Menu Close

Đời nghệ sĩ

Con người khi sanh ra, dù khôn hay không được khôn lắm cũng được ông Trời công bình phú cho những năng khiếu khác nhau.

Trời cho cái óc tưởng tượng, lại khoái nói dóc thì thành văn sĩ. Cho giọng hát lúc lên thì cao tuốt chín tầng mây, lúc xuống thì sà ngay mặt nước thì làm ca sĩ.

Ngoài ra còn biết thêm vũ khúc nghê thường của Hậu Nghệ, Hằng Nga thì làm nghệ sĩ cải lương.

Năng khiếu là một lẽ nhưng cái nghề mà… phải nghệ tinh thì thân mới vinh!

Tuy vậy chữ cũng có câu rằng: “Thời vận bất tề!” Tên tuổi của người nghệ sĩ nổi danh hay chìm lỉm thường không do mình tính trước được. Bởi chữ hay không bằng hên mà…

Kiếp cầm ca là do mình tự chọn. Mà đời không có gì khoái hơn là: làm cái nghề mình yêu thích vì mình không có nản. Nên đừng có rên: “Khi biết em mang kiếp cầm ca/ đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người đời/ bỏ tiền mua vui/ hỏi rằng anh ơi còn yêu em nữa không?”

(Yêu quá đi chớ! Ôi nhớ xưa! Tui đã từng ái mộ nghệ sĩ Lệ Thủy trong vở Hoa rơi cửa Phật.

Lệ Thủy, vai Lan, thất tình nên đi tu, đi cẳng không. Chớ nếu Lệ Thủy có mang guốc vông kêu tui xách guốc cho… thì thú thiệt với bà con là tui rất lấy làm vinh hạnh…)

Người nghệ sĩ là người đa nhân cách. Sống cùng lúc hai thế giới: ban ngày và ban đêm. Ban ngày sau hậu trường đầy dẫy bực bội, bất trắc, khốn khó do mậu lúi vì đánh tứ sắc giải khuây hết tiền, hay ghiền rượu hoặc trót làm bạn với ả phù dung cho tiếng hát thêm muồi (mùi).

Ban đêm khi ánh đèn măng-xông thắp sáng, mang hia đội mão thành Hoàng tử đẹp trai và nói rất dai trên sân khấu, vung kiếm trừ gian diệt nịnh.

Vừa ca diễn vừa nhìn xuống khán phòng, nơi những đôi mắt tròn như hột nhãn của em bán cháo lòng trong nhà lồng chợ say sưa thán phục. Hỏi rằng không hãnh diện, hểnh lỗ mũi to bằng trái cà chua lắm ru?!

Nên trong lòng bấy lâu, tui vẫn hằng ao ước được chường cái mặt mẹt của mình lên sân khấu, dầu chỉ một lần, để làm một xác bướm khô: “Than ôi! Cánh hoa rụng tả tơi vì gió dập, chớ xác bướm khô ôm ấp mặt bởi tình yêu. Như tôi đây nhìn hoa lan mà ruột thắt trăm chiều. Trông hồ điệp lệ sầu tuôn mấy lượt…

Ðể hưởng vài giờ huy hoàng trên sân khấu như MC Nguyễn Ngọc Ngạn cho tới khi dàn đèn màu phụt tắt để trở lại đời thường, sau khi rửa hết phấn cùng son.

o O o

Tuy nhiên đời nghệ sĩ cũng sàng lọc ghê gớm lắm. Cả hàng ngàn nam diễn viên mà chỉ có được một vài người nổi tiếng như là ông Út Trà Ôn nhờ sáu câu vọng cổ để: trên ô-tô dưới thì ca-nô, nằm giường Lèo trải thêm nệm gấm.

Nên có nam nghệ sĩ tính lợi dụng mấy em khán giả ái mộ nhưng giàu vô số kể để nhờ giọng ca muồi (mùi) rệu, cộng với văn chương ướt át của Thầy tuồng là chiếm được trái tim em.

Hy vọng hão huyền là một bước trở thành ông bầu gánh hát, vừa được tiếng, vừa được miếng cho nó ‘phẻ phắn’ cái đời nghệ sĩ lăn lóc gió sương mà không sợ ba ngày đêm nổi lên sình chương bao giờ.

Soạn giả Nguyễn Phương, hiện ở Canada, có kể một câu chuyện đọc thì thấy vui vui nhưng nghĩ kỹ thấy bùi ngùi cho một đời đi làm kép hát.

Tui hoàn toàn tin là thiệt. Bởi tui có một lần bèo dạt hoa trôi vì miếng cơm manh áo mà tấp vô quận Kế Sách, là bản quán của nam nghệ sĩ Thành Ðược, thuộc làng An Mỹ.

Chuyện vầy nè: Từ năm 1952 đến năm 1958, kép Minh Tấn là kép ca vọng cổ nổi danh của đoàn hát Thanh Minh.

Ðoàn Thanh Minh về hát tại Kế Sách, Sóc Trăng. Ðêm hát đầu, khán giả lưa thưa. Chúng tôi phải lãnh lương ‘đờ mi’. Nhưng đoàn hát cũng bớt cơn thắt ngặt vì tánh chiêu hiền đãi nghệ sĩ của một người phụ nữ đang tuổi xuân nhưng đau đớn thay nửa đường gãy gánh.

