Menu Close

Chuyến công du đầu tiên

Tổng thống Donald Trump bắt đầu chuyến công du đầu tiên ra ngoại quốc kéo dài trong 9 ngày trong khi tình hình tại thủ đô Washington vẫn còn sóng gió. Trong suốt 2 tuần lễ trước chuyến đi, hầu như không ngày nào là không có những tin xấu rò rỉ cho giới truyền thông tin liên quan đến việc Nga can thiệp vào nội tình nước Mỹ, làm cho các hoạt động quan trọng khác của chính phủ Hoa Kỳ phải chia lửa để đối phó với các tin tức bất lợi. Do vậy, lịch trình chuyến công du dài ngày ra ngoại quốc của TT Trump vẫn không thể thay đổi, biết đâu sẽ làm phân tán sự chú ý của giới truyền thông và giúp tình hình lắng dịu…

chuyen-cong-du-dau-tien
Tổng Thống Donald Trump trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tại Ả-rập Saudi – nguồn NBCNews.com

Donald Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ thời Jimmy Carter đã chờ tới hơn 100 ngày sau khi nhậm chức mới có một chuyến công du ra ngoại quốc và trạm dừng chân lại không phải là một trong 2 quốc gia láng giềng của Mỹ. Những vị tiền nhiệm trước như: George H.W. Bush thăm Canada ngày thứ 21, Bill Clinton thăm Canada ngày thứ 73, George W. Bush thăm Mexico ngày thứ 27, và Barack Obama thăm Canada ngày thứ 30. Riêng trường hợp của Jimmy Carter, chuyến công du đầu tiên của ông vào ngày thứ 103 và điểm đến là Anh Quốc tham dự cuộc họp thượng đỉnh về kinh tế và một cuộc họp với các lãnh tụ của khối NATO.

Chuyến đi của Donald Trump trễ nhất, 120 ngày sau khi nhậm chức, nhưng lại là chuyến đi dài nhất với 5 trạm dừng chân, mà theo như Toà Bạch Ốc quảng bá là chuyến công du trải rộng từ Á sang Âu, đến trung tâm của 3 tôn giáo lớn trên thế giới (Riyadh, Ả Rập Saudi, Hồi giáo; Jerusalem, Israel, Do Thái giáo; và Rome, Ý, Công giáo), trước khi tham dự phiên họp với lãnh đạo của NATO tại Brussels, Bỉ, và với nhóm G7 tại đảo Sicily, Ý. Tất cả các trạm dừng chân, ngoại trừ Rome, đều được giới quan sát chú ý vì chuyến đi này có thể xác định một phần nào chính sách ngoại giao của chính phủ Hoa kỳ trong những năm tới.

chuyen-cong-du-dau-tien2
Tổng Thống Trump tham gia điệu nhảy với kiếm cùng các nhà lãnh đạo Ả Rập – nguồn Today Latest News World – mu.hu

Hơn nữa, chuyến đi này diễn ra trong lúc ông Trump đang gặp nhiều khó khăn chính trị, nên các cố vấn đã cẩn thận lập kế hoạch cho chuyến đi  sao cho đạt được thành công về ngoại giao, bằng cách nhắm vào những quốc gia nơi ông đã thiết lập được mối quan hệ khá tốt như Ả Rập Saudi và Israel, 2 quốc gia đã có những bất đồng với những chính sách của vị tiền nhiệm Barack Obama đối với khu vực Trung Ðông và đã tỏ ra thân thiện hơn với Donald Trump trong thời gian vừa qua. Và trên hết, ở mỗi trạm dừng chân đều cho ông Trump có cơ hội xây dựng hình ảnh Tổng thống của quốc gia siêu cường bậc nhất thế giới, cũng như để các nhà lãnh đạo mà ông gặp có cái nhìn khác hơn là những lời tuyên bố “văng mạng” trong thời gian tranh cử.

Trạm dừng chân đầu tiên của chuyến đi là tới thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi đã xác định lại mối quan hệ Hoa Kỳ-Saudi sau những gập ghềnh dưới thời Obama. Tại đây, Tổng thống  Trump cũng có cuộc gặp mặt với các nguyên thủ của tổ chức Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) – bao gồm 6 thành viên là Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Saudi và UAE (các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) – nói lên một điều nữa là chính sách của Hoa Kỳ sẽ chú trọng nhiều hơn tới thế giới Ả Rập.

Mặc dù trong thời gian tranh cử ông Trump đã có những lời tuyên bố bị gán cho là có ý bài bác Hồi giáo và nhất là sắc lệnh cấm nhập cảnh từ 6 quốc gia Hồi giáo hiện đang bị ngâm ở toà án liên bang, nhưng Hoàng gia Ả Rập Saudi đã long trọng trải thảm đỏ đón tiếp Trump và còn tặng thêm món quà là hơn 100 tỉ Mỹ kim hợp đồng mua vũ khí và các thiết bị quốc phòng của Mỹ, cũng như các vụ đầu tư khác có thể đưa tổng số lên $350 tỷ, theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson. Có thể nói trạm dừng đầu tiên là một thành công để ông Trump chứng minh những lời hứa trong thời gian tranh cử.

