“Hồi xưa cụ Nguyễn Ðình Chiểu có câu ‘Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm Ðâm mấy thằng gian, bút chẳng tà.’ thể hiện cái đạo làm người, cái đạo vì nước vì dân, cái tâm với đồng loại. Cái đạo dù nặng trĩu nhưng quyết vẫn không nhụt chí, không buông trôi thả lỏng mà cụ Ðồ này đã dùng cây bút của mình để “đâm” bọn giặc thù. Ðó là sức mạnh của nhà văn chứ không phải múa đao lên nòng súng mới có thể phô trương sức mạnh!” Nói tới đây, thầy dạy Văn thở dài, tiếp: “Nhưng giờ thì… xưa rồi diễm!”

Ðó là câu nói tôi nhớ nhất suốt những năm đi học, chỉ sau câu của thầy dạy Sử khi giải thích vui từ đồng bào: “Ðồng Bào là bào ra từng đồng, cho nên cứ giỏi đếm tiền các em sẽ … tạo nên lịch sử!” Tôi thích những bài học kết thúc theo kiểu “hiểu sao hiểu”.Thiệt tình tôi cũng không hiểu, nhưng sau đi qua càng nhiều trải nghiệm, tôi càng nghiệm ra, đúng là “Xưa rồi diễm!”
Ðừng hiểu lầm tôi thất kính với tiền nhân, mà thật sự tôi đang hổ thẹn. Bản thân là một người trẻ, cũng có chút xíu duyên với con chữ, nhưng chính tôi cũng không biết làm sao để “Ðâm mấy thằng gian bút chẳng tà!” Thậm chí, trong phòng riêng của tôi, tuy có gần trăm cây bút, nhưng chỉ có bút kẻ mắt, kẻ mày, kẻ môi, vẽ linh tinh, chỉ có hai cây có thể viết chữ mà một cây đã hết mực! Thậm chí nếu có bút thì tôi cũng không dám đâm và đâm không lại ai, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi thật sự thấy mình hèn mọn, nhỏ bé như hạt cát giữa sa mạc bao la, không biết bao nhiêu là nhà… viết. Và quan trọng hơn là, “những thằng gian” bây giờ đa số quyền cao chức trọng, không còn mặc áo giáp sắt nữa mà là áo giáp người, đặc biệt là chúng hoàn toàn có quyền cho phép người ta dùng “bút” hay không. Ðừng nói dùng để “đâm” chúng, ngay cả viết thôi bạn cũng phải làm đơn xin phép chúng. Và để “đâm” được một “thằng gian” thôi chứ đừng nói “mấy thằng gian”, bạn phải vượt qua không biết bao nhiêu người. Vì (như đã nói) thứ chúng được bảo vệ là áo giáp người. Những cái áo giáp người đó là các “hội, nhóm” tập trung hầu như là gần hết các nhà viết “chính thống” ở Việt Nam. Thí dụ như Hội nhà văn, Hội nhà báo…

“Muốn điều khiển đất nước phải nắm truyền thông trong tay!” Nên nhà báo ở Việt Nam luôn được xem như một nghề “cao quý”. Không ít nhà báo đi tới đâu cũng được dân tình tung hô, sợ hãi nhất là các miền quê Việt Nam. Ngay cả khi cảnh sát giao thông bắt xe, bạn chỉ cần chìa thẻ nhà báo, mọi việc đều có thể lắng dịu hơn và hơn thế. Lên google gõ, bạn sẽ phát hiện không biết bao nhiêu là vụ án nào là “giả nhà báo đi lừa đảo hàng chục, trăm tỷ” rồi “Nhà báo lạm quyền cậy quyền…” Còn Hội nhà văn thì sao? Không được viết, nói, xuất bản sự thật. Nếu yêu mến chữ, nâng niu chữ, tôn thờ chữ, muốn tìm sự thăng hoa trong thế giới chữ nghĩa một cách “xả giàn” thì cũng phải yêu mến, nâng niu, tôn thờ cả những kẻ dùng chữ để nhét nhồi dối trá, bù đắp khát vọng quyền lực cho “mấy thằng gian”. Vì họ là đồng nghiệp, vì “chúng ta là đồng chí”. Sống trong chữ ở Việt Nam cứ như là sống chung với lũ vậy đó! Bên cạnh lực lượng trên, những cái áo giáp người còn là “hội lưu manh” nữa. Tôi không võ đoán và không hề muốn nhắc đến chuyện tay lưu manh Phan Sơn Hùng đã cùng nhiều người xông vào nhà đánh đập ba người phụ nữ và tung clip lên mạng đến giờ vẫn còn hồn nhiên chơi facebook và huyên thuyên “chính nghĩa”. Tôi chỉ muốn nói, khi thấy sự việc này, tôi chợt nghĩ đến những cuộc hành hung người công khai và tàn nhẫn trong các cuộc biểu tình cộng với hình ảnh những con người “tự cắt cổ”, “tự té chết”, “tự tử” trong cơ quan chức năng RẤT NHIỀU NĂM vừa qua. Hầu hết họ là những người “bất đồng chính kiến”, đều bị đánh dã man như nhau, đều không được nhắc đến trên các mục “tai nạn” của báo công an. Chả lẽ người đàng hoàng làm chuyện đó sao?

