Menu Close

Chính trị hoá FBI

Trong số những giới chức cao cấp trong chính phủ của Tổng thống Donald Trump, người hiện đương đảm nhận công việc khó khăn nhất có lẽ là ông Sean Spicer, phát ngôn viên của Toà Bạch Ốc. Kể từ khi nắm giữ vai trò này, Sean Spicer luôn là người đứng đầu gió để giải thích những việc làm và quyết định từ Toà Bạch Ốc, trong đó không ít điều gây tranh cãi. Tuy nhiên, tuần lễ vừa qua có thể nói là khoảng thời gian mang lại nhiều thử thách nhất cho Sean Spicer vì mỗi ngày ông này đều phải giải thích với báo chí về lý do Tổng thống Trump quyết định sa thải James Comey, giám đốc Cục Điều tra Liên bang FBI, mà mỗi ngày lại là một lời giải thích khác nhau làm cho thiên hạ không biết đâu là lý do chính.

chinh-tri-hoa-fbi2
Cựu Giám đốc FBI James Comey Nguồn Getty

Hôm Thứ Ba (9/5) vừa qua, Toà Bạch Ốc bất ngờ thông báo việc Tổng thống Trump sa thải ông James Comey và lập tức vụ việc này đã gây thành một cơn bão chính trị tại thủ đô Washington. Lý do là vì cơ quan FBI hiện đang trong một cuộc điều tra quan trọng để tìm xem có sự liên hệ nào giữa ban vận động tranh cử của Trump với chính phủ Nga hay không, và nếu có thì ảnh hưởng của Nga lên cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vừa qua nghiêm trọng ra sao.

Lời giải thích ban đầu từ phía Toà Bạch Ốc là vì Tổng thống Trump mất tin tưởng ở vị cựu giám đốc này vì đã tỏ ra quá vụng về trong việc điều tra những điện thư mật của Bộ Ngoại giao mà ứng cử viên Hillary Clinton giữ trong máy điện toán tại tư gia. Các phụ tá còn nói rằng quyết định của Trump là dựa trên lời đề nghị của Rod Rosenstein, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Nhưng chỉ trong ít ngày, lời giải thích lại thay đổi: Trong một cuộc phỏng vấn với đài NBC, Trump nói rằng ông đã quyết định sa thải Comey cho dù Bộ Tư pháp có đề nghị hay không, và vụ điều tra về nghi án Nga của FBI là lý do chính. Trong khi đó, theo tờ The New York Times, chỉ ít ngày sau khi lên nắm quyền, trong một bữa cơm tối tại Toà Bạch Ốc giữa Trump và Comey, Trump đã yêu cầu Comey hứa trung thành (loyalty) với ông và Comey đáp lại là ông sẽ hết sức trung thực (honesty). Có thể câu trả lời của Comey đã góp thêm lý do để Trump đưa đến quyết định trên, nhất là khi cuộc điều tra của FBI về Nga vẫn còn kéo dài và chưa thấy có dấu hiệu nào là sẽ chấm dứt nay mai.

Trong ngần ấy ngày với ngần ấy lời giải thích khác nhau được đưa ra làm cho thiên hạ không biết được đâu là thực đâu là hư, và vì thế cơn bão Trump-Comey không hề giảm nhiệt tạo thành một cuộc khủng hoảng chính trị có thể nói là lớn nhất kể từ khi Tổng thống Trump dọn vào Toà Bạch Ốc.

Mặc dù chức vụ giám đốc FBI là do Tổng thống bổ nhiệm, và vì vậy Tổng thống cũng có quyền cách chức với những lý do chính đáng, nhưng chức vụ này cũng như cơ quan FBI vẫn luôn hoạt động độc lập với hành pháp và có thể xem như là thành lũy cuối cùng ở Washington đứng ngoài những sinh hoạt chính trị của thủ đô. Trong khi những chức vụ nhạy cảm khác như giám đốc cơ quan tình báo CIA hay giám đốc cơ quan tình báo quốc gia được cho là những chức vụ ít nhiều có mang tính chính trị và tuỳ nghi thay đổi theo từng mỗi nội các chính phủ, nhiệm kỳ của giám đốc FBI là do quốc hội liên bang lập ra với mục đích là để tránh cho vị giám đốc bị dính vào bất kỳ ảnh hưởng chính trị nào: Với nhiệm kỳ 10 năm và không được bổ nhiệm lại là để bảo đảm rằng một giám đốc của cơ quan FBI có đủ quyền hạn trong việc đi tìm công lý mà không phải lo sợ hoặc lấy lòng bất cứ ai, và có thể làm việc qua nhiều nội các chính phủ mà không cần phải tìm cách làm vui lòng nội các đó để được tái bổ nhiệm.

chinh-tri-hoa-fbi
TT Trump tiếp dãi các lãnh tụ thượng và hạ viện tại tòa Bạch Ốc hôm 23-1-2017. Từ trái: cố vấn Jared Kushner, phụ tá trưởng khối thiểu số hạ viện Steny Hoyer, TT Trump, trưởng khối thiểu số hạ viện Nancy Pelosi, chủ tịch hạ viện Paul Ryan, trưởng khối thiểu số thượng viện Charles Schumer, trưởng khối đa số hạ viện Kevin McCarthy, Phó TT Mike Pence, phụ tá trưởng khối đa số thượng viện John Cornyn, trưởng khối đa số thượng viện Mitch McConnell – nguồn: mysanantonio.com

