Menu Close

Thay thế Obamacare ai có lợi?

Đúng sáu tuần lễ sau lần thất bại vào Tháng 3 khi các nhà lãnh đạo thuộc đảng Cộng hoà ở hạ viện đã không kiếm được đủ đa số phiếu để thông qua dự luật hủy bỏ và thay thế vào đó một phần lớn các điều khoản của luật bảo hiểm y tế Obamacare hiện nay, thì lần này họ đã thành công đẩy được dự luật thông qua trong cuộc bỏ phiếu hôm Thứ Năm 4/5 vừa qua.

thay-the-obamacare2
Biểu tình chống huỷ bỏ Obamacare nguồn PolitiFact

Với kết quả khít khao là 217 phiếu thuận và 213 phiếu chống – trong đó có 20 dân biểu Cộng hoà và tất cả 193 dân biểu Dân chủ đã không ủng hộ. Ðiều này có nghĩa là nếu như có thêm hai dân biểu Cộng hoà bỏ phiếu chống thì dự luật (tên chính thức là American Health Care Act – Luật Chăm sóc Y tế Hoa Kỳ) sẽ bị thất bại thêm một lần nữa. Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu đã giúp phía đảng Cộng hoà thực hiện được lời hứa của họ với cử tri là hủy bỏ, hay nói chính xác hơn là sửa đổi một số điều khoản có trong luật Obamacare (tên chính thức là Affordable Care Act – Luật Chăm sóc Y tế Hợp túi tiền) như hiện nay.

Dự luật y tế này sẽ còn gặp nhiều thử thách ở thượng viện trong thời gian sắp tới vì ngay sau khi nó vừa được thông qua ở hạ viện, đã có một số ít Thượng nghị sĩ Cộng hoà lên tiếng bác bỏ và ra chỉ dấu cho biết họ sẽ bắt đầu làm việc để đưa ra một phiên bản khác. Chi tiết của phiên bản này hiện chưa rõ ra sao nhưng chắc chắn sẽ có một số thay đổi so với dự luật của hạ viện.

Thậm chí trước khi hạ viện bỏ phiếu, đã có một vài Thượng nghị sĩ Cộng hoà bày tỏ nghi ngại về một trong những điều khoản quan trọng nhất của dự luật là giới hạn chương trình Medicaid mở rộng ở các tiểu bang theo luật Obamacare và điều này có thể đưa đến hậu quả xấu.

Trong một bài báo trước đây chúng tôi đã trình bày sơ qua một số điểm mấu chốt trong phiên bản của dự luật cũ bị thất bại trong Tháng 3. Dự luật lần này đã có một vài chi tiết thay đổi, nhưng tựu trung phần lớn các điều khoản vẫn được giữ lại giống như phiên bản trước với một vài điểm quan trọng đáng được lưu ý và xin ghi lại ở đây.

Dự luật sẽ bãi bỏ tiền phạt đối với những ai không mua bảo hiểm. Dự luật cũng sẽ giới hạn chương trình Medicaid mở rộng ở các tiểu bang mà hiện nay nhiều triệu người dân có lợi tức thấp đang được hưởng, trong đó có một số đông người Việt của chúng ta. Và để thay thế vào điều khoản dành cho các khế ước bảo hiểm được chính phủ liên bang tài trợ trong chương trình Obamacare, dự luật lần này sẽ cho những cá nhân phải tự mua bảo hiểm được khấu trừ thuế lợi tức từ $2,000 đến $4,000 một năm, tuỳ theo số tuổi.

Một gia đình có thể nhận được số tiền khấu trừ thuế lên đến $14,000 một năm. Tiền trừ thuế này sẽ giảm đối với những cá nhân có lợi tức $75,000 một năm và những gia đình có lợi tức hơn $150,000.

Theo báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (đứng độc lập, không theo đảng nào) cho biết phiên bản của dự luật thất bại lần trước sẽ cắt giảm đáng kể sự thâm hụt trong ngân sách quốc gia nhưng đồng thời cũng sẽ đưa đến tình trạng có khoảng 24 triệu người Mỹ không có bảo hiểm sức khoẻ sau một thập niên. Tiền đóng bảo hiểm trung bình sẽ tăng từ 15 đến 20 phần trăm trong hai năm 2018 và 2019, tuy nhiên sau đó sẽ giảm thấp hơn so với luật hiện nay.

Khi một đạo luật chăm sóc y tế được đưa ra áp dụng, cho dù đó là Obamacare hay bất cứ đạo luật nào, điều chắc chắn là có người được hưởng lợi và người bị thiệt thòi. Nếu dựa vào những điều khoản mới trong dự luật của hạ viện hiện nay, người được hưởng lợi nhất là những cá nhân hay gia đình có lợi tức bậc trung. Nếu những ai không được nhận bảo hiểm y tế từ nơi sở làm sẽ được hưởng tiền khấu trừ từ thuế lợi tức khi phải tự mua bảo hiểm, và tiền khấu trừ này sẽ giảm đối với những cá nhân có lợi tức trên $75,000 hoặc gia đình có lợi tức trên $150,000. Theo luật Obamacare hiện nay, nếu lợi tức một gia đình cao hơn $48,000 thì sẽ không nhận được một khoản tài trợ nào từ chính phủ.

thay-the-obamacare1
Kết quả bỏ phiếu tại hạ viện – nguồn ABC News

Những người có lợi tức cao cũng sẽ được lợi. Dự luật này huỷ bỏ phần thuế 0.9% trên đồng lương của người có lợi tức cao để hỗ trợ cho chương trình Obamacare, bắt đầu từ năm 2023. Dự luật cũng huỷ bỏ mức thuế 3.8% trên lợi tức kiếm được từ tiền đầu tư của những người có lợi tức cao.

