Menu Close

Thiên bẩm của người đàn bà

Một nhà thơ gốc Anh, Lord Alfred Tennyson (1809- 1892) đã có một câu nói nổi tiếng để phân biệt đàn ông với đàn bà:

“Ðàn ông ở đồng, đàn bà ở bếp

Ðàn ông cầm kiếm, đàn bà cầm kim.

Ðàn ông với đầu não, đàn bà với trái tim…”

Montaigne, một triết gia người Pháp (thế kỷ XVI) trước đó lại cho rằng: “Vinh dự của người phụ nữ chính là khoa nội trợ của họ.”

Nhưng trong thời đại này, đàn bà cầm giữ những chức vụ lớn mà người ta thường nghĩ là của đàn ông, từ Tổng Giám Ðốc Công Ty cho đến các chức vụ chính trị như Bộ Trưởng, Ðại Sứ, Nghị Sĩ, Thủ Tướng và cả Tổng Thống nữa. Giữ những chức vụ này, phụ nữ không những không thua kém cánh đàn ông mà còn có khi xuất sắc hơn quý ông nữa!

thien-bam-cua-nguoi-dan-ba2

Nhưng trái lại, cái công việc tầm thường mà quý ông vẫn thường xem nhẹ mà người đàn bà vẫn gánh vác là chức “nội trợ” thì chưa chắc giới mày râu nào đã đảm đang nổi. Ngày xưa, vào đầu thế kỷ XX, thường thì trong gia đình chỉ có người đàn ông đi làm để nuôi cả gia đình, còn người đàn bà thường an phận lo chuyện bếp núc trong nhà.

Ngay hoàn cảnh của người viết bài này cũng là một công chức ra ngoài làm lụng, trong khi bà nội trợ ở nhà một tay ba đứa con, loay hoay lo hết mọi việc từ chuyện đưa con đi học, lo cho con ăn uống, chợ búa, giặt gịa, nấu ăn, lo quét dọn nhà cửa kể cả chuyện may vá áo quần cho con. Ông chồng, “đấng trượng phu,” thì ngày hai buổi đến sở, về đến nhà là than mệt, cơm bưng nước rót, nằm thẳng chân đọc báo hay xem TV. Ðến bữa ăn, cơm dọn lên, còn chê món này, chọn món kia mà trong thâm tâm, vẫn so sánh xem công việc của người đàn bà là nhàn hạ, còn mình đi làm là vất vả.

Nhưng liệu chúng ta có thể hoán đổi công việc với vợ, để cho người phụ nữ đi ra ngoài một ngày, còn mình ở nhà đảm đang tất cả công việc của người vợ vẫn làm thường ngày. Chắc chắn cái công việc “nội trợ nhàn hạ” đó, người đàn ông chúng ta không thể nào kham nổi.

Tờ Telegraph vừa đăng câu chuyện của anh chàng Keir MacKenzie bên Anh, thú nhận đã kiệt sức sau ba tháng “xử lý thường vụ” chức vụ của vợ nhà, vì lâu nay chàng vẫn coi thường bà vợ  và đã có lần nói móc vợ: “Suốt ngày em chỉ ngồi tán chuyện với bạn bè, uống trà, ăn bánh…”

Khi bà vợ nhận công tác cho tờ BBC Breakfast, Keir MacKenzie vẫn thường thấy vợ có vẻ nhàn nhã khi ở nhà trông con, nên vui vẻ nhận lời trong ba tháng sẽ thay hết vai trò của vợ. Trước hết thằng con trai Frank lên hai, bị cảm sốt nôn mửa, thì MacKenzie đã lo quýnh lên nhưng bà vợ trông rất bình tĩnh. Năm ngày sau, Frank khỏi ốm nhưng mọi thứ cũng chẳng khá hơn. Ngày thường nằm chơi với con chốc lát là niềm vui, bây giờ MacKenzie mới thấy Frank chẳng thích ngủ, chắc là vì phải ngủ với cha, có đêm đến 2 giờ sáng thằng bé vẫn chưa chịu ngủ mà ông bố thì mắt đã cay sè.

MacKenzie chưa bao giờ bắt đầu một ngày của mình vào lúc 5:30 sáng. Trước kia MacKenzie tự nghĩ nếu cho con mình đến chơi chung với bạn, mình sẽ chẳng có gì bận tâm, mệt nhọc, thậm chí có thể ngồi uống cà-phê và trông chừng con xa xa cũng được. Nhưng thực tế, Frank còn quá nhỏ, chưa biết chơi với đám đông bạn bè, có lần nó đập chiếc xe hơi bằng nhựa vào mặt bạn. Và với hai tiếng đồng hồ chạy đuổi theo con trong phòng chơi, sợ nó vấp té cũng khiến MacKenzie gần như kiệt sức.

thien-bam-cua-nguoi-dan-baTrước kia, MacKenzie làm việc bằng đầu óc, ngồi trước máy computer, nhưng cũng còn thời gian để tán gẫu với đồng nghiệp nơi công sở, thậm chí còn đọc báo hay gửi mail cho bạn bè, thì nay MacKenzie phải dành thời gian để xem xét phân của con lỏng hay đặc, hỏi han với mấy bà mẹ về giấc ngủ của đám trẻ con thế nào là đủ, và tự hỏi vì Frank quá năng động hay vì mê hoạt hình mà lâu lâu nó lại nhắm mặt bố mà đánh.

