Cuối tháng 3-1975, một ngày sau khi triệt thoái khỏi tỉnh Quảng Đức, cả hai Trung tá Hoàng Kim Thanh và Đào Đức Châu đều di tản bằng trực thăng, trao quyền chỉ huy tạm thời Liên đoàn 24 Biệt Động Quân cho Thiếu tá Vương Mộng Long. Hơn một tất trách, một vô trách nhiệm, vì Trung tá Thanh chỉ bị thương nhẹ và Trung tá Châu không lý do rời nhiệm sở. Chi tiết này càng cho thấy ý chí cùng sự can trường của Thiếu tá Long nhất quyết ở lại cùng binh sĩ và đem toàn Liên đoàn về Lâm Đồng. 144 cây số từ Kiến Đức về Di Linh, xuyên qua cao nguyên Bảo Lộc bằng đường rừng, phải đo bằng gang bàn chân tấy đỏ để hiểu gian lao và kỷ luật của những người lính, trong hoàn cảnh tan rã của quân đoàn 2. Thiếu tá Long không duy nhất giữ vững đội hình mà còn tấn công mật khu Việt cộng, và luôn dẫn đầu ở vị trí khinh binh thứ 3. Ông xứng đáng là một cấp chỉ huy đảm lược được nể phục. [Trần Vũ]
Sáng 26/3/75, tôi ra lệnh phá hủy bốn khẩu 105 ly ngay trên sân miếu Thổ thần sau khi bắn hết gần một ngàn viên đạn về hướng Kiến-Ðức. Khẩu cối 106 ly được ném xuống dòng sông bên đường sau khi đạn đã được bắn hết qua bờ nam đập nước. Mười giờ sáng, đại đội đi đầu ra tới bờ sông. Trước khi tới bờ sông, tôi gặp một trạm gác của Nghĩa quân Khiêm-Ðức. Tôi thấy một Nghĩa quân ngồi trên chòi gác giặc. Anh lính đang chăm chú quan sát khu rừng rậm dưới dốc. Tôi hỏi anh lính:
-“Sao em còn ngồi đây? Người ta đi hết rồi!”
-“Ủa! chứ người ta đi đâu Thiếu tá?” Anh lính ngơ ngác.
-“Người ta rút về BLao hết rồi! Em đi đi!”

Anh Nghĩa quân nhìn tôi bán tín bán nghi. Ðến lúc thấy quân lính theo tôi đông ngời ngời, anh phát hoảng, co giò chạy về hướng thị xã. Tôi cho tiểu đoàn đi song song với bờ tây của sông Ða-Dung, xuôi về hướng nam chừng nửa cây số thì dừng lại. Càng xa những đường lộ chính hay đường xe be, càng đỡ lo chuyện rủi ro trên bờ đối diện. Tôi quyết định vượt sông nơi vắng vẻ đìu hiu nhất. Tôi chọn hai anh lính gốc dân chài cùng tôi bơi qua sông làm đầu cầu. Ba khẩu M16, ba băng đạn, ba cuộn dây nylon, ba thầy trò tôi bu theo ba cái phao poncho độn bằng cành lá. Chỉ có tôi và một anh lính tới bờ bình yên. Người lính bơi trên thượng nguồn bên trái tôi chìm nghỉm giữa dòng, sau một tiếng “Ối!” thất thanh. Ða-Dung nổi tiếng là sông nhiều cá sấu!
