn kiếm sống thì “nựa” bài mà hát! Nhạc gì kinh thế? Ðánh nhau bao nhiêu “lăm”, chết cả “nũ” chưa chán sao mà còn rên ư ử… Chết mí chóc!… Sao không hát bài vui, bài mới?
Sáu Ðờn đưa tay gãi đầu, nói liều:
– Dạ!… Dạ em nói thiệt: Hát bài mới đâu có ai cho tiền!
Anh công an còn trẻ, hiểu thừa sự thật.
– Nhưng cũng rống vừa phải thôi! La ong ỏng hàng xóm khiếu “lại”…
Anh chỉ tay vô nhà Việt kiều Bò, nơi bức tường, chỗ tạm cư, làm ăn sinh sống của Sáu Ðờn hàng ngày.
– Còn rống “nên” “nà” tôi tống ra khỏi khu vực đấy nhá!
– Dạ, em hiểu.
Từ hôm đó, giọng ca Sáu Ðờn hết rềnh rang ở khu Chợ Nhỏ nữa.
– Sao tắt tiếng mậy?
Bà Năm bán trầu hỏi.
– Ðứt dây hả con?
Anh Bảy cà na hỏi.
– Bộ hết hơi?
Ông già vá xe cũng hỏi:
– Tuột dên hả mầy?
Sáu Ðờn làm thinh…
Nhưng đói, nên mấy hôm nay Sáu Ðờn bắt đầu hát bài mới lí nhí trong miệng, tiếng đàn rèn rẹt che hết giọng nên số tiền bà con cho, xuống thấp thấy rõ, anh càng thấm thía sự tuột dốc của mình qua những bữa tối đói meo. Kẹt quá, anh mò lên khu ăn nhậu gần cổng xe lửa số 6 hát thêm, nhưng không tranh được đất sống vì khu đó đã đầy ăn xin.
– Ê! Thằng què kia! Ðất này là đất sinh, đất tử của bà! Khôn hồn thì xéo đi nhá!
Sáu Ðờn lạnh tanh nhìn con nhỏ Bắc Kỳ chanh chua, anh chọc:
– Mẹ! Ðất sinh, đất tử của mầy là ở ngoài í! Ra ngoải kiếm ăn!
Tối đó nhờ đám thanh niên ăn nhậu tốt bụng, họ cho Sáu Ðờn dọn sạch bàn tiệc dư thừa và hai chai bia, đến khuya anh đem tới hiên tiệm tạp hóa, ngồi nhấm nháp. Ðã lâu lắm anh mới có được bữa ngon, Sáu Ðờn uống hết giọt bia cuối cùng, lăn ra ngủ…
Khuya, nghe tiếng động lạ, anh chồm dậy, thì ra con nhỏ Bắc Kỳ.
– Dạ! Cho em xin ít đồ ăn! Cả ngày không có gì vô bụng, meo quá!
Có chút bia trong người, Sáu quên chuyện cũ, đẩy lon đồ ăn cho nó:
– Ăn hết đi!
– Dạ! Xin anh!
Con nhỏ ăn một hơi, chạy qua vòi nước uống ừng ực, chạy lại ngồi bên Sáu Ðờn.
– Sao mầy chưa ngủ?
Sáu nhừa nhựa hỏi.
Con nhỏ Bắc Kỳ liếc đôi mắt ti hí:
– Này! Thích con này không?
Trong cái đầu ngà say vì hai chai bia, Sáu Ðờn thấy con nhỏ Bắc Kỳ mắt hí coi cũng ngon, nhưng anh không hứng vì bữa ăn còn đầy trong bụng.
– Ngủ đi! Mai tính!
Sáu Ðờn nhắm mắt ngủ, nhưng con Bắc Kỳ thì không, nó cởi chiếc áo lính, bộ ngực trắng nõn bày ra, nó tuột quần và nhào vô ôm Sáu Ðờn, la lên:
– Ối giời ơi! Thằng què hãm tôi! Ối! Công an! Ðau quá! Ðau quá! Nó hãm tôi!