Vì thế, từ đó (cũng không biết rõ từ khi nào), ai không chịu làm “áo giáp”, không chịu nghe theo chủ trương của “mấy thằng gian” thì không có quyền xài bút, xài thì sẽ bị như trên hoặc có thể hơn thế nữa. Hãy nhớ lại, những vị đã, đang, sẽ là tù chính trị ở Việt Nam có ai làm gì ngoài viết không? Họ chỉ cầm bút chứ không hề cầm dao, búa, kéo, liềm, súng nhưng lại bị án cao hơn bất cứ tên tội phạm có vũ khí nào! Còn những người đi cướp đất, xả lũ, gây nợ cho hàng triệu người thì sao? Vâng, thưa đồng bào: “Tinh thần của chúng ta là hết sức minh bạch, hết sức công khai, và sòng phẳng. Nếu chúng ta sai, chúng ta NHẬN LỖI TRƯỚC DÂN. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước PHÁP LUẬT.” Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói một câu thôi mà tóm gọn hết cả ngàn chữ tôi vừa biên.
Nhưng, lại “nhưng”, nhưng mà chữ “nhưng” này rất đáng mong đợi. Nhưng thật may, chúng ta đã có thể chạm vào một cây bút khác. Cây bút này đang bắt đầu chứng minh sự sắc bén và đánh động được mọi ngõ ngách của sự thật nếu được sử dụng đúng. Tuy nó không thể giúp hội người mù “sáng mắt sáng lòng” nhưng nó có thể “đâm mấy thằng gian” bằng sự thật không thể chối cãi. Có vẻ như sau mọi cố gắng, chưa một cái “áo giáp” nào có thể làm “tà” nó vì nó không phải hàng ma-dê in Việt Nam.

Ðúng là võ đoán nếu khẳng định trên facebook không có “mấy thằng gian” vì bây giờ là thời đại internet, mọi thứ đều có thể trên facebook. Và “Ðạo cao một thước, ma cao một trượng”. “Mấy thằng gian” luôn luôn đông đúc và nguy hiểm. Không ở đâu không có. Nhất là trên cái nơi mà mọi người chỉ nhìn chữ và hình nhau mỗi ngày. Facebook không vạn năng, nó là một xã hội thu nhỏ. Là một nơi đăng gói mì lên sẽ bị người ta vô cảnh báo là chơi nổi. Ðăng một món quà lên sẽ bị nói là khoe khoang. Ngay cả đăng một sự thật cũng sẽ bị bác bỏ bằng một ngàn “sự thật” khác. Facebook có thể biến một con quỷ thành thiên thần hành nghề từ thiện. Biến một cô gái xấu xí thành hot girl. Biến một người không ai thèm để ý đến như Phan Sơn Hùng khi đánh người bất hợp pháp lại có gần 40 ngàn followers, mỗi bài post mười mấy ngàn likes! Thật ra không nên trách những người chơi facebook mà hãy trách nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã che chở cho những người như vậy, chúng mới sinh sôi nảy nở! Và sau tất cả thì sao? Người những tên lưu manh đó xúc phạm không phải là người bị đánh hay bất kỳ ai, người chúng xúc phạm nhất chỉ có thể là tập đoàn công an nhân dân… tệ VN! Ðừng nhìn vô đó mà nói facebook tạo ra cái xấu. Theo tôi thấy, nhờ facebook mà chúng ta PHÁT HIỆN ra cái xấu đúng hơn. Chính nó tạo nên nhiều “kỳ tích” và hiệu ứng trước giờ chưa ai làm được.