Qua tới bờ đông, tôi thủ thế khẩu M16 gác giặc để anh BÐQ bạn yên tâm cột dây cho các toán viễn thám của tiểu đoàn theo chân nhau qua sông. Sau đó các đại đội được lệnh chặt tre làm mảng. Ai biết bơi thì chỉ cần ôm một khúc tre lồ ô là có thể nương theo dòng chảy, tới bờ đối diện không khó khăn lắm. Lúc này cả một khúc sông ồn ào như cái chợ. Nếu có con cá sấu nào bơi gần đó chắc cũng thất kinh hồn vía lo tìm đường tẩu thoát. Tiểu đoàn tôi hoàn tất cuộc vượt sông với một thời gian rất ngắn. Khi bộ chỉ huy Liên đoàn bắt đầu xuống mảng thì tiểu đoàn 82 BÐQ cũng bắt đầu di chuyển. Tôi cho đơn vị đi ngược về bắc, hướng tới một ngọn đồi xanh khá cao. Cách bãi vượt sông chưa tới hai trăm mét là một bãi sình rộng. Cả chục con cá sấu lớn nhỏ đang nằm phơi mình dưới nắng. Thấy đoàn người đi tới gần, chúng hoảng sợ lao mình xuống nước, lội ngược dòng về thượng nguồn. Ngọn đồi xanh mà chúng tôi đang chiếm lĩnh là một rừng tre. Tôi cho quân vượt cái yên ngựa, bố trí trên đỉnh bắc của yên ngựa, nhường cái đuôi yên ngựa cho những đơn vị lên sau. Dưới bờ sông có tiếng lựu đạn nổ. Truyền tin báo Trung tá Thanh Liên đoàn trưởng, Trung úy Minh sĩ quan truyền tin Liên đoàn và ba người khác bị thương. Ơ hờ khi sưởi ấm đã gây ra tai nạn lựu đạn nổ. Lựu đạn nổ vì sợi dây thun cột mỏ vịt lựu đạn bị cháy trong lúc kíp an toàn đã bị tháo mất rồi. Trung tá Liên đoàn trưởng bị mảnh lựu đạn văng trúng ngực và trán. Sau khi băng bó, Trung tá Thanh và những người bị thương được cáng lên chỗ tôi đóng quân.
Sáng 27/3/75, trực thăng từ Ðà-Lạt tới bốc những quân nhân bị thương. Cùng đi trên chuyến tải thương này còn có Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn, Tiểu đoàn trưởng TÐ81 BÐQ. Ông Mẫn bị sốt rét cấp tính. Như vậy là chỉ trong vòng hai mươi bốn giờ sau khi rời Quảng-Ðức, hai vị sĩ quan chỉ huy của Liên đoàn đã ra khỏi vùng. Tôi thấy mới ra quân mà đã bỏ phí hai ngày đường, nên sau khi tải thương xong, tôi cho lệnh đơn vị gấp rút đổ dốc hướng về phía đông. Chiều đó đang đi trên một lối mòn, chúng tôi nghe tiếng gà nhà gáy trong rừng. Vậy là có mật khu VC gần đâu đây? Tôi báo cáo tình hình cho Trung tá Ðào Ðức Châu (khóa 12 Võ bị) Liên đoàn phó, lúc này đang “xử lý thường vụ” chức Liên đoàn trưởng Liên đoàn 24 Biệt Ðộng Quân. Tôi đề nghị ông cho những cánh quân theo sau tôi dừng lại để tôi tập kích cái mật khu trước mặt. Cái khu sản xuất của Thượng Cộng nhỏ tí, với hai chú du kích Thượng đang ngồi ngậm ống vố, không đáng cho một cú xung phong của một đại đội Biệt Ðộng Quân. Hai tên du kích chưa kịp đứng dậy cầm súng đã bị bắn vỡ óc, nằm thẳng cẳng bên lò lửa than nghi ngút khói, dưới chân một cái nhà sàn. Tối đó chúng tôi dừng quân ngay trong mật khu địch.
Khoảng bảy giờ đêm, tôi nghe tiếng người cười đùa huyên náo trong rừng, khu Ðại đội 3/82. Tôi và binh nhì Thọ lần bước về chỗ tiếng cười nói ồn ào. Trung úy Trần Văn Phước (ÐÐT3/82) và cả chục BÐQ dưới quyền anh đang quây quần bên một vò rượu cần, vò rượu chiến lợi phẩm. Trự nào cũng xiêu vẹo bước tới, bước lui. Trự nào cũng lè nhè, la hét ồn ào. Tiếng họ cười nói oang oang giữa rừng khuya. Với tôi, thì uống rượu không là một cái lỗi; nhưng say rượu trong khi hành quân thì tôi không tha; dù người đó thân cận như chú Phước. Tôi rút súng bắn tan vò rượu. Những ma men tỉnh rượu ngay lập tức.

