Thứ Bảy vừa qua đánh dấu đúng 100 ngày kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên thệ nhậm chức. Thời gian này thường được coi như tuần trăng mật của một tân tổng thống – đồng nghĩa là thời kỳ để tổng thống học hỏi và rút kinh nghiệm trong việc lãnh đạo và điều hành đất nước. Thông thường thì đây là thời gian mà một tân tổng thống ít gặp sự chống đối từ các nhóm đối lập, giới truyền thông cũng tránh không chỉ trích, hoặc chỉ trích rất nhẹ nếu có, khi tân tổng thống vấp phải những lỗi lầm ban đầu.
Thế nhưng với ông Donald Trump thì khác. Có thể nói từ suốt mấy thập niên nay, chưa có một vị tân tổng thống nào bị không chỉ phía truyền thông chỉ trích nặng nề mà luôn cả những nhóm đối lập cũng tìm đủ mọi cách để làm khó dễ như trường hợp của Donald Trump.
Thành thật mà nói, những gì mà Tổng thống Trump đã làm trong suốt 100 ngày đầu tiên – từ việc bổ nhiệm Chánh án Tối cao pháp viện cho đến việc bắt các di dân lậu trả về nguyên quán, hoặc ký một loạt sắc lệnh hành pháp cho phép các công ty năng lượng tiếp tục khai thác mỏ cũng như nới lỏng việc kiểm soát môi trường – đều là nhằm thực hiện những lời hứa ông đưa ra trong lúc tranh cử. Trong đó có một số việc thành công và một số thất bại. Ông cũng thay đổi lập trường trong một số chính sách về đối ngoại và an ninh khác hẳn với những gì ông đã từng tuyên bố trước đây.

Cuộc hành trình 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Donald Trump có thể nói là khá lộn xộn. Thất bại lớn nhất là dự luật chăm sóc y tế nhằm hủy bỏ và thay thế luật Obamacare; dự luật này không những không được thông qua mà còn không được đưa ra thảo luận ở hạ viện, và hơn nữa, nó bị sụp đổ do từ chính những thành viên của đảng Cộng hòa. Lệnh hành pháp về việc cấm đi lại giữa Mỹ và một số nước Hồi giáo hiện đang bị chặn đứng ở tại tòa án. Cố vấn an ninh quốc gia, cựu Thiếu tướng Michael Flynn, bị buộc phải từ chức chỉ ít ngày sau khi được bổ nhiệm vì đã cố tình giấu giếm những cuộc tiếp xúc bí mật với một số giới chức Nga, gây thành một vụ tai tiếng đến nay vẫn còn trong vòng điều tra. Ông Trump còn cáo buộc vị tiền nhiệm đã ra lệnh nghe lén điện thoại của ông mà không đưa ra một bằng chứng cụ thể nào. Và sau hết là mức ủng hộ của dân chúng dành cho ông hiện đang ở mức thấp kỷ lục kể từ thời Dwight Eisenhower.
Ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức ngày 20 Tháng Giêng và hôm Thứ Bảy 29 Tháng 4 vừa qua đánh dấu đúng 100 ngày trong cương vị Tổng thống của Hoa Kỳ với đầy đủ những tình tiết sôi động của một nhân vật được xem là khác thường tùy theo quan điểm chính trị của từng mỗi cá nhân.
Ở mặt khác, Tổng thống Donald Trump cũng đã đạt được một vài thành công. Mặc dù ít được chú ý, ông đã cho gỡ bỏ một loạt các sắc lệnh kiểm soát đối với thị trường tài chánh, kỹ nghệ khai thác năng lượng hoá thạch và đã được giới kinh doanh ủng hộ. Kết quả là thị trường chứng khoán tăng vọt trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Tuy nhiên, thành quả lớn nhất mà ông Donald Trump đạt được là việc bổ nhiệm Chánh án Neil Gorsuch vào Tối cao pháp viện đã được thượng viện thông qua ngày 7 Tháng 4 để trám vào chiếc ghế bị bỏ trống hơn một năm sau khi cựu Chánh án Antonin Scalia đột ngột từ trần, và giữ cho toà tối cao tiếp tục nghiêng về phía bảo thủ.
Trong thời gian 100 ngày vừa qua, người ta cũng nhận thấy Tổng thống Donald Trump đã tự đảo ngược một số quan điểm của chính ông trong những chính sách đối ngoại, nổi bật nhất là sau sự kiện chính quyền Syria sử dụng vũ khí hoá học tấn công vào chính người dân của họ cũng như gây áp lực nhằm ngăn chặn việc Bắc Hàn tiếp tục cho thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo.
Từ nhiều năm trước đây, Trump vẫn thường lên tiếng nói rằng Hoa Kỳ không nên can thiệp vào cuộc nội chiến Syria, và trong thời gian tranh cử vừa qua, ông vẫn thường vận động qua các khẩu hiệu “nước Mỹ trước hết” (America first). Nhưng vào đầu Tháng 4, Trump đã ra lệnh sử dụng hỏa tiễn tầm xa Tomahawk tấn công vào một căn cứ không quân của chính quyền Bashar al Assad của Syria sau khi được xem qua một số hình ảnh những trẻ em Syria bị thiệt mạng hoặc bị thương tích, hậu quả của vụ tấn công bằng hơi độc.
Bên cạnh đó, trong cuộc đối đầu với tham vọng vũ khí hạt nhân của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, Trump đã đổi giọng hòa hoãn với Trung Quốc để tìm sự hậu thuẫn trong việc giải quyết vấn đề nhức đầu trên. Trong khi vận động tranh cử, Trump đã nhiều lần lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc là đã cố tình dìm giá đồng nhân dân tệ để nắm phần lợi trong những cuộc giao dịch thương mại, nhưng nay thì nói rằng mối quan hệ mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc “phức tạp” hơn những gì ông nghĩ trước đây.
Sau lần tiếp đón Tổng thư ký Jens Stoltenberg của Tổ chức Minh ước Bắc Ðại tây dương (NATO) tại Tòa Bạch Ốc, Trump cho biết ông không còn xem NATO như là một tổ chức “lạc hậu” nữa và nói rằng trước đây khi còn là một nhà kinh doanh ông “không biết nhiều về NATO. Nay thì ông biết rất rõ về NATO.” Tuy nhiên, ông vẫn giữ nguyên quan điểm là tiếp tục tạo áp lực đòi các quốc gia thành viên của NATO phải đặt cuộc chiến chống khủng bố là một trong những ưu tiên hàng đầu và tăng phần tài trợ cho tổ chức này.
Mặc dù mức ủng hộ dành cho Tổng thống Donald Trump đang ở mức khá thấp qua các cuộc thăm dò gần đây, nhưng theo nhận định của tờ The Guardian của Anh Quốc, bằng con mắt nhìn từ bên ngoài, hiện có hai ông Donald Trump hoàn toàn đối ngược nhau. Kia là một Donald Trump, lãnh tụ của số đông người dân da trắng bảo thủ và ngoan đạo sống ở vùng nông thôn và các thị trấn nhỏ ở Mỹ: người mang lại những thay đổi trong sinh hoạt chính trị ở thủ đô Washington, phục hưng lại niềm kiêu hãnh dân tộc, dạy cho các lãnh tụ hay tổ chức thuộc loại “tà ma ngoại đạo” trên thế giới bài học đích đáng bằng hai vụ tấn công bất ngờ bằng hỏa tiễn và bom vào đúng mục tiêu được định sẵn.