Con nhỏ làm thêm tuồng độc, lăn quay ra ôm con chim máu me tùm lum.
– Ối! Công an! Chết con rồi! Ðau quá!
Sáu Ðờn giật mình, anh ú ớ:
– Ðồ chó!…
Hậu quả là Sáu Ðờn bị mấy người Dân Phòng đánh một trận, tức tốc bị trói lên công an Quận, ngủ với muỗi trong phòng giam.
Sáng hôm sau, tỉnh say, anh mới biết cái mưu thâm độc của con Bắc Kỳ, cũng may nhờ có ông già bụi đời nằm gần đó làm chứng, Sáu trắng tội. Anh công an Quận hăm:
– Có bia vô làm cha nổi hứng chớ gì!… Tôi còn thấy anh trong khu vực này là nằm tù nhá!
Cả thành phố thay đổi vùn vụt, nhà xây lên, nhà đập xuống, đường Nguyễn Huỳnh Ðức được mở rộng, hàng quán, tiệm, khách sạn mọc ra chật cứng, đường càng lớn, tiệm càng nhiều thì đất sống của Sáu Ðờn càng nhỏ lại, cái hông nhà ông Việt kiều Bò, nơi tạm trú của anh Sáu ngày nào, bây giờ là lề đường, mà luật thì không cho ngủ lề đường. Chỗ cư trú mất, Sáu Ðờn còn mất luôn nơi kiếm sống; vài tháng sau, khu Chợ Nhỏ biến mất, chung quanh là lầu hai, lầu ba, những người buôn bán lẻ trở thành chủ tiệm, sạp bún riêu ngày nào vài ba chiếc ghế đẩu trở thành nhà hàng máy lạnh chạy rì rì… Cả thành phố lột vỏ trần truồng như con nhộng, có một năm mà tất cả tiến lên vùn vụt. Cái gì cũng hơn: nhà cao hơn, to hơn, khiến đất mắc hơn, hiếm hơn, xe nhiều, đường kẹt, bụi bặm ô nhiễm càng tăng và tiền bạc đương nhiên cần thiết hơn cho nên đạo đức trở nên tệ hơn… Tóm lại cái gì cũng hơn xưa, và dĩ nhiên Sáu Ðờn càng gần chỗ chết… hơn.
Ăn xin chuyên nghiệp anh không làm, la cà mấy quán nhậu, nhà hàng hát vớ vẩn xin tiền, anh bị đuổi đi, hoặc ăn hiếp bằng cách lấy tiền xâu. Sáu Ðờn già rồi, sống vất vưởng, thiếu ăn càng lúc càng yếu, suy dinh dưỡng nên cái chân cụt sinh ra lở loét gây sốt suốt ngày, anh không còn sức để cự lại bọn trẻ, phe đảng. Sáu Ðờn buồn, cố sống lòng vòng khu chợ Nhỏ ngày xưa, bề gì bà con cũng còn nhớ anh.
– Sáu! Rửa cái sân!
– Sáu! Lau giùm cái xe!
– Sáu! Chạy đi mua cây đá!
Cả ngày Sáu Ðờn thường phụ mấy tiệm quen ngày xưa kiếm sống, có khi được cho tô bún, ổ bánh mì, hoặc bó rau muống, trái dưa leo. Ðêm anh che tấm ny lông nhỏ nằm tạm cổng sau nhà Việt kiều Bò, vì sợ ăn cướp, anh ta xây cổng song sắt nhọn hoắt, khoá chặt với sợi dây xích to bằng cườm tay, không ai ra vào nên Sáu Ðờn còn may mắn có chỗ ngủ qua đêm.
Mùa mưa tới từ tuần rồi.