-“Cuốn lều! Ðại đội 3 cuốn lều! Hướng một ngàn sáu trăm zu lu! Làm ngay!”
Trung úy Phước và “tòng phạm” riu ríu thi hành lệnh. Mười phút sau một khoảng rộng lớn trên tuyến phòng thủ của tiểu đoàn bị bỏ trống. Ðại đội 3/82 bị phạt phải dạ hành mở đường. Mãi nửa giờ sau tôi mới bớt giận. Tôi ra lệnh cho Ðại đội 3/82 dừng lại tấp vào rừng ngủ. Trong tiểu đoàn này Trung úy Trần Văn Phước là người thân cận nhất của tôi. Tháng 11/1972 tôi bàn giao căn cứ Ðức-Cơ và Tiểu đoàn 81 BÐQ cho Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn để về giữ chức Trưởng phòng 2/Bộ Chỉ huy BÐQ Quân khu 2 thì Chuẩn úy Trần Văn Phước mới mãn khoá Tình-Báo Cây-Mai. Ðã có lần tôi gởi Chuẩn úy Phước vào Plei M’rong làm ban 2 cho Thiếu tá Phạm Duy Ánh, Tiểu đoàn trưởng TÐ63 BÐQ (1973). Thiếu tá Ánh chịu không thấu cái tật rượu vào là rút súng của Chuẩn úy Phước. Cuối cùng Phước lại khăn gói quả mướp về trình diện tôi. Chỉ có mình tôi là biết cách kiềm chế con ngựa chứng này. Chú Phước ở với tôi từ đó cho tới cuối 1973 thì thầy trò tôi vào Plei-Me. Chú Phước và chú Minh (sĩ quan truyền tin LÐ24 BÐQ sau này) là hai sĩ quan sau cùng còn ở lại bên tôi, rồi bảo vệ tôi thoát hiểm trong kẽ tóc đường tơ, khi tiểu đoàn 82 BÐQ bị tràn ngập trưa 15 tháng Tư năm 1974 trên căn cứ 711. Rồi cũng chính Thiếu úy Trần Văn Phước là người đầu tiên cùng tôi đặt chân trở lại trên căn cứ 711 sau khi chúng tôi vất vả hai ngày phản công tái chiếm căn cứ này. Trận đó tiểu đoàn của chúng tôi bị sáu tiểu đoàn của SÐ 320 Ðiện Biên xa luân chiến. Trong hai năm sau cùng của cuộc chiến, không có trận đánh nào mà không có mặt Phước bên cạnh tôi. Sau trận Plei-Me, Thiếu úy Trần Văn Phước được thăng Trung úy. Lên Trung úy, chú Phước bỏ nghề quân báo, trở lại đời tác chiến làm Ðại đội trưởng. Ðây là lần đầu, tôi nặng tay với Phước. Tôi vào máy gọi cho Phước. Ðầu máy bên kia, tôi nghe tiếng người đàn em sụt sịt:
-“Em xin lỗi Thái Sơn! Em xin lỗi anh Hai!”
-“Thôi! Ngủ đi! Chờ mai anh lên với chú!” Tôi cũng thấy mủi lòng, xốn xang.
Tôi lấy điếu Lucky ra hút. Tiếng muỗi đêm vo ve bên tai. Tiếng suối reo rì rào trong khe. Tiếng gió lùa ù ù sau đồi. Trên poncho, lá cây rơi lộp độp. Quanh tôi đủ loại tiếng rừng. Chưa lần nào tôi cảm thấy rừng đêm buồn như thế!
