Chiến tranh Việt Nam đã lùi xa trong thời gian. Xa nhưng còn ghi dấu đâu đó – trên những trang viết, những khúc phim, những bức ảnh, bài ca… Và trong trí nhớ của nhiều người.
Hồi tưởng lại, thời ấy biết bao thanh niên của nước Mỹ này chấp nhận lên đường làm nhiệm vụ. Họ phần lớn là những người tình nguyện, như giấy trắng mực đen còn ghi rõ. Một sớm họ bước lên phi cơ với ý thức trong trắng, trong khi trong hồn còn vang lên những khúc nhạc của Beatles. Ở Việt Nam, họ đã trải qua một cuộc chiến khốc liệt và những đêm đầy ác mộng. Ðể rồi khi trở về rách rưới lang thang, còn sợ bị bọn phản chiến chửi rủa. May thay, những người họ gặp không phải tất cả đều là Jane Fonda, hay những trí thức khuynh tả… Có những thanh niên ở trong các dom đại học đã thông cảm với người lính trở về từ chiến trường Việt Nam, mở rộng lòng cảm thông, chia sẻ. Như những chàng trai từ sao Hỏa trong câu chuyện sau đây. Mời các bạn đọc lại câu chuyện để hiểu thêm về những người trẻ thời ấy. NS
Việt Nam đã ở đằng sau tôi với những cơn ác mộng. Trở về, tôi đã lên cơn điên khiến bạn bè và gia đình sợ hãi, tức giận. Thế rồi tôi bước lên xe và lái đi.
Từ Connecticut, tôi lái xe ngoằn ngoèo về phía Nam cho tới khi tôi thấy mình đang ở một nơi nào đó khoảng giữa Florida, trên một con đường hai lanes, với một bình xăng đã gần cạn và cái ví tiền rỗng không. Ðây chính là lúc tôi làm quen với tiệm cầm đồ.
Ở Bartow, ngay giữa tiểu bang, tôi tìm thấy một nơi như vậy. Tôi quyết định hy sinh cái máy nghe băng Akai hầu như còn mới tôi đã mua ở nước ngoài. Cái máy đó tôi phải mua với giá 200 đô la trong khi lương tháng của tôi chỉ có 215 đô. Gã thanh niên làm việc trong tiệm cầm đồ bằng lòng trả tôi 15 đô la. Anh ta bảo tôi nên đem cái máy đến Ðại học Florida Southern College ở Lakeland và bán cho một sinh viên nào đó. Tôi nghe lời khuyên của anh ta và lái xe đi.

Chiếc Mustang đốt hết hơi xăng còn lại trong bình khi tôi dừng lại bên một tòa nhà gạch của khu ký túc xá. Tôi chờ đợi điều tệ hại nhất xảy ra. Kinh nghiệm của tôi về mấy đứa sinh viên kể từ khi tôi đi lính trở về khá là bi quan. Tôi ghét phải nhận lòng thương hại của một đám người trẻ mà tôi hình dung ra là để tóc dài, ăn mặc lôi thôi, cà chớn cà cháo mà lại tỏ ra mình là quan trọng.
Có hai chàng tiến tới gần tôi khi tôi đang đứng bên chiếc xe của mình, phân vân không biết phải làm gì. Họ mặc sơ mi cài nút cổ, có vẻ tha thẩn, đầu để tóc ngắn và mỉm cười nhìn tôi.
– Ồ, chúng tôi thích cái xe của anh.
– Vậy hả? Cảm ơn.
– Anh có phải là sinh viên không? Họ hỏi một cách lễ phép. Nhìn sơ qua, ba người chúng tôi cũng khá giống nhau: cũng hai mươi tuổi, đứng bên chiếc xe mui trần phân khối lớn ở gần khu cư xá đại học. Thật ra, sự khác biệt quá lớn. Họ là những người học để ra trường và đang mơ mộng một tương lai tươi sáng. Tôi thì lang thang vô vọng, cố gắng rũ bỏ ý nghĩ bằng cách nào để tước đoạt vũ khí từ trong tay một kẻ địch đã chết.
