Menu Close

Kho tàng kiến trúc của Marion Mahony

Hôm nọ, tìm kiếm một kiến trúc sư cho một dự án nhỏ, Dế Mèn đi tìm đỏ mắt, phần lớn các kiến trúc sư đều làm việc cho một tổ hợp, chẳng mấy ai đứng riêng lẻ, tự làm chủ nhân ông và chẳng mấy người là phụ nữ. Năm nay, 2017, số kiến trúc sư nữ vẫn là một thiểu số, và cả một thế kỷ trước, nữ kiến trúc sư là một chuyện hiếm có. Đã có lần đến Taliesin và được nhìn ngắm tận mắt công trình kiến trúc của cụ Frank Lloyd Wright nên Dế Mèn thích thú lắm, say sưa lắm. Năm ấy, từ sự ngưỡng mộ, phe ta nhủ lòng khi… về hưu sẽ đi …học kiến trúc! Năm nay lúc tìm kiếm một kiến trúc sư Dế Mèn tìm đọc sách vở hầu biết thêm một chút về ngành nghệ thuật ấy.

“The Magic of America” là một hồi ký của bà Mahony, tập hồi ký vĩ đại này bao gồm 1,400 trang giấy đánh máy và khoảng 700 bức họa đồ. Khi còn sống, không tìm được nhà xuất bản nào chịu in và phát hành vì tập sách quá lớn và quá quý giá để có thể phát hành dễ dàng và bán cho công chúng không sành điệu, bà Mahony đem tác phẩm của mình lưu trữ tại the Art Institute of Chicago và the New York Historical Society. Tháng Tám năm 2008, hai tổ chức này đã chụp lại tập hồi ký và đưa lên mạng ảo cho công chúng tường lãm (artic.edu/magicofamerica).

marion-mahony
Họa đồ một ngôi nhà do Mahony vẽ. nguồn: Frank LLoyd Wright Foundation

Bà Marion Mahony, phụ nữ đầu tiên được cấp bằng hành nghề kiến trúc sư tại tiểu bang Illinois đã là một hiện tượng hiếm [nhưng không được] quý thủa ấy. Ðến năm 1908, bà ấy đã làm việc cho tổ hợp kiến trúc Frank Lloyd Wright trên 10 năm.

Những họa đồ của bà cho ta thấy một hình ảnh mềm mại, thoát thai phần nào từ những bản gỗ (woodblock print) của Nhật Bản; những bóng cây xanh mướt lá được đặt trong nhà, ngoài sân và cả các bậc thềm cao. Họa đồ của Mahony mang cảm tính lãng mạn theo ý kiến của các nhà phân tích kiến trúc.

Những họa đồ của Kiến Trúc Sư Mahony hầu như là gốc rễ của trường phái “the Wasmuth Portfolio” như ta biết đến ngày nay. Tập họa đồ này do ông Frank Lloyd Wright phát hành tại Ðức năm 1910. Cũng chính “the Wasmuth Portfolio” đã đưa ông Wright lên hàng đầu của kiến trúc Hoa Kỳ và ảnh hưởng sâu đậm đến cách sáng tác của các kiến trúc sư Âu châu như Mies van der Rohe và Le Corbusier.

Theo bà Deborah Wood, một sử gia về kiến trúc tại Ðại Học Northwestern, Chicago, những họa đồ khiến ta nghĩ đến ông Frank Lloyd Wright là những sáng tạo do chính bà Mahony thực hiện! Khi còn sống, không mấy ai biết đến tên tuổi Marion Mahony Griffin thì ngày nay điều đó sẽ thay đổi; các sử gia và các kiến trúc sư hậu sinh hy vọng rằng họ có thể tạo dựng tên tuổi của bà Mahony qua những tác phẩm còn lưu truyền, một hình thức vinh danh nghệ sĩ tài hoa kia dù muộn màng.