Trước kia MacKenzie là trụ cột nuôi cả nhà thì giờ này phải vào bếp lo cho con ba bữa ăn chính và ít nhất là hai bữa phụ cho con. MacKenzie  còn phải lo việc giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, xách giỏ đi chợ, thậm chí gọi thức ăn to go đem đến nhà cũng chẳng làm cho mình thong thả hơn. Có lần, MacKenzie thông báo với vợ là bữa tối sẽ có món cá sauce cà và salad thì vợ tỏ ý là không thích mấy món này, rồi ca cẩm lúc này ăn không thấy ngon miệng (vì nội trợ nấu ăn dở!)

Ðiều này làm MacKenzie nhớ lại bản thân, mỗi lần đi làm về, ngồi vào bàn ăn, vẫn thường chê món này nhắc món kia.

Ba tháng thay đổi vai trò làm nội trợ quả là một thời gian dài vô tận, ngán tận cổ và cũng đã cho MacKenzie những bài học để đời. Anh đã sụt mất 13lbs, hai mắt thiếu ngủ đã có quầng thâm và phải thừa nhận một thực tế là nuôi con và lo công việc nhà không dễ dàng như việc uống trà hay ăn bánh ngọt.

Sau khi vợ về và hai vợ chồng MacKenzie trở lại nhiệm vụ cũ, MacKenzie thừa nhận với vợ là mình đã sai. Ðó là công việc khó nhất trên đời. MacKenzie hiểu rằng việc chăm con hằng ngày hoàn toàn khác so với chuyện thỉnh thoảng chơi với con hay nằm ngủ với chúng trong chốc lát, hay nhúng tay vào vài việc khi cuối tuần như hút bụi, hay bỏ áo quần vào trong máy sấy giúp vợ!

Người ta kể một câu chuyện tiếu lâm về chuyện hai vợ chồng thay đổi công việc cho nhau như sau:

“Một anh chàng thường ngày vẫn thấy mình đi ra ngoài làm lụng vất vả, còn vợ ở nhà nuôi con lại có vẻ nhàn hạ, thong thả. Anh cho đây là một chuyện bất công và cầu xin Thượng Ðế cho anh thử thay đổi vai trò người vợ trong một ngày để xem thử sao, và chỉ trong một ngày 24 giờ đồng hồ thôi.

thien-bam-cua-nguoi-dan-ba1
MacKenzie và con trai Frank

Một ngày bắt đầu khi người chồng trở dậy trong thân xác của một người vợ, giờ đây được Thượng Ðế cho vào vai của “Nàng!” Công việc đầu tiên sau khi làm vệ sinh cá nhân là “Nàng” phải bắt tay vào việc lo bữa ăn sáng và pha cà phê trong khi “Chàng” vẫn đang còn uể oải ngủ nướng trên giường. Khi “Chàng” lái xe rời khỏi nhà đến sở là “Nàng” phải đánh thức con dậy, lo bữa ăn cho con, dắt con ra bến xe bus đầu nhà. Về đến nhà lại phải lo dọn dẹp bếp núc, hút bụi, lau nhà cửa, bỏ áo quần vào máy giặt, xách giỏ ra siêu thị mua thức ăn. Lại đến giờ đón con về, lo tắm rửa cho con, cho con ăn, đọc sách cùng con cho đến khi con ngủ giấc trưa. Lại vào bếp lo bữa ăn chiều cho chồng. Sấy áo quần, xếp hoặc treo lên mắc áo. Ðịnh ngồi vào ghế, cầm cái remote TV trong tay, thì con dậy, cho con ăn bữa phụ, thì chồng đi làm về. Trong khi chồng vào phòng tắm, thì “Nàng” vừa trông con vừa lo bữa cơm chiều. Bữa cơm chưa xong, “Chàng” nằm thượt trên sofa bật TV xem thể thao. Rồi bữa ăn qua, “Nàng” lại dọn dẹp, dỗ con đi ngủ.

10 giờ tối, con đã ngủ, nhà cửa cũng vừa trong ngoài tươm tất, nhưng phải nói là “Nàng” đã quá mệt, nhất là cái ngày đầu tiên chưa quen việc. Các bắp thịt của “Nàng” như muốn rời khỏi thân thể, đôi mắt mỏi chỉ muốn nhắm lại, nằm ngủ một giấc. Sau khi đi tắm, “Nàng’ thấy trong người có khoẻ ra đôi chút. Vừa chui vào giường thì
“Chàng” giả vờ ngủ, cựa quậy làm bộ thức giấc, ôm ngang lưng
“Nàng” vuốt ve, đòi “tòm tem!” Mệt quá đỗi, “Nàng” chống đối, rồi cũng cho có lệ, phải chiều chồng.

Buổi sáng thức giấc, việc đầu tiên là “Nàng” ngạc nhiên khi thấy Thượng Ðế sai hẹn vì “Nàng” vẫn còn trong thân xác của người vợ. Quá chán nản với một ngày “làm vợ,” “Nàng” kêu gào than khóc xin Thượng Ðế đổi lại vai làm chồng cho “Nàng.” Thượng Ðế hiện ra, rất bình thản, nhỏ nhẹ nói với “Nàng”:

– “Chậm rồi con ơi! Tối hôm qua, con đã thụ thai. Ta không có quyền phá thai. Ðành phải chờ đủ 9 tháng 10 ngày nữa thôi, sau khi sinh nở xong, ta sẽ hoàn lại vai trò “người chồng” cho con.

Thôi bye bye con! Chúc con sinh nở vuông tròn!”

HP