Hữu Loan và thời đại của mình
Hữu Loan nổi tiếng với những bài thơ Tình Thủ Đô, Màu Tím Hoa Sim, Đèo Cả… Ông sinh năm 1916 và mất năm 2010. Quê làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Kháng chiến chống Pháp, Hữu Loan tham gia quân đội Nhân dân Việt Nam, phục vụ trong Đại đoàn 304. Sau năm 1954, ông làm việc tại Báo Văn nghệ trong một thời gian. Trong thời gian1956-1957, ông tham gia Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm do nhà văn Phan Khôi chủ trương. Ông sáng tác những tác phẩm lên án thẳng thắn và quyết liệt đến những tiêu cực của các cán bộ cộng sản nịnh hót, đố kỵ, ám hại nhau… như tác phẩm Cũng những thằng nịnh hót và truyện ngắn Lộn sòng . Trong tác phẩm của mình, ông coi mình là nạn nhân của xã hội cộng sản và phê phán xã hội này một cách kịch liệt.
Sau khi phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị dập tắt vào năm 1958, nhà thơ Hữu Loan phải vào trại cải tạo, tiếp đó bị giam lỏng tại địa phương suốt nhiều chục năm không được góp tiếng nói hay tác phẩm với đời. Ông kiên cường chịu đựng nghèo khó mà không hề cúi đầu trước thế lực của những người trước đây là đồng chí nhưng nhìn ông với đôi mắt thù hằn lẫn ngờ vực. Ông sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá, thồ đá… Cuối đời Hữu Loan về sống tại quê nhà và qua đời ở đây năm 2010, hưởng thọ 95 tuổi.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Thụy Kha về nhà thơ Hữu Loan. Là nhà thơ nhưng Hữu Loan đứng bật dậy không khoan nhