Ngày nay trong cuộc sống bận rộn ở Mỹ, ít ai nói đến chuyện đi may một cái áo sơ-mi hay đóng một đôi giày. Kỹ nghệ may mặc, giày dép ở Mỹ cung cấp cho người tiêu dùng đủ nhu cầu, với kích tấc giá tiền phù hợp cho mọi người, nên trong đời sống hôm nay, chúng ta ít cần tới bác thợ may hay anh thợ đóng giày như ngày trước.
Tuy vậy đôi giày mà chúng tôi nói ở đây là giày mang với bộ âu phục (dress shoes,) vẫn còn cần đến người thợ đóng giày, còn loại giày thể thao (tennis shoes hay sport shoes) thì vẫn phải nhờ đến các hãng giày lớn.
Liệu cái chân bạn quá nhỏ, đi suốt ngày lục tung các tiệm giày vẫn không tìm ra một đôi giày mang số 4.5 hay 5, đành đi kiếm ông thợ đóng giày trong thành phố, người thì mua phải một đôi giày hơi chật, hoặc có khi bị lỏng gót, bước mạnh là đôi giày rời khỏi bàn chân. Khi mua đôi giày trong tiệm, bạn luôn luôn đắn đo đi tìm giá sale hay tính thiệt hơn từng vài đồng bạc, thì đây là lúc bạn phải trả lại những đồng bạc ấy cho người thợ sửa giày, nếu muốn đôi giày mới ôm sát đôi chân bạn hay được đi đứng thoải mái khi mang đôi giày vào chân.
Có những nghề đủ sống sung túc, chứ không làm giàu được, đó là những nghề như thợ hớt tóc, thợ may, thợ đóng giày… nếu những nghề này, dưới tay không có đủ 100 người thợ để bóc lột sức lao động của những người thợ bằng cách ăn chia từ công sức của họ.
Dưới bảng hiệu “Giỏi Shoes,” Lương Ðức Giỏi, người thợ đóng giày chuyên nghiệp có 6 năm hành nghề tại Việt Nam và 36 năm ở Mỹ thú nhận là nghề của anh không phải là nghề làm giàu, nhưng là một nghề sống no đủ, vì “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.” Có 53 tuổi đời nhưng tới 36 năm tuổi nghề, Lương Ðức Giỏi chưa bao giờ một lần đổi nghề và phụ nghề, nhất là trong cuộc sống ở Mỹ không có gì quý bằng được làm nghề tự do, giờ đóng, mở cửa tiệm tùy tiện, đưa con đi học, chạy đi mua hàng hay có chút công chuyện không là điều gì quá khó khăn, phải xin phép, thưa gửi với ai.
Mấy chữ “Giỏi Shoes” là những chữ người ta đọc được trên cái danh thiếp để trên quầy, còn thực ra cái cửa hàng của anh cũng không có bảng hiệu, người ta tìm anh như một người quen ở căn phố đó, gần tiệm phở quen tên ở đó, nằm ở góc đường đó. Nhìn vào cửa hiệu, thấy trên kệ cũng như dưới sàn, giày dép ngổn ngang, đôi khi trông khá luộm thuộm thì khách hàng nhận ra đây là tiệm giày ông Giỏi.
Ông cũng không có chủ mà cũng không có nhân viên. Cửa hiệu chỉ có hai vợ chồng. Người vợ thỉnh thoảng cũng phụ việc tiếp khách, chuyện trò với những khách hàng biết mặt, biết tên từ nhiều năm qua, nhưng nói về mặt chuyên môn, thì không ai ngoài ông Giỏi. Với công việc làm, ông không cần giải thích với khách, chật, rộng thì ngồi chờ, mài bớt đế hay đóng lại đế đã mòn thì chỉ cần hôm sau trở lại lấy. Thường thì người ta có nhiều đôi giày và nhiều bộ vest, vô số cà vạt, nhưng thật sự ai cũng thích một đôi giày hay bộ cánh vừa ý nhất của mình. Tôi không thấy khách hàng trả giá hay than phiền về giá cả khi đến sửa một đôi giày, thâu một quai hay đục thêm lỗ vì đôi giày quá rộng.

