Menu Close

Táo bón

Tôi là Hoang Lang năm nay 77 tuổi, dạo này tôi không đi cầu được cứ phải dùng thuốc bơm hay uống thuốc mới đi được, tôi cảm thấy phân không xuống trực tràng.

Cách đây 5 năm tôi đi soi ruột nhưng không có gì, bây giờ tái phát. Tôi có ăn nhiều rau và uống nhiều nước nhưng không có kết quả. Mong bác sĩ chỉ dẫn.

Đáp

Chúng tôi rất thông cảm với tiên sinh về khó khăn táo bón này. Vậy xin góp ý như sau.

Ở người cao tuổi, táo bón thường do sự tổng hợp của nhiều yếu tố gây ra.

1-Chế độ ăn uống.

Một khẩu phần không cân bằng, nhiều chất béo, ít chất xơ, ít nước là nguy cơ thông thường của táo bón. Ngoài ra, táo bón dễ xảy ra nếu người cao tuổi không nhai kỹ thức ăn,vì răng lợi hư hao, khó khăn khi nuốt. Các cụ ta vẫn nói để dễ dàng chuyển hóa, bài tiết, thức ăn cần được nấu kỹ, nhai kỹ và tiêu hóa kỹ.

2- Tác dụng phụ của dược phẩm.

Nhiều loại dược phẩm làm giảm sự thư giãn hay co bóp của cơ thịt trong ruột, đưa tới trở ngại sự lưu hành của chất bã.

Ðó là các thuốc trị bệnh tâm thần (Thorazine, Haldol, Elavil…), thuốc có chất sắt, calcium, thuốc chống viêm, thuốc thông tiểu tiện.

Thêm vào đó, quý vị cao niên thường uống nhiều thứ thuốc một lúc nên việc đào thải chất bã tiêu hóa lại càng khó khăn hơn.

3- Các bệnh làm suy nhược thần kinh, trì hoãn chức năng co bóp, đun đẩy của ruột già như bệnh nhân Parkinson, tiểu đường, tai biến động mạch não, nhất là khi bị chấn thương thần kinh xương sống.

4- Bệnh tâm thần.

Trầm cảm, sa sút trí tuệ làm giảm tống xuất phân ở hậu môn. Nguyên nhân có thể do tác dụng phụ của các thuốc trị bệnh hoặc người bệnh đôi khi tỉnh bơ không để ý tới thôi thúc mót đi cầu.

4- Sự bất động, tĩnh tại của cơ thể.

Cơ thể nằm im không cử động khiến cho ruột, hoành cách mô giảm co bóp, phân chậm di chuyển, đưa tới tình trạng táo bón. Sự vận động cơ thể làm tăng chuyển động của ruột.

Ngoài ra ung bướu ruột, giảm năng tuyến giáp, giảm potassium, cao calcium trong máu cũng là những nguy cơ đưa tới táo bón.

Trước hết cần loại bỏ một định kiến thường thấy ở một số người là phải đại tiện mỗi ngày mới tốt, mới bình thường. Người cao tuổi đi cầu mỗi hai hoặc ba ngày một lần là tốt rồi.

Ðiều quan hệ là tạo ra một thói quen về đại tiện. Mỗi ngày dù không mót cũng vào cầu tiêu cùng giờ, nhất là 1/2 giờ sau khi ăn sáng, thức ăn kích thích ruột và bao tử. Phòng vệ sinh tiện nghi và riêng tư để có thoải mái cho nhu cầu. Thói quen này cũng khuyến khích bệnh nhân để ý và đáp ứng tới dấu hiệu mót đi cầu.

Khi mót cầu thì đi ngay vì nếu trì hoãn, phân nằm lâu trong ruột, bị ruột hút hết nước thành khô cứng khó đẩy ra.

Ngồi chồm hổm kiểu ỉa đồng của ta là tốt nhất hoặc ngồi trên bàn cầu, đặt chân lên cái ghế thấp để tăng áp lực trong bụng, người ngả về phía trước, bàn tay đè vào bụng dưới.

