Đây đúng ra chỉ là những miểng vụn của một bức tranh nhiều mặt, nhiều tầng lớp… Cũng là những âm vang dội lại từ quá khứ. Nó gợi lên những xúc động, trước hết là cho người viết, sau nữa có thể cho những ai đọc tới. Chúng tôi xin gom lại đây cho một lần tưởng niệm quá khứ.
Âm vang từ biển xưa
Biển Xưa của Nguyễn Mộng Giác là một truyện ngắn hay. Anh viết cách đây đã lâu, có lẽ từ ngày gặp người lính Thủy Quân Lục Chiến Cao Xuân Huy. Truyện kể về một cuộc gặp gỡ với người vợ của một sĩ quan tên Tâm cùng đại đội với người xưng tôi. Lúc bấy giờ, những tháng đầu năm 1975, tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến đang rút khỏi Huế về hướng biển Thuận An.
“Bây giờ tôi không nhớ “chuyện đó” bắt đầu xảy ra ở đâu, lúc nào, nhưng hình như chạy khỏi bãi tắm Thuận An độ một giờ, thì bắt đầu có người tách khỏi đoàn, đến ngồi bệt gần mé nước. Một lúc, thêm một người tách đoàn đến ngồi bên người trước. Rồi người thứ ba, người thứ tư. Họ ngồi quây tròn, lặng lẽ. Một tiếng lựu đạn nổ. Ðoàn người khựng lại một chút, rồi tiếp tục chạy. Một lúc sau, một người khác tách đoàn, đến ngồi bên mé nước. Và vòng người kín dần, thành hình. Lại một tiếng nổ… Tâm đã vỗ vai vĩnh biệt tôi lúc gần đến cửa Tư Hiền, để làm một trong những người đầu tiên lập vòng mới!”
Thú thật, Nguyễn đọc đoạn này lòng chợt thấy buồn bã lạ thường. Và xót thương vô hạn. Sau cuộc chiến, có biết tới cái chết tuẫn tiết của nhiều chiến sĩ VNCH, trong đó người bạn học cũ của Nguyễn là Trung Tá Nguyễn Ðịnh Chi cầm súng bắn vào đầu ngay trên bàn làm việc. Nhiều cái chết anh hùng và thương tâm, chứng tỏ quân đội ta xứng đáng với sự ngưỡng mộ và tưởng nhớ của mọi người.
Vâng, Nguyễn có biết về những cái chết dũng cảm nhưng là của từng cá nhân, còn tự sát nhiều người một lúc thì chưa nghe thấy mãi tới khi đọc Nếu Ði Hết Biển của Trần Văn Thủy (than ôi, phải đợi tới “một người bên kia” viết ra mới thấy -tôi ơi, ngu ơi là ngu!). Trần Văn Thủy thuật lại ngày 30 tháng Tư 1975, có những người lính Nhảy Dù rủ nhau vào trong một con hẻm rồi nổ lựu đạn chết tập thể!
Ôi, một quân đội có những người con như vậy, thật đáng tự hào biết bao. Tiếc rằng lịch sử đã không dành cho chúng ta một số phận khác! Khoa Hữu ơi, anh nói một câu thật đáng để đời.
Ai ra đi mà quên trời xưa được sao…
Ai ra đi mà quên trời xưa được sao. Xin mượn ca từ bài hát của Trần Ðình Quân (có sửa một chữ) để diễn tả lòng mong ước ngày về. Nhưng với Nguyễn và một số đông bằng hữu thì vấn nạn đã được đặt ra: Có thể nào về lại được không? Cho dù có vài kẻ đã về và ở lại luôn bên ấy. Mà những người trở về này được biết đến nhiều nhất là giới ca sĩ. Có lẽ họ nghĩ rằng là chim thì hót ở đâu cũng được – Ðông hay Ðoài thì cũng rứa rứa xêm xêm. Ðã không biết ấm lạnh thì thôi, mặc kệ họ thôi.
