Cụ Chè là bà ngoại của mẹ tôi. Tên cụ không phải là Chè nhưng ấy là cái tên lớp con cháu sau này chúng tôi thường gọi cụ, bởi nó gắn với nghề nghiệp cụ đã từng mưu sinh. Vả lại, theo truyền thống, con cháu không được phép gọi tên húy của bề trên.
Cụ Chè mất năm tôi lên chín tuổi. Tôi không có nhiều kỷ niệm về cụ bởi cụ sống cùng với ông Son- cậu ruột của mẹ. Những gì tôi biết về cụ chỉ qua lời kể.
Cụ Chè góa chồng năm 27 tuổi. Một nách hai con lại góa chồng khi tuổi còn đang xuân nhưng cụ ở vậy tần tảo nuôi hai con khôn lớn. Không những thế, sau này, cụ còn nuôi cả đàn cháu hơn chục đứa vào thời chiến tranh.
Thời trẻ, cụ Chè buôn bán đảm đang có tiếng. Sau khi chồng mất, cụ vẫn là một địa chủ giàu có trong làng với “ruộng mật, bờ xôi”. Kho thóc nhà cụ đầy kín đủ dùng hàng năm trời. Tiếng là địa chủ nhưng cụ Chè không thu tô. Ruộng đất của cụ phần lớn để cho con cháu, người quen trông nom cấy hái.
Nạn đói năm 45 kéo về đến tận miền quê nơi cụ ở. Xác người chết vì đói rải khắp làng. Khi ấy, cụ Chè hàng ngày nấu cháo loãng phát cho người đói ăn. Nhưng nhiều người đói quá, kho thóc lớn nhà cụ dần dần cũng vét đến hạt cuối cùng. Cách mạng về, những tưởng từ nay hết đói, cụ lại cùng hai đứa con chăm chỉ làm ăn như xưa. Nhưng đảng ra chính sách “Ðấu tố địa chủ”. Máu lại chảy không phải bởi vì thiếu ăn, nghèo đói mà máu chảy vì no, vì giàu. Hàng loạt những địa chủ bị đem ra đấu tố, sau đó bị chặt đầu ngay trong sân làng. Cụ Chè cũng bị đấu tố. Người đấu tố không ai khác lại chính là chị em, họ hàng của cụ- những người đã từng được cụ cưu mang đùm bọc. Nhưng nhờ có công phát cháo cứu đói mà cụ được tha chết. Chỉ có điều toàn bộ tài sản, đất đai bị tịch thu hết.
Sau này, mỗi khi nhắc lại thời gian đó, cụ thường nói rằng cụ thoát chết là nhờ một ông thầy địa lý. Số là vào thời cha mẹ cụ, gia đình có cưu mang một người đàn ông cầu bơ cầu bất. Sau vài năm sống cùng gia đình, ngày nọ người đàn ông ấy mới đến thưa với cha mẹ cụ rằng: “Tôi vốn là người bên nước Tàu, trước cũng làm quan nhưng bị hàm oan nên mới phải lưu lạc đến xứ này. Nay tôi nhận được tin ở quê nhà rằng nỗi oan của tôi đã được giải. Tôi xin phép ông bà cho tôi trở về quê cũ. Hiện tôi chẳng có tiền của gì để đền ơn ông bà, nhưng tôi có chút kiến thức về phong thủy. Nhân việc gia đình chuẩn bị di dời cốt ông cố, hãy để tôi xem phong thủy cho mộ phần”.
Sau một hồi ngỡ ngàng về câu chuyện của người đàn ông được gia đình cưu mang, cha mẹ cụ cũng đồng ý để ông xem phong thủy cho mộ ông cố. Người đàn ông hỏi cha mẹ cụ: “Phong thủy mộ ông cố sẽ giúp gia đình phát vận về sau. Chẳng hay ông bà muốn phát về đường quan lộ hay về đường gia sản?”.
Cha cụ mới đáp rằng “Xưa có câu “Làm quan lo giữ đầu. Làm giầu lo giữ của”. Chúng tôi chẳng ham hố vinh hoa phú quý tột cùng chỉ mong cho con cháu đời đời được bình an, no đủ.”
