Với danh tiếng và truyền thống huấn luyện những tài năng và giới lãnh đạo cho Hoa Kỳ và thế giới, được chấp thuận và theo học tại một trong những đại học thuộc hệ thống Ivy League, bao gồm tám viện đại học như Harvard, Yale, Cornell, Columbia, Princeton, Brown, Dartmouth và University of Pennsylvania luôn là niềm mơ ước và hãnh diện của những học sinh xuất sắc khắp thế giới. Tuy nhiên, dù hiếm hoi, hàng năm vẫn luôn có những học sinh thành tích đặc biệt để được cả tám trường đại học này đồng chấp thuận đơn xin học của mình. Các học sinh này có thành tích và hoạt động ra sao để đạt được kết quả vượt bậc này?
Nhắc đến những đại học thuộc hệ thống Ivy League như Harvard, Yale, Cornell…, người ta nghĩ đến những thế hệ tổng thống, tỉ phú , những chủ tịch đại tập đoàn, những khoa học gia đạt giải Nobel của Hoa Kỳ từng xuất thân từ hệ thống đại học này. Dù không chắc rằng bất cứ sinh viên nào từng tốt nghiệp hệ thống đại học này cũng sẽ thành công hay trở nên những nhân vật lẫy lừng, hoặc cũng có vô số nhân vật tên tuổi khác không từng theo học tại đây, nhưng nhìn chung thì chính sự tuyển chọn và huấn luyện đầy khó khăn của Ivy League đã kéo dài danh sách những nhân vật tên tuổi từ trong chính phủ, khoa học, học thuật cho đến các lãnh vực nghệ thuật, thương mại, tài chính… xuất thân từ đây. Bằng không thì các sinh viên tốt nghiệp tại các đại học này vẫn có nhiều cơ hội và thăng tiến nghề nghiệp nhiều hơn. Bởi vì mang mục tiêu huấn luyện giới lãnh đạo tương lai, Ivy League luôn nhắm tuyển chọn những học sinh xuất chúng, có trí tuệ, tính cách và khả năng đặc biệt nào đó, hoặc có óc lãnh đạo, mang xu hướng cấp tiến và khai phóng để nhắm đến những mục tiêu lớn lao và dài hạn trong tương lai.
Ðược chấp nhận đơn xin học tại một trong những trường thuộc Ivy League, qua những tiêu chuẩn và quá trình tuyển chọn khá khe khắt với chỉ một tỉ lệ nhỏ số đơn nộp được chấp thuận hàng năm, quả là một thành tích và niềm tự hào cho các học sinh trung học chuẩn bị bước vào khuôn viên các đại học này trong niên học tới. Nhưng hàng năm vẫn luôn có những học sinh được năm bảy trường Ivy chấp thuận, hay đặc biệt hơn là được cả tám ÐH trong hệ thống này đồng chấp thuận như câu chuyện về bốn học sinh được giới thiệu trên số báo hôm nay. Bên cạnh bảng điểm học và điểm thi SAT hay ACT rất cao, nhìn vào những hoạt động của các em thì quả là những câu chuyện đầy riêng biệt và xứng đáng để nhận được kết quả như vậy.

Cassandra Hsiao, cô học sinh 17 tuổi gốc Châu Á đang sống tại California, mang hai giòng máu Malaysia và Ðài Loan, là câu chuyện nỗ lực của một học sinh di dân. Ðến Mỹ lúc năm tuổi, bài luận văn của Cassandra kể lại khó khăn và trải nghiệm của việc học tiếng Anh trong một gia đình di dân mà em vừa cần dung hợp giữa hai nền văn hóa khác nhau của cha và mẹ, đồng thời phải làm quen với nền văn hóa, ngôn ngữ mới tại nước Mỹ trong cảm giác lạc lõng. Nhưng Cassandra đã vượt lên những thử thách này, đặt đam mê vào văn hóa, nghệ thuật và báo chí, trở thành một chủ bút tờ báo trường, làm phóng viên cho tờ báo Los Angeles Times High School Insider, từng có cơ hội phỏng vấn những minh tinh nổi tiếng của Hollywood. Học lực xuất sắc, với điểm GPA 4.67 và điểm SAT 1540, Cassandra còn là đồng chủ tịch Hội Học Sinh của trường. Cassandra muốn thay đổi cái nhìn thông thường về cộng đồng gốc Á Châu trên đất Mỹ khi kỳ vọng sẽ có những người gốc Á hoạt động tại Hollywood, trên chính trường và các hoạt động xã hội nhiều hơn. Ðược cả tám đại học Ivy cùng hai ÐH Stanford và Berkeley chấp thuận đơn xin học, Cassandra chưa quyết định chọn trường để theo học về phim ảnh, kịch nghệ, sáng tác, với mong ước sẽ trở thành một nhà viết kịch bản phim truyện hay sô truyền hình để kể lại những câu chuyện riêng biệt và quan trọng của mỗi con người khác nhau.
Với Martin Altenburg, 17 tuổi tại North Dakota thì đây là một câu chuyện về niềm đam mê và xuất sắc trong toán học và khoa học. Martin không chỉ xuất chúng trong học vấn, đạt điểm tối đa trong kỳ thi các môn chuyên cao AP (điểm trung bình 5.0), có điểm thi ACT là 35/36 và SAT 1510/1600. Theo học các lớp toán cao cấp bậc đại học từ những năm lớp 11, Martin không chỉ tham gia các cuộc thi toán và khoa học mà còn là một tay vĩ cầm có hạng trong dàn nhạc, là vận động viên điền kinh và bơi lội xuất sắc của trường. Martin còn là chủ tịch của một tổ chức thanh niên tại thành phố của mình, tham gia các dự án khoa học… Nhiều bạn bè của Martin bảo rằng họ không biết làm sao Martin có đủ thời gian cho ngần ấy hoạt động mà vẫn đạt được sự xuất chúng trong mỗi thứ mình tham gia. Cha mẹ Martin từng không khuyến khích em nộp đơn vào các trường danh tiếng này, vì họ nghĩ rằng nếu phải đóng học phí thì số tiền học mỗi năm còn cao hơn thu nhập của cả gia đình. Nhưng Martin bảo rằng, gia đình em là loại gia đình nghèo, nên em muốn tự thúc mình để xem mình có thể nhìn được thế giới này đến đâu và để có thể làm những công việc góp phần thay đổi thế giới này. Martin nhắm đến việc theo học về môi trường và khoa học tại đại học. Bên cạnh tám đại học Ivy, Martin còn được cả học viện kỹ thuật MIT danh tiếng thế giới và Stanford chấp thuận đơn học của mình. Quả chẳng có nhiều nghi ngờ gì về con đường trở thành một khoa học gia tương lai của những học sinh như Martin.

