Tên thật: Trương Đẩu. Tên thường gọi: Trương Thanh Sơn. Sinh năm 1940. Hiện sống tại Việt Nam. Cộng tác với Tiền Vệ, Talawas, Thư Quán Bản Thảo, Thông Luận, Văn Chương Việt…
Trang viết giới thiệu sau đây là trích theo T.Vấn.
Nhà văn Khuất Đẩu , tác giả “ Những tháng năm cuồng nộ “, không còn trẻ nữa. Ông đang bước vào giai đoạn “ẩn tàng” của đời người, giai đoạn chiều rơi chầm chậm trên mái tóc muối che phủ hết cả tiêu. Đây cũng là lúc ông ngó về quê mẹ. Lạ lùng thay không làm dâu xứ lạ mà ruột vẫn cứ đau chín chiều. Tôi gọi đó là cảm thức lưu vong ngay trên chính quê hương mình. Đời ta tha hương ngay trên quê hương. . .

– tranh Đinh Cường
Những trang viết ngắn của Khuất Đẩu sẽ là những cô đọng khoảnh khắc ngoảnh lại của một người biết mình đã đến lúc về thu xếp lại. Vì là viết ngắn, nên chữ ít. Có lẽ vì người già thường hay kiệm lời? Hay sau những tháng năm cuồng nộ của đất nước, ngán ngẩm vì chưa thấy có gì thay đổi, ông để nỗi buồn chảy ngược vào trong, như một phản ứng xuôi tay bất lực?…
Khởi đầu với “ Những tháng năm cuồng nộ” xác định chỗ đứng của mình trong lòng người đọc, rồi kế đến là “Lão Tiền Bối”, “Người giữ nhà thờ họ” v.v.. và mới nhất là tập “Buồn như ly rượu cạn”, ngòi bút của Khuất Đẩu tiêu biểu cho lớp nhà văn lúc nào cũng không cho phép mình được quên rằng mình đang sống trên mảnh đất nghèo khổ hết chia ly đổ nát vì chiến tranh thì lại tới ách thống trị tàn bạo của một chế độ bất nhân vô đạo. Họ cầm bút không chỉ để thỏa mãn đam mê cầm bút của mình mà còn ý thức rõ ràng nhiệm vụ của nhà văn là sáng tạo nên những tác phẩm đủ tầm vóc gợi lên được những suy nghĩ nơi người đọc, để từ đó, thúc đẩy người đọc đi tìm câu trả lời cho chính mình, cho thời đại về những nỗi thống khổ mà dân tộc phải gánh chịu từ hơn 50 năm nay. Vì thế, tính thời cuộc xuyên suốt những tác phẩm của Khuất Đẩu, bất kể ông viết dài hay viết ngắn, tiểu thuyết hay tản văn, và cả trong những bài thơ hiếm hoi ông phổ biến trên mạng điện tử. Cùng một đề tài thời sự, Khuất Đẩu chọn chữ nghĩa văn chương để diễn đạt. Với chữ nghĩa văn chương, đề tài thời sự ấy có tác dụng sâu hơn, ở lại lâu hơn trong lòng người đọc. Đó là một lựa chọn không phải ai muốn cũng làm được.
Và đó là nỗi buồn như ly rượu cạn của Khuất Đẩu. Nó tiêu biểu cho những điều tập sách nhỏ này ngày đêm thao thức.
“Giờ, tôi “uống ngụm nắng tàn trong chiếc ly không”. (Khuất Đẩu :Buồn như ly rượu cạn)”
Ngắn gọn, mạnh mẽ mà sâu sắc… đó là những nét riêng của văn chương Khuất Đẩu.
NGUYỄN & BẠN HỮU

Cả ngàn cây xanh ở Hà Nội bị chặt nằm ngổn ngang như vừa trải qua một siêu bão của thế kỷ. Tôi không là người Hà Nội, nhưng cũng cảm thấy nhói đau như tóc trên đầu của mình vừa bị ai đó tàn nhẫn nhổ đi từng mảng.
Cây là hồn của phố, là ký ức, là kỷ niệm. Còn hơn thế, cây là chứng tích của lịch sử. Như cây dầu đôi ở thành Diên Khánh.
Ðó là cây dầu có hai thân cùng một gốc, như hai anh em song sinh đứng bên đường thiên lý bắc nam suốt mấy trăm năm. Hai thân cây thẳng tắp, to đến mấy người ôm, với cành nhánh xum xuê là chứng tích cuối cùng của rừng già ngàn tuổi.
Cây kiêu hãnh vươn mình lên trời cao, như một vị thần bổn mạng của xứ sở trầm hương. Trước mặt là biển Ðông bát ngát, sau lưng là hòn Bà sừng sững.