Trăng sáng như ban ngày. Gần chín giờ đêm, Trung tá Liên đoàn phó cho người tới lều mời tôi lên gặp riêng. Ông Châu nhờ tôi xin trực thăng tản thương cho ông ta ra khỏi vùng. Ðại úy Trần Dân Chủ, ban 3 Liên đoàn cũng xin phép tôi để đi theo Trung tá Liên đoàn phó. Tháp tùng Trung tá Châu, ngoài Ðại úy Chủ còn hai hạ sĩ quan truyền tin liên đoàn.
Sáng 28/3/75, khi hai sĩ quan và hai hạ sĩ quan của bộ chỉ huy liên đoàn vừa yên chỗ trên sàn trực thăng thì dưới bãi bốc xảy ra cảnh lộn xộn, ồn ào. Có một người đàn bà nhất định không chịu lên máy bay. Chị ta vừa khóc thút thít vừa co rụt người lại khi mấy anh lính an ninh bãi đáp tìm cách đẩy chị ta lên cửa trực thăng.
-“Em không về đâu! Em không nỡ bỏ anh ấy giữa rừng!”
Người đàn bà này đã theo đoàn quân của TÐ 81/BÐQ từ ngày đầu di tản. Chị không chịu bỏ người thân. Tay chân chị giãy giụa, miệng chị la bài hải:
– “Em không sợ chết đâu! Cho em ở lại đi! Các anh ơi!”
Cuối cùng, toán giữ trật tự bãi đáp đành chịu thua người đàn bà. Chợt không ai bảo ai, tất cả Biệt Ðộng Quân có mặt trên bãi bốc ngày hôm ấy đã đồng loạt vỗ tay hoan hô người phụ nữ can đảm. Chờ một lúc không thấy ai lên máy bay nữa, tôi ra dấu cho chiếc trực thăng cất cánh.
Chiều đó, khi dừng quân, tôi nhận được một công điện từ Bộ Tư Lệnh Quân Khu 2 Hành Quân chỉ định Thiếu tá hiện dịch Vương Mộng Long khóa 20 Trường Võ-bị Quốc-gia Việt-Nam tạm thời giữ chức vụ Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân. Tôi mời Thiếu tá Ðàng và Thiếu tá Tài lên gặp tôi để phân nhiệm. Theo đó, tiểu đoàn 82 BÐQ sẽ mở đường, tiểu đoàn 81 BÐQ đi giữa, tiểu đoàn 63 BÐQ có nhiệm vụ đoạn hậu. Ðối với Thiếu tá Nguyễn Hữu Tài, tôi không gặp trở ngại gì về vấn đề chỉ huy, vì anh Tài là tiểu đoàn phó của tôi trước khi thuyên chuyển qua tiểu đoàn 81 BÐQ. Anh Trần Ðình Ðàng xuất thân khóa 15 Võ-Bị và phục vụ trong binh chủng Biệt Ðộng Quân từ những năm binh chủng mới được khai sinh. So với Thiếu tá Ðàng, tôi là đàn em rất xa, về cả hai xuất xứ, Biệt Ðộng Quân cũng như Võ-Bị (tôi xuất thân khóa 20). Tôi xin ý kiến của niên trưởng dễ mến này về việc tôi được chỉ định chỉ huy liên đoàn. Tôi hỏi anh có trở ngại gì khi anh phải nằm dưới sự chỉ huy của tôi không? Anh Ðàng trả lời một cách khẳng khái:
-“Chú chỉ huy là phải rồi! Chú thông thuộc địa thế Vùng 2. Chú được cấp trên, cấp dưới tín nhiệm. Anh sẽ nghe theo lệnh của chú. Yên chí đi!”
-“Cám ơn niên trưởng!” Tôi siết tay anh Ðàng thật chặt. Trong cơn nguy khốn, chúng tôi thấy thương nhau hơn. Trong hoạn nạn, chúng tôi thấy gần nhau hơn.

