Menu Close

Trần Doãn Nho

Trần Doãn Nho sinh trưởng ở Huế là nhà văn nổi tiếng với những tập truyện ngắn Vết Xước Đầu Đời và Căn Phòng Thao Thức. Ông cũng nổi tiếng với những tập tiểu luận Viết Và Đọc, Tác Giả Tác Phẩm & Sự Kiện và những tạp bút đăng đây đó. Ông ít khi làm thơ nhưng bài thơ Nỗi Huế sau đây phải nói là đặc sắc từ ngôn ngữ, hình ảnh tới tình ý thâm trầm, tha thiết. Qua đó, ta thấy không ai yêu Huế bằng Trần Doãn Nho. SAO KHUÊ

tran-doan-nho

nỗi huế

 

nơi đó

thành quách nhiều hơn người

giai thoại đè lịch sử

thuở nhỏ

tôi đi dọc theo những con đường vuông

góc thành này đến góc thành kia

lớp lớp rêu bám đầy

nhẫn nhục, cổ sơ

nghiêm cẩn đến nao lòng

nhìn hoài vẫn cứ tự hỏi…

 

tôi giẫm bước vô danh trên những địa danh

quá khứ được ăn tiêu rất kỹ

những khu vườn có cổng chắn

tường lở nhiều chỗ

vài đoạn rào thép gai

chắp vá hờ hững

ngôi nhà thấp

chật ních kỷ vật

câu đối sơn son thếp vàng hồn nhiên ngủ kỹ

ngang và dọc

mục và quý phái

cũ và kiêu sa

giai thoại mọc lên từ mỗi góc nhỏ

ngày tháng co dãn 

đậm đặc nỗi tự hào

 

thuở thanh xuân

mân mê những livre-de-poche Ưng Hạ

đọc cọp báo Sài Gòn Mới Gia Long

tà tà Phan Bội Châu

nhìn trộm Phương Lan

dựa cột đèn Trần Hưng Ðạo

ngắm từng em từng em đi qua

rỡ ràng phố chật

cốc cà phê Lạc Sơn chiều muộn

hơi người hơi ruốc

nhớ bâng quơ

 

chiều mưa giông Ðồng Khánh

những con chim bồ câu

túa ra

ướt mèm áo trắng

cậu học trò không chịu về nhà

nép dưới tàn cây

hiên phố

ngẩn ngơ

 

huế rất lạnh mà rất nắng

mưa thì phùn và gió rất khô

trời mênh mang mà người thì lặng

những buổi chiều hiền

thẩn thơ đường nhỏ

em đi như tĩnh vật

tôi rụng rời cơn mơ 

 

nhiều lần lang thang quanh hoàng cung

nghe gạch ngói thở

sờ đám tượng trên sân chầu

ẩn nhẩn

đìu hiu

leo lên lầu ngọ môn

thấm thía dòng hư tự

quan ở đâu vua ở đâu cờ quạt ở đâu

chỉ là mấy bông sứ lặng lẽ rụng

trong hồ sen ngơ ngác

hít hà chút cổ sử

ngậm ngùi thơm

 

đó là nơi tỏ ra rất tiện lợi

cho nhiều màn trình diễn

ngoạn mục bất ngờ

có khi trịnh trọng có khi bình dân

có khi rất chuyên nghiệp

và những tan vỡ liên tục diễn ra

thật chậm rãi

đủ để người ta thưởng thức nỗi mất mát

của chính mình

 

lắm khi

từ trong cái ù lì lặng lẽ

bỗng vươn vai đứng dậy

y như thể đã chuẩn bị từ bao giờ

vội vội vàng vàng

băng cờ la hét

đường phố hừng hực

khát khao thu gọn chiều dài lịch sử

 

dưới kia

sông vẫn lặng

đò vẫn trôi

sông còn thơm

mà đò thì chật

 

những ngày xuân âm khí năm nào

thành quách nín

đất đá nghẹn

cỏ cây câm

hố hầm co quắp

ngột

âm bản cuộc liêu trai

 

lại có khi

thành phố bồng bế nhau

vứt cả rực rỡ hè mới chớm

rùng rùng bỏ chạy

đi đâu?

không biết đi đâu

miễn là xuôi Nam

để lại một cõi lặng

không gian rỗng

sàn diễn trống trơn

những con chó mất chủ chạy rất tự do

và vô vọng

hàng phượng lạc loài

chấp chới bay

gió nắng rong chơi

vòng vèo quanh nội thành ấm ức

 

kiêu binh về

bắt đầu mắng mỏ nhiếc móc

thậm chí oán thù

những người đã chết

y như thể không có họ

thì đất nước sẽ thành cường quốc từ thế kỷ 18!

bỗng nhiên

mọi thứ được vội vã  hóa thân

hội hè đình đám

những ngợi khen đẫm mùi tiếp thị

phục chế/tân trang kẻ thù

đem ra bày bán

 

chữ nghĩa không xương…

 

sorry huế!

 

đành phải ra đi

bỏ phía sau nhìn phía trước.

 

lạc lõng giữa đất trời lạ hoắc

ăn cũng huế

nói cũng huế

đi cũng huế

chào cũng huế

thương cũng huế

nhớ cũng huế

ngày huế

đêm huế

lao xao những ôn những mụ những o những dì

đám trẻ con ngỡ ngàng 

tưởng còn thời khuyết sử

cô cháu nhỏ tò mò

what’s hue, ngoai?

hue here! tôi chỉ vào bà ngoại

really, ngoai?

yes

ngoai oi, so i love hue so very very much.

 

tháng bảy quay quắt huế

đến hẹn

nước lại lên

nước tràn Ðập Ðá nước lút bến đò Cồn nước ngập Bao Vinh nước ngâm quốc lộ

…đãng trí

tôi không về

ai lội lụt thăm em

 

một thuở

vỉa hè/góc phố

nắng/mưa

lụt/bão

nghèo/thiếu/đói/no

tù/ngục

 

…một thuở…

 

thành phố thì còn

huế đã đi

 

vĩnh viễn đi!

TDN– 8/15-10/16