Menu Close

Một vài đặc điểm về dược thảo.

Trước khi dùng dược thảo để trị bệnh, tưởng cũng nên tìm hiểu một vài dữ kiện về loại thuốc này:

1-Sự an toàn của dược thảo.

Ý kiến chung coi dược thảo an toàn hơn âu dược, ít gây chứng bệnh phụ và rất ít khi gây tai nạn tử vong.

Tuy nhiên dược thảo vẫn là một loại thuốc, khi dùng ta cần cẩn thận, không nên nghĩ vì nó là cây thiên nhiên thì không có hại.

Cam thảo (licorice) là một trong những thuốc cây cỏ dùng nhiều nhất trên khắp thế giới để chữa bệnh lở bao tử, ho, suyễn, nhưng nếu dùng lâu ngày, có thể gây cao huyết áp, nhức đầu, mệt mỏi. Khi mới dùng lần đầu, nên dùng với phân lượng nhỏ rồi tăng dần cho tới liều chỉ dẫn bởi nhà sản xuất.

Một thí dụ khác là cà phê, một loại họ thảo ta dùng mỗi buổi sáng để nâng cao tinh thần. Nếu uống hai ly mỗi sáng thì có tác dụng tốt như ý muốn, năm ly là có nhức đầu, nóng nảy, 15 ly thì bắt đầu thấy ù tai, chóng mặt.

Dược thảo bán trên thị trường không được thử nghiệm về sự tinh khiết và hiệu nghiệm, nên đôi khi có lẫn chất không cần như phấn hoa, phấn lá có thể gây dị ứng hoặc cây thuốc đã bị hư mục.

Hiện tượng chệch múi giờ.

Với sự tiến bộ của ngành hàng không, con người có thể di chuyển từ hai địa điểm rất xa nhau trên trái đất trong khoảng thời gian rất ngắn. Khi vượt qua nhiều múi giờ như vậy, cơ thể ta sẽ trải qua một số thay đổi sinh học, gây khó chịu và cần được điều chỉnh lại. Ðó là Hội Chứng Chệch Múi Giờ Jet Lag Syndrome.  Xin nói rõ thêm về hiện tượng này.

Ngoại trừ vi khuẩn, cơ thể các sinh vật cũng như thảo mộc, đều có một cơ chế gọi là đồng hồ sinh học. Ðồng hồ này hoạt động nhịp nhàng theo chu kỳ, trong khoảng thời gian 24 giờ để điều hòa một số chức năng như sự thức, ngủ, nhiệt độ cơ thể…làm sao cho thích hợp với không gian ta đang ở.

Ðồng hồ nhận tín hiệu quan trọng từ môi trường chung quanh như ánh sáng, bóng tối, nhiệt độ… để sắp xếp một nền nếp sinh hoạt cho cơ thể, mà ta gọi là thói quen. Một khi đã thiết lập, cơ thể cứ theo giờ giấc đó mà làm việc, không lệ thuộc vào ngoại cảnh.

Khi di chuyển sang một địa phương khác với chênh lệch nhiều múi giờ, cơ chế sinh học này cần một thời gian dăm ba ngày để điều chỉnh, thích hợp với hoàn cảnh mới. Trong thời gian đó, ta sẽ mất đi vài ngày vui của cuộc du lịch với một số khó chịu cho cơ thể như mệt mỏi, ngủ thất thường, ăn uống khác giờ, tiêu hóa rối loạn, thân nhiệt thay đổi.

Sở dĩ như vậy là vì cơ thể ta khi được đặt vào môi trường khác lạ, mà đồng hồ sinh học vẫn còn được sắp xếp theo môi trường cũ với sinh hoạt cũ. Hiện tượng này thấy ở mọi sinh vật.

Xin đơn cử mấy thí dụ:

Một con cua sống ở biển miền Ðông, được di chuyển sang bờ biển phía Tây, thì trong mấy ngày đầu vẫn giữ màu sắc bình thường như khi ở biển Ðông.

Hoa trinh nữ vẫn mở lá ban ngày, khép lá ban đêm, dù ta có che hoa khỏi ánh sáng mặt trời. Ít nhất trong thời gian đầu trước khi điều chỉnh.

Con người từ Á châu mà du lịch sang Mỹ châu, với nửa vòng trái đất cách nhau, trong mấy ngày đầu đồng hồ sinh học vẫn hoạt động như trước. Nghĩa là khi ta ngủ nghỉ bên đây thì bên kia đại dương dân chúng đang làm việc và ngược lại.

Ðã có nhiều đề nghị để tránh phiền phức do jet lag, mà hiệu quả tùy theo từng người.

a-Trước khi di chuyển.

Về thực phẩm, Tiến sĩ Charles F. Ehret, Chicago, có đề nghị giữ bụng đói trong khi bay để ăn một bữa đầy đủ với nhiều chất đạm khi tới nơi. Cẩn thận hơn, ông ta còn gợi ý là: ba ngày trước khi khởi hành, ăn no nê với nhiều chất đạm, hai ngày sau ăn nhẹ với nhiều chất bột như cơm, mỳ, khoai tây; trên máy bay ăn một ít hạt ngũ cốc; khi tới nơi, đi ăn bữa ăn thịnh soạn với nhiều thịt. Ehret cho rằng chất đạm làm ta năng động hơn, chất bột làm ta dễ buồn ngủ.

Ðồng thời cố gắng duy trì hoạt động theo giờ giấc nơi mới tới, ra ngoài trời nắng nhiều, nếu có thể làm một số vận động cơ thể.

Nếu ghiền cà phê, chỉ uống vào thời gian từ 3 tới 5 giờ chiều.

Về giấc ngủ thì Ehret đề nghị thay đổi giờ giấc ngủ buổi tối trong ba ngày trước: nếu bay về phương Ðông, đi ngủ sớm hơn một giờ và cũng thức sớm hơn một giờ mỗi đêm cho mỗi múi giờ chênh lệch. Bay về hướng Tây thì làm ngược lại. Mục đích là để cơ thể làm quen dần dần với địa phương mà ta sẽ tới.

Xương ngón tay bị cứng

Các xương ngón tay tôi bị cứng, co duỗi rất khó khăn. Bà Nguyên.

Đáp

Các xương ngón tay bị cứng co duỗi khó khăn có thể do nhiều lý do trong đó mấy lý do thường thấy như các khớp bị viêm sưng, ngón tay ở vị thế bất động một thời gian lâu chẳng hạn nằm ngủ ban đêm sáng ra các ngón tay tê dại phải bóp một lúc mới bớt. Theo kinh nghiệm, nếu ta cử động và massage các ngón đó một lúc là dễ chịu ngay. Nếu không hết, chúng tôi đề nghị bà nên đến bác sĩ để khám bệnh tìm nguyên nhân rồi điều trị.

Mót tiểu

Sau khi uống nước tôi phải đi tiểu vội vàng và không kiểm soát được, có khi tiểu vào quần, có khi có cảm giác đau buốt. 

Đáp

Uống nước vào mà phải đi tiểu ngay không kiểm soát được thì phần lớn bà bị chứng tiểu són. Nguyên nhân có thể là do cái van kiểm soát sự tiểu tiện ở ống dẫn nước tiểu từ bọng đái ra ngoài bị yếu, không kiểm soát được dòng nước tiểu. Ðôi khi cũng có thể do nhiễm trùng. Bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ chuyên khoa tiết niệu có thể xác định nguyên nhân rồi điều trị chứng bệnh này cho bà. 

NYÐ