Với một ngân sách $9 tỉ mỗi năm và 35,000 nhân viên – trong đó phần cốt lõi là khoảng 13,000 đặc vụ – cơ quan FBI tham gia điều tra rất nhiều những vụ án nhạy cảm nhất trên toàn quốc, kể cả những vụ án gián điệp lẫn những vụ bê bối chính trị, cũng như những vụ vi phạm hình sự trải rộng từ những vụ liên quan đến đất đai dành riêng cho các bộ tộc da đỏ đến những vụ chống khủng bố. Cơ quan FBI hoạt động tại tất cả 50 tiểu bang và hơn 60 quốc gia trên thế giới. Ðối với chính phủ Hoa Kỳ, quyền lực của cơ quan FBI trên đời sống và quyền tự do của người dân Mỹ là vô song, và ở những thời điểm hệ trọng trong suốt chiều dài lịch sử của cơ quan này – từ vụ cựu giám đốc J. Edgar Hoover âm mưu hăm dọa cá nhân mục sư Martin Luther King Jr. đến vụ điều tra một số nhà hoạt động chính trị trong những thập niên 1960, 70 và 80 – mà người dân Mỹ đã chứng kiến những tổn thất do sự lạm dụng quyền hạn của FBI lên quyền tự do dân sự của họ. Cái quyền hạn đặc biệt đó mà giám đốc Comey và các vị giám đốc tiền nhiệm vẫn thường luôn tìm cách nhắc nhở những thuộc cấp của họ: như một phần của chương trình huấn luyện, các đặc vụ FBI được đưa đi thăm hai nơi là đài tưởng niệm mục sư King ở thủ đô Washington cũng như viện bảo tàng các nạn nhân Do Thái thời Ðức quốc xã (Holocaust Museum) để học hỏi và chứng kiến những thiệt hại có thể xảy ra từ sự lạm dụng quyền tự do dân sự và những bê bối của hệ thống tư pháp.

Nhiệm kỳ 10 năm không được tái bổ nhiệm của chức vụ giám đốc FBI được quốc hội lập pháp làm thành luật sau cái chết của cựu giám đốc Hoover vào năm 1972, trong một ý nghĩa nào đó, là để xác nhận rằng nhân vật đã từng tạo dựng nên cơ quan an ninh này và nắm quyền điều hành nó gần 50 năm đã từng bước một trở thành nhân vật có quá nhiều quyền hành mà không ai có thể đụng đến được. Giám đốc cơ quan FBI đứng ở một vị trí rất đặc biệt trong chính phủ là người nắm giữ tất cả mọi thông tin cá nhân, trong đó có các chính trị gia, và có thể làm lợi riêng cho cá nhân mình – như Hoover đã từng khai thác. Sau thời Hoover, quốc hội đã đồng ý là tất cả các vị giám đốc tương lai phải cần được ngăn ngừa để không tìm cách thâu tóm quyền lực như trên, và đương nhiên là để hoàn thành công việc được giao phó, một giám đốc cũng cần được tự do không bị dính vào những sinh hoạt chính trị hàng ngày và những kế hoạch ngắn hạn, và vì vậy nhiệm kỳ một thập niên là điều hợp lý.

chinh-tri-hoa-fbi1
Thượng Nghị Sĩ John Cornyn – nguồn votesmart.org

Một điều đáng nói nữa là tất cả các giám đốc FBI đều không thuộc thành phần chính trị gia chuyên nghiệp và không từng nắm những chức vụ dân cử. Riêng cá nhân James Comey là một người làm việc lâu năm trong ngành tư pháp, từng là công tố viên liên bang, cựu biện lý liên bang và từng nắm giữ vị trí số 2 trong Bộ Tư pháp.

Kể từ khi cơ quan FBI được thành lập vào năm 1908 đến nay vẫn luôn có một đường phân định rõ rệt giữa FBI và Bộ Tư pháp (được gán cho là đã bị “chính trị hoá”) – mặc dù các giới chức lãnh đạo của hai cơ quan này đều do Tổng thống bổ nhiệm và FBI được đặt dưới quyền của Bộ Tư pháp. Như chính ông James Comey khi còn là giám đốc vẫn thường nói: “Cơ quan FBI nằm trong hành pháp nhưng lại không thuộc hành pháp” – là để nói lên tính độc lập của nó.

Trong mấy ngày qua, một số nhân vật được dư luận nhắc đến có nhiều khả năng được bổ nhiệm để thay thế Comey, trong đó nổi bật nhất có Andrew McCabe, quyền giám đốc FBI, và John Cornyn, Thượng nghị sĩ tiểu bang Texas và là nhân vật số hai của thượng viện Cộng hoà.

Hiện đang có một vài tiếng nói quan ngại rằng nếu như Cornyn được chọn, cơ quan FBI trong tương lai có thể phần nào đánh mất đi tính cách độc lập của nó. Mặc dù Cornyn đã từng nắm giữ ngành tư pháp của tiểu bang, nhưng ông lại không có bất cứ kinh nghiệm nào trong ngành tư pháp liên bang. Hơn nữa, một vị dân cử như Cornyn thường có những liên hệ tài chánh trong quá khứ hoặc những đóng góp tài chánh từ những cá nhân hay tổ chức trong quá trình vận động tranh cử của ông trước đây – điều này có thể đưa đến hậu quả về xung đột lợi ích và ảnh hưởng tới những quyết định trong vị trí lãnh đạo của cơ quan an ninh này.

Trong trường hợp nếu như Tổng thống Trump bổ nhiệm John Cornyn thì chính Donald Trump là Tổng thống đầu tiên phá bỏ một truyền thống lâu đời là giữ cho cơ quan FBI được tính độc lập, đứng trên tất cả mọi mưu đồ chính trị và chỉ thi hành một trách nhiệm quan trọng và duy nhất là giữ cho nền an ninh của Hoa Kỳ được ổn định.

VH