Kỳ 6
Tam Ðảo bức họa cũ, mới miền sơn cước

Con đường phong sương buổi sớm. Lác đác những chuyến xe thồ chở lợn, chở rau xuôi về Hà Nội. Chỉnh rồ tay ga chiếc Suzuki GN125 bụi ngầu trong cơn mưa lất phất. Những mảnh đất ruộng giờ bỏ trống, một mảng màu lệch của những khu tái định cư thưa thớt vắng người ở, và những khu công nghiệp không lấp đầy chỗ trống. Tôi và gã đồng hành Nghiêm Chỉnh chọn xuôi theo con lộ Nguyễn Tất Thành thênh thang mà thưa thớt hướng lên Tam Ðảo. Tam Ðảo nằm không xa Hà Nội, gã Chỉnh thì lầm bầm rằng chỉ có đám Pháp dở hơi khi đi chinh phục các thuộc địa mới mở các khu “nghỉ dưỡng” trên núi như vậy. Và cũng may “nhờ tụi nó” thì con đường cái quan thời phong kiến Việt Nam mới mở rộng “thênh thang tám thước” như vậy.
Một vùng đất từa tựa trong ký ức Sa Pa lại lấp đầy trong suy tưởng. Sự hỗn loạn của những khu nghỉ mát ở Việt Nam, khiến tôi mường tượng những sự “chạy tour” vào các dịp nghỉ lễ của con người trong nền văn minh Việt hiện đại. Tết nhất thì kéo nhau đi lễ mười chùa, lễ Hoàng Mười, Hoàng Bảy, hầu đồng coi xiên lìn, sát căn, đến ngày nghỉ thì hùa nhau chật ních ở Vũng Tàu, Sầm Sơn, etc.

“Có lẽ, không có nơi nào mà lại chia ra các vùng tiểu vi khí hậu như ở Bắc Bộ, mùa Hè thì nóng ẩm khiến xoang khớp thương tổn, mùa Ðông lúc thì hanh khô giá cắt, lúc lại mưa phùn lạnh thấu xương,” vừa như than vãn, Chỉnh rồ thêm tay ga. Ðã tới chân núi, Tam Ðảo chào tôi bằng miếng sân golf dưới chân núi và những cửa hàng tạp hóa bán những trái banh golf, hàng “đã dùng”!
Nằm giữa vườn quốc gia Tam Ðảo, thị trấn nhỏ bé này thật khác xa những gì tôi hình dung. Nếu như những khu nghỉ mát trong vườn quốc gia trên thế giới được xây dựng hài hòa với thiên nhiên thì Tam Ðảo lại dần được bê tông hóa với những hotel mini nhiều tầng xếp lớp. Như khu Yellow Stone hay Yosemite được sự quản lý và can thiệp tích cực, chủ yếu bảo tồn hệ sinh thái. Những khu vườn quốc gia danh tiếng ở Mỹ có những khu camping, caravan park để những du khách có thể thoải mái nghỉ ngơi ở những khu dã ngoại bên lề đường, hay trong những resort thưa thớt giữa thiên nhiên; hoặc hiking hàng ngàn dặm đường mòn để khám phá sự hẻo lánh của thiên nhiên hoang dã. Thì ở đây, số phận Tam Ðảo lại phải đang chịu đựng hình ảnh trái ngược; và ngay đến khu vườn quốc gia Cúc Phương (Ba Vì) tôi đi qua, khu sinh thái nguyên sinh nổi tiếng của xứ Việt, cũng chỉ trở thành một địa điểm của các cặp nam nữ đến để chụp trọn bộ ảnh cưới.

Hiện trạng của một Tam Ðảo thời nay mà có lẽ những người Pháp đặt viên gạch đầu tiên ở Tam Ðảo đầu thế kỷ 20 sẽ chẳng thể nào mường tượng ra được. Một khu chợ bán thức ăn uống chật chội dưới những lớp mái amiăng nóng ẩm nắng mưa và những tấm lưới B40 ngăn cách. Ði cùng với nó thì thú rừng cũng bị tận diệt để làm những món đặc sản quý hiếm, vì tất cả những cái gì nghe hoang dã nhất, thiên nhiên nhất đều được nâng lên thành món cao cấp. “Cá suối, gà đồi, lợn mán, dê núi, xôi chim, hươu sao, cheo cheo, etc.” Cái thực đơn thịt rừng còn có cả các phiên bản cực quái như sóc quay, sóc nướng ngũ vị hương, sóc nướng tẩm mật ong, sóc tẩm bột rán, sóc chiên giòn… Ðến cả loài sóc nhỏ, mặc nhiên tung tăng trong bất kỳ khuôn viên hay trên những tán cây trước sân nhà lại có thể liệt vào cái danh sách “ẩm thực” vô cảm này. Bao năm sống ở xứ Mỹ văn minh, quả thực, tôi bị sốc. Cực sốc!