Riêng Nguyễn và bạn bè thì e rằng không thể nào về lại được, khi trên tiền trường sân khấu còn bóng quỷ dữ (xin mạn phép độc giả nhắc lại một câu đã viết cách đây dăm năm – em còn nhớ hay đã cố tình quên đi?). Thân xác không thể trở về nhưng hồn mộng đêm đêm vẫn tìm bếp lửa ngày xưa. Trong tập tạp bút Nắng & Hoa, Cao Huy Thuần có thuật một câu chuyện khá cảm động: Chị bạn của Thuần tên Hà (tên này do Nguyễn đặt ra, vì không nhớ tên nhân vật trong câu chuyện). Chị Hà ở Mỹ, anh của chị ở Pháp, một cô em gái ở Ðức, một cô em nữa ở Ðan Mạch. Hằng năm, họ lấy ngày giỗ cha để họp mặt anh chị em. Chị Hà kể: “Anh em gặp nhau vui quá, nhưng nhìn mười đứa nhỏ chơi với nhau, đứa thì tiếng Mỹ, đứa tiếng Pháp, đứa tiếng Ðức, đứa líu nhíu tiếng Ðan Mạch, chẳng đứa nào nói được tiếng Việt với đứa nào, tôi tự hỏi không biết hương hồn ông nội ông ngoại chúng nó có buồn không. Tứ chiếng giang hồ, đúng là gia đình chúng tôi giang hồ tứ chiếng!” Rồi chị Hà nói tiếp, vẫn giọng nói dễ thương: “Nói gì thì nói, nhưng ví thử tôi chết đi, xuống địa ngục, Diêm Vương nó hỏi tôi muốn đầu thai thành người gì, tôi sẽ móc túi đút cho nó năm bảy cây để năn nỉ xin làm lại người Việt Nam. Tôi mà đi giữa đường đụng xe, nhắm mắt một cái là hồn bay một mạch về Huế liền.” Gặp nhau ở sân bay sửa soạn về Mỹ, chị Hà ký một tấm check đưa Cao Huy Thuần nhờ chuyển về giúp Huế. Thuần cám ơn và hứa sẽ mua cái gì đó thật xứng đáng với trái tim của chị Hà. Chị nói chính chị phải cám ơn Huế vì nếu không có Huế để chị nghĩ tới thì chị đâu còn biết mình là cái gì. Riêng Cao Huy Thuần, trong những chuyến về thăm nhà, biết được ga Huế đang cần một cái đồng hồ cho khách đi tàu (bọn cán bộ nay đã giàu sụ, giàu một cách vô liêm sỉ, đâu cần nghĩ tới cái đồng hồ cho một nhà ga quê nhà). Chị Hà thì nay không còn nữa (chị chết vì ung thư) nhưng trái tim chị đã biến thành cái đồng hồ điểm thời gian trên sân ga Huế.
Những cánh chim trời bạt gió
Một lần nữa, Nguyễn xin được trở lại với đề tài “Những Cánh Chim Trời Bạt Gió”, tức thân phận những di dân trong thế kỷ vừa qua và những năm mở đầu thiên niên kỷ này.
Gió đã lên. Gió đã lên. Những cánh chim trời phiêu lãng vẫn mịt mù trên những miền đất lạ. Vừa qua, về lại New Orleans, trong đêm 5 tháng 7 nhằm hôm ông Obama đi nghe nhạc Jazz hòa tấu cùng với những người da đen kéo thành đoàn thành tốp trên đường phố, mình tìm lại lối trăng moonwalk, nghe sóng dậy ven bờ và tiếng còi tàu chợt hụ chợt nín trên dòng Mississippi. Ðể nhìn lại bức tượng Di Dân với bao cảm xúc ùa về. Vẫn hai vợ chồng với một con gái còn bế trên tay và cậu trai đã lớn đi bên cạnh tay cầm tay bố.
Ngắm nhìn pho tượng trong đêm, nghe lại bài thơ lưu lãng trên sông Mississippi – bài thơ với đôi mắt “xanh như đêm dài” và những cuộc đời nổi nênh mãi mãi vẫn chưa viết xong. Và rồi, một đoạn phim truyền hình vừa xem chợt hiện lên trước mắt với hình ảnh một anh da đen gầy ốm, không áo mặc, trên mình chỉ có chiếc quần xà lỏn, vừa đi vừa nói năng nhảy múa trên một con phố nào đó của xứ Somalia hay Sudan. Anh đang đi, mắt nhìn vu vơ, bỗng một người chĩa súng vào bụng anh và bóp cò. Màn hình lúc ấy chợt im sững trong một giây, và mắt anh da đen mở lớn, rồi anh từ từ khuỵu xuống.
Nguyễn đã hiểu vì đâu trong thế kỷ vừa qua người ta bỏ xứ ra đi và hiện tại cũng vậy. Không, không phải chỉ bởi đói nghèo vô vọng mà còn vì bị khủng bố, ngược đãi, truy bức. Hình ảnh anh da đen trong clip phim vừa kể đã nói lên với chúng ta rất nhiều, trả lời cho câu hỏi ray rứt qua nhiều thập niên: Vì đâu anh không ở, tôi không ở, gã Alex trong chuyện “Những Người Tử Tế” của Phan không ở. Vì đâu triệu triệu người dứt áo ra đi, nuốt lệ ra đi làm những cánh chim trời bạt gió. Vì đâu? Và như lời nói bất hủ của nghệ sĩ quá cố Trần Văn Trạch, đến cái cột đèn kia nếu biết đi nó cũng sẽ bỏ xứ ra đi?