Sáu Ðờn ngày càng khổ hơn với cái chân cụt nhiễm độc, thuốc của Y Tế quận cho chỉ đủ bôi vết thương, tiền ăn không có, anh làm gì có tiền mua trụ sinh, suốt ngày Sáu Ðờn run rẩy ôm đàn kiếm ăn với cơn sốt bừng bừng trong đầu, mắt mờ, môi khô, những đầu ngón tay lạnh cứng lại, anh không còn hơi để hát.
– Thôi !… Hát mí hò gì! đi chỗ khác cho con buôn bán!
– Biến giùm cái đi bố!
– Nỡm! sáng sớm ám bà rồi!
Thành phố càng thay đổi, Sáu Ðờn càng khó khăn hơn. Những người biết anh trước đây, hay bố thí, hay tử tế với anh, càng lúc càng biến mất, nghe nói họ đi nước ngoài với gia đình; thay vào đó là những giọng chanh chua, mặt mày cộm đanh đá, coi lạ quá chừng.
Sáu Ðờn xuống dốc lẹ làng. Những bài hát một thời, không rung động nổi tấm lòng của cư dân mới khu chợ Nhỏ ngày nào, họ không biết bài hát cũ, hoàn toàn không có kỷ niệm gì của ngày tháng xưa, nên họ lạnh lùng lơ đi. Sáu Ðờn đâu biết rằng: trước đây họ không khác anh gì mấy, cũng gói áo quần, xách tay lèo tèo mớ đồ rẻ tiền, nhảy tàu hỏa, sống chết nhào vô vùng đất phương Nam “giàu giả tạo” để sống và được sống. Những người đó đã từng thấm thía quá nhiều về cái nghèo khổ bẩm sinh, nên tiền vô túi, là ủi cất, ít khi nào biết cho ra…, nên cái lon nhôm của Sáu Ðờn trống trơn mỗi ngày.
Sáu Ðờn vừa đói vừa sốt trong cái rửng mỡ, hào nhoáng cuả cái Sài Gòn thay đổi, nhiều đêm, chút tiền cuối cùng mua được cái bánh tráng, anh nhúng nước, cuốn lại ăn, cho qua cơn.
Mưa dứt, Sáu Ðờn quyết định lên chợ Tân Ðịnh kiếm ăn.
Hông chợ Tân Ðịnh là dãy xe bán đồ ăn đến khuya, cho những khách ăn chơi về trễ.
– Em còn nhơớớ!… hay em đã quên!…nhớ Sài Gòn mưa rồồiii chợt nắng!…
Sáu Ðờn đang hát, đang kềm cơn sốt run người.
Tiếng tiền giấy bỏ vô lon làm anh hứng khởi…đầu óc mường tượng tới ổ bánh mì thịt của tiệm Ba Lẹ gần đó với hành ngò thơm lựng.
– … Nhớ phố xưưưaaa!…có bao người queeenn!!!
Cô gái ăn mặc diêm dúa, ngừng nuốt gắp mì, nhìn Sáu Ðờn.
– Bài này hay quá anh!
Cô ta quay qua người đàn ông.
– Em sinh bên Mỹ… biết gì Sài Gòn mà hay!
– Thì… bây giờ mới biết, nên hay!
Cô chồm tới, bỏ thêm tiền vô lon nhôm.
– Dạ, dạ! Cám ơn cô!
Ðêm thật khuya, Sáu Ðờn ngồi xuống, dựa lưng vô bức tường nhà thờ Tân Ðịnh, anh thở một hơi dài, cái lon nhôm nặng tiền làm cơn sốt trong người nguôi lại.
– Mười…, mười lăm, hai mươi…
– Mẹ mầy!
Tiếng chửi thề, kèm theo cái đá thốc vô mặt Sáu Ðờn, anh bật ngửa, lon tiền văng ra xa,
– Mẹ mầy! Ở đâu mà tới đây giành đất của ông hở thằng què?