Với Ifeoma White-Thorpe gốc Nigeria, Chủ tịch Hội Học Sinh trường trung học Morris Hills tại New Jersey là hình ảnh của một tư chất lãnh đạo. Là một học sinh đạt toàn điểm A, giỏi văn thơ và có tài diễn thuyết, Ifeoma từng chứng tỏ khả năng từ bậc tiểu học. Ifeoma từng đạt giải văn chương khi còn là học sinh lớp năm, từng chiến thắng giải diễn thuyết và văn chương quốc gia Selma, một cuộc thi dành cho các học sinh trung học diễn thuyết và viết luận văn về những suy nghĩ và hành động của mình để thúc đẩy nhân quyền, thông qua bộ phim Selma- nói về ảnh hưởng của Martin Luther King trong việc tranh đấu quyền bỏ phiếu của người da đen. Ifeoma cũng vừa nhận được học bổng Coca-Cola 2017 hồi tháng Hai, một học bổng trị giá 20,000 đô la dành cho các học sinh có khả năng lãnh đạo và phục vụ, từng đóng góp tích cực cho trường học và cộng đồng. Bên cạnh tám đại học Ivy và Stanford, Ifeoma còn được hàng chục đại học khác mà em nộp đơn đồng chấp thuận. Có thể Harvard là đại học Ifeoma nhắm tới vì em mong muốn theo học về lãnh vực nghiên cứu khoa học ngành hóa sinh và y tế toàn cầu.
Với Ivan Vazquez tại Idaho, Ivan đặt giấc mơ theo học Harvard từ năm lớp Sáu khi biết và hiểu về mức độ danh tiếng của đại học này. Ước mơ này càng thôi thúc hơn từ sau khi anh trai của Ivan được Brown thuộc hệ thống Ivy chấp thuận cho theo học. Bên cạnh việc học xuất sắc, Ivan cho biết những hoạt động ngoại khóa vượt trội của em có thể đã giúp cho em được các đại học Ivy đồng thu nhận. Từng là thành viên đội tuyển khoa học Olympiad tiểu bang đi thi cấp quốc gia, Ivan nhận được tặng thưởng Tổng thống President Award Scholar 2017, một tặng thưởng danh dự nhất từ Bộ Giáo Dục dành cho 160 học sinh lớp 12 xuất sắc từ khắp nước Mỹ mỗi năm, chọn lựa trong khoảng ba triệu học sinh đủ tiêu chuẩn được xét duyệt. Một số cựu học sinh của giải thưởng tổng thống này hiện đương nhiệm những chức vụ lớn trong chính phủ hay là chủ tịch các đại tập đoàn. Ivan mong muốn sẽ theo học lãnh vực tài chính và chứng khoán để có thể làm việc tại thị trường Wall Street một ngày nào đó trong tương lai.

Ðiểm sơ lược những thành tích, khả năng vượt bậc của các học sinh xuất chúng bên trên, các em quả rất xứng đáng để tất cả các đại học Ivy League quyết định thu nhận. Với hoài bão lớn lao đi cùng tư chất lãnh đạo, sẽ chẳng ngạc nhiên hay nghi ngờ về sự hình thành cùng con đường đi của những tài năng kiệt xuất, những người có thể góp phần thay đổi thế giới trong tương lai. Hy vọng đến một ngày nào đó, những phụ huynh gốc Việt sẽ thoát ra khỏi nỗi ám ảnh và giấc mơ đồng phục về nghề Y hạn hẹp, để khuyến khích con em của mình đi vào cả những lãnh vực chính trị, học thuật, khoa học, quản trị hay văn hoá nghệ thuật… phù hợp với đam mê và tài năng của các em.
ÐYT