Thế mới thấy rằng trái đất này còn nhiều bóng tối và nhiều người chưa hưởng được cuộc sống yên vui ngay chính trên quê hương mình. Và trong bầu trời chứa nhiều bão tố vẫn còn những cánh chim phiêu bạt. Cho nên câu thơ Văn Cao vẫn còn gợi những cảm xúc bồi hồi.
Chiều nay run rẩy tha đôi cánh
Một bóng sơn ca đến lạc loài
Và những ngôi mộ thuyền nhân
Những ngôi mộ thuyền nhân. Ở đâu? Trên những hòn đảo xa lạ ở vùng biển Ðông Nam Á. Những ngôi mộ ấy nằm dưới mưa nắng lâu ngày tưởng đi vào quên lãng.
Quên lãng? E không đúng vậy đâu. Nhiều người ở hải ngoại này vẫn nhớ tới những thuyền nhân xấu số này. Và cuối tháng Ba đầu tháng Tư vừa qua nhà văn Trùng Dương và nhà thơ Trần Mộng Tú đã tham dự chuyến viếng thăm mộ phần của các thuyền nhân Việt tử nạn trên đường vượt biển trong vùng Ðông Nam Á vào các năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 và đã viết một bài rất hay. Hành trình tìm tự do của trên 800 ngàn thuyền nhân, với ước tính 400 ngàn bỏ mạng trên biển, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, đã làm nên bộ sử thuyền nhân Việt Nam, mà các mộ phần của họ là chứng tích lịch sử không thể xoá nhoà. Ôi, trùng trùng điệp điệp những ngôi mộ thuyền nhân, có cả những nấm mồ tập thể. Ở Songkla, Tha Sala, Koh Kra, Bidong, Galang… Bi thương hơn cả, theo lời bài viết, là chuyện 11 xác các cô gái, mà người địa phương cho là từ Việt Nam, không một mảnh vải che thân, cổ bị dây thừng cột vào nhau, trôi dạt vào vùng này, có lẽ vào thời khoảng từ cuối thập niên 1970 tới đầu thập niên 1980. Họ, cũng như nhiều xác thuyền nhân khác trôi dạt vào đây, đã được dân địa phương vớt lên, chôn cất, và, theo lời khuyên của các vị sư Thái, đã dựng miếu thờ vong linh của họ tại Tha Sala, cùng với một mảnh ván thuyền mà một gia đình Thái tìm thấy được bị chôn vùi dưới cát khi họ đào móng xây nhà. Làm sao ngăn được nước mắt xót thương. Xin đọc đoạn kết của bài viết.

“… Chúng tôi không khỏi xúc động khi nhìn những mộ phần thuyền nhân, đặc biệt những nấm mồ tập thể. Khó có thể tưởng tượng nổi tâm tình của những người dân Mã Lai sống dọc theo bờ biển miền đông của bán đảo Mã, một buổi sáng nào đó thức dậy thấy hàng trăm xác thuyền nhân trôi dạt vào bờ, như còn tức tưởi, mong được chôn cất. Và phần mộ của họ đã được những con người tuy không cùng chủng tộc nhưng đầy từ tâm, như ông Wong, ghi chép giữ lại, và sau nhiều năm đã được chính đồng bào của họ, sau khi đã ổn định đời sống riêng nơi quê hương thứ hai, tìm tới, trùng tu và bảo trì. Ðiều nổi bật trong tâm khảm hai chúng tôi, những người không trực nghiệm kinh nghiệm thuyền nhân, là những thuyền nhân xấu số tuy không tới được bến bờ tự do, nhưng những cái chết bi thương của họ đã không phải là những cái chết vô ích, và những nấm mồ của họ đã nói lên tình nhân loại không biên giới. Trên tất cả, chúng là chứng tích hùng hồn của một giai đoạn lịch sử không thể xóa bỏ, mặc dù những nỗ lực của một chế độ phi nhân vốn đã là giềng mối đẩy họ đi vào cái chết.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ… Câu thơ của nhà thơ Quang Dũng đã trở lại trong chúng tôi, với rất nhiều ngậm ngùi. Nhưng chúng tôi không còn bi quan. Vì chính những mộ viễn xứ này đã giúp bảo tồn một mảnh lịch sử không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả nhân loại.” (trích theo bài viết của Trùng Dương trên Diễn Ðàn Thế Kỷ)
Ôi, những nấm mồ viễn xứ của những anh em cùng tiếng nói cùng quê hương với chúng ta. Xin anh em hãy yên nghỉ. Lòng tôi, lòng bạn hãy tưởng nhớ tới họ trong những ngày này.
TN