Tinh mơ trên Tam Ðảo, mây và sương mù còn lờn vờn đỉnh núi. Người Pháp mới thực sự trân quý điểm nghỉ mát trên núi ở vùng nhiệt đới này. Máy điều hòa ở đây chỉ làm nhiệm vụ sưởi ấm cho cái căn phòng của những khu nhà nghỉ hạng trung. Tôi thả bộ vài chục bậc thang đá, dạo trong mấy khu chợ. Thức ăn cũng vẫn là những món đồ nướng thường thấy trên Sa Pa, cơm lam, kèm với đó là những món giông giống ở dưới xuôi như bún chả, bánh cuốn. Dẫu vậy, đồ ăn lót dạ ở trong chợ cũng đỡ nổi da gà hơn so với cái tô “phở trâu nhái phở bò”, nước lèo đen đục ở một cái quán phở ven đường gần nông trường Tam Ðảo. Cái tô “phở trâu” đầy ám ảnh đến mức, từ ấy, tôi đã chẳng mảy may thèm đến phở!
“Trại sáng tác” ở Tam Ðảo, cái địa chỉ “mà ai đến cũng phải biết”, đấy là nơi mà các Hội văn nghệ sĩ Việt Nam dùng tiền ngân sách để đưa các lớp văn nghệ sĩ lên đây “nghỉ dưỡng” khoảng hai tuần. Thú thật, tôi chẳng mấy hứng thú, nhưng như lời của gã Chỉnh thì “Mỹ Hạnh cũng nên ở thử để có kinh nghiệm thực tế!” Một lối đi bộ từ dưới thung lũng đi lên, một lối vào từ bên cạnh Hồ xanh và một lối cho “xe con” vào. Và đây là khu nhà nghỉ với những căn phòng “được chia theo tiêu chuẩn”. Lớp văn nghệ sĩ có danh tiếng thì được sắp xếp cho phòng ngủ với phòng khách riêng, phần còn lại được chia theo phòng hai giường ngủ, hay ở trên tầng cao là phòng ba giường ngủ. Phía trong sân là vườn rau. Một phòng hội nghị, vài bàn ping pong, bếp ăn…. “Dù sao thì những khu nghỉ dưỡng Tam Ðảo của nhà nước thế này, cũng xác nhận một phần như là Tem phiếu loại A thời bao cấp cho phù hợp với cái không khí ‘đi xe Volga, ăn gà Tôn Ðản’ là như thế đấy!”

Cái tỉnh lỵ nhỏ bé này diện tích khá nhỏ, nên Thung lũng Tam Ðảo thực sự cũng chỉ là một điểm dừng chân cuối tuần. Dọc phía dưới Nhà thờ Ðá Tam Ðảo, cũng có một loạt villa được xây cho những ai muốn có một căn “nghỉ dưỡng” ở đây, nhưng dường như chiều hướng thịnh vượng của Tam Ðảo thì đã đụng trần nếu quản lý theo cung cách này, như cách nhận xét của gã Chỉnh. Và những căn villa ở đây được những chủ nhân của nó cho thuê lại làm những quán cafe, bán đồ lưu niệm, rượu thuốc và nhà hàng. Khách du lịch Tam Ðảo không còn là những trai thanh, gái lịch trong khói lam chiều cuối tuần của chợ phiên Tam Ðảo mà là cái cảnh xô bồ của lớp trẻ. Ly cà phê ở dốc Quán Gió với tiếng nhạc ầm ĩ của một nhóm đua mô tô trẻ trong một ngày nắng sương lẫn lộn. Ngôi chợ Tam Ðảo, dù xao động nhộn nhịp hàng quán mà sao tôi vẫn thấy hoang tàn. Chẳng có một mống Tây ba lô nào trên cái vùng sơn cước sặc mùi du lịch tâm linh hóa này. Cả trăm cái bậc thang đá để leo lên tới đền Bà chúa Thượng Ngàn, đến bậc cuối cùng mới “phát hiện” rằng trên đỉnh chỉ là một ngôi Chùa Vàng láng coóng vừa xây năm 2011. Phía dưới, một thung lũng con con với quảng trường đang đào xới. Một Thác Bạc rêu úa rỉ rách trên khe đá nứt, nhếch nhác, xô bồ cho từng tốp người chen chúc selfie trên bậc đá cạn. Giày tây nội hóa, giày cao gót, đầm xòe, ô dù sặc sỡ… chen lấn lên xuống trên cái dốc quanh hơn trăm cái bậc rêu đá chật hẹp, trơn trượt.

