Menu Close

Về xứ Bắc (kỳ 5)

Kỳ 5

Hoa Lư binh đao hay những hồi chuông xứ Ðạo

Chuyến đi của tôi tiếp tục hành trình với Hoa Lư. Hoa Lư, nơi đây là chốn của Ðinh Bộ Lĩnh, vua Ðinh Tiên Hoàng chọn làm kinh đô sau khi dẹp loạn 12 sứ quân. Ðịa hình hiểm trở, bao bọc bởi sông núi cho thấy rõ thế cuộc thời đó vẫn đậm mùi binh đao mới chọn đất này làm nơi trị vì.

Nhưng Hoa Lư không lớn như tôi hình dung, dẫu gã đồng hành Nghiêm Chỉnh vẫn với cái giọng tưng tửng không khách quan với chính sử mà tuồn tuột về cái đất này. Cả cái việc gã vỗ ngực “sô vanh” quá mức về cái truyền thống ngàn năm văn hiến ấy. Hoa Lư, thực sự nhỏ bé với vài đền thờ các vị vua Ðinh, vua nhà Tiền Lê. Thực nếu nhìn từ một góc khác thì ắt hẳn sẽ cho là chốn nương náu của những anh hùng giang hồ, lãnh chúa.

coi-rieng-ve-xu-bac8
Nhà bia tại Quảng trường cố đô Hoa Lư

Tôi có dịp nói chuyện với một ông Từ, ông kể rằng khi vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô thì đã cho người dỡ toàn bộ cung điện mà chuyển lên Thăng Long. “Ngẫm lại đôi khi thấy thật buồn cười, cái ngôi đền Cẩu Nhi mà giờ nằm trong hòn đảo trên Hồ Trúc Bạch, cũng là một sự tích có phần tâm linh mà đức vua khai lập nhà Lý nghĩ ra để tạo cái niềm tin về việc dời đô năm Canh Tuất 1010, và cũng là hợp với cái tuổi Giáp Tuất của mình. Trong ngôi đền thờ vua Lê Ðại Hành vẫn có cả tượng và bài vị của vị vua Lê Long Ðĩnh và thái hậu Dương Vân Nga. Ngay cả việc mà chính sử sau này có phần bôi đen nhà vua Lê Long Ðĩnh cũng có phần khiến tôi hoài nghi lắm!”

Gã Nghiêm Chỉnh vẫn cứ khăng khăng việc Lý Công Uẩn sớm dời đô về Thăng Long để gần quê, tránh xa đất của nhà họ Tiền Lê ở Ninh Bình. Và với con mắt đầy hoài nghi vốn có, gã còn vẻ như vẫn đầy những “bức xúc”, như thể sự mâu thuẫn trong các ghi chép sử khiến mọi thứ thật khó trở nên minh xác. Vua Lê Long Ðĩnh, người đã cho rước kinh Ðại Tạng, ngồi yên ngựa chinh phạt trên mười lần và thậm chí còn có hẳn cả viễn kiến đặt một đại diện thương mại ở Ung Châu bên Tống, có thể nào lại là con người hoang dâm vô độ và ngọa triều?

coi-rieng-ve-xu-bac7
Ban thờ Thái hậu Dương Vân Nga trong đền thờ vua Lê

Ngày se lạnh. Hoa Lư sau lưng đã không còn  đổ chuông… Nhưng những uẩn khúc vẫn như còn đọng lại sau nén hương trước bàn thờ của nhà vua cuối cùng thời Tiền Lê, nghi ngút.

Có lẽ với chùa chiền ở đất Ninh Bình này với tôi, đã quá đủ.

Ðường lên Phát Diệm vẫn đầy bụi và gió, cái rét của xứ Bắc này sao cứ căm căm. Tôi thèm nghe những hồi chuông thánh đường cô quạnh, có thể, chỉ để dịu lãng đi những căng thẳng khi nhìn đâu cũng chỉ những mổ xẻ, bày bán thịt trâu, và cả thịt chó dọc đường.

coi-rieng-ve-xu-bac6
Khu vệ sinh đổ nát giữa núi non của cố đô Hoa Lư

Dọc con đường men sông đào Ân Giang đến Phát Diệm nhưng Chỉnh đã ra vẻ nghiêm trọng, như để thêm phần thuyết phục tôi về một “cha Trần Lục”, được hình dung như một nhân vật rất khó hiểu và đa nhân cách; người từng bị lưu đày ở Lạng Sơn, em trai là Thánh tử đạo, bản thân ông là Tham tri thời Tự Ðức, Khâm sai thời Ðồng Khánh, Thượng thư thời Thành Thái, Nam tước thời Khải Ðịnh, nhưng cũng là người đối đầu với giới Văn thân và nhận hai huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp.

