Bộ phim Oldboy của đạo diễn Park Chan-wook được xếp vào thể loại “thriller neo-noir film”, vừa hồi hộp vừa có những cảnh bạo lực, tình dục đặc trưng của phim noir; mặt khác, Oldboy thuộc dòng phim trả thù (revenge film), một thể loại rất mạnh của điện ảnh Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nếu như những bộ phim của phương Tây và của Hollywood khi làm về chủ đề trả thù thường chỉ truy sát, tận diệt kẻ thù, bạo lực đẫm máu nhưng tác động lại chóng qua, thì những bộ phim thuộc chủ đề, thể loại này của Hàn Quốc hay Nhật Bản ám ảnh người xem hơn nhiều vì cách sắp đặt mưu kế công phu của người trả thù và nỗi đau mà anh ta/cô ta muốn người bị trả thù phải trả qua- những cảm giác tương tự nhưng đau đớn hơn, tàn nhẫn hơn gấp bội những gì người đó đã gây ra cho mình. Sự tàn ác đi cùng với nỗi đau tột cùng của các nhân vật trong phim sẽ ám ảnh người xem rất lâu sau khi những hình ảnh cuối cùng của bộ phim đã kết thúc.
Trong Oldboy, Oh Dae-su, một doanh nhân bất ngờ bị bắt cóc và giam giữ trong một nhà tù bí mật suốt 15 năm trời mà không biết lý do tại sao. Khi Oh Dae-su đang phải ngồi trong phòng tối thì vợ anh bị giết mà các bằng chứng từ dấu tay, vết máu để lại đều chỉ ra rằng Oh Dae-su là thủ phạm, nhưng thật ra là do kẻ đã giam giữ anh thực hiện. Một phần để làm cho anh đau đớn, một phần để cắt đứt đường trở về cuộc sống bình thường, lương thiện của Oh Dae-su ngay cả khi được tự do, bởi vì bây giờ Oh Dae-su là nghi phạm chính bị cảnh sát truy lùng.

Khi được thả ra sau 15 năm, Oh Dae-su bắt đầu hành trình đi tìm con gái mà khi anh bị bắt cóc, cô bé chỉ mới lên 4, và đi tìm sự thật. Oh Dae-su khám phá ra con gái đã được một gia đình người Thụy Điển nhận nuôi và từ bỏ ý định liên lạc với cô trước khi khám phá ra ai là kẻ giam giữ mình. Phải mất một thời gian sau, Oh Dae-su mới tìm ra sự thật rằng mình đã phạm một sai lầm thời tuổi trẻ dẫn đến cái chết của một người con gái; nhưng điều kinh khủng hơn, Oh Dae-su cũng đồng thời được biết cái giá mà mình phải trả không chỉ là mất vợ, mất con, 15 năm bị giam giữ mà còn đau đớn hơn thế, chỉ vì người trả thù muốn Oh Dae-su phải trả qua những cảm giác giống mình khi yêu một người cùng dòng máu…
Oldboy là một bộ phim bạo lực và dữ dội, mọi cảm xúc của các nhân vật đều được đẩy tới cùng.
Dựa trên câu truyện tranh thể loại manga cùng tên của Nhật Bản với hai tác giả là Nobuaki Minegishi và Garon Tsuchiya, kịch bản của bộ phim được viết bởi chính đạo diễn Park Chan-wook và hai người khác, Hwang Jo-yoon và Im Joon-hyeong.
Người viết không có thì giờ để xem cuốn truyện tranh này và so sánh với câu chuyện phim, nhưng nếu chỉ tính riêng bộ phim thì điểm mạnh đầu tiên là kịch bản. Câu chuyện được sắp xếp, tính toán từng chi tiết, nếu soi kỹ thì cũng có một số chi tiết không được thuyết phục lắm, nhưng không thể phủ nhận cách dẫn dắt, thắt nút, mở nút tạo sự hấp dẫn của đường dây cốt truyện.