Người đàn ông già, đơn độc ở cái góc quán chênh vênh trên con đường xuống Thác Bạc- lão Tẩm, vốn là người đất này. Xưa ông ở dưới chân núi gần chùa Tây Thiên. Có lẽ, duy lão Tẩm là ở cái đất này lâu nhất. Lão tai điếc đặc và cũng chẳng coi trọng việc bán hàng ở con dốc cheo leo xuống Thác Bạc này. Lão chỉ muốn kiếm người tâm sự một cách minh nhiên để vui sống một mình trên con dốc quanh. Lão chẳng màng những lớp người du lịch đi lên xuống ào ào mà có vẻ tiếc nuối cái thời xưa lâu lắm ấy, khi mà cái đất Tam Ðảo này chỉ có duy nhất một cảnh sát, một kiểm lâm mà thanh bình hơn rất nhiều. Người Pháp, lúc xây dựng lên thị trấn Tam Ðảo hẳn đã chẳng hề muốn cái thung lũng nhỏ bé này trở nên quá xô bồ. Giọng khàn như cây củi mục, những mẩu chuyện rời rạc, đứt quãng tựa cuốn băng từ Akai rè rỉ, lão kể với tôi rằng, người Việt lúc xưa lên đây, ngoại trừ những dân gốc vùng này như lão, phải giày tây, quần trắng, không thì cũng phải khăn đóng, áo the. Lúc mới xây dựng thị trấn này, những phu tù dưới thời Pháp thuộc được đưa lên để xây dựng, nhiều người lúc đó chỉ mặc cái áo tơi, lúc chết thì chỉ quăng xác xuống vực. Và đó chỉ là lúc mới xây dựng thôi, chứ sau này thì cũng chỉ là lớp quan chức trong tầng lớp cai trị mới được tới đây thưởng ngoạn. Tôi đang gắng hình dung một Tam Ðảo tách biệt như một níu kéo hoài tưởng cố quốc của họ. Lác đác những bức tường rêu phong đổ nát, dấu tích của 163 villa cũ còn sót lại. Ngôi nhà thờ đá hoài cổ, và một tôi ngồi nhâm nhi tách café nóng trong màn sương mù là sà chân núi.

Tối đến, tôi và gã Chỉnh lê la ở một quán bên lề quảng trường Tam Ðảo. Chủ quán nơi này người Sơn Tây vốn là con cháu của một cai lục lộ thời Pháp thuộc, sau một thời gian về quê đã trở lại Tam Ðảo. Người em, vẻ mặt sừng sừng trong men rượu, bận bịu quạt cái lò nướng than bằng cánh tay trái còn lại. Cánh tay phải của ông đã bị cụt khi đánh bẫy thú rừng. Dù rằng cũng như nhiều quán xá ở Tam Ðảo đều ghi là gà đồi, cá suối nhưng lão Tẩm thì cả quyết với tôi rằng, chẳng có gà đồi nào ở Tam Ðảo cả, toàn gà dưới xuôi lên! Thực đơn của những món thú rừng không làm tôi thấy hấp dẫn mà có phần lợm vị. Có lẽ, hình ảnh của những con thú hoang bị săn bẫy tận tiệt ở cái xứ sở này đã dần khiến tôi khó thể ham.
Sương dần đẫm lạnh, ly rượu táo mèo tôi nhấm nhẳng mãi mà chưa say, đám trẻ bàn bên thì vẫn dzô dzô cụng ly đều đặn. Ngày nơi đây luôn quàng thêm lớp áo sương mờ ảo. Ngày của những quanh co triền dốc, hàng trăm thang bậc lên/ xuống đủ để rệu rã đôi gối. Gã Chỉnh, chưa thấm men mà giọng đã khàn rè, “Mà có lẽ, Tam Ðảo này phần nào cũng tựa như cách phố trung tâm Hà Nội và Sài Gòn bị xả hổ lốn những đống rác sau đêm đón giao thừa. Cái sự phượt ở đây cũng giống như lão Tẩm nói vậy: là cứ đi lên, đi xuống ào ào nhưng đếch có hiểu gì về cái đất Tam Ðảo này cả!”
Chẳng hiểu, tôi đã làm quái gì ở cái đất Tam Ðảo này?

Ðmh
Facebook: https://www.facebook.com/hanhphoto