
Ngọn đèn dầu đặt trên mâm nhôm ánh sáng vàng đục le lói trong sương đậm chỉ đủ để khách và chủ hàng nhìn thấy tay nhau mà đưa cái đĩa bắp xào, cái hột vịt lộn hay ly sữa đậu nành. Trong sương, mặt con người cũng bị xóa đi, không vì những lớp hơi đậm hay khói thuốc thở ra qua mỗi tiếng xuýt xoa lạnh rớt mà đôi khi phải kéo khăn len quấn cổ lên che mũi, miệng để giữ hơi thở ấm, không nhức buốt vòm xoang.
Chủ và khách, dáng ngồi đều xo ro, rồi thì co ro, cúm rúm, có khi gần như xiêu đổ vào nhau theo một lối tự nhiên bản năng hơi ấm tìm hơi ấm giữa những phần số dạt trôi xa lạ. Gió vẫn rít trên đầu, bóng đèn cao áp cuối dốc bây giờ chỉ là một thỏi đỏ lấp loáng như quả cà chua chín quá còn nán lại trên cành chờ rơi rụng. Ánh đèn bị sương cô lập như thể chẳng còn phát sáng được; như một nhân chứng bất lực trân trối giữa trùng vây mịt mùng. Ly sữa đậu nành ấm trôi qua cổ, vị ngọt béo của xác đậu xay và hương thơm dịu của nương rẫy mùa màng đẩy lên cùng khói, nồng cay sống mũi. Có tiếng ho khùng khục. Lại tiếng xuýt xoa. “Năm nay trời lạnh quá”. “Ừ, sương mù chi mà dữ”. Không biết là của chủ hay khách. Tất cả đã chụm vào nhau thật gần.
Tất cả cùng xuýt xoa, co ro, cúm rúm dưới sương.
Quán cóc đầu dốc những năm xưa có một chị chủ hàng cả đời đi bán sữa đậu nành, chẳng có thì giờ quen biết ai, nhờ những đêm sương lạnh như vậy mà vớt được anh chồng. Nghe nói ảnh cũng là dân hoang đàng tứ chiếng, khi dừng bước giang hồ thì vác cái xe ra đứng ở ngã ba đưa đón mấy cô làm massage ở trong các khách sạn xa xỉ dưới dốc. Một đêm sương nào đó, đói, lạnh, anh ghé quán cóc sữa đậu nành, cũng xuýt xoa, cũng co ro cúm rúm và cũng xích lại sát đồng loại buồn bã ế ẩm đang tay chân mặt mày gần như bọc kín ngồi hắt hiu như tượng. Và trong phút chốc, giữa vi vút sương lạnh, anh lắng nghe hơi run của chiếc xương sườn của mình thất lạc từ thuở khai thiên lập địa. Những đêm sau anh quay lại đó, và trông cho sương xuống thật dày, trời thật lạnh. Ngọn đèn dầu trên mâm nhôm hết bấc, cô chủ gánh đậu nành cũng chẳng cần khêu.
Nhưng bạn sẽ nói, sương mù quá lãng mạn. Thì đây, hiện thực nghiệt ngã tôi sắp kể. Có những trận sương nhớ hoài vì đói. Cũng lại ngọn đèn dầu, nhưng được đặt trong tủ kính bánh mì. Ánh sáng vàng tỏa ra trên da bánh vừa nướng xong giòn rụm trong tưởng tượng. Nhưng chỉ nhìn thôi. Và tha hồ tưởng tượng. Cậu cử nhân sống bằng nhuận bút những bài thơ tình đăng báo đã quen với những đêm “ăn bằng mắt” những chiếc bánh mì hay tô xíu mại đậm đà dưới đèn mà đủ thấy no. Ðó là những ngày tiền khô cháy túi, nhuận bút thơ chưa về, mọi mối quan hệ thân sơ giang hồ đã huy động hết để vay mượn có kỳ hạn. Người tình hờn dỗi không rủ đi ăn chung. Và y phải sống qua ngày bằng ý chí, ăn bằng thị giác. Có nghĩa là cứ đi qua đi lại cái tủ bánh mì, và tưởng tượng rằng mình đang ngồi xé từng mẩu bánh nhúng vào chén nước dùng nổi váng mỡ và cay xé vị ớt sa tế, kẹp miếng xíu mại béo ngậy và đưa mắt nhìn sương bay.
Ðã có những lúc cái nhìn, sự tưởng tượng cứu vãn đời sống theo cách thức như thế mà sinh ra cơ man nào là thơ tình. Làm thơ thuở ấy cũng là cách thế để từng đêm đói trôi qua không mộng mị.
Những ngày tháng đó, ước chi mình được một phần của anh xe ôm đứng ngã tư kia, được nghe chị bán sữa đậu nành hờn dỗi bằng cái giọng Huế của dân nhập cư: “Anh làm cái nghề chi mà khi mô tới đây cũng nghe sặc mùi nước hoa của mấy cô, mấy ả”. Ảnh kéo cái khăn len quàng cổ đang phủ lên nửa mặt, nụ cười lóe lên trong ánh đèn hồn nhiên như trẻ nhỏ: “Thì mình là dân xe ôm, khách kêu chở tới đâu chở tới đó thôi”. “Rứa tụi hắng kêu chở về phòng trọ, mời vô phòng trọ với tụi hắng anh cũng vô luôn phải không?”, vẫn giọng hờn dỗi. “Trời, mấy cổ ế, không có tiền trả xe ôm, rủ hoài đó chớ. Mà tui thích uống sữa đậu nành hơn!”…
Nụ cười trẻ thơ của chàng trai tuổi bốn mươi dạn dày sương gió lại ánh lên sau tiếng nguýt dài dưới màu đèn diễm tình vỉa hè.
Khi thành phố đã ngủ, tôi vẫn hình dung có những bước chân quanh quẩn trong sương mù, có thể là kẻ say, có thể là kẻ đói, có thể là gã si tình. Nhưng những kẻ ấy đều đang mang một món nợ nào đó với cõi hư không. Chứ những mối dây ràng buộc nhân sinh hờ hững vậy thì có gì đâu để nhớ. Cũng thế, cái khoảng cách giữa anh xe ôm và cô bán sữa đậu nành sao âm ỉ nóng nóng cho bằng những bờ ngực đã bao lần gục lên vai anh trên đường về phòng trọ trong những đêm “trời thì lạnh lẽo mà đời thì quá hẻo”. Tủ bánh mì với cậu cử nhân ốm đói cũng vậy, những cuộc tình, những bài thơ vụng về năm cũ chỉ là phút mộng mơ thoáng qua, có gì đâu mà gắn bó đến u mê?
Thành phố cho con người ta trải nghiệm cái no bằng mắt nhìn, đắm đuối vì những điều thật là mơ hồ thì hẳn cũng đủ sức trói buộc tâm trí con người bằng những thứ vô hình, phi lý vô phương lý giải.
Mùa sương rồi, về đi, còn biết bao điều vu vơ quẩn quanh sẽ kể!
NVN