– Tui… tui có dành gì đâu! Tui hát xin tiền mà!
– Ðây là khu của tao! cấm mầy tới!
Bây giờ thì Sáu Ðờn hoàn hồn, trước mặt là hai thằng cao lớn, chung quanh là ba đứa con nít chừng 5, 6 tuổi, rách rưới.
– Thì tui đờn hát kiếm ăn như mấy người, có làm gì sai đâu?
– Mẹ! Ðây đếch phải vùng của mầy!
Sáu Ðờn nhìn trừng trừng vô mặt thằng lớn nhất…
Mầy mà gặp tao năm ngoái là tao tát cho rụng răng rồi! Anh chồm tới, nhưng cơn sốt bỗng trở lại, vết thương của cái chân cụt những ngày thiếu ăn làm anh hụt hẫng.
– Biết điều thì chia cho tụi này rồi xéo ngay!
– Có bao nhiêu mà chia?
Anh phân trần.
Thằng lớn nhảy vô Sáu Ðờn, anh đưa tay định tống vô mặt nó, nhưng sức lực bỗng biến mất, anh mất đà, té xuống, cơn sốt bùng lên, thân thể co quắp lại như con tôm trúng lửa, mắt anh bỗng tối sầm, loáng thoáng tiếng chửi, tiếng cười và tiếng lon nhôm ném vô tường.
Sáu Ðờn mở mắt, trăng sáng trắng hai tháp chuông nhà thờ cao vút, cơn sốt làm anh run bần bật, anh cố đứng dậy, chiếc ghi ta bể nát nằm bên tường, anh lượm từng mảnh ôm vô ngực, nước mắt rưng rưng.
Cuối cùng thì Sáu Ðờn cũng về tới nhà, nhà là chiếc cổng sau nhiều song sắt, khóa chặt suốt ngày của Việt kiều Bò. Sáu Ðờn thở không ra hơi, cơn sốt cộng cái đói quằn quại trong người, anh quấn chiếc mền rách, ra máy nước uống một bụng đầy nhưng sốt vẫn sốt, đói càng đói hơn, Sáu Ðờn dựa vô tường, mệt mỏi nhìn bầu trời lành lạnh, đầy sao.
Những ngày buồn bã trong Cô Nhi Viện Thủ Ðức, đi lính Biệt Kích, trái mìn oan nghiệt ở Tống Lê Chân… vào tù, ra Bắc, vợ anh thăm nuôi đúng một lần với cái thư nhét trong đòn chả lụa. “Con đang bệnh, cần phải sống, em cũng muốn sống. Lạy anh ba lạy, cho em trở lại cuộc đời của em.”
12 năm cải tạo, Sáu Ðờn thui thủi mồ côi, cắn răng quên đi vợ con và cả chính mình.
Lúc trở về Sài Gòn, không nơi tạm trú, không thân nhân bạn bè, Sáu Ðờn xuống Gò Vấp cất tạm cái chái bên chùa, ngày ngày phụ công quả kiếm hai bữa ăn. Mấy tháng sau, chùa bị bắt vì dính dấp chuyện chống Nhà Nước, dĩ nhiên lính Biệt Kích cũ, ở ké như anh bị tống vô tù với tội danh mới: chống phá Nhà Nước!
Thêm 5 năm Chí Hoà, anh ra tù và hoàn toàn không còn ai trên đời này biết anh, anh chơi vơi với lý lịch biệt kích Mỹ và 5 năm tù chính trị, cuộc sống mới hoàn toàn ly khai anh, anh không còn dịp sống như những công dân bình thường, đất nước tuy đang xây dựng lại và cấp bách lột xác vẫn không có một chỗ làm, dù tồi tệ nhất dành cho anh… Không đường thoát, anh mua cái đàn cũ, tập tành vài bài hát và trở thành người hát rong kiếm sống.
Sáu Ðờn mệt lắm, người toát mồ hôi, anh thở dốc.