Tôi giải thích cho hai chàng thanh niên rằng tôi không phải là sinh viên và cho họ biết ý muốn của tôi là muốn bán một cái máy chạy băng. Họ nói cho họ xem máy.
“Anh kiếm cái máy này ở đâu vậy?” Họ hỏi vì muốn biết chứ không có ý nghi ngờ gì.
“Ở Việt Nam…” Tôi chờ đợi một đám mây trong con mắt họ. Sự thành thật lễ phép của họ đối với tôi không hề suy giảm. Một trong hai người nói hắn và anh hắn có thể muốn mua cái máy Akai và bảo tôi có thể chờ hắn tìm ra anh hắn không. Tôi đồng ý.
Hai anh em và tôi đồng ý giá cái máy là 100 đô la. Cuối cùng họ thành thật xin lỗi là chỉ góp nhặt được có 90 đô thôi. Ðồng thời trong lúc đó hai anh em và những người bạn sinh viên hỏi tôi về những kinh nghiệm trong chiến tranh. Ðiều khiến tôi ngạc nhiên là những câu hỏi của họ không có vẻ thù địch. Rõ ràng họ thành tâm muốn có những kiến thức trực tiếp để so sánh với luồng thông tin được lọc qua bộ máy chính phủ do báo chí và truyền hình cung cấp.
Câu chuyện của chúng tôi tiếp tục qua nhiều tiếng đồng hồ. Tôi giải đáp thắc mắc của cả chục nam sinh viên trong khi chúng tôi ăn tối với nhau. Sau đó các bạn ấy hỏi tôi là muốn tắm táp và ở lại trong dom của họ không. So với việc tắm trong một cái ao bên đường và ngủ trong chiếc Mustang thì đây quả là một ý kiến tuyệt vời.
Hai mươi phút tắm nước nóng đã gột sạch bụi đường trên người tôi cũng như rũ sạch những lo ngại từ trước tới nay. Nhưng còn hơn cả thức ăn và vòi nước nóng, quả là điều tuyệt vời khi được nói chuyện với những người thật sự coi trọng những việc tôi đã làm. Tôi vẫn chờ đợi một chiếc giày nữa ném đến mình hoặc là một lời thống trách quen thuộc: “Ðồ giết người. Thằng điên. Mày phải biết nhiều hơn thế chứ.” Ðiều này đã không xảy đến.
Căn phòng ký túc xá của hai anh em đông chật những khuôn mặt sáng sủa và tò mò. Những câu hỏi cứ thốt ra, nhiều câu một lúc và luôn luôn tỏ ra hiểu biết. Tôi không nghĩ rằng nước Mỹ vẫn còn có những thanh niên như thế này. Tôi cứ nghĩ rằng họ từ Sao Hỏa tới.
Chúng tôi nói chuyện mãi tới quá nửa đêm. Tôi đã cố gắng giữ khách quan và không thiên vị. Họ ngạc nhiên khi biết rằng trong nhiều trường hợp chúng tôi không được phép nổ súng trước. Và nếu làm như thế chúng tôi có thể ra tòa án quân sự. Họ đã tỏ vẻ không tin khi tôi miêu tả cho họ thấy chúng tôi đã phải đi qua từng nhà để tách những phần tử tốt ra khỏi những tên ác độc. Tôi nói cho họ biết là chúng tôi đã không giết hết tất cả những người vừa nói như tin tức thường loan. Ở Mỹ, vào năm 1968, đó mới đích thực là tin tức.
Họ căng tôi ra cho tới mặt trời mọc. Cuối cùng tôi phải cáo lỗi rằng tôi cần phải chợp mắt. Mọi người bắt tay tôi và lễ phép rút lui.
Buổi sáng, họ yêu cầu tôi ở lại. Tôi bị quyến rũ. Có lẽ tại đây, giữa những chàng trai của Sao Hỏa, tôi có thể trút bỏ những ký ức đau khổ của mình. Nhưng rồi cuối cùng, tôi quyết định đi. Bây giờ thì tôi giàu hơn cả số 90 đô la tôi có, và tôi nhốt những bóng ma lại, nói lời từ giã…
NS – theo Joe Kirkup