Một trong những sự kiện được dư luận chú ý nhiều trong tuần qua là cuộc tái ngộ của tay vợt nữ người Nga, Maria Sharapova, sau 15 tháng bị treo vợt vì lạm dụng thuốc kích thích. Cô là ngôi sao của làng quần vợt và là nữ lực sĩ với thu nhập cao nhất thế giới trong suốt 11 năm trước thời điểm án phạt.

Màn tái ra mắt của Maria Sharapova tạm gián đoạn khi cô chịu gác vợt ở vòng bán kết giải Porsche Grand Prix ở Stuttgart, Ðức Quốc. Nhưng những phản ứng khen/chê/ủng hộ/phản đối vẫn tiếp tục râm ran. Một trong những tiếng nói chỉ trích công khai và trực tính nhất đến từ một tay vợt nữ của Canada, Eugenie Bouchard, người thẳng thừng gọi Sharapova là ‘Kẻ gian lận’ và đáng phải bị treo vợt suốt đời. Ngày 16/5 tới đây, nhà tổ chức giải Grand Slam French Open sẽ ra quyết định có cho phép Sharapova dự tranh giải năm nay hay không (cô từng giật cúp vô địch đơn nữ Roland Garros 2 lần năm 2012 và 2014). Maria Sharapova cũng sẽ phải chờ đến 20/6/2017 mới biết có được dự phần đánh Wimbledon 2017 hay không.

Người ta nói “cờ gian bạc lận”, nhưng những “con sâu” như Maria Sharapova “làm rầu nồi canh” cũng không phải là chuyện mới trong thể thao. Vụ đình đám gần đây nhất là cua rơ kỳ cựu Lance Armstrong của Hoa Kỳ. Với chuyện lạm dụng chất kích thích nhiều năm trời bị phơi bày ra ánh sáng, từ năm 2012, Armstrong bị cấm chơi thể thao trọn đời, riêng Vòng Ðua Pháp Quốc Tour de France xóa sạch mọi kết quả của Armstrong, bao gồm kỷ lục 7 chiếc áo vàng vô địch liên tục từ 1999 đến 2005. Một tên tuổi đầy tai tiếng khác là võ sĩ người Hoa Kỳ Mike Tyson, thượng đài tranh đai vô địch võ đài WBA tại Las Vegas hôm 28/6/1997 đánh không lại đồng hương Evander Holyfield, bèn dùng tiểu xảo… cắn rách lỗ tai đối phương; Tyson lập tức bị loại và sau đó bị tước bằng hành nghề đấm bốc. Tại TVH Seoul 1988, tay đua tốc độ Ben Johnson của Canada lập kỷ lục thế giới trên đường chạy tốc độ 100-m nam giới với 9.79 giây, nhưng sau đó thành tích bị hủy bỏ, thân bại danh liệt, vì bị phát giác gian lận chất kích thích. Tại TVH Montreal 1976, kiếm thủ nhiều lần vô địch Olympic người Ukraine, Boris Onishchenko, ăn gian kiểu “High-Tech” thời đó, khi bí mật luồn dây điện vô cây kiếm khiến bảng điện tử liên tục ghi điểm dù anh đánh không trúng đối phương; kẻ gian bị trục xuất khỏi làng TVH và cấm tiệt không được chơi thể thao từ đó. Tại giải trượt băng vô địch Hoa Kỳ U.S. Figure Skating Championships năm 1994 diễn ra ở thành phố Detroit tiểu bang Michigan, kẻ phá bĩnh Tonya Harding biết kém tài kỳ phùng địch thủ Nancy Kerrigan bèn thuê người đánh mẻ đầu gối Kerrigan bằng dùi cui cảnh sát; Harding bị đuổi khỏi đội nữ Hoa Kỳ. Làng đá banh thế giới cho đến nay vẫn chưa quên chuyện ‘Hand of God’ (Bàn Tay của Chúa) của siêu sao Maradona qua mặt trọng tài, nhảy lên tranh chấp với thủ thành đội Anh, nhưng thay vì đội đầu, thì anh chàng lẹ tay gạt banh… thẳng vô lưới. Những cuộc đua Marathon (đường trường dài hơn 42 cây số hay trên 26 dặm) xưa nay cũng có rất nhiều vụ dở khóc dở cười với các tay đua cuội lẫn vào đám đông khán giả, trèo lên xe hơi… rồi thình lình xuất hiện ở cuối đường đua, chạy băng băng về đích trong lúc các đối thủ khác thì mệt lả. Nhiều lực sĩ ngày nay còn ăn gian bằng cách đánh tráo mẫu nước tiểu bằng cách gắn trong người nhiều dây nhợ phụ tùng giúp sản xuất nước tiểu giả đem trình thẩm quyền xác định, v.v…