Những ngày tiếp theo, dưới quyền chỉ huy của tôi, liên đoàn tiếp tục cuộc hành trình theo dự trù. Cứ theo hướng 1600 ly giác, chúng tôi băng rừng lội suối nhắm về thị trấn BLao. Trên đường chúng tôi đi qua chỉ có tre, mây và lau sậy; trên đường chỉ có dấu chân voi. Ðịa thế ở đây tôi quen lắm. Thời 1968 tôi đã lặn lội, lùng sục không sót một ngọn đồi nào trong vùng này. Ðã bao lần, tôi qua lại trên dải đất từ bờ đông sông Ða-Dung qua Quốc lộ 20 tới cao nguyên Gia-Bắc giáp giới quận Thiện-Giáo, Bình-Thuận. Ngày đó, Trung tá Bùi Văn Sâm Liên đoàn trưởng Liên đoàn 2 BÐQ đã biệt phái TÐ11 BÐQ của Ðại úy Hồ Khắc Ðàm (Khóa 16 Võ bị) cho Task Force South của Tướng Trương Quang Ân, Tư lệnh sư đoàn 23 Bộ Binh. Tôi lúc đó là Ðại đội trưởng ÐÐ1/TÐ11 BÐQ dưới quyền anh Ðàm. Chúng tôi được trực thăng Hoa-Kỳ tải vào rừng. Tìm mục tiêu, diệt địch. Leo hết ngọn đồi này tới ngọn đồi khác. Mười ngày sau chui ra bãi trống nhận tiếp tế gạo mắm. Rồi lại leo lên trực thăng, đổ xuống bãi khác. Lại tìm mục tiêu. Lại leo hết đồi này tới đồi khác. Lại tiếp tế… Cứ thế, mỗi đợt cả tháng trường, chúng tôi lần mò trong núi. Chỉ những anh bị thương hay sốt rét là có dịp nhìn thấy phố… Bảy năm sau, tôi lại lội trên những con đường mòn ngày xưa tôi đã dẫn quân đi qua. Bảy năm sau, tôi vẫn nhớ đường nào lên Ðại-Nga, hướng nào về Tân-Bùi, ngả nào qua Tân-Rai. Lương thực của chúng tôi đã gần cạn. Giầy vớ, áo quần bắt đầu te tua.
30/3/75, mặt trời vừa lên, trong máy nội bộ của TÐ82/BÐQ đã có tiếng người trên trực thăng hối thúc,
-“Yêu cầu Thái Sơn kiếm bãi đáp nhận chỉ thị gấp!”
Lúc đó chúng tôi đang ở gần một bãi ngô cũ. Chiếc trực thăng sà xuống. Người phi công quơ tay ngoắc tôi lia lịa. Tôi bước lên càng máy bay để nghe anh ta nói:
-“Tôi được lệnh Quân đoàn lên đón Thiếu tá về Ðà-Lạt. Thiếu tá lên tàu mau đi!”
-“Thế còn liên đoàn thì sao?”
-“Chúng tôi chỉ ‘rescue’ một mình Thiếu tá thôi! Những người khác, bỏ!”
-“Thôi! Nếu thế thì tôi không đi đâu! Tôi đang chỉ huy cả ngàn người. Tôi không mặt mũi nào bỏ đi một mình. Anh về báo với Quân đoàn cố gắng bốc tất cả liên đoàn giùm tôi.” Tôi xua tay.
Nói xong câu đó, tôi bước xuống đất định quay đi thì người phi công cởi dây đai, mở cửa phi cơ. Anh nhảy xuống đất đứng nghiêm trước mặt tôi. Giơ tay chào tôi, anh nói lớn:
-“Tôi không ngờ giờ này quân đội ta còn một vị chỉ huy đáng nể như Thiếu tá! Thiếu tá cho phép tôi chào kính phục ông và nói lời vĩnh biệt ông.”