“Chú Chệt Ám chết, để lại hai đứa con còn nhỏ, cô đang làm chủ một cái nhà máy xay lúa  lớn nhứt ở tại chợ Kế Sách, đầu Cầu Sắt, từ quận đường bước qua phía tay phải, nằm ngay ở vàm sông, thuận tiện cho ghe tấp vô khi đi chà lúa.”

Nếu tôi vô được cái mối nầy thì tôi sẽ biểu cô ta bỏ vốn ra lập gánh hát, lấy bảng hiệu Minh Tấn – Kế Sách.”

Bà Chệt Ám là người Tiều, má của thằng bạn nhậu của tui là Trung úy Sơn! Tui quen biết Sơn qua Lê Quang Tổng, dạy Việt Văn, cũng là Giám học của trường quận, vốn tốt nghiệp trường Ðại học Sư phạm Cần Thơ, hệ thường xuyên, học chỉ hai năm, là đồng nghiệp, bạn hiền kiêm bạn nhậu, kiêm chủ nhà vì nó cho tui ở ké cái nhà sàn dựa mé sông Kế Sách mà không tính tiền trọ gì hết ráo.

Lúc giảng bài, Giáo Tổng hay gặc cần cổ qua lại kêu rắc rắc cho đỡ buồn nên được tui ưu ái đặt cho bạn hiền cái ‘nick name’ là con bửa củi.

Nhớ tới ngày mùng Một, Tháng Năm, năm 1975, mà Chợ Kế Sách vẫn im ru bà rù kể từ chiều 30 Tháng Tư, ông Thiếu tá Kiến, Quận trưởng mới đổi về chừng hai tháng, lên xe Jeep lùn, cùng đám lính cận vệ chạy mất tiêu về hướng Sóc Trăng, nhưng VC rút kinh nghiệm đau thương về cái Tết Mậu Thân chưa dám ló đầu vô mà tiếp quản.

Cuối Tháng Tư, chưa kịp lãnh lương nên đứa nào cũng đói. Giáo Tổng sầu vận nước ngả nghiêng quá, chạy ra tiệm hàng xén của mấy đứa học trò, mua chịu, rinh về một kết Lave, 12 chai, biểu tui uống. Nó nói uống lần chót đi bồ! Mai mốt hổng có đâu mà uống.

Giáo Tổng vốn là dân ruộng, sống trong vùng xôi đậu, nên nó rành cái chuyện nầy hơn tui, vốn là dân thành hồi nhỏ tới giờ.

Hai đứa ngồi nhâm nhi được vài chai. Chừng 5 giờ chiều, nhìn ra lộ đá thấy du kích mặc áo bà ba đen, quần ni long dầu, đi cẳng không, cầm súng AR 15, lấy được ở mấy cái đồn nghĩa quân của mấy xã vùng ven đi cóm róm.

Giáo Tổng lẳng lặng bỏ mấy chai Lave còn lại xuống mép sông.

Nó sợ xanh mặt cũng phải vì sau nầy nghe nói: Hồi năm Tết Mậu Thân 1968, bọn cán bộ ghé nhà nó trong Xã Kế An kêu tham gia cách mạng thì nó cười hì hì: “Thuyền cách mạng đang mắc cạn. Chừng nào chạy được nó sẽ tham gia.

Xong nó vọt tuốt ra chợ Quận làm giáo chớ không dám léo hánh về nhà nữa, vì nghe rằng mấy thằng Xã ủy họp dân lại, kết án khiếm diện Giáo Tổng tội tử hình vì…dám chọc quê cách mạng. He he!

Trở lại với chuyện Thiếm Năm, vợ Chệt Ám, thì thuở đó kép Minh Tấn rề rà tính nhào vô cho ấm tấm thân và có tiền của em yêu cho lập gánh hát để trở thành Bầu gánh.

Nhưng đâu ngờ là người đẹp cũng trong tầm ngắm, chấm tọa độ tính bắn cái ‘bùm’ của ông Quận…

Nên đêm đó sau khi vãn hát, kép Minh Tấn tính bò đi khám điền thổ thì bị lính Quận phục trước.

“Bất ngờ nghe tiếng la lớn: “Ai đó? Ðứng lại!” “Trong nhà đốt đèn lên, xét tờ khai gia đình!” Rồi tiếng lên cò súng rốp rốp, kép Minh Tấn sợ quá té xuống sông, không dám lên nên đội giề lục bình, tính bơi về mé sau cửa rạp rồi leo lên bờ. Thì bị mấy ổng bắt lên, dọng cho mấy báng súng. Ông Quận dặn biểu bắn dọa thôi chớ không thì kép Minh Tấn ăn đạn rồi.

“Ðến xứ người mà muốn ăn vụng thì cũng phải dò xét coi món đồ quý đó là của ai chứ! Ðừng có đi quá giờ giới nghiêm, đừng có đi vô những vùng đất cấm.

Ông Quận biểu chúng tôi cho thằng cà chớn nầy một bài học, nhốt nó một đêm  thôi!”

Biết rồi mới cảm thương cho đời nghệ sĩ.

Bảo Huân
Bảo Huân

ĐXT – melbourne