Menu Close

Ca đoàn thiếu niên quận hạt Collin

Ca Đoàn Thiếu Niên Quận Collin - ảnh: CCCC
Ca Đoàn Thiếu Niên Quận Collin – ảnh: CCCC

Bài Tạp ghi tuy đề cập đến hoạt động ca hát của học sinh tại một địa phương nhưng theo lời khuyên  của bà Oliver đó là một sinh hoạt tốt mà các gia đình Việt Nam nên cho con em mình tham gia để các em phát triển phong phú  thêm về mọi mặt mà nền giáo dục Hoa Kỳ đều mang đến cho tất cả các địa phương  ở khắp nơi.

Children’s Chorus of Collin County, viết tắt CCCC, ra đời khoảng mười năm trước tại thành phố Wylie, ngoại ô Dallas về phía Ðông-Bắc. CCCC là đứa con tinh thần của bà Janie Oliver, người từng làm nhạc trưởng của một nhà thờ Baptist tại Dallas trong nhiều thập niên. Ngoài việc điều khiển các ca đoàn người lớn và phụ nữ, bà còn phụ trách các ca đoàn thiếu nhi.

Sau khi về hưu, bà Oliver hợp tác với một người bạn để thành lập một ca đoàn cho trẻ em tại Wylie. Dự tính ban đầu vào mùa Thu năm 2006 là mỗi thành phố trong quận hạt Collin sẽ thành lập một ca đoàn riêng—Plano, Frisco, Wylie v.v… Nhưng đến đầu năm 2007 thì kế hoạch này được đổi thành một ca đoàn duy nhất cho toàn vùng, đóng đô tại Plano, thuận tiện nhất cho đại đa số phụ huynh.

Ba nhà Nhạc Trưởng: Janie Oliver; Jennifer McKee; Casey McCollough - ảnh: CCCC
Ba nhà Nhạc Trưởng: Janie Oliver; Jennifer McKee; Casey McCollough – ảnh: CCCC

Bắt đầu với một con số khiêm nhường 14 thành viên, ngày nay CCCC đã trở thành một ca đoàn lớn trong vùng, với trên 110 học sinh trong niên khoá 2016-2017. Mùa đầu tiên ca đoàn chỉ gồm các em ở lứa tuổi lớp 3 đến lớp 5. Qua năm sau một số em lên lớp 6, năm sau đó lên lớp 7, tuổi của các thành viên cũng tăng theo dần. Ðồng thời, nhờ quảng cáo “truyền miệng” nên hàng năm ca đoàn lại nhận thêm vào một số học sinh mới đủ mọi cấp lớp, do đó số học viên ngày càng cao.

Khi số lượng học sinh ở lứa từ lớp 6 đến lớp  8 đã khá đông, ca đoàn được tách ra làm hai nhóm. Nhóm tiểu học (3-5) được đặt tên là Prelude Singers, lấy từ chữ “prelude” trong nhạc ngữ, hàm ý “dạo đầu, chuẩn bị”, và được hướng dẫn bởi một nhạc trưởng chuyên nghiệp do bà Oliver tự tay chọn lọc và mướn vào. Nhóm lớn tuổi hơn vẫn giữ nguyên tên là Children Singers, do bà Oliver điều khiển.

Tuy nhiên, vì nhiều ca sinh tiếp tục lên lớp nhưng không chịu rời bỏ ca đoàn nên vài năm sau một nhóm thứ ba được thành lập, gọi là Youth Chorus, cho các em trong lứa từ lớp 9-12. Một nhạc trưởng mới được mướn thêm để điều khiển nhóm này, và từ đó đến nay mô hình 3 nhóm—Prelude, Children, Youth Singers được giữ nguyên.

Buổi diễn cuối cùng của các em lớp 12 - ảnh: ianbui
Buổi diễn cuối cùng của các em lớp 12 – ảnh: ianbui

Mặc dù mang danh hiệu là ca đoàn của Collin County, nhưng thật ra CCCC nhận học viên từ khắp mọi nơi. Có nhiều gia đình từ những vùng xa như Waxahachie, Prosper, Greenville, Little Elm… vẫn siêng năng chở con đến Custer Road United Methodist Church ở Plano để tập dợt mỗi tuần. Bà Oliver nói một trong những lý do nhiều người thích cho con mình hát với CCCC là vì bà chú trọng đến việc huấn luyện kỹ năng, dạy cho ca sinh những kỹ thuật căn bản để sau này các em có thể hát giỏi. Bà quả quyết rằng dẫu chỉ hát với ca đoàn một hay hai năm, các ca sinh vẫn có thể thâu thập được nhiều kiến thức để giúp mình hát vững vàng hơn về sau. Bà quan niệm thà có một ca đoàn ít người mà hát hay còn hơn đông người mà hát dở.