Người phi công nắm tay tôi lắc lắc mấy cái rồi anh buông tay tôi ra, leo lên buồng lái. Cả phi hành đoàn giơ tay vẫy vẫy giã từ. Tôi cũng giơ cái bản đồ vẫy lại. Chiếc trực thăng cuối cùng của Vùng 2 khuất dần ở chân mây.
Binh nhất Y Don Near mang máy truyền tin nội bộ của tôi lúc nào cũng đi sát bên tôi. Don đã nghe tất cả những lời tôi và viên phi công đối đáp với nhau. Chắc nó đã kể lại chuyện này cho bạn bè. Trưa hôm đó, lúc dừng quân nghỉ chân, vài anh lính Rhadé, Jarai đã đến xúm quanh người chỉ huy của họ.
-“Ông Thiếu tá ơi! Ðừng bỏ tụi em, tội nghiệp!”
– “Ừ! Thiếu tá không bỏ các em đâu! Thiếu tá lúc nào cũng ở bên các em. Chúng mình sống chết có nhau!” Nhìn những giọt nước mắt theo nhau lăn trên những gò má đen đủi của thuộc cấp, tôi thấy lòng mình ấm lại.
Chúng tôi đã cạn hết lương thực. Trên đường đi, chúng tôi phải tấp vào những nương rẫy cũ kiếm rau tàu bay, củ chuối, nấu ăn cho đỡ đói. Răng người nào cũng đen thui vì nhựa chuối rừng. Ðiều khổ nhất phải chịu đựng là, sau khi ăn hoa chuối, cây chuối hay củ chuối thì chất sơ của chuối làm cho chúng tôi mắc bệnh táo bón. Mỗi khi đi tiêu, chúng tôi phải ngồi ngâm hậu môn xuống nước, lấy cây cạy phân ra. Hậu môn đau rát lắm. Ði tiêu xong người nào cũng bước cà-náng, hai hàng. Buổi trưa, tôi đang ngồi bên đường chờ bát canh rau tàu bay của chú Bích thì Thiếu úy Học rón rén tới gần. Học thì thầm:
-“Có con gấu to lắm, trên cây. Thái Sơn cho phép bắn làm thịt nghe?”
-“Ừ! Bắn đi!” Tôi sáng mắt lên.
Học vui vẻ phóng về hướng rừng. Lát sau chú quay lại, mặt tiu nghỉu.
-“Thằng lính gác muốn bắn nhưng lại sợ Thái Sơn la. Ðợi khi em xin phép xong thì con gấu đã chạy mất tiêu rồi!”
Tôi thì buồn vui lẫn lộn. Buồn vì mất ăn một bữa thịt gấu. Vui vì tới giờ phút này, tinh thần kỷ luật của đơn vị tôi vẫn chưa bị lung lay. Chúng tôi đang ở bên bờ một con suối lớn. Dưới nước, những con cá đuổi nhau có ngời. Tôi chợt nghĩ ra một ý lạ: Ðốt cá! Tôi gọi Thiếu tá Tài và Thiếu tá Ðàng sẵn sàng. Tôi ra lệnh cho ba tiểu đoàn tản xa theo dòng nước. Mỗi tiểu đoàn trấn giữ một khúc suối. Nơi đầu nguồn của mỗi đơn vị chỉ cần đốt ba quả lựu đạn M26 là liên đoàn có một bữa cá no nê. Tôi học được cách đốt cá từ khi còn ở Ðại đội Trinh-Sát Liên đoàn 2. Vặn phần đầu của quả lựu đạn ra, vứt đi. Bẻ đầu một viên đạn M16 lấy thuốc súng đổ vào lỗ kích hỏa của trái lựu đạn. Ðốt thuốc súng cho lửa xanh phụt lên. Quơ qua, quơ lại quả lựu đạn cháy trong lòng nước. Hơi cay làm cho thủy tộc bị đui. Cá đen, cá trắng, lươn, cua, rùa, rắn, ếch, nhái, v..v.., con gì trong nước cũng nổ con ngươi nổi lên mặt nước. Buổi chiều chúng tôi mỗi người được chia một lon guigoz cá tươi. Sáng mai chúng tôi lại có sức để lên đường.