Những công ty có số nhân viên từ 50 người trở lên sẽ không bị bắt buộc phải mua bảo hiểm cho nhân viên của họ nữa. Kết quả có bao nhiêu công ty sẽ bỏ không mua bảo hiểm cho nhân viên thì hiện chưa rõ. Nhưng một thay đổi quan trọng khác là dự luật sẽ trì hoãn việc đánh thuế cho đến năm 2026 lên những công ty nào phải đóng bảo hiểm quá cao cho nhân viên của họ.

Những người trẻ còn khoẻ mạnh cũng được hưởng lợi là vì họ có quyền mua những chương trình bảo hiểm căn bản nhất với tiền khấu trừ cao (high deductible), nhưng đổi lại thì tiền đóng bảo hiểm sẽ thấp hơn. Những người trẻ nào không mua bảo hiểm cũng sẽ không phải đóng tiền phạt. Tuy nhiên, nếu sau một năm, họ muốn mua bảo hiểm lại thì tiền trả cho bảo hiểm sẽ tăng thêm 30%.

Những người bị thiệt thòi bởi dự luật mới này trước hết là những người nghèo. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, nhiều người nghèo có thể sẽ bị mất bảo hiểm, và những ai còn muốn giữ lại bảo hiểm sẽ phải trả thêm tiền bảo hiểm và tiền khấu trừ, có thể là quá cao so với mức lợi tức khiêm tốn của họ.

Trong khi những người trẻ được lợi thì những người lớn tuổi lại bị thiệt thòi. Theo luật Obamacare, các công ty bảo hiểm không được tính giá bảo hiểm đối với khách hàng từ 64 tuổi trở lên cao hơn 3 lần so với giá bảo hiểm của khách hàng 18 tuổi. Nhưng với dự luật mới, các công ty bảo hiểm có quyền tính giá đối với khách hàng lớn tuổi cao hơn gấp năm lần.

Dự luật y tế vừa được thông qua ở hạ viện chắc chắn sẽ còn nhiều thay đổi và còn gặp nhiều gian nan. Trước mắt, thượng viện Cộng hoà sẽ hoàn tất một phiên bản khác của dự luật y tế của riêng họ. Dự luật này cũng cần phải làm sao cho phù hợp với các điều lệ đòi hỏi khi được ghép chung với một dự luật ngân sách đặc biệt để được thông qua với 51 phiếu thay vì cần tới 60 phiếu để tránh bị chiến thuật câu giờ filibuster từ phía các nghị sĩ Dân chủ nếu trong trường hợp dự luật này đứng riêng một mình.

thay-the-obamacare
Một số dân biểu Cộng hoà tại Toà Bạch Ốc sau kết quả bỏ phiếu – nguồn WREG.com

Thượng viện sau đó sẽ gửi dự luật tới Văn phòng Ngân sách Quốc hội để được ước lượng về chi phí và tác động của nó. Kế tiếp, thượng viện sẽ quyết định nếu dự luật này tuân thủ những điều lệ đòi hỏi để được ghép chung với một dự luật ngân sách đặc biệt hay không.

Nếu không được chấp nhận, dự luật sẽ phải được sửa lại cho phù hợp. Nếu như trong trường hợp được chấp nhận, dự luật sẽ được đưa ra thượng viện để bỏ phiếu. Và nếu được thông qua ở thượng viện thì phiên bản của dự luật ở thượng viện sẽ được đưa trở lại hạ viện để bỏ phiếu thông qua, nhưng điều này có lẽ sẽ khó xảy ra vì được đoán trước là sẽ có nhiều khác biệt sâu xa giữa hai viện.

Trong trường hợp này, một uỷ ban sẽ được thành lập để tìm cách hoá giải những khác biệt giữa thượng và hạ viện để gộp thành một dự luật chung để được bỏ phiếu lại. Nếu cả dự luật được cả thượng lẫn hạ viện chấp thuận thông qua, nó sẽ được gửi tới Toà Bạch Ốc để được Tổng thống Trump ký thành một đạo luật hẳn hoi.

Ðấy là con đường chông gai để huỷ bỏ và thay thế luật Obamacare. Một dự luật y tế chung của cả hai viện ra sao thì chưa ai thấy trước được, và nếu được thông qua để đem ra áp dụng thì tác động của nó lên đời sống của người dân Mỹ như thế nào cũng khó biết trước, cũng giống như luật Obamacare trước đây được hứa hẹn là sẽ giúp cắt giảm chi phí bảo hiểm nhưng sau ít năm thực hiện, chi phí bảo hiểm vẫn tăng đều mỗi năm.

VH