Lý do nữa là những bài hát cho ca đoàn được bà chọn lọc rất cẩn thận. Tuỳ theo từng lứa tuổi, bà Oliver và các ca đoàn trưởng luôn tuyển chọn những bản nhạc không quá khó nhưng cũng không quá dễ, bắt buộc ca sinh phải cố gắng tập dượt cho nhuần nhuyễn chứ không thể hát theo kiểu “nhép miệng cho qua”. Ða số các nhạc phẩm đều nằm ngoài luồng nhạc pop thời thượng, thành thử sau mỗi mùa hát các em sẽ thu thập thêm được một số bản nhạc mới làm hành trang trên đường đời.

Hàng năm, CCCC tổ chức bốn chương trình chính: mùa Thu (tháng 10), Giáng-Sinh (tháng 12), Lập-Xuân (tháng 2), và Lập-Hạ (tháng 5). Mỗi chương trình luôn luôn có một chủ đề nhất định. Chẳng hạn như chương trình mùa Giáng-Sinh có thể xoay quanh đề tài “shopping”, “tuyết”, hay “trẻ con”. Gần đây nhất là đề tài “Caroling” vào mùa Ðông năm ngoái mà báo Trẻ cũng đã có bài.

Bà Oliver trao học bổng cho Caylee Cortez và Annette Nguyễn - ảnh: ianbui
Bà Oliver trao học bổng cho Caylee Cortez và Annette Nguyễn – ảnh: ianbui

Quy mô nhất là chương trình cuối niên học (tháng 5) thường được tổ chức tại Eisemann Center ở Richardson. Chủ đề cho năm nay là “Riddle Me This? Songs that make you ponder…” tạm dịch là “Ðố Ai? Những bài hát làm ta suy gẫm…” Mỗi bài nhạc trong chương trình là những câu đố hay câu hỏi. Ða số là nhạc được phổ từ thơ của các thi sĩ nổi tiếng như Shakespeare, Samuel Taylor Coleridge, Lewis Carroll, Emily Dickinson, Robert Louis Stevenson, Langston Hughes, v.v…

Nhóm thiếu nhi nhỏ nhất thì được cho hát những bài nhẹ nhàng như “Một phút có bao nhiêu giây? Một giờ có bao nhiêu phút? Một ngày có bao nhiêu giờ?…” Chấm dứt với câu hỏi: “Một thời có bao nhiêu lâu?” (“Time’s Secret”, nhạc Janet Gardner, thơ Christina Rosetti).

Lên đến lứa tuổi lớp 6-8 thì những câu hỏi cũng lớn lên theo: “Tại Sao Cây Dương Liễu Khóc?” (“Why Does The Willow Tree Weep?”, Andy Beck) hoặc là bài thơ phổ nhạc từ “Alice In Wonderland” của Lewis Carroll, kể câu chuyện giả tưởng về con tôm hùm và con rùa (“The Lobster Quadrille”, David Eddleman).

Nhóm lớn tuổi nhất (Youth Singers) được cho hát những bài khó nhất, dài nhất, cũng như thâm thuý nhất. Như bài “Ai Là Người Hùng?” (“Who Are The Brave?”, Joseph Martin), hay bài “Jabberwocky” (thơ Lewis Carroll, nhạc René Clausen) vô cùng ấn tượng, với những ý tưởng và ca từ cực kỳ khúc mắc, không thể nào dịch sang ngôn ngữ khác:

“’Twas brillig, and the slithy toves,

Did gyre and gimble in the wabe:

All mimsy were the borogoves,

And the mome raths outgrabe…”

Nhưng lạ và vui tai nhất có lẽ là bài dân ca Mông Cổ mang tên “Dörven Dalai” (“Bốn Biển”) được trình bày bằng ngôn ngữ gốc:

“Baruun chi dalaigiin khan usan der adil jöölen umaa,

Bajimin modunnai khan navchin der adil jöölen yumaa…”

(Trong như nước Biển Tây / Thơm như hương cau)

Children Singers trong chương trình “Đố Ai?” - ảnh: ianbui
Children Singers trong chương trình “Đố Ai?” – ảnh: ianbui

Nghe các học sinh Mỹ hát bài này, ta không khỏi thắc mắc không biết các em phát âm tiếng Mông Cổ có chuẩn hay chăng. Nhưng nhìn những gương mặt vô cùng tự nhiên và thoải mái của ca đoàn, ta có thể đoán được rằng các em đã được tập luyện và chuẩn bị kỹ càng trước khi lên sân khấu. Và đó chính là điều bà Janie Oliver muốn nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn về ca đoàn của mình.

Bà nói thật ra vùng Dallas-Fort Worth có không ít ca đoàn cho thanh thiếu niên. Lớn nhất và mạnh nhất (về mặt tài chánh) là ca đoàn thiếu nhi Dallas, thường được mời hát chung với dàn nhạc giao hưởng Dallas Symphony Orchestra ở hí viện Meyerson. Một trong những lý do ca đoàn đó lớn và mạnh, theo bà, là vì rất nhiều trường tiểu và trung học trong khu-học-chính của thành phố Dallas không đủ tài chánh để có những chương trình dành riêng cho văn hoá, nghệ thuật. Cho nên phụ huynh nào muốn con em mình hát chỉ có cách tham gia ca đoàn thành phố.