Các loại thuốc giúp đi cầu dễ dàng nhưng cũng có nhiều nhược điểm nếu lạm dụng. Khi dùng quá thường, quá độ, thuốc nhuận tràng sẽ đẩy khỏi cơ thể những chất bổ dưỡng, sinh tố trước khi các chất này được ruột hấp thụ; làm tăng sự bài tiết nước, sodium, potassium.

Dùng lâu sẽ thành quen, khiến cơ thịt ở ruột yếu, không hoạt động hữu hiệu cho nên khi ngưng thuốc, táo bón thành trầm trọng hơn.

Dùng nhiều quá có thể bị tiêu chảy và cũng có thể ảnh hưởng tới công hiệu của các dược phẩm trị bệnh khác.

Sự lựa chọn thuốc chống táo bón cần được sự tham khảo và hướng dẫn của bác sĩ, căn cứ vào nguyên nhân gây táo bón, các bệnh đang có, các thuốc đang uống, phí tổn cũng như tùy theo sở thích của người bệnh.

Lời khuyên chung của các chuyên viên y tế là một đôi khi dùng thì thuốc nhuận tràng sẽ an toàn nhưng thuốc không phải là thay thế lâu dài cho một chế độ ăn uống lành mạnh, một nếp sống chừng mực, có vận động cơ thể. 

Làm sao tránh nhiễm độc thực phẩm ở nhà?

Ở nhà, nhiễm độc thực phẩm thường do các vi khuẩn gây ra. Nên nhớ rằng vi khuẩn có khắp mọi nơi trong nhà, nhất là ở trong bếp. Ống thoát nước dưới chỗ rửa chén bát là ổ chứa vi khuẩn rồi đến miếng xốp để rửa bát đĩa.

Trong thịt cá rau trái mà ta mua về cũng có lẫn vi khuẩn. Nấu nướng không kỹ, cất giữ không cẩn thận, ăn uống không vệ sinh cá nhân là nguyên nhân đưa tới trúng độc thực phẩm.

Ðể tránh rủi ro này, ta có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa như sau dây:

a-Giữ gìn bếp núc, các đồ nấu nướng sạch sẽ. Rửa tay với xà bông, nước nóng trước và sau khi làm món ăn, trước và sau khi ăn. Không để thức ăn đã nấu và chưa nấu lẫn lộn. Rửa dao thớt sau khi dùng để cắt thái một món ăn. Lau chùi bếp sạch sẽ.

b-Ðừng để thức ăn đã nấu chín ở ngoài phòng quá 2 giờ. Thức ăn còn dư để trong tủ lạnh ngay.

c- Thực phẩm mới mua về cần để nơi mát lạnh để tránh hư thối, nhiễm trùng.

Nổi mề đay

Thưa bác sĩ,

Em bị bệnh nổi mề đay, cả ngày rất ngứa. Xin bác sĩ cho biết dùng thuốc thoa gì cho đỡ ngứa?

Đáp

Nổi mề đay là bệnh ngoài da gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh rất khó chịu và gây ra các triệu chứng như ông nói là ngứa trên da. Ngứa rất thần sầu và càng gãi nó càng ngứa.

Vết mần trên da xuất hiện thành từng đám, lớn nhỏ khác nhau và thường có mầu hồng.

Có nhiều nguyên nhân gây ra mề đay như dị ứng với thời tiết lạnh, do thực phẩm, stress lo âu, đôi khi do di truyền. Mề đay thường thấy ở phụ nữ nhiều hơn là nam giới.

Ðể điều trị mề đay, ta có thể dùng mấy loại thuốc thoa ngoài da mua không cần toa bác sĩ như Calamine lotion hoặc uống thuốc kháng histamine như Benadryl.

Ðể phòng ngứa, tránh tiếp xúc với các nguyên nhân gây ra bệnh như thời tiết lạnh, xúc động mạnh…

NYÐ