Ngoài sử gia Deborah Wood, Tiến Sĩ Elizabeth Birmingham, giáo sư Anh Văn tại North Dakota State University, cũng là người say mê tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của bà Mahony rồi viết cả một cuốn sách. Theo bà Birmingham, những tác giả khác, khi viết về Kiến Trúc Sư Mahony đã chỉ chú ý đến những chuyện tình (không may) và nhan sắc không mấy xinh đẹp của người quá vãng. Ngoài ra, người ta viết về… ông chồng của bà này và thời gian họ sinh sống tại Úc. Theo Tiến Sĩ David Van Zanten, Giáo Sư Lịch Sử của Nghệ Thuật (Art History) tại Ðại Học Northwestern, Chicago, chính người Úc đã nhận ra tài năng và nhắc đến bà Mahony với sự kính trọng như người Hoa Kỳ nhắc đến ông Frank Lloyd Wright. Thật như thế, chính Giáo Sư Christopher của Ðại Học Western Australia, đã gọi bà Mahony là “tài năng thứ ba của Chicago trong thế kỷ ấy”.

Marion Lucy Mahony sinh năm 1871, tốt nghiệp kiến trúc tại Massachusetts Institute of Technology, Hoa Kỳ. Những năm đầu bà làm việc cho một người anh em họ, Dwight Perkins, cùng những kiến trúc sư khác kể cả Frank Lloyd Wright. Năm 1895, bà trở thành nhân viên đầu tiên của ông Wright tại một tổ hợp kiến trúc mới. Năm 1911, bà kết hôn cùng ông Walter Burley Griffin, một kiến trúc sư theo trường phái Prairie cùng làm việc tại tổ hợp kiến trúc của ông Wright, và sau đó dùng hết tài năng sức lực của mình vào việc giúp chồng thành danh. Năm 1914, gia đình bà Mahony qua Úc lập nghiệp, nơi ấy, bà và ông chồng đã kiến tạo một số dinh thự, nhà cửa tại Canberra

marion-mahony2
Chân dung bà Mahony. nguồn Walter Burley Griffin Society of America

Dưới mắt ông Wright, những họa đồ do bà Mahony và chồng sáng tác đều là những bức họa “vẽ lại” theo cái nhìn của người khác. Nhưng cũng chính ông Wright đã lưu trữ những bức họa đồ của bà Mahony và về sau đem ra sử dụng với một vài thay đổi nhỏ! Dù như thế nhưng người ta cũng công nhiên nhìn nhận những họa đồ làm nên tên tuổi của ông Frank Lloyd Wright là do bà Mahony đứng đằng sau sáng tạo!

Sự nghiệp của bà Mahony được mô tả bởi các sử gia như “bị đóng khung” vì bà ta là phụ nữ; thủa ấy, phụ nữ chưa được chấp nhận như một kiến trúc sư, lại bị người đỡ đầu (ông Wright) chèn ép. Và chính bà Mahony đã “bỏ qua” nghề nghiệp của mình để giúp đỡ ông chồng. Sự giúp đỡ quá lớn khiến các sử gia ngày nay đặt câu hỏi nếu không có bà Mahony, liệu ông chồng, Walter Burley Griffin, có để lại tác phẩm đáng giá nào không?

Năm 1937, bà trở lại Chicago sau khi ông chồng qua đời. Những năm còn lại, hầu như bà Mahony bỏ hẳn nghề kiến trúc, bà xoay qua vẽ tranh, và những bức tranh còn được lưu trữ đã cho thấy bà Mahony là một họa sĩ tài danh không kém.

Bà Mahony mất năm 1961.

marion-mahony1
Một họa phẩm của Mahony. nguồn the New York Historical Society

Tại Hoa Kỳ, dấu vết tác phẩm của bà Mahony rất hiếm, chỉ một số nhà riêng tại Decatur, Illinois còn sót lại, và người ta đang thu góp hình ảnh để lưu trữ như một cách ghi nhận sự đóng góp của nghệ sĩ tài hoa nhưng không được người đương thời biết đến.

Không ai nghi ngờ về tài năng của cụ Frank Lloyd Wright, có hay không có bà Mahony, ông Wright cũng vẫn thành danh. Tuy nhiên với ông Walter Burley Griffin, người hậu thế vẫn đặt câu hỏi, nhưng câu hỏi lớn nhất vẫn là nếu không có hai người đàn ông kể trên, tài danh của bà Mahony sẽ đi xa đến đâu? Câu hỏi mà dường như ta không có câu trả lời!

Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, Dế Mèn dành thời giờ xem các họa đồ kiến trúc của bà cụ và đọc hết tập nhật ký dầy cui kia, lòng bồi hồi thương xót và ngưỡng mộ một nghệ sĩ tài hoa sinh lầm thời! Thiên thời địa lợi và nhân hòa, hình như bà Mahony không được một món quà nào trong ba thứ kể trên để thành công? 

TLL