Trong khi đó vùng Collin County, nhất là các khu-học-chính lớn như Plano, Frisco, Allen v.v… đều có ngân sách riêng cho kịch nghệ, ca đoàn, orchestra v.v… với thành phần giáo viên hùng hậu. Trường trung học Allen còn cho xây một rạp hát mới toanh, tốn mấy chục triệu đô-la, làm nơi cho học sinh trình diễn. Vì vậy nhu cầu tham gia một ca đoàn ở ngoài trường học của dân vùng Collin County cũng thấp hơn.

Ðể tạo một chỗ đứng riêng biệt cho CCCC, bà Oliver phải hết sức thận trọng trong việc sắp xếp chương trình, tuyển chọn nhân viên, chọn lọc bài vở, và trên hết là tạo điều kiện cho ca sinh có được những trải nghiệm “để đời”. Mỗi năm, ca đoàn đều cố gắng tổ chức những cuộc lưu diễn. Chẳng hạn như ở Meyerson (Dallas), Austin (Texas) hay Branson (Missouri). Có năm các em được hát ở Carnegie Hall (New York); Hè năm tới (2018) hai nhóm Children và Youth sẽ được đi Carnegie một lần nữa.

Mùa Hè năm ngoái thì ca đoàn sang tận London để hát tại Canterbury Cathedral (nơi các bậc vua chúa Anh Quốc hay đến vào những dịp lễ lộc trọng đại; đám tang của công chúa Diana cũng tổ chức tại đây). Bà Oliver mong muốn mỗi 3-4 năm ca đoàn sẽ tổ chức được một chuyến đi ngoài nước Mỹ như vậy.

Đùa vui trong chuyến đi Anh Quốc - ảnh: CCCC
Đùa vui trong chuyến đi Anh Quốc – ảnh: CCCC

Tất nhiên những tour đi xa rất tốn kém, không phải gia đình nào cũng đủ tài lực cho con em mình tham dự. Nhưng bà Oliver hy vọng trong tương lai CCCC sẽ thu hút được nhiều mạnh thường quân, nhất là các cơ sở thương mại để giúp trang trải phần nào các phí tổn cho những em cần giúp đỡ.

Bà cũng cho biết hiện nay tỉ lệ ca sinh Á Châu trong CCCC khá đông (21%) tương đương với tỉ lệ dân gốc Á trong vùng nói chung. Ðặc biệt học sinh gốc Mễ có tới khoảng 11%. Thành phần Á Châu đông nhất là Ấn Ðộ, kế đến là Tàu. Năm nay trong ca đoàn 114 người chỉ có vỏn vẹn ba em người Việt; bà Oliver nói đáng lẽ con số này phải cao hơn vì vùng này có khá nhiều người Việt sinh sống, nhất là các khu vực như Wylie, Sachse, Garland.

Ca sinh trong y phục cổ truyền - ảnh: CCCC
Ca sinh trong y phục cổ truyền – ảnh: CCCC

Học phí cho CCCC tương đối phải chăng, $500 một niên khoá–đầu tháng 9 đến cuối tháng 5. Trung bình một tuần một buổi tập, đôi khi hai buổi một tuần nếu cần thiết. Ðiều kiện gia nhập không khó. Các em chỉ phải trải qua một cuộc trắc nghiệm ngắn (chừng 20 phút) để kiểm tra chất giọng cũng như khả năng nghe và hát đúng cao độ. Nhưng quan trọng hơn hết là ca sinh phải có tinh thần kỷ luật cao để tránh làm phí thì giờ của mình cũng như của người xung quanh.

Ða số thành viên trong ca đoàn nằm trong nhóm Children Singers (lớp 6-8). Bà Oliver nói đây là lứa tuổi lý tưởng nhất vì các em này đủ lớn để hát những bài nhạc tương đối phức tạp nhưng không quá khó. Và vì còn học ở cấp hai, các em có nhiều thì giờ hơn; lên cấp ba nhiều em chỉ được chọn một trong nhiều môn mà mình cùng thích, như thể thao hoặc ca hát hoặc kịch nghệ.

Bà khuyến khích các gia đình Việt trong vùng, nếu có con em ở lứa tuổi học lớp 3 trở lên nên nghĩ đến việc cho con mình học hát, nhất là các em trai. Bà nói rất nhiều người, nhất là dân Á Ðông, hay nghĩ rằng con trai thì nên cho chơi thể thao, còn chuyện hát hò là của con gái. Nhưng thật ra khi trẻ em còn nhỏ là thời điểm tốt nhất để luyện giọng cho chúng. Sau này, khi các em trai bị bể tiếng một số sẽ không muốn tiếp tục hát, chuyện đó rất bình thường. Tuy nhiên, điều quan trọng là những gì các em học được về kỹ thuật hát các em sẽ sở hữu suốt đời.

Và dĩ nhiên nếu được đứng trên sân khấu Carnegie Hall hay tại thánh địa Canterbury để trình diễn thì đó sẽ là những kỷ niệm vô giá, không phải ai có tiền cũng mua được.

-ianbui (2017.05)