Nhà thờ Phát Diệm được xây không bằng một đồng của người Pháp, và cũng không có đồng nào của Vatican. Nếu trở ngược lại lịch sử, sự “sô vanh” của người Pháp là tột cùng thế nào, chủ nghĩa quốc gia đối với người Pháp tăng lên cực điểm khi họ đổ khá tiền vào đầu tư ở Ðông Dương để minh định sự văn minh của nước Pháp ở thuộc địa cũng không kém với người Anh, hay các đế chế châu Âu khác. Những đại công trình mà chính thời điểm nó ra đời cũng là sự bất ngờ với thế giới như hệ thống đường sắt Bắc Nam, cầu Doumer, thành phố Tourane được xây dựng mới hoàn toàn mà hiện giờ là Ðà Nẵng, Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn…

coi-rieng-ve-xu-bac5
Hành lang bên phải Nhà Thờ Chính Tòa, nơi từng bị bom rơi thời chiến tranh

Nhà thờ Phát Diệm hoàn toàn được xây bởi những đồng tiền ky cóp của giáo dân Việt và nằm ngoài vòng tài chính của hội thừa sai Paris. Nhưng cũng chính nhờ đó, nhà thờ Phát Diệm và giáo phận này có thể được coi chính thức là nơi khởi thủy của Thiên Chúa giáo Việt Nam, nơi mà Thiên Chúa giáo được địa phương hóa tận cội rễ với những kiến trúc pha trộn giữa phương Ðông và phương Tây, và cha Trần Lục được coi là một “Giáo hoàng nhỏ” của Việt Nam theo lời của Phó vương Curzon xứ Ðông Ấn. Ngay cả những lời thuyết minh của bà sơ hướng dẫn, cũng không giấu giếm niềm tự hào rằng đây là nhà thờ đầu tiên ở Việt Nam được Việt hóa như vậy, từ kiến trúc  đến hội họa bên trong. Ví như lưng dựa núi, trước mặt nhìn ra hồ, ngay tháp chuông Phương Ðình cũng được kiến trúc dựa lối đình làng Việt. Ngay cả gian chính của Nhà Thờ Chính Tòa cũng được mô phỏng lộng lẫy sơn son thiếp vàng theo lối của điện Thái Hòa trong cung đình Huế của nhà Nguyễn.

“ Thiên Chúa giáo, có một lịch sử trắc trở khi du nhập vào Việt Nam, sự nghi kỵ của Minh Mạng, Tự Ðức. Sự chối từ của đại bộ phận tầng lớp Văn thân theo tư duy Tống Nho giáo điều. Kèm với nó là thời kỳ trỗi dậy của những khái niệm mới về chủng tộc, quốc gia…”, gã Nghiêm Chỉnh, lại cứ như để tường minh, giải ảo những bức tranh đầy lớp lang này. Thế nhưng, tôi vẫn nghĩ rằng cái nhân sinh quan vẫn phải lấy nền tảng nhân bản là con người, là những cá nhân độc lập đầu tiên. Và cha Trần Lục đã để lại cho hậu thế một di sản quý giá.

coi-rieng-ve-xu-bac4
Xe đạp của một giáo dân dựng bên ngoài Nhà nguyện Trái tim Chúa Jesus, đằng xa là Nhà nguyện thánh Rocco

Tôi ở nước Mỹ đa văn hóa, và nhìn nhận thấy sự phân cực trong xã hội Mỹ. Và với Việt Nam cũng vậy, cũng có một sự phân cực nhỏ trong cộng đồng lương giáo trong quá khứ. Nhưng cái thời khi cha Trần Lục mới xây nhà thờ Phát Diệm thì không vậy. Ðất Phát Diệm này vốn là đất sình lầy gần biển nên cha Trần Lục đã phải đổ rất nhiều đất san nền, đóng hàng ngàn cọc tre rồi tiếp tục cho những đàn trâu lực lưỡng quần thảo ngay trên bãi cọc tre đó. Ðó thật là một công việc thật khó khăn. Hồi ấy Thiên Chúa giáo thâm nhập Việt Nam thì thường truyền giáo đến những tầng lớp nghèo khổ nhất và đó là những nhóm vạn chài, không có mảnh đất cắm dùi nào sâu trong nội địa. Phần lớn họ là những người nghèo, ít học nên vì thế cũng ít chịu ảnh hưởng của Nho giáo đã bén rễ hàng ngàn năm trong tầng lớp Văn thân.