Ấy, nhờ phong thủy mà cụ thoát cái nạn bêu đầu, cụ Chè vẫn đinh ninh là thế.
Một nách hai con, gia sản bị tịch thu, mang nỗi hận trong lòng vì bị chính máu mủ phản bội, nhưng cụ vẫn gắng sống, tảo tần buôn bán qua ngày. Nhờ chăm chỉ tích cóp, hay nhờ phong thủy mộ ông cố phù trợ, cụ mua lại được một mảnh đất nhỏ trên phần đất tổ tiên khi xưa. Vừa gieo trồng cấy hái, vừa làm bún, nấu xôi chè bán ngoài chợ huyện. Lần hồi rồi ngày tháng cũng qua. Cụ lại dựng vợ gả chồng cho con trai, con gái. Các con cụ theo vợ, theo chồng rời làng ra ngoài phố buôn bán kiếm kế sinh nhai.
Sau năm 1954, gia đình con trai, con gái cụ phải gửi con cái về quê sơ tán. Lúc này, cụ Chè lại chăm một đàn cháu hơn chục đứa mà đứa bé nhất cỡ 3 tuổi, đứa lớn nhất cỡ 14, 15. Gian nhà cụ Chè lại đầy tiếng trẻ con chí chóe đêm ngày. Trong số hơn chục đứa cháu, mẹ tôi được cụ thương nhất. Vì mẹ vừa phần ngoan ngoãn, thông minh lại chăm chỉ phụ giúp cụ. Mẹ thường theo cụ gánh hàng ra chợ huyện từ sáng sớm tinh mơ, giúp cụ sắp đặt gánh hàng. Buổi trưa khi tan học, mẹ lại ra chợ giúp cụ dọn dẹp gánh hàng về. Mỗi Chủ Nhật, ông ngoại về đón các con ra phố chơi, đến chiều lại cho về quê. Cả một tuần mới được gặp bố mẹ, lần nào quay trở về quê mẹ tôi cũng khóc ri rỉ cả đêm.
Chiến tranh kết thúc, dù muốn ở lại quê cha đất tổ, chăm nom mồ mả tổ tiên nhưng cụ Chè buộc phải theo con trai ra phố sinh sống. Bán hết ruộng vườn, cụ gom tiền cùng con mua một căn nhà trên phố. Căn nhà khá rộng lại ngay gần phố lớn. Thế nên, dù đã có tuổi cụ vẫn mở quán bán chè, xôi mặc cho con cái ngăn cản. Cụ bảo bao nhiêu năm làm việc quần quật quen rồi, bây giờ ở không là không chịu được. Rồi căn nhà rộng rãi của cụ cũng bị người ta trưng thu để mở một cửa hàng rau quả. Ðổi lại căn nhà lớn mặt phố, người ta cấp cho cụ Chè căn nhà khác nhỏ hơn trong ngõ. Không còn cửa hàng để bán xôi chè thì cụ sắm quang gánh ra chợ bán. Con trai không muốn cụ vất vả, nhiều lần chặt bỏ quang gánh, giấu nồi giấu chõ cho cụ khỏi đi chợ. Những lần như thế, cụ lại chửi um nhà lên. Cụ than rằng ở nhà bị giam như tù, cụ ấm ức vì không được đi chợ bán…Lâu dần cụ cũng xuôi, nghe theo con trai mà quanh quẩn trong nhà.
Sau này, khi đã bước ra đời, đi kiếm miếng cơm của thiên hạ, mỗi khi nghĩ đến cụ Chè, tôi lại thấy khâm phục cụ biết bao nhiêu. Góa chồng lúc tuổi xuân xanh, một mình nuôi hai con khôn lớn, chăm cả một đàn cháu, bị người thân phản bội, bị tước đoạt gia sản. Ấy vậy mà tôi chẳng nghe được bất cứ ai dù ông bà hay mẹ nói rằng cụ đã từng tuyệt vọng, từng cáu bẳn, từng gục ngã. Ðôi khi tôi vẫn tự hỏi, không biết sức mạnh nào đã khiến đôi chân nhỏ bé của cụ Chè tiếp tục bước đi cho đến giây phút cuối cùng.

MM