Menu Close

Hơi thở cồng chiêng

Một con người còn sống, dấu hiệu đầu tiên nhận biết, đó là hơi thở. Cho dù con người đó được tung hê sống mãi trong mọi sự nghiệp, được ướp xác tốn kém vô vàn và được hiện diện khắp mọi nơi, đó vẫn chỉ là xác chết. Tình trạng cồng chiêng Tây Nguyên bị đứt thở, hay nói cách khác là còn một chút thoi thóp, hấp hối và người ta đặt hàng trăm thứ ống bơm, kim tiêm cũng như thuốc hồi dương để giữ mạng của nó nhưng có giỏi lắm thì cũng là đời sống thực vật, một cái xác được trợ thở vô hồn. Cuộc phỏng vấn với một nghệ nhân cồng chiêng Tây Nguyên trẻ, tên Y Thị A Yun cho thấy điều đó. Bởi hơn bao giờ, cồng chiêng Tây Nguyên kể từ khi được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể năm 2005 đến nay, tiền đầu tư, bảo tồn nó phải tính bằng tấn, nhưng sự sống của nó được tính bằng miligram!

tay-nguyen-cong-chieng2
Đánh cồng chiêng và múa nhịp xoang

Hỷ Long (HL): Anh có thể cho biết ở Tây Nguyên còn bao nhiêu người già biết chỉnh âm cho cồng chiêng và có bao nhiêu người trẻ biết chơi cồng chiêng?

Y Thị A Yun (YTAY): Thực lòng mà nói, người già biết chỉnh âm cồng chiêng bây giờ quá hiếm, phải mượn một nghệ nhân dưới Phước Kiều, Quảng Nam lên chỉnh giùm, còn người trẻ biết chơi cồng chiêng thì có vẻ như nhiều nhưng sống với cồng chiêng thì quá hiếm. Nói theo cách khác thì cồng chiêng đang chết dần chết mòn.

HL: Anh nói vậy là ý gì? Anh có thể giải thích rộng hơn?

YTAY: Anh cứ tưởng tượng những người già, những nghệ nhân cồng chiêng nhưng lại không có khả năng thẩm âm thì làm sao để biết cái chiêng đó đúng sai thế nào, và về lâu về dài, các thế hệ sau sẽ bị hỏng lỗ tai hết, cứ đánh cho có đánh thôi. Mà cồng chiêng là hơi thở, là sự sống của người Tây Nguyên chứ không phải là cái cần câu cơm. Bây giờ nó thành một cái cần câu cơm nên hỏng hết rồi.

tay-nguyen-cong-chieng3
Nghệ nhân cồng chiêng Tây Nguyên trẻ – Y Thị A Yun

HL: Hơi thở? Sự sống? Cần câu cơm? Chưa hiểu!

YTAY: Ðơn giản mà, một người đồng bào Tây Nguyên, sinh ra trong tiếng cồng chiêng, một đứa bé ra đời, cả bản khua cồng chiêng đón mừng, lễ đầy tháng, cả bản khua cồng chiêng đón mừng lễ vượt khó của bà mẹ và cũng là khẳng định đứa bé đó được mang họ mẹ cho đến lúc chết (đồng bào thiểu số Tây Nguyên phần đông theo chế độ mẫu hệ), và khi đứa bé làm lễ trưởng thành, cồng chiêng lại khua vang núi rừng, khi đứa bé lấy vợ, cồng chiêng báo hỷ vang lên mừng cho chàng trai làng có ngôi nhà mới, mái ấm mới, và khi chàng trai có con, lại tự tay cầm cồng chiêng khua vang thể hiện sức mạnh của một người con núi rừng, giao thoa với thần linh. Ðể rồi, khi chàng trai già đi và chết, cồng chiêng lại khua vang khúc tiễn biệt. Cồng chiêng gắn với đời người, là hơi thở của người Tây Nguyên, và đương nhiên là tiếng cồng chiêng đó như máu thịt, như sự sống, con người hóa nhập với thần linh, với đại ngàn thông qua cồng chiêng và cồng chiêng hòa nhập với núi rừng, với con người thông qua dòng máu chứa đầy âm thành cồng chiêng. Nhưng chuyện ấy bây giờ hiếm và quá hiếm.

HL: Cái cần câu cơm? Anh giải thích về điều này?

YTAY: Trước đây, người ta đánh chiêng là đánh theo tiếng thúc giục của trái tim, của nhịp xoang gái nó múa, trai nó đánh và đánh theo cái rạo rực của dòng máu Tây Nguyên, rượu cần cong vút ống trảu. Còn bây giờ, người ta đánh mà chỉ mong được phong làm nghệ nhân để nhận một nắm tiền của cơ quan văn hóa, gọi là tiền bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Và trước đây khi đánh cồng chiêng, người ta chỉ mong cho cô gái nào đó nghe cái lửa của mình và trời đất, rừng thiêng nghe tiếng cồng, tiếng chiêng của mình, muốn vậy, phải thổi hết hồn vía, sự sống của mình vào nhịp đánh. Còn nghệ nhân bây giờ, khi đánh cồng chiêng, người ta quan tâm đến các quan chức đang nhìn họ, quan tâm đến thái độ của người nghe và người ta cầu cạnh đến những món tiền thưởng. Nhưng đó là nghệ nhân hạng sang đấy, chứ nghệ nhân hạng bét, chưa được công nhận và cũng không bao giờ mong muốn công nhận như em thì lại nhìn vào các bàn tiệc mà phát sốt.

