
“Bà Hạnh Nhơn ví như một Bồ tát”
Ðó là một lời phát biểu của một phụ nữ, khi được hỏi, trong buổi lễ tiễn đưa Cựu Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn đến nơi an nghỉ cuối cùng. Ðám tang của bà được diễn ra long trọng trong ngày 29 tháng Tư, năm 2017. Bà đã được xem là một vị ân nhân của thương phế binh với những buổi đại nhạc hội “Cám Ơn Anh” ở hải ngoại để gây quỹ. Bà qua đời vào Thứ Ba 18 Tháng Tư, 2017, tại Bệnh viện Fountain Valley ở California, thọ 91 tuổi.
Biết bao nhiêu là người đến viếng thăm bà trong ba ngày tang lễ. Khách viếng và giới truyền thông đã dự buổi lễ tưởng niệm bà trong ngày thứ Sáu 28 tháng 4, 2017. Riêng ngày 29 tháng 4, 2017 là ngày làm lễ cầu siêu, di quan và hỏa thiêu, có rất đông người đến tiễn đưa. Nhiều hội đoàn, giới truyền thông, báo chí, những người thân, bạn bè, chiến hữu cùng những người từng tiếp xúc và thương mến bà hiện diện. Chúng tôi nhận thấy có các vị dân cử như TNS Janet Nguyễn, Chủ Tịch Cộng Ðồng Bùi Thế Phát và một bà cựu councilwoman của Quận Cam, người Hoa Kỳ, mặc một chiếc áo dài đen rất trang nhã. Bà đang đi trước mặt tôi, đột nhiên khuỵu xuống, té xỉu. Sau đó bà được đỡ lên và mọi người giúp để đưa bà vào nhà thương nhưng bà dần hồi phục. Phòng hội của Peek Family không đủ chỗ chứa, rất nhiều người phải ra phía ngoài sân cỏ mà đứng, trong cái nắng gắt của buổi trưa, mà không ai ra về.
Buổi lễ di quan thật chu đáo và vô cùng long trọng. Ði đầu là các xe Jeep quân đội diễn hành, kế đến, tăng đoàn, gia đình, linh cữu, các hội đoàn như hội Nữ Cựu Quân Nhân, Cựu Không Quân, Nữ Tiếp Viên Air VN, Hội Hướng Ðạo, người mến mộ, v.v… Những nghi thức tiễn biệt của quân đội được thể hiện một cách trang nghiêm. Bài “Không Quân VN Hành Khúc” đã được đồng ca.
Người con gái của bà Hạnh Nhơn thay gia đình đọc một lá thư từ biệt của bà gửi đến những người thương yêu bà.

“Ðừng có buồn cho tôi, bởi vì tôi đã được tự do, không còn bó buộc với nhân tình thế thái. Tôi đi theo con đường Trời, Phật đã sắp sẵn dành cho tôi. Tôi vội ra đi, khi được gọi, quay lưng lại và giã từ tất cả. Nếu tôi ra đi để lại sự trống vắng, hãy lấp đầy bằng những kỷ niệm vui, bằng những vòng tay êm ái quàng vai, bằng những nụ cười yêu thương,với tình huynh đệ. Thú thật, tôi còn nhớ những kỷ niệm êm đềm đó. Này mọi người, đừng chìm đắm trong đau khổ, vì đời tôi cũng đã đủ, đã đầy. Cũng có lẽ tôi còn muốn đời dài thêm để có thể lo lắng cho thương binh và quả phụ…. Xin hãy giúp tôi mà quan tâm đến họ. Hãy giúp tôi tròn một ước mơ cho họ. Khi tôi không thể an bài và phải sang thế giới khác. Chúc mọi người vươn lên và tiếp tục vui sống. Hãy cười lên và chia sẻ cùng tôi niềm vui mừng tôi được quay về nơi Vĩnh Phúc.”
Tiếng kèn đồng truy điệu đã làm tấm lòng người đưa tiễn chùng xuống, tiếng kèn đã từng đưa tiễn những chiến sĩ đã hy sinh vì đất nước, trước 1975. Cuối cùng linh cữu bà Hạnh Nhơn đã được đưa vào phòng hỏa thiêu.