Nụ cười ngày xưa của vợ… thằng con chập chững đi… Trời ơi! Không lẽ đêm trăng rực rỡ mà mình chết sao? Cơn lạnh bỗng kéo tới, anh cong người lại, hai tay ôm gối cố tìm một chút ấm áp. Không! Sáu này không chết dễ dàng được… Mấy năm binh lửa dọc Trường Sơn vẫn chưa hạ được mình mà… Anh rướn người lên, ngã mạnh vô cánh cửa sắt, mồ hôi lạnh vã ra, hớp từng ngụm không khí, cái lạnh khủng khiếp ngập vô đầu, đôi mắt mờ dần. Không! Không lẽ đêm nay mình chết… Lạy trời đất! Làm sao thấy mặt vợ, thằng con trai… Biết em ở đâu bây giờ?…
Sáu Ðờn gục đầu, những ngón tay co lại, anh cố bò sát vô cánh cửa sắt tìm hơi ấm.
Ánh đèn trong nhà Việt kiều Bò hắt một vệt dài ra tới sau cổng, trong nguồn sáng đó, dù vật vã hôn mê, anh vẫn còn chút sức lực để nhìn thấy: con ở của Việt kiều Bò mang ra một thau nhôm đặt ngay chỗ nằm của hai con chó bẹc giê, thính giác bén nhạy của người đói sắp chết cho biết đó là đồ ăn…
Ðúng vậy, hôm nay ngày rằm Tháng Bảy, ngày cúng cô hồn, nhà Việt kiều Bò tiệc tùng từ trưa, tối nay hai con chó được một thau thịt bò nướng. Sáu Ðờn run lập cập khi ngửi được mùi thịt bò, cái mùi mà bao năm qua không còn trong khứu giác của anh. Cơn sốt biến mất… chỉ còn lại mùi thịt bò! Ðúng là thịt bò!
Sáu Ðờn kéo song sắt, chồm lên hít một hơi dài, cơn đói tràn cả người, anh cố đứng dậy trên bàn chân lạnh ngắt, đầu gối run lập cập, anh nhìn hàng song sắt nhọn trên cánh cổng… Không! Không bỏ được! Sáu Ðờn lầm bầm… phải leo vô, phải ăn được thịt bò! Thịt này của mình chứ không phải của mấy con chó. Có thịt mình sẽ sống… Có ăn mình sẽ không chết đêm nay… biết đâu có ngày gặp con, gặp vợ.
Sáu Ðờn dồn sức lực vô hai cánh tay và chiếc chân lành, cố kéo người lên, chỉ mấy thước thôi mình sẽ qua cơn đói, sẽ hết sốt, sẽ sống… Anh leo lên tới đầu cánh cổng, anh len qua những cây sắt nhọn, đưa tay kéo chiếc chân còn lại đang sưng vù. Cố lên, cố lên!… Sáu Ðờn tự nhủ mình đói nên lấy đồ ăn của hai con chó, mình không xâm phạm của cải, tài sản riêng tư gì hết mình không trộm cắp gì hết. mình đói mà…lấy được thau thịt của hai con chó là mình sống. Sáu Ðờn lấy hết sức kéo cái chân nhức nhối qua những song sắt.
Trong khoảng cách một phân. Trong thời gian một giây. Trời đã nhắm mắt, vô tình với anh Sáu khốn khổ! Cái chân què vừa qua khỏi hàng sắt nhọn…mảnh quần rách của Sáu Ðờn bung ra, móc vô song sắt, giựt lại, anh mất đà, chới với, cây sắt nhọn đâm thẳng cái chân cụt, toé máu. Sáu Ðờn đau quá chồm lên, cố gỡ cái chân ra khỏi cây sắt, nhưng sức lực không còn, anh hụt hơi rớt người xuống.