Trừ khi khách hàng cần đóng một đôi giày mới vừa ý, với kiểu cách, màu sắc, loại da theo ý mình có khi lên đến $200.00 một đôi, còn thì sửa sang, rộng hẹp, mòn đế, đứt quai, giá cả từ một ly cà phê đến một tô phở. Trong đời sống thường, đó là những giá cả dịch vụ vừa túi tiền cho mọi người.
Thúc Cảnh, người nhạc sĩ đàn ở phòng trà mới ghé lại đóng thêm hai miếng đế sắt của đôi boot anh vẫn thường mang, cô ca sĩ lại sửa đôi giày đi hơi rộng không vừa chân, đó là tất cả những chuyện nhỏ, nhưng bây giờ ở đất Bolsa này, không biết đến ông thợ giày tên Giỏi, thì cũng không biết xoay xở ra sao?
Những khách hàng của “Giỏi Shoes” có thể là người không quan tâm đến những đôi giày đắt tiền của thế giới hôm nay mang những thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Stuart Weitzman, Louis Vuitton, Bostonia, Johnston hay Berluti không phải vì họ nghèo, vì ngoài phố cũng không thiếu các loại giày rẻ tiền như Payless Shoe, Target, Aldo Shoes hay JC Penney, nhưng phải nói đó là thói quen.
Tiệm Giỏi đã có những người khách lui tới gần 40 năm, thời gian một người công chức trẻ ngày xưa đến đóng đôi giày đầu tiên nơi tiệm anh, nay đã trở thành một ông ngoại, sở hữu thêm năm bảy đôi giày nữa ở tiệm Giỏi, vì vị khách này không muốn mua giày ở các cửa hiệu của Mỹ. Ðó là ý thích và thói quen khó bỏ. Ðàn ông thích đóng giày cao cổ, có zipper, đàn bà với đôi giày đen mũi nhọn, đế khá cao so với những đôi giày bình thường khác.
Tiệm giày còn lại duy nhất trong khu người Việt này không có người kế nghiệp, có nghĩa anh là người thợ cuối cùng và đây cũng là cửa hiệu cuối cùng. Anh Giỏi có hai đứa con đã xong đại học nhờ nghề nghiệp của cha, nhưng chắc chắn không có ai nối nghiệp anh, đứng mài từng chiếc đế giày hay mày mò o bế cho một cái mũi giày tròn trịa vừa ý khách.
Thoạt đầu chúng tôi tưởng đây là nghề “cha truyền con nối,” nghĩa là Giỏi nối được nghiệp cha. Nhưng không! Di cư từ Bắc vào Saigon năm 1954, nhà nghèo, học hành dở dang, mới 15 tuổi, Lương Ðức Giỏi đi học nghề đóng giày, nhưng không chịu làm công, với sự giúp đỡ của thân phụ, anh tự sản xuất giày dép và đi bỏ mối cho các cửa hàng tạp hoá trong các chợ. Cộng Sản vào Saigon, Giỏi sống được vài năm thong thả nhờ nghề giày, nhưng vào năm 1979, biết không sống nổi, Giỏi xuống tàu đi theo diện “bán chính thức.”

Sau hai năm ở đảo, năm 1981, Giỏi đến San Diego, trương bảng hiệu “sửa giày” cũng sống qua ngày. Cộng đồng người Việt đến Mỹ càng ngày càng đông, Giỏi chuyển về quận Cam, sống từ đó đến nay.
Chuyện chúng ta vẫn nghĩ là tiệm giày Giỏi sống nhờ nghề đóng giày cho nam giới, đó là một điều sai lầm. Khách hàng của Giỏi hầu hết là phụ nữ, chiếm 75% khách hàng, trong đó 90% là khách đóng giày, chỉ có10% là mang những đôi giày mới mua ở tiệm đến sửa.
Khách hàng của tiệm giày duy nhất ở quận Cam hay có thể nói là ở Mỹ, không ai dưới 50 tuổi, con em chúng ta không có nhu cầu đóng giày hay sửa giày. Như vậy tiệm đóng giày Giỏi cũng sống với tuổi của những người cao niên thêm một thời gian, không có người nối dõi, nhiều lắm là 30 năm nữa.
Vì vậy, tác giả bài này đã mạo muội đặt nhan đề bài báo hôm nay là: “Người thợ đóng giày cuối cùng ở Mỹ.”
HP