31/3/75, chúng tôi đang ở trên một ngọn đồi cách Bảo Lộc trên dưới 20 cây số. Từ trên đỉnh, chúng tôi nhìn thấy thung lũng dưới chân đồi là một mật khu trù phú. Kế hoạch đặt ra như sau: Ðại đội 3/82 sẽ tiến sát, rồi bất thần đột kích khu doanh trại chính; mỗi tiểu đoàn sẽ cắt hai chục người tải lương thực về. Kế hoạch đã được thi hành như dự liệu và không có gì trục trặc xảy ra. Ðại đội 3/82 thanh toán mục tiêu rất nhanh. Một cán bộ VC quần áo bảnh bao đang ngồi bên bàn chờ ly cà phê phin nhỏ giọt thì bị một viên M16 ghim vào ngực. Hai cán bộ đang cho lợn ăn trưa cũng bị mỗi tên một viên M16 vào ngực. Mấy anh cán binh đang tưới cây trong vườn cũng bị mỗi anh một viên M16 vào ngực. Cái mật khu dưới kia là một trung tâm huấn luyện của Tỉnh-Ðội Lâm-Ðồng Việt-Cộng. Trung tâm có khoảng vài chục khẩu súng. Có một khẩu cối 82 ly với một kho đạn. Tên VC đang chờ uống cà phê có vẻ là cấp chỉ huy. Những tên khác có lẽ là bọn lo công tác hậu cần. Bọn bộ đội bảo vệ trung tâm đã xuất trại vắng. Quân ta làm chủ tình hình một cách lẹ làng. Có một tai nạn lúc xung phong: Hạ sĩ Nguyễn Ba trong toán tà-lọt của tôi đã lủi đầu vào một bụi tre. Một cọng tre khô xuyên vào mắt trái của hạ sĩ. Ðói quá, quên đau, hạ sĩ xung phong bắt được một con gà và một gốc sắn rồi mới chịu lấy khăn tay bịt một mắt rút lui lên đồi. Ăn xong bữa thịt gà Hạ sĩ mới nhận ra con mắt bị thương đang hành hạ anh ta. Cái cọng tre còn lòi ra khỏi hốc mắt Hạ sĩ Ba cả tấc. Quân y liên đoàn không dám rút cọng tre khỏi mắt Ba vì không đủ phương tiện cứu chữa. Họ chỉ dùng kìm cắt cọng tre ngắn đi cho đỡ vướng. Vốn là một tay viễn thám gan lỳ, người tà-lọt của tôi cắn răng chịu đau, không rên, không khóc. Những ngày sau đó, Hạ sĩ đành quàng súng lên vai, hai tay luân phiên che mắt đi theo đoàn tùy tùng của Ðại úy Hoàn. Tôi cũng quên dặn dò các cánh quân coi chừng bắn gà, bắn heo có thể gây đạn lạc trúng quân ta. Kết quả, đạn của Ðại đội 3/82 đã sượt qua cổ một anh BÐQ TÐ63 BÐQ thay vì trúng đầu một con gà. Người trúng đạn bị thương nhẹ.