Tôi thấy có nữ tài tử Kiều Chinh hiện diện:
– Thưa cô Kiều Chinh, cô có một mối giao tình nào với bà Hạnh Nhơn trong quá khứ không cô?
-Thật ra, chị Hạnh Nhơn với tôi cũng không gần nhau nhiều như một người bạn thân, nhưng chúng tôi rất thường gặp nhau ở các buổi sinh hoạt xã hội, hay từ thiện. Tôi rất kính trọng hình ảnh và công tác của chị ấy, nhất là trong cách làm việc. Con người chị luôn luôn toát ra một phong cách nhẹ nhàng và phúc hậu. Trái lại, tâm khảm chị lại là một người đàn bà can đảm, vững vàng. Ðó cũng là một lý do trong những lý do, khi chị nằm xuống, ai cũng thương tiếc và muốn đến tiễn chị lần cuối. Riêng anh con trai cả của chị là Huy với con trai cả của tôi là Hùng có một thời đã làm việc với nhau. Hôm nay tôi đến chia buồn với gia đình chị và để tiễn chân chị đi. Chúc chị đi thanh thản và cảm ơn chị.
Bên Hướng Ðạo có rất đông các Trưởng đến đưa tiễn, tôi được chú Nguyễn Xuân Huề chia sẻ.. “Từ khi mới bắt đầu thành lập làng Hướng Ðạo, chị Hạnh Nhơn là cố vấn của chúng tôi. Tên Hạc Bác Ái là tên rừng do Hướng Ðạo đặt cho chị. Chị vẫn sinh hoạt trong làng Hướng Ðạo và bên này cũng đến giúp đỡ chị trong các buổi đại nhạc hội “Cám Ơn Anh”. Chúng tôi làm an ninh gác cửa. Riêng tôi có sinh hoạt cùng chị Hạnh Nhơn và gia đình chị được 60 năm rồi. Chị là một người sống cho gia đình, cho con cái, cho mọi người, mà không bao giờ than phiền, rất là hay, lúc nào cũng cười. Tính chị thanh tịnh và có sức chịu đựng ghê gớm.”


Tôi hỏi: “Chú có nghe vụ nên hay không nên phủ cờ Việt Nam Cộng Hòa không? Theo chú, thì có nên phủ cờ hay không?” “Tôi là một quân nhân trong Không Quân. Tôi không đồng ý việc phủ cờ. Phải nên tôn trọng di chúc của chị, không thể nói các em và người thân, không phủ cờ cho chị là bất hiếu. Ý của người quá cố phải tuân theo, chị đã nói, cờ chỉ dành cho những quân nhân chết ngoài mặt trận mà thôi.”
Nhà báo Huy Phương cũng chia sẻ:
-Chị Hạnh Nhơn chết là một mất mát rất lớn với cả trong và ngoài nước. Không có ai thay thế chị được. Tuy nhiên, nghĩa vụ lớn lao chúng ta cần gánh vác là nghĩa vụ của người ra đi với người ở lại, đó là nghĩa vụ đối với Thương phế binh VN CH. Tất cả chúng ta phải cố gắng đoàn kết để có sức mạnh, để tiếp tục con đường của chị đã đi.
Tôi hỏi thêm, “Vậy chương trình thương phế binh do cô Hạnh Nhơn để lại, ai sẽ phụ trách?”. Ông đáp “Hội này là một hội thiện nguyện, trong tương lai, sẽ có Board of Director ngồi lại với nhau để họp bàn, giải quyết”
Tôi gặp thi sĩ Cao Mỵ Nhân, là một Thiếu tá Trưởng phòng xã hội Tư Lệnh Quân đoàn 1, và hỏi bà về mối giao tình của bà với Trung tá Hạnh Nhơn, bà trả lời như sau:
– Khi ấy nhiệm vụ của tôi là công tác xã hội, nên lãnh thổ chạy từ Bến Hải đến Sa Huỳnh. Tôi thường gặp chị Hạnh Nhơn và rất thân thiết. Khi mới ra trường tôi chỉ là Chuẩn úy thôi. Chị ấy đã là Trung uý ở Huế, còn tôi là tập sự. Sau tôi lên Trưởng phòng Xã Hội cho đến năm 1975. Nói đến sự ra đi của chị, tôi không nghĩ chị bị đau và mất nhanh như vậy. Cách đó 1, 2 tháng, mọi việc như bình thường. Hôm ra mắt sách tập thơ của tôi chị có đi dự.

Khi được hỏi về hoạt động và trách nhiệm của một người nữ quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thời đó, bà cho biết thêm:
– Nói tổng quát từ năm 1952, có bà Trung Tướng Hinh là một người Pháp, lấy ông Trung Tướng Hinh, thì chị Hạnh Nhơn đã có mặt rồi. Khi quân số Quân lực Việt Nam Cộng Hòa nâng lên một triệu quân thì Nữ Quân Nhân được nâng lên 6000 người, có sĩ quan các cấp. Cấp binh sĩ thì làm các nhiệm vụ như lái xe. Hạ sĩ quan thì làm việc xã hội như thăm viếng tiền đồn, thương bệnh binh, gia đình tử sĩ. Bên Quân Y, có y tá. Bên Tham Mưu, Nhảy Dù, Quân Nhu, có các người đánh máy, tốc ký để thay cho bên Nam Quân Nhân phải ra tiền tuyến. Trong khi đó, Nữ Quân Nhân làm việc hậu cần. Cô hỏi về lương bổng, bên nữ quân nhân có tương đương với bên Nam quân nhân không ư? Lương bổng và cấp bậc, tất cả đều bằng nhau chỉ khác là có những phụ cấp theo chức vụ, theo quy chế riêng.
Một phát biểu nhiều ấn tượng nhất với tôi là của chị Kim Cúc. “Nếu so sánh, đối với tôi, bà Hạnh Nhơn ví như một vị Bồ Tát sống, một thầy tu, một thần tượng của tôi. Mỗi khi xuống tinh thần mà làm cái gì không đúng, tôi nhớ đến bà và làm lại. Bà như một tấm gương cho tôi noi theo.”
TT thực hiện