Oldboy lôi cuốn người xem không chỉ là hành trình đi tìm sự thật của Oh Dae-su được đạo diễn dẫn dắt, che giấu, mở nút dần dần cho tới hết, nhưng còn vì diễn xuất của các nhân vật. Đặc biệt là Choi Min-sik trong vai Oh Dae-su và Yoo Ji-tae trong vai Lee Woo-jin, người trả thù Oh Dae-su.
Có thể kể ra rất nhiều phân đoạn trong đó nhân vật phải trải qua rất nhiều tâm trạng, cảm xúc dữ dội, phức tạp liên tiếp, nếu không phải là diễn viên giỏi sẽ không thể hiện nổi. Một trong những phân đoạn đó là cuộc đối mặt sau cùng giữa Oh Dae-su và Lee Woo-jin, cho đến khi Oh Dae-su biết được sự trả thù của Lee Woo-jin dành cho mình không chỉ có thế và nỗi đau mà anh phải chịu đựng suốt phần đời còn lại còn nặng nề hơn rất nhiều.
Người xem có thể thấy Lee Woo-jin quá tàn ác, nhưng thật ra cuộc sống của Lee Woo-jin cũng chẳng có gì hạnh phúc, bị cầm tù trong nỗi đau và lòng thù hận, giàu có nhưng lại phải mang máy trợ tim, mục tiêu lớn nhất, ý nghĩa sống lớn nhất của Lee Woo-jin là trả thù Oh Dae-su. Trong quá trình trả thù đó anh ta cảm thấy khoái cảm khi nhìn thấy kẻ gây ra nỗi đau cho mình phải chịu đau đớn, nhưng cuối cùng khi cuộc trả thù đã xong thì cuộc đời cũa Lee Woo-jin cũng không còn mục đích gì nữa, và anh ta tự giải thoát nỗi đau của mình bằng cái chết.
The handmaiden (tựa gốc là Hangul: 아가씨; viết theo kiểu chữ Latinh là Agassi; nghĩa là ”Lady”) lại là một bộ phim erotic psychological thriller film, tâm lý, hồi hộp, khiêu dâm.
Và cũng như Oldboy, điểm mạnh đầu tiên ở The handmaiden là kịch bản, là đường dây cốt truyện, chi tiết. Kịch bản cũng do Park Chan-wook viết cùng một người khác, Chung Seo-kyung. Và thực sự là trong hầu hết các bộ phim của mình, Park Chan-wook đều có tham gia vào khâu xây dựng kịch bản.

Cả bộ phim chia làm 3 phần. Phần hai là phần twist của phần 1, nhưng thật ra cả bộ phim là sự bất ngờ, thắt nút mở nút liên tục cho đến cuối cùng. Người xem cứ tưởng là câu chuyện như thế nhưng thật ra lại không phải, với những cái twist liên tục tạo sự lôi cuốn, các tình tiết, chi tiết được sắp xếp rất chặt chẽ, khớp với nhau. Cũng như Oldboy và hầu hết các phim khác, đặc điểm của phim của Park Chan-wook là sự hài hước đen (black humor) và những chủ đề tàn bạo, cảm xúc, tính cách của nhân vật mạnh mẽ, dữ dội.
Nhưng đồng thời phim của Park Chan-wook cũng rất đẹp, rất công phu, chăm chút về mặt hình ảnh. Không phải là cái đep chỉ để mà đẹp mà phải phù hợp với câu chuyện phim.
Nếu như trong Oldboy, hình ảnh tạo ấn tượng thô mộc, tàn bạo, phù hợp với khung cảnh, nội dung của câu chuyện, kể cả cảnh làm tình giữa Oh Dae-su và Mi-do; thì hình ảnh trong The handmaiden lại nuột nà, trong bối cảnh tuyệt đẹp của căn nhà rộng mênh mông kiến trúc kiểu Nhật Bản, nơi nhân vật chính Hideko sống với người chú bệnh hoạn, mà một trong những thú vui của ông ta là thích những cuốn dâm thư và thích được nghe người khác đọc dâm thư.
