Menu Close

Cái học ngày nay?

Hôm nọ, một vị phụ huynh gọi điện thoại cho Dế Mèn, ông cụ khều cái nhẹ để bày tỏ sự nghi ngại. Sau vài lời thăm hỏi, câu chuyện diễn tiến như thế này:

– Cô ạ, chuyện cái bánh có thật không cô? Cái bánh giòn giòn ấy?

-…?!

– Cái bánh trên… báo Trẻ ấy mà?

À, thì ra ông cụ đọc báo Trẻ, kỳ báo đăng mẩu chuyện “Chiếc Bánh May Mắn” nên thắc mắc gọi điện thoại hỏi thăm. Dế Mèn mở ngoặc ở đây để cám ơn báo Trẻ, đã bắc cầu cho phe ta nghe ý kiến về giáo dục từ một vị phụ huynh.

– Chiếc bánh thì sao bác?

– Không phải cái bánh, cái cô gì cơ?!

– Cô nào, bác?

– Cái cô trình luận án rồi in sách ấy!

Ồ, ông cụ muốn nói đến Yasuko Nakamachi người đã dùng đề tài “senbei” làm mục đích nghiên cứu lịch sử khi còn là sinh viên ban Cao Học tại Ðại Học Kanagawa. Trình luận án xong thì tác giả xuất bản nguyên một cuốn sách kể chuyện gốc gác của chiếc bánh may mắn, cư dân Huê Kỳ gọi tên “Fortune Cookie”. Chẳng hiểu ông cụ thắc mắc chuyện chi nên Dế Mèn hỏi tiếp:

– Dạ, cô Nakamachi?

– Ờ, đúng rồi.

– Dạ, chuyện có thật.

– Thật à? Sao lại có chuyện học hành… dở hơi thế? Nghiên cứu gì mà lại tìm chuyện cái bánh? Ai đời lại phí phạm cơm cha áo mẹ chữ thầy thế nhỉ? Mà trường đại học nào lại cho nghiên cứu mấy thứ ấm ớ thế? Tôi tưởng đại học ở xứ sở văn minh thì phải có cái gì khác chứ?

cai-hoc-ngay-nay1

Vị phụ huynh đi luôn một mạch từ cô Yasuko Nakamachi “dở hơi” đến trường Ðại Học Kanagawa “ấm ớ”, làm mấy chuyện “vô bổ”, và cả Dế Mèn “rách việc”, lan man về mấy thứ vớ vẩn!

Dế Mèn đang hoạt động trong môi trường giáo dục (“dỗ” nhiều hơn là “dạy” theo tiêu chuẩn ngày xưa) nên nghe vị phụ huynh chê trách trường học, “xổ toẹt” chuyện huấn luyện thì chạnh lòng lắm. Ôi chao làm sao để giải thích nhỉ? Và giải thích thế nào để ông cụ cảm thông và chấp nhận cung cách huấn luyện người trẻ tuổi ngày nay? Hay lúc này “im lặng là vàng”?

Ngẫm nghĩ chút xíu rồi phe ta nhỏ nhẹ mà rằng:

– Bác ạ, trường học là môi trường giao tiếp đầu tiên bên ngoài gia đình của trẻ em, từ nhỏ đến lớn. Trẻ em đến trường học cách cư xử với người chung quanh từ bạn [và bè] đến thầy cô; đúng nghĩa của việc “khai tâm”. Các môn học chỉ để “mở trí”, giới thiệu với trẻ em các sinh hoạt của đời sống, những căn bản cần thiết, từ tập đọc tập viết đến làm toán. Mỗi ngày các đề tài một phức tạp theo trình độ hiểu biết của nhi đồng…

-Ấy, học đọc học viết, học tính học toán thì đúng rồi. Hôm nay học làm toán thì ngày mai mới biết… chế phi thuyền chứ nghiên cứu về mấy cái bánh thì làm gì nên chuyện? Quanh quẩn ở bếp núc, cơm nước thì đi đến đâu?

Hóa ra ông cụ xem nhẹ chuyện ăn uống nên bất bình tiếc xót một công trình nghiên cứu… Sáu năm mà… “chẳng ra làm sao”.

cai-hoc-ngay-nay

Không dám nói nữa nên phe ta đành thêm một câu ngắn ngắn:

– Bác ạ, việc giáo dục chú trọng đến dạy học trò cách tìm tòi suy luận, lập giả thuyết rồi chứng minh. Khi học trò biết cách giải đáp một câu hỏi khúc mắc, phức tạp thì việc giáo dục được xem như thành công.

Khoa học thực nghiệm như y học, vật lý… thì chứng minh qua kết quả của các chương trình thí nghiệm… Khoa học nhân văn, như lịch sử, ngôn ngữ…, thì tìm hiểu các dữ kiện lịch sử, sự biến chuyển qua thời gian để chứng minh giả thuyết của mình như cô sinh viên kể trên năm nào. Ðề tài nghiên cứu không nhất thiết phải là chuyện ảnh hưởng đến… trăm họ!

– À, thế thì hỏng rồi, tốt nghiệp như cái cô Nhật kia rồi thì làm gì?

Ðến đây thì Dế Mèn bí lù vì chưa tìm hiểu xem cô Yasuko Nakamachi bây giờ “làm gì” và cũng hiểu rằng phe ta chưa thuyết phục được vị phụ huynh về phương cách giáo dục ngày nay. Dế Mèn thử “bắc cầu”, cố gắng kết nối người “già” và người “trẻ” qua một mẩu chuyện đời thường nhưng cái cầu ấy xem ra là một cái cầu… khỉ, lắt lẻo giữa hai bờ?

TLL