Những đầu sắt nhọn của cánh cổng đâm vào ngực, Sáu Ðờn hộc lên, co lại, hai tay anh buông ra, rớt từ trên đầu cánh cổng xuống nền sân. Anh đưa tay, máu tanh tưởi trong miệng, chung quanh bỗng tối đen… Trong chút hơi tàn còn lại, Sáu Ðờn vẫn ngửi thấy mùi thịt bò, cái sống còn khiến anh lăn qua, tay bám nền sân, cố bò tới, thau thịt bò thơm lựng cách chừng vài gang. Cố tới, một chút nữa, một chút thôi!… Tay anh đụng thau thịt bò…ngón tay bám sâu vô những miếng thịt mềm mềm. Ơi thịt! Ơi thịt! Anh thu hết sức kéo thau lại gần. Bỗng Sáu Ðờn nghe tiếng chó gừ, và cái rát xé cổ họng, anh bị kéo lên khỏi mặt sân, máu tràn ra đầy mặt, ngàn tiếng ve kêu trong đầu, chung quanh tối đen, lạnh ngắt, anh co quắp, giựt mạnh, bầu trời đầy ánh trăng tắt ngúm trong đôi mắt đứng tròng.
– Mẹ! Ðói quá đâm “niều”!
– Bọn trộm cướp! Trước sau gì nó cũng “nàm”!
– “Nại”… cái bọn tàn dư phản động! Biệt kích mà!
– Làm bộ ăn xin ở nhờ, hèn gì mấy bữa nay có nghe nó hát hò gì đâu!
– Nó âm mưu chơi nhà “lày nâu” rồi!
Mọi người xầm xì về cái chết của Sáu Ðờn. Những người hiểu chuyện, không nói được, chỉ làm thinh, ôm lòng thương Sáu Ðờn trong bụng, họ không bao giờ nghĩ anh ta là kẻ cướp, họ buồn cười vì cái nón “tàn dư phản động” của người nào đó chụp cho anh. Họ biết phong phanh Sáu Ðờn bị chó nhà Việt kiều Bò cắn chết, tay còn ôm thau thịt bò, họ thương cho thân phận cùng đường của Sáu Ðờn.
“Sáu Ðờn đã theo dõi nhà anh Việt kiều Bò từ lâu, sau cơn đói thuốc (!) leo tường đột nhập, âm mưu cướp số tiền lớn cả triệu đô la thuộc Công Ty Liên Doanh của chủ nhà và Nhà Nước, anh ta bị chó cắn chết, tại chỗ”.
Ðó là lời bàn ra bàn vô của hàng xóm quanh nhà Việt kiều Bò, công an có đến làm biên bản, đâu ai quan tâm tới Sáu Ðờn, từ lúc sống cho đến khi chết.
Sau đó anh Việt kiều Bò cho ít tiền chôn thằng cướp giả danh, thằng tàn dư phản động Sáu Ðờn, ai cũng khen ông tử tế, nhân từ!
Sự đến và đi của Sáu Ðờn không gây một xao động nào trong làn sóng đổi đời vùn vụt của Sài Gòn, tức nhiên cũng không ai cần biết đến sự thật về cái chết của anh. Ngoài anh ta và hai con chó!
Gâu! Thau thịt đó là của tụi tao! Chủ cho tụi tao!… Gâu! Thằng què không tư cách dám nhào vô lấy!…Gâu! Lấy rồi tụi tao đói à! Làm gì có chuyện đó! Tao cắn một phát ngay yết hầu là xong!…Con bò còn chết huống gì thằng què bịnh hoạn!… Dạ, dạ! Gâu gâu! Chủ kêu con!…
Hai con chó chạy vô, nằm sát chân Việt kiều Bò, ông xoa đầu nó.
– Giỏi con! Giỏi con!
Ông đẩy tới cái thau nhôm, đầy những miếng thịt bò nạc đỏ hỏn, to hơn cái thau đêm nào Sáu Ðờn thèm thuồng cho đến chết!
HDV