Chính vì sống lâu như ông Bành Tổ nên cây đã chứng kiến bao cuộc đổi thay ở đất Khánh Hòa. Nào quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh thay nhau làm chủ, nào Pháp đổ bộ lên Nha Trang và Bình Tây đại tướng quân Trịnh Phong chiến đấu đến người lính cuối cùng. Cây từng rũ lá khóc thương khi thấy đầu Trần Quý Cáp rời khỏi cổ ở sông Cạn. Và, cây cũng từng ve vẩy xúc động khi thấy một ông Tây, là bác sĩ Yersin, mỗi lần đi ngang qua đều dừng lại vái chào mình như một già làng.
Tưởng chừng với tuổi thọ hùng vĩ như thế, sẽ không một ai dám hỗn hào đụng đến cụ, dù chỉ một chiếc lá. Ấy thế, nhưng cụ đã hơn một lần bị tuyên án tử như những cây cổ thụ ở Hà Nội bây giờ.
Số là, để mở rộng cửa ngõ vào thành phố biển Nha Trang, người ta đã hơn một lần muốn nhổ cụ đi như một cái gai chướng mắt. Máy xúc, máy ủi đã được điều tới như những chiếc xe tăng sắp tiến vào dinh Ðộc Lập. Chỉ một án lệnh ném xuống là cụ bị hóa kiếp, thân sẽ bị xẻ cưa thành muôn ngàn mảnh để biến ra tiền.
Nhưng vận số của cụ chưa hết. Hồn thiêng của Trịnh Phong, của Trần Quý Cáp và cả bác sĩ Yersin đã kịp thời cứu cụ. Các cấp lãnh đạo tuy không nằm mộng nhưng cũng lờ mờ nhận ra rằng, cụ mà đi đời thì cái ghế mình đang ngồi cũng tiêu ma luôn. Thì thôi, cũng như tránh voi chẳng xấu mặt nào, đành để con đường tránh cụ vậy.
Và, thế là cụ được sống. Nhưng mà sống trong sợ hãi, vì rằng chẳng những rễ bị chặt mà còn cả khối bê tông và nhựa đường nóng hầm hập như Ngũ Hành Sơn đè lên Tôn Hành Giả. Khác nào cụ bị tống vào xà lim, không cho ăn uống. Nếu mỗi chiếc lá là một giọt lệ, thì cụ đã rơi không biết bao nhiêu lệ. Chẳng bao lâu nữa, cụ chỉ còn là bộ xương khô.
Không xuống đường như ở Hà Nội, có mà đi tù là cái chắc, những người con chịu ơn bác sĩ Yersin của đất Khánh Hòa đã tìm mọi cách vừa kêu cứu ở cửa công vừa vận động các cửa tư, để được phép đục bỏ bê tông, đưa đất mùn và nước có chất kích thích vào tạo rễ mới, khiến cụ dần dần hồi phục. Thì cũng tàm tạm vậy thôi, giờ cụ đứng nép bên đường như một ông già bị gậy, chẳng còn chi là một lão cây với thần thái lẫm liệt.
Phải chi, người ta cho hai con đường xuôi ngược vòng ra ôm lấy cụ như một tượng đài xanh thì mới thực xứng đáng với vẻ oai nghiêm của cụ. Cùng với miếu thờ Trịnh Phong, với đền Trần Quý Cáp sẽ tạo nên một quần thể lịch sử, là nơi các thầy cô giáo có thể đưa học trò đến ngồi dưới bóng cây, kể cho chúng nghe những câu chuyện cảm động về lòng yêu nước. Ðó là chưa nói tới có thể biến nơi ấy thành điểm du lịch, thu hút khách phương xa, nhất là các khách Pháp, Thụy Sĩ muốn biết thêm về bác sĩ Yersin, người đã rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để chọn đất Khánh Hòa này làm quê hương.
Ở các nước, người ta không chặt cây mà di dời nếu nằm trong quy hoạch. Người ta dùng máy xắn, dùng lưới bọc cả rễ và đất, cho xe tải trọng đem trồng nơi khác. Người ta cố giữ từng cành nhánh, để khi trồng xong, cứ tưởng là cây đã đứng đó tự bao giờ.
Bảo rằng như thế quá tốn kém, có biết đâu một tượng đài chiến thắng ở Ðiện Biên Phủ tốn cả ngàn tỷ và tượng mẹ anh hùng ở Quảng Nam trên bốn trăm tỷ, vừa mới khánh thành đã phải thêm tiền tu sửa. Mà chắc gì những tượng vô hồn ấy còn đứng mãi trong lòng người như những hàng cây xanh ở Hà Nội.
Cứ cấm và chặt, thì không biết đến bao giờ mới xây dựng xong cái gọi là xã hội chủ nghĩa.
Khuất Đẩu
* Ðã có những bài viết kết tội cây xanh là sát nhân kia đấy (vì gãy đổ khi mưa bão, gây chết người) và đã có những người bị bắt vì tội tụ tập đông người để bảo vệ cây xanh.