Và đây là một Donald Trump hoàn toàn trái ngược được nhìn qua cặp mắt của cử tri thuộc thành phần cấp tiến, sống ở các thành phố lớn của nước Mỹ và kể cả các cộng đồng thiểu số. Ðối với nhóm cử tri này thì Trump là một Tổng thống bất tài, thối nát, chỉ biết quan tâm tới cá nhân của chính mình và giới giàu có, và đã biến Toà Bạch Ốc thành một nơi để trình diễn những chương trình truyền hình thực tế (reality TV show).
Nhưng nếu nhìn từ một quan điểm chừng mực và bình tĩnh, theo nhận định của Giáo sư David R. Jones dạy môn khoa học chính trị thuộc Ðại học Baruch tại New York, thì việc đánh giá một tổng thống chỉ dựa vào những thành quả đạt được trong 100 ngày đầu tiên, ví dụ những đạo luật Tổng thống ký ban hành chẳng hạn, thì không nên chút nào.
Giáo sư Jones đưa ra bảng thống kê những dự luật quan trọng (landmark) qua các đời Tổng thống kể từ sau Franklin D. Roosevelt đã ký ban hành, thì trong thời gian 100 ngày đầu, chỉ có hai trong số 11 Tổng thống đã làm được việc này: Lyndon B. Johnson (luật cải tổ giáo dục) và Barack Obama (kế hoạch kích thích nhằm giải quyết tình trạng suy trầm kinh tế).
Hơn nữa, có năm vị Tổng thống (Eisenhower, Kennedy, Nixon, Carter và George H. W. Bush) không ký được gì trong suốt năm đầu tiên; và thậm chí, sau bốn năm nhậm chức, có ba vị (Eisenhower, Nixon và Carter) vẫn không ký được một đạo luật quan trọng nào.
Vậy tính ra, nếu so sánh Donald Trump với 11 vị Tổng thống tiền nhiệm thì ông cũng đứng ở vị trí giống như đa số các vị Tổng thống trước đó.

Một trong những điều quan trọng qua 100 ngày đầu làm việc của Tổng thống Donald Trump là ông học được kinh nghiệm gì qua những thành công và thất bại để đem áp dụng trong việc điều hành đất nước trong thời gian tới.
Những cố vấn có thực tài như Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, cố vấn kinh tế Gary Cohn và Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin ngày càng có tiếng nói mạnh và ảnh hưởng trong nhiều quyết định của Donald Trump. Nếu ông tiếp tục duy trì lòng tin tưởng này đối với các cố vấn trên thì có thể là chìa khoá đưa đến thành công trong 100 ngày sắp tới.
Ðiều quan trọng hơn hết là qua thất bại trong tiến trình hủy bỏ Obamacare, ông không thể chỉ dựa hoàn toàn vào sự ủng hộ từ đảng Cộng hòa mà nên tìm sự liên kết với những nhân vật ôn hòa của đảng Dân chủ và tìm cách thoát ra khỏi tình trạng quá sức phân cực hiện nay giữa hai đảng đối lập này thì mới có hy vọng đạt được thành công.
VH