Từ năm 2005, khi bà Nguyễn Hạnh Nhơn đảm trách chức vụ Hội Trưởng Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH, hội mỗi ngày một khởi sắc, quỹ hội càng ngày càng lớn, hồ sơ anh em thương binh càng ngày càng nhiều. Ðược như vậy, không phải bà có tài điều hành hội như một cấp chỉ huy mà nhờ sự tiếp xúc ăn ở của bà đối với những người đến kê vai gánh vác với bà trong công việc điều hành hội.
“Tuyệt vời!” Ðó là hai tiếng chị Huỳnh Thị Nguyệt, nguyên Ðại úy Nữ Quân Nhân VNCH, trước năm 1975, khi nói về bà Nguyễn Hạnh Nhơn, sau mười năm làm việc chung trong Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH. Theo chị Nguyệt, điều hành một tổ chức việc thiện nguyện không dễ dàng như chỉ huy một đơn vị hành chánh hay quân đội, khi cấp chỉ huy có cấp bậc, và nhân viên có lương bổng. Ở đây, tất cả đều làm theo tinh thần tự nguyện không có lương tiền cũng như không có quy chế gì ràng buộc, do đó người điều hợp một tổ chức như Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH phải hết sức mềm mỏng, nhẹ nhàng trong lối cư xử. Mặc dầu anh chị em thiện nguyện đến với hội hơn 10 năm qua đều nể nang vì tuổi tác và cả cấp bậc của bà Hạnh Nhơn trong quân đội, nhưng tất cả đều thương bà hơn là vì bà là một cấp chỉ huy của mình.

Với gần 20 người làm việc chung, ai cũng kính nể và dùng tiếng “Chị Cả” mỗi khi nói về bà Hạnh Nhơn. Sự ra đi của bà là một sự mất mát lớn, nhưng vì tấm lòng đối với thương binh, không ai nỡ bỏ cuộc, mặc dầu biết rằng, khó lòng có ai thay thế bà để lo lắng cho công việc của thương binh ở quê nhà.
Chị Huỳnh Thị Nguyệt, tốt nghiệp khoá 2 Sĩ quan Nữ Quân Nhân, nguyên là Chi Ðoàn trưởng Chi đoàn NQN thuộc Tiểu Khu Gò Công. Trước đó, chị Nguyệt đã phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù và làm cán bộ Trường Nữ Quân Nhân. Chồng chị là Thiếu Tá Việt Văn Trực, Chỉ huy trưởng Yểm trợ – Tiếp Vận cùng phục vụ tại cùng một tiểu khu. Sau tháng 4-1975, cả hai vợ chồng chị Nguyệt đều phải vào nhà tù tập trung của Cộng Sản. Anh Việt Văn Trực ở tù 5 năm qua các trại tù Châu Ðốc, Vườn Ðào (Mỹ tho) cho đến 1980. Chị Nguyệt về quê mẹ ở Biên Hoà, qua các trại tù ở Biên Hoà và Hốc Môn. Nhờ vậy chị có thời gian ở chung trại tù và quen biết với Bà Hạnh Nhơn.

Sau này khi sang Mỹ, một lần, có dịp lái xe đưa Bà Hạnh Nhơn về nhà sau khi dự tang lễ của một người bạn, lúc ấy bà Nhơn đã tham gia chương trình thương binh, bà ngỏ ý muốn mời chị Nguyệt tham gia công việc Hội. Vào thời gian này, anh Việt Văn Trực đã bị bạo bệnh qua đời, anh chị lại không có con, cũng như nể lời chị Hạnh Nhơn, chị Nguyệt bắt đầu tham gia công việc Hội.
Ðảm đang và có óc tổ chức, chị Huỳnh Thị Nguyệt dần dần phụ trách phần lớn hồ sơ cá nhân thương binh của hội. Hiện nay chị phụ trách lo cho hồ sơ thương binh thuộc Vùng III Chiến Thuật gồm 11 tỉnh và vùng Saigon- Gia Ðịnh, có 8,000 hồ sơ trong tổng số khoảng 15,000 hồ sơ thương binh hội đang có. Ðây là một vùng có nhiều thương binh nhất, nhất là sau mùa hè 1972, rất nhiều thương binh di chuyển vào những vùng khai hoang như Bình Tuy, Vũng Tàu, Ðồng Nai…
Suốt trong mấy năm nay, từ những hồ sơ bề bộn, gồm nhiều giấy tờ và chứng từ của một thương binh gửi đến hội, để tiện việc theo dõi và sắp xếp dễ dàng, chị Nguyệt đã đúc kết thành những tấm phiếu, ghi đầy đủ dữ liệu, hình ảnh của từng thương binh. Cứ mỗi hai năm, chị Nguyệt yêu cầu anh em thương binh gửi về hội những tấm ảnh mới nhất, nhờ đó có thể kiểm soát được sự gian dối nếu có, và biết được những thương binh đã qua đời.

Căn chung cư của chị đầy kệ, tủ chất đầy các phiếu thương binh, được chia theo từng tỉnh, mỗi tỉnh lại xếp loại nặng, nhẹ và cách để tìm hồ sơ cá nhân là theo số quân, tên thương binh hay tỉnh nơi cư ngụ.
Chị Huỳnh Thị Nguyệt cho biết gần đây số anh em thương binh đau yếu phải vào bệnh viện khá nhiều, và số chết cũng không ít. Chỉ trong hai tuần qua, ở riêng vùng III Chiến Thuật đã có 20 thương binh chết và 7 trường hợp vào bệnh viện. Hiện nay, mỗi thương binh qua đời đều được hội cấp $200.00 và $300.00 cho những người có chứng từ phải vào bệnh viện. Chị cũng được một thương binh nhẹ đang ở Saigon giúp đỡ hội theo dõi, điện thoại cho thương binh khi cần kiểm soát, nên tình trạng gian dối không xảy ra.

Không rõ, thời gian chị dành cho Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH một ngày là bao nhiêu, nhưng nhìn những kệ hồ sơ ở nhà chị và thư từ ngập trên bàn làm việc, tôi nghĩ ngoài thời gian ăn uống nghỉ ngơi, tâm trí và thời giờ của chị đổ hết vào 8,000 hoàn cảnh thương binh này.
Nhiều khi chị Huỳnh Thị Nguyệt cũng cảm thấy mệt mỏi, nhất là sau ngày “Chị Cả Hạnh Nhơn” qua đời, chị cũng muốn buông bỏ công việc, nhưng bây giờ biết trao cho ai tất cả những hồ sơ này. Lúc bà Hạnh Nhơn còn sống, ai cũng sợ làm “Chị Cả” buồn, lại thêm tình thương và trách nhiệm đối với thương binh ở quê nhà đang còn dang dở, nên chị cũng “ngậm buồn làm vui,” nghĩ mình còn mạnh khoẻ được ngày nào thì lo cho thương binh ngày ấy.
HP 5/2017