Với châm ngôn là “luôn luôn miễn phí”, facebook đã thu hút vô số người tham gia sản xuất và đăng tải nội dung và lôi kéo người dùng. Với một lượng người dùng khổng lồ, trong đó có tôi. Mặc dầu biết bản thân vẫn luôn bị “theo dõi” bằng một “thuật toán” nào đó, nhưng không sao, bạn vẫn có thể nói những gì mình nghĩ và nghĩ những gì người khác nói, facebook không hề can thiệp. Ðiều facebook quan tâm, chính là sự thoải mái của người dùng và họ được thu lợi tức từ đó.
Ðể nhớ lại coi, tôi bắt đầu có ấn tượng thật sự với facebook từ chuyện gì nhỉ? Ðó chính là câu chuyện về cái giàn khoan 981, tiếp theo là câu chuyện của quán cà phê “Xin Chào” tiếp theo là câu chuyện cá chết formosa và còn cả triệu câu chuyện xảy ra mỗi ngày được phơi bày trên facebook. Từ đó tôi nghiệm ra “lực lượng điều tra giỏi nhất thế giới” không phải là an ninh Việt Nam mà chính là các facebookers Việt Nam. Chỉ một đêm sau khi Ðoàn Thị Hương bị bắt ở Malaysia, báo Việt Nam còn chưa đăng thì từ tiểu sử, địa chỉ facebook, chuyện “trong nhà ngoài phố” của cô gái ấy đã lan truyền sang tận…. Bắc Triều Tiên! Chỉ một tấm hình người đàn ông bị cho là TỰ cắt cổ chết trong đồn mà tất cả mọi “khám nghiệm pháp y” rõ ràng, nhanh chóng đã được truyền đi khắp chốn, còn ai tin vào lời của bọn “áo giáp” đây? Không nhờ facebook thì đâu ai biết những thành viên trong bộ chính trị từ chụp hình tập thể thân thiết ra sao, ông này thế nào, ông kia hoàn cảnh ra sao… Trong khi mọi cái dân Việt Nam nắm trong tay đều giả, ngay cả giá trị của đồng tiền, thì có thể nói facebook được xem là nơi cứu cánh cho sự thật nhất. Vì bên cạnh những tiện ích cố hữu, facebook còn có live stream. Có ai nhận ra, từ khi có live stream truyền thông “độc quyền” thay đổi hẳn hay không? Xã hội là những bậc thang.. cuốn, cứ giậm chân là bị té chết. Báo giấy đang chết là một bằng chứng rất rõ cho sự phát triển này. Những video live stream trực tiếp tại hiện trường xung quanh vụ “giải cứu vỉa hè” của ông “phá chủ tịch” Ðoàn Ngọc Hải trên các báo cách mạng cũng minh chứng điều này!

Riêng tôi, từ ngày chơi facebook thấy mình ráng sống tốt hơn (vì sợ bị facebookers vạch mặt) và… chửi giỏi hơn. Vì tôi theo dõi hơn 400 groups và trang trên facebook cộng với đa số bạn bè là những người giỏi rất giỏi và quan tâm thời sự. Nên mỗi ngày tôi “thu thập” được hàng tá câu chuyện, tin tức trái lẫn xuôi chiều (dĩ nhiên là so với chiều của tôi). Lúc đầu im im coi thôi, sau thấy người ta chửi tôi cũng rón rén đua đòi, rồi cái… ghiền lúc nào cũng không hay! Dầu biết thời nào cũng có quan… đen nhưng thiệt tình tôi tìm không ra ở thời tôi đang hiện diện có được một ông quan… trắng. Và sau khi mỗi ông quan trắng bị “lòi mặt chuột” thì tôi lại phát hiện vài người mình đang hoặc đã từng ngưỡng mộ đang hoặc đã từng làm “áo giáp” cho “mấy thằng gian” đó. Tôi không bắt các nhà viết trở thành các siêu anh hùng giải cứu thế giới, nhưng tôi chỉ mong mỗi người góp một tiếng nói thật để giải cứu chính mình trong thời đại đồ giả ngự trị hôm nay. Tuy nhiên cũng nhờ facebook mà tôi học hỏi được nhiều thứ, biết được rất, rất nhiều người đã, đang và sẽ dùng cây bút của mình để “Ðâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Tuy nhiên, đúng là facebook không phải là vạn năng. Ðó chính là lý do tại sao tôi phải viết tiếp dòng này để hoàn tất một bài đăng trên… báo giấy.

DU