HL: Ðánh cồng chiêng sao lại phải nhìn vào các bàn tiệc mà phát sốt?

YTAY: Vì đánh cồng chiêng xong, cởi khố ra mặc quần tây áo trắng vào là lo đi chạy bàn, tụi em vừa làm nghệ nhân trình diễn cồng chiêng cho khách lại vừa chạy bàn phục vụ khách ăn uống. Anh cứ tưởng tượng khách ba bốn tour liên tục giao lưu, yêu cầu mình đánh và múa liên tục cho đến khi họ thấy đói bụng, đi ăn thì mình cũng kiệt sức theo họ. Và sau khi đánh, lại thay đồ vội vàng chạy xuống phục vụ bàn. Nhiều lúc mình chạy bàn mà ứa cả nước mắt và nước miếng anh ạ! Ứa nước mắt vì tự dưng tủi thân, thấy mình chẳng giống ai, bồi bàn cũng không phải là bồi bàn chuyên nghiệp mà nghệ nhân thì cũng chẳng phải nghệ nhân vì mình cũng lõm bõm tập tọ đủ thứ hết. Mình thấy mình giống như cây tầm gửi trên quê nhà. Còn ứa nước miếng vì đói bụng, nói ra thì nghe tục chứ thực ra, khi mình đói rồi, nhìn người ta nhai thức ăn cứ muốn bốc đại một miếng bỏ vào mồm. Ðó, nghệ nhân đó, buồn không?!

tay-nguyen-cong-chieng1
Ngày nay không phải đứa trẻ Tây Nguyên nào cũng được đắm mình trong âm hưởng cồng chiêng.

HL: Ừ thôi kệ, cuộc đời mà, cố gắng thôi chứ biết nói sao!

YTAY: Anh nói đúng, thực ra mình chỉ biết sống và sống, làm và làm, đôi khi cũng buồn lắm chứ, lương ba triệu đồng, sống theo mức thành phố, mọi chi tiêu quanh quẩn trong ba triệu đó. Trong khi đó, những người trong buôn mình ở cũng không có được cơ hội làm như mình, có nhiều gia đình cả một mùa lúa kiếm được không tới hai triệu đồng cả vốn lẫn lãi và chỉ dựa vào chừng đó để mà sống thì mình còn may mắn chán anh ạ. Nhưng nghĩ tới cồng chiêng, nghĩ tới văn hóa dân tộc mình lại thấy nhức ngực. Mà thôi, một khi cả một cái gọi là văn hóa cồng chiêng bị chết lâm sàng thì mình cứ chơi theo cách của mình, tới đâu đó thì mặc, mệt quá!

HL: Anh ở buôn nào, trong buôn của anh chủ yếu sống bằng nghề gì?

YTAY: Em ở buôn Pưk Prong, đây là một buôn rất nghèo, như nhiều buôn thiểu số khác ở Tây Nguyên, người đi học tới lớp 5 (cuối cấp tiểu học) là nghỉ học đi làm thuê, ra rẫy hết rồi. Con gái thì mười bảy, mười tám tuổi có chồng. Mẹ em dân tộc M.Nông, cha em là dân tộc Ê Ðê, em theo họ mẹ, bởi miền núi đây vẫn còn theo chế độ mẫu hệ đó anh. Làng em còn nghèo lắm, ruộng thì không có, chỉ một rẫy thôi, đến mùa mưa thì tranh thủ nước trời để trồng tỉa. Thường là trồng lúa để sống. Ở Tây Nguyên một năm có hai mùa, sáu tháng nắng và sáu tháng mưa. Mùa nắng bắt đầu từ tháng Mười Một âm lịch cho đến tháng Tư âm lịch. Mùa mưa bắt đầu từ đầu tháng Tư hoặc cuối tháng Ba âm lịch. Hễ anh đi đường, thấy bướm vàng rợp trời, bướm bay triệu triệu con là coi như mùa mưa sắp tới rồi đó. Và người dân bắt đầu đi cuốc đất, nhà nào có tiền thì thuê máy cày, không có tiền thì tự cuốc đất để chuẩn bị gieo trồng. Chủ yếu là cây lúa, bắp và khoai mì thôi!

tay-nguyen-cong-chieng
Đàn tơ rưng và cồng chiêng ở Playku Roh được đánh trên nền các tổ khúc Tây phương

HL: Ở đây người ta trồng cà phê, cao su, hồ tiêu. Sao buôn của anh không trồng mấy thứ đó?

YTAY: Cái này em không biết anh ạ. Cũng có người thử trồng nhưng thất bại và không có gạo để ăn. Do vậy mà không ai dám trồng nữa, làm lúa cho nó chắc. Buôn em trồng được hai loại cây, tiêu và điều, nhưng không bao lâu, tiêu cũng chết mà điều cũng chết, tiêu điều luôn! Nhiều nhà bán bộ cồng chiêng cổ với giá rẻ bèo để mà ăn anh ạ. Giờ không còn thứ gì nữa đâu!

Câu chuyện tạm khép lại bởi có một đoàn du khách đến bản Ðôn, Y Thị A Yun lại phải chuẩn bị đi biểu diễn cồng chiêng. Chàng trai có đôi mắt sáng, hơi buồn và lưng hơi khòm, dáng người nhỏ thó, nói chuyện chân tình, thật thà này lại vào đóng khố. Cái lưng hơi khòm khi cầm chiếc chiêng trên tay gõ nhịp cho đội nữ múa xoang của anh khiến tôi thấy chạnh buồn, khó nói. 

HL