Không chỉ cá nhân gian lận mà có khi cả đội thể thao trở thành bịp bợm tập thể. Ðội banh lừng danh Juventus vô địch đá banh nước Ý liên tục 2 năm 2005 và 2006. Nhưng sau đó thám tử điều tra phát giác một đường dây hối lộ trọng tài dính líu nhiều đội banh hàng đầu của Ý lúc đó. Kết quả đội hạng 3, Inter Milan, được đôn lên ngôi vô địch. Juventus bị đẩy xuống giải hạng 2 và tước 2 cúp vô địch 2005/2006. AC Milan bị trừ 30 điểm mất luôn ngôi á quân 2006. Hai đội Fiorentino và Lazio bị cấm tranh tài các giải đá banh Âu Châu trong mùa banh tiếp theo. Còn chưa kể đủ loại tranh chấp kiện tụng đeo đuổi các đội này nhiều năm tiếp theo sau đó. Về lý do xảy ra tiểu xảo trong thể thao thì thiên hình vạn trạng. Chung quy vì chạy theo thành tích và danh lợi. Chiến thắng nối tiếp chiến thắng đồng nghĩa với tài trợ quảng cáo dồi dào. Cựu cua rơ Lance Armstrong thời đỉnh cao danh vọng thu hút $70 triệu tiền quảng cáo. Tay đua nữ Marion Jones cũng có nhiều hợp đồng tài trợ hằng chục triệu Mỹ Kim trước khi đổ bể lạm dụng chất kích thích và nhiều rắc rối pháp lý khác đến nỗi phải vào tù xé lịch. Giới huấn luyện viên và bản thân người lực sĩ muốn chiến thắng bằng mọi giá – ngay cả làm chuyện sai quấy. Những áp lực, nhất là “kỳ vọng quốc gia” đặt không trúng chỗ, cũng có thể gây vô vàn tác hại. Những vụ lạm dụng, khai man tuổi của lực sĩ China là một thí dụ. Một trường hợp tai tiếng khác là Ðông Ðức cũ với các chương trình “nhà nước”, diễn ra một cách toàn diện, có hệ thống, trong nhiều năm, đưa lực sĩ vào con đường lạm dụng thuốc kích thích. Ðôi khi chút tiểu xảo xảy ra chỉ vì kiệt sức: các lực sĩ giả chấn thương, câu giờ để có chút thời gian hồi phục cho mình hoặc cho đồng đội. Lạm dụng kích thích cũng dễ xảy ra hơn vào cuối mùa tranh tài lúc các lực sĩ đuối hơi nhưng vẫn muốn duy trì phong độ đến cuối cùng. Cũng phải kể thêm một yếu tố tâm lý khác là sự ngạo mạn, đặc biệt trong trường hợp các lực sĩ giàu tiếng tăm như Maria Sharapova hay Lance Armstrong, khi họ tưởng rằng sự nổi tiếng và tiền bạc có thể che mắt thế gian, mua chuộc được mọi thứ, áp đảo được mọi nghi ngờ…

Các mánh lới có thể thay đổi theo thời gian, theo đà kỹ thuật hiện đại, và ngày càng tinh vi khó bị phát giác hơn. Thí dụ như trường hợp tay đua người Nam Phi Oscar Pistorius, bị cụt cả 2 chân, phải dùng chân giả, mà vẫn muốn ghi danh tranh tài chánh thức với lực sĩ lành lặn tại TVH London 2012. Không phải ai cũng ủng hộ, như đội Ðức than phiền cặp chân giả của Pistorius làm bằng sợi carbon có thể… tốt hơn chân thiệt ở chỗ chỉ cần 75% năng lượng để di chuyển, cho Pistorius… lợi thế trên tay đua có đủ 2 chân tự nhiên. Kỹ thuật mới, hay Hi-Tech nào là hợp lý, và trong hoàn cảnh nào trở thành gian lận, sẽ còn là đề tài khiến các nhà tổ chức… bạc tóc dài dài… Trở lại với trường hợp Maria Sharapova. Cô bị kỷ luật treo vợt 15 tháng vì dùng loại thuốc tên là “Meldonium”. Lắt léo ở chỗ thuốc đó mới được thêm vào “sổ đen” cách đây chưa lâu, mà Sharapova nói cô đã dùng nó suốt 10 năm qua vì lý do sức khỏe (thuốc “Meldonium” giúp cơ thể bớt mệt mỏi và tăng độ tập trung). Ai đúng ai sai, Sharapova có bị oan ức hay không thì vẫn có thực tế nhờ vụ rùm beng này mà phiếu đặt hàng online tăng ào ào khiến có lúc giá thuốc “Meldonium” tăng hơn gấp đôi. Tiểu xảo không phải là chuyện mới, còn có thể nói là một phần của thể thao, và cũng gồm đủ hỉ nộ ái ố như chính trò chơi thể thao vậy.


TTD