Toán tải lương thực sau cùng của liên đoàn đã rút lui an toàn. Mới vài ngày trước, tôi đã chứng kiến cảnh BÐQ hoan hô người đàn bà can đảm của TÐ81 BÐQ trên bãi trực thăng, vì thế tôi không ngạc nhiên khi thấy chị ta cũng có mặt trong đoàn người mặt mày hí hửng đang từ dưới chân đồi hì hục leo lên. Tôi không cho lệnh đốt khu doanh trại vì ngại khói đen bốc cao có thể thu hút sự chú ý của các đơn vị Việt-Cộng ở xa. Tôi không muốn đụng đầu với quân cứu viện của chúng lúc này. Khi rút lui, Trung úy Phước đã sơ ý không phá cơ bẩm khẩu súng cối. Vài giờ sau khi chúng tôi rút đi thì đạn cối 82 ly bắt đầu câu theo đít quân ta. Chúng tôi nhanh chân vượt qua hai ngọn đồi rồi chui vào sâu trong rừng lau sậy. Trời vừa tối. Tôi cho lệnh dừng quân căng lều. Rừng bao la, đạn cối của Việt- Cộng “ùm! ùm!” rơi bâng quơ trong núi.
1/4/75 Lên đường! Sáng nay mọi người đều no bụng. Ðoàn quân tìm lại được cái vẻ oai phong, khí thế ngày nào! Ðội hình một hàng dọc! Thứ tự như cũ! Cứ theo hướng mặt trời mọc mà đi! Binh nhì viễn thám Triệu Tân mở đường. Người thứ nhì là Thiếu úy Học. Người thứ ba là tôi. Sau tôi là thằng Don. Sau thằng Don… là đoàn rồng rắn lên mây, cả liên đoàn hàng dọc. Ðường độc đạo, hai bên là lau sậy và gai mắc cỡ. Nếu cứ tính lộ không trung bình mỗi người cách nhau 3 mét, thì toán đi đầu của tôi cách toán đi chót của Thiếu tá Ðàng phải trên 2 cây số. Tới chiều thì chúng tôi bắt đầu đi lên một cái dốc khá cao. Tình hình vẫn yên tĩnh! Trời đẹp quá! Trên không mây trắng vài sợi bay lờ lững. Gió nhẹ như ru. Thông ngàn reo vi vu. Chim chóc hót vang lừng. Nếu là thuở thanh bình thì cảnh này thật lý tưởng cho các thi nhân lang thang đi tìm ý thơ…
“Choác!” Thằng Tân té ngửa! Tôi và Thiếu úy Học khựng lại. Một giây sau tôi và chú Học mới bóp được cò hai khẩu M16 theo phản xạ, nhắm về hướng bụi cây um tùm bên phải dốc. Ðạn trúng tảng đá trong bụi rậm. Ðạn văng ngược ra đường xoáy trong không khí, kêu “Tăng! Tăng!” rồi… “Xèo!” xuống cỏ. Toán viễn thám của Binh nhất Tuấn phóng nhanh lên dốc, vừa chạy vừa bắn. Toán viễn thám chiếm được đỉnh dốc, nhưng tên bắn tỉa đã cao bay. Viên đạn súng trường Nga trúng ngay giữa trán Triệu Tân. Cái nón sắt vỡ. Cái vỏ đạn bằng đồng đỏ còn nóng hổi, nằm trên mặt đất sau tảng đá. Chỉ với một viên đạn, Thượng Cộng đã loại ra ngoài vòng chiến một viễn thám viên lợi hại của đơn vị tôi. Khi đại đội của Thiếu úy Học đã bố trí an ninh xong, chúng tôi tạm dừng để an táng BÐQ Triệu Tân. Thêm một cái thẻ bài mất chủ cất trong ba lô của Thiếu úy Hoàng, ÐÐT Ðại đội Công Vụ của TÐ 82 BÐQ. Tôi cho liên đoàn chiếm lĩnh ngọn đồi để nghỉ qua đêm. Ðêm đó toán viễn thám của Binh nhất Tuấn âm thầm lên đường. Ðiểm tới là triền dốc cuối ngọn đồi, cách chỗ chúng tôi dừng quân gần 2 cây số. Mờ sáng hôm sau một quả Claymore nổ. Tên Thượng Cộng đang nửa đường lên dốc lãnh nguyên trái mìn cơ động, khẩu súng trường bá đỏ văng trên bãi cỏ ven đường: Có vay có trả!
Vương Mộng Long
(còn tiếp)