Những cảnh thân mật, ân ái giữa Hideko và cô hầu gái Sook-hee được thể hiện ngọt ngào, say đắm, hình ảnh đẹp. Có thể nói The handmaiden là một trong những bộ phim của châu Á mà trong đó mối quan hệ đồng tính nữ được thể hiện rất thuyết phục rằng đây đúng là tình yêu. Và lớn hơn nữa, là sự đồng cảm giữa hai con người, dù sinh ra trong hai hoàn cảnh khác nhau nhưng đều là những đứa trẻ bất hạnh, mồ côi mẹ, thiếu thốn tình cảm và bị đàn ông sử dụng, lạm dụng.
Nhưng cũng như các phim khác của Park Chan-wook, trong The handmaiden không thiếu những cảnh bạo liệt, như cảnh tra tấn về mặt thể xác của Kouzuki, chú của Hideko dành cho Count Fujiwara, kẻ chủ mưu dẫn đến việc Hideko trốn thoát khỏi ông ta. Hay những cảnh tra tấn về mặt tinh thần đối với cô gái bé nhỏ Hideko hoặc với người cô của Hideko.
Người xem thấy ở dưới ngôi nhà mênh mông tuyệt đẹp nhưng vô cùng lạnh lẽo ấy cái hình ảnh của xã hội châu Á phong kiến (trong phim là xã hội Hàn Quốc dưới thời cai trị của Nhật Bản), ở đó đàn ông luôn luôn thống trị, kiểm soát phụ nữ, phụ nữ chỉ là những con búp bê trong tay họ. Và cái đám đàn ông giàu có thuộc tầng lớp cao trong xã hội ấy có những thú vui tưởng là tao nhã như đọc sách nhưng lại bệnh hoạn, cũng như cách ông chú Kouzuki rèn dạy cô bé từ nhỏ, hành hạ, kiểm soát về mặt tinh thần, khiến cô trở thành một khối tượng đá lạnh lẽo không có cảm xúc với đàn ông và chỉ thật sự rung động trước cô hầu gái Sook-hee, không chỉ vì vẻ đẹp thân xác của Sook-hee mà vì Sook-hee cũng cùng một thân phận như mình.

Tâm lý các nhân vật trong Oldboy hay The handmaiden phức tạp, và tinh tế. The handmaiden có nhiều chi tiết độc đáo, “đêm tân hôn” kỳ lạ giữa Count Fujiwara và Hideko là một ví dụ.
Cả bộ phim là những âm mưu nối tiếp âm mưu của các nhân vật, để lừa lẫn nhau vì mục đích của mình, thu hút người xem theo câu chuyện từ đầu cho tới cảnh cuối cùng.
Cho tới nay, đạo diễn Park Chan-wook đã làm khoảng 17 bộ phim truyện và 8 phim ngắn, phần lớn đều nhận được các giải thưởng tại các liên hoan quốc tế danh giá. Oldboy nhận Grand Prix tại Liên hoan phim Canes 2004, giải Best Director tại Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương năm 2004, giải khán giả tại Liên hoan phim quốc tế Bergen, Na Uy và liên hoan phim quốc tế Stockholm, Thụy Điển năm 2004, giải Golden Kinnaree cho Best Director tại Liên hoan phim quốc tế Bangkok 2005…cùng vô số đề cử, giải thưởng khác. The handmaiden nhận được giải “Film Industry Figure of the Year” tại KOFRA Film Awards, giải Best Adapted Screenplay, Best Foreign Language Film, Best Art Direction của Hiệp hội Phê bình Phim Chicago (Chicago Film Critics Association) năm 2016, và được chọn để tranh giải Cánh cọ Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Cannes 2016…cùng vô số đề cử, giải thưởng khác.
SC