Trong không gian trầm mặc của Nhà Thờ Chính Tòa, tôi và những thước phim quá khứ: nhà thờ đá Trái tim Ðức Mẹ và nhà thờ Trái tim Chúa Jesus đã khiến nhà toàn quyền De Lanessan ái mộ đòi đưa đi Paris triển lãm. Những trái bom rải dọc bên mé phải Nhà Thờ Chính Tòa làm sụt nghiêng…

coi-rieng-ve-xu-bac3
Các “nữ con chiên phó nháy” quây quần giờ nghỉ trưa ngoài Phương Đình

“Nhưng đôi khi sẽ là khá mâu thuẫn thế đấy! Pháp là cái nôi của chủ nghĩa cộng hòa hiện đại, và khi nước Pháp chinh phục các thuộc địa thì ngay tại mẫu quốc, nền cộng hòa của người Pháp cách mạng và lãng mạn được đặt dưới thế quyền mà không có sự có mặt của thần quyền. Nhưng chính phủ Pháp đã thỏa hiệp với nhà thờ ở các vùng thuộc địa, nhờ vậy mà nhà thờ có ảnh hưởng mạnh mẽ ở xứ thuộc địa chứ không như thế tại mẫu quốc Pháp.”  Nghiêm Chỉnh vừa bước ra khỏi tiệm sách nhà thờ, tay gã đang cầm một cuốn sách về thần học và đã vội bồi thêm cho tôi vài bài học chính sử khác, “Cha Lục nhận chức quan ở trong triều đình nhà Huế để đi bình định loạn Văn thân ở 3 tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh. Ba tỉnh này vốn là vùng đất dữ không phải là đất thương mại hay nông nhàn như Thăng Long tứ xứ, Ðông Ðoài, Sơn Nam, Kinh Bắc mà thuộc về đất Cửu Chân xưa kia với những dòng sông Lam, sông Mã chảy xiết từ địa đầu dãy Trường Sơn; nên con người ở đây địa phương chủ nghĩa cao mà hào khí tỉnh lỵ cũng ngút trời. Thế nên mặc dù sau khi cha Trần Lục hỗ trợ quân Pháp đánh thành Ninh Bình và Pháp đánh thành Hà Nội, sự bức xúc ở Bắc bộ lại không thành ngọn lửa mà loạn binh đao với những nho sĩ văn thân lại rộ lên ở trong mạn Cửu Chân.”

coi-rieng-ve-xu-bac2
Nhà thờ Đá, nhà thờ được cất đầu tiên ở Thánh đường Phát Diệm

Một đặc điểm khác của nhà thờ Phát Diệm là các nhóm “phó nháy nghiệp dư”, chỉ toàn nữ giới. Họ chụp hình cho khách du lịch, một nhóm thường từ bảy tới trên mười người và có nhiều nhóm khác nhau, tự chia nhóm tự nguyện và được Cha xứ phân định thời gian biểu để chụp hình. Giờ trưa, họ vẫn quây quần quanh dưới tán cây lớn gần Phương Ðình để hàn huyên chẳng khác nhiều các bà cô, bà chị nghỉ trưa lúc làm đồng. Và cũng chỉ riêng ở giáo phận Phát Diệm này, thì có thể thấy có một quần thể nhà thờ, vì vốn ban đầu đây là một khu đất bồi sình lầy ven biển. Các nhà thờ được xây đối xứng nhau với Nhà Thờ Chính Tòa làm trung tâm.

coi-rieng-ve-xu-bac1
Sơ hướng dẫn thuyết minh trong nhà nguyện Trái tim Đức Mẹ

Trước khi rời Phát Diệm, tôi bắt tay chuyện trò với một bạn học của Nghiêm Chỉnh từ Hà Nội xuống ghé Phát Diệm. Chỉnh kể với tôi rằng hai vợ chồng Ngọc và Hưng dù một bên giáo, một bên lương cũng đã đến với nhau mà không cần phải cải đạo. Và đấy cũng là lời chúc phúc của các Sơ dành cho các cặp đến đây cầu nguyện, bất kể mọi người thuộc tôn giáo nào. Nhà Hưng vốn ở Hà Nội, cha là lương, mẹ là giáo khi lấy thì cha cải đạo, nhưng cấm không cho con cái theo nghề luật sư hay trị an, đại thể là tất cả những ngành nghề mà đổi cờ đều có thể bị phế truất và ảnh hưởng. Trong khi em gái của Ngọc thì lấy chồng là dân học Bách Khoa nhưng chồng nàng lại nhất quyết không chịu cải đạo và là nỗi xấu hổ trong cộng đồng Công giáo như  theo cách của Hưng chia sẻ khi Cha làm phép tha để 2 người cưới nhau.

Lẩn quẩn cũng đã xế chiều. Tháp chuông Phương Ðình lại vọng tiếng chuông. Cô Ngọc, nháy mắt hóm hỉnh sau cái gọng kiếng dày, “chị Hạnh không biết gã Chỉnh này hắn vốn là vô thần à!”

coi-rieng-ve-xu-bac
Bên trong Nhà nguyện Trái Tim Chúa Jesus
coi-rieng-ve-xu-bac9
Tác giả bên thềm đá Nhà nguyện thánh Rocco

Ðmh

 https://www.facebook.com/hanhphoto