Ở trạm dừng chân tại Israel cho thấy một chính sách tương phản rõ rệt giữa Trump và Obama. Trong chuyến công du đầu tiên của Obama đến khu vực này, ông chỉ đến Ai Cập và Ả Rập Saudi mà cố tình bỏ qua Israel, chính việc làm này làm cho quan hệ Hoa Kỳ-Israel ngày càng xấu đi. Và trong 8 năm cầm quyền, Barack Obama cũng không mấy tỏ ra sốt sắng trong nỗ lực mang lại nền hoà bình giữa Israel và Palestine.

TT. Trump thì khác, tạo dựng nền hoà bình Israel-Palestine là một trong những chính sách ngoại giao then chốt của chính phủ Hoa Kỳ hiện nay và ông đã giao trọng trách này cho Jared Kushner, vừa là con rể vừa là một cố vấn tin cẩn. Ghé thăm Israel trong chuyến công du đầu tiên, TT. Trump đã đặt mình vào một vị trí thuận lợi như là bước đầu để thực hiện phần chính sách ngoại giao này. Tuy nhiên, thử thách lớn nhất vẫn là làm sao thuyết phục được cả hai lãnh tụ, Benjamin Netanyahu của Israel và Mahmoud Abbas của Palestine, gặp mặt trở lại kể từ lần cuối cùng là năm 2010.

Trong khi chuyến viếng thăm Vatican (Rome) đối với các vị tổng thống tiền nhiệm thường là trạm dừng chân nhẹ nhàng và an toàn với một buổi tiếp tân trang trọng, lịch sự, với những cái bắt tay ngoại giao và một buổi chuyện trò thân mật. Tuy nhiên, trường hợp lần này lại khác. Chúng ta còn nhớ trong khi tranh cử, giữa Donald Trump và Ðức Giáo Hoàng Francis đã có một cuộc va chạm với lời qua tiếng lại giữa hai bên – Francis chất vấn về niềm tin Kitô giáo của ông Trump, còn ông Trump thì gọi ngài là “sự hổ thẹn”. Sự việc này đã tạo nên mối quan hệ có thể là xấu nhất giữa một vị Giáo hoàng và một Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm từ trước tới nay. Cuộc gặp mặt tại Vatican là cơ hội để hai bên hàn gắn lại những sứt mẻ.

chuyen-cong-du-dau-tien1
Tổng thống Trump tại Bức Tường Than Khóc, nơi linh thiêng nhất để cầu nguyện của người Do Thái, tại thành phố Jerusalem vào ngày 22 tháng 5. nguồn Breitbart

Và trong suốt một tuần lễ vừa qua, có thể nói các nhà lãnh đạo Âu châu đã phải hồi hộp trong khi chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh NATO đầu tiên của TT. Donald Trump vì họ không biết là sẽ gặp ông Trump nào. Trong lúc tranh cử, Trump đã từng nhiều lần “xài xể” đồng minh NATO, và rồi sau cuộc gặp mặt với Tổng thư ký của NATO là Jens Stoltenberg vào Tháng Tư thì cho rằng NATO không còn là một tổ chức “lạc hậu” nữa. Mặc dù những tuyên bố của ông Trump có những bất nhất, nhưng điều đáng lưu ý là hầu hết các cố vấn quan trọng, kể cả Phó tổng thống Mike Pence, đều nói rằng NATO vẫn đóng một vai trò quan trọng trong chính sách an ninh toàn cầu của Hoa Kỳ và thế giới.

Trạm dừng chân cuối cùng là đảo Sicily (Ý) với cuộc họp thượng đỉnh G7. Ðây là cuộc họp thượng đỉnh đa phương, nhưng theo giới quan sát, lại không có một nghị trình rõ rệt nào trong lần họp này và vì vậy kết quả gặt hái được, nếu có, cũng có thể hạn chế. Tuy nhiên, ngoài những cuộc gặp gỡ chụp hình lưu niệm, đây thật sự là cơ hội để Trump vận dụng những ưu điểm cá nhân để cùng làm việc với các lãnh tụ của 6 cường quốc đồng minh. Trong đó phải nói đến cuộc gặp mặt đầu tiên với tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nỗ lực để cải thiện mối quan hệ không mấy xuôi chèo với Thủ tướng Ðức Angela Merkel.

Chuyến đi này có gặt hái được thành công nào hay không là còn tuỳ thuộc ở ông Trump có theo đúng với bài bản đã được cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và các cố vấn khác chuẩn bị kỹ lưỡng cho ông. Trong quá khứ, nhiều cựu tổng thống trong khi phải đối phó với những khó khăn chính trị tại quốc nội đã biến những chuyến công du ngoại quốc để kéo đội quân báo chí xa khỏi nơi “gió tanh mưa máu”. Ðây cũng là chiêu khá hiệu quả mà nhiều tổng thống từng áp dụng.

Cho dù sự ủng hộ dành cho Tổng thống Trump tại quốc nội có xuống thấp hay lên cao thì ông vẫn được nguyên thủ những quốc gia đồng minh dành cho những cuộc đón tiếp long trọng.

Và đó là những gì Tổng thống Donald Trump đang cần, và đặt để  vị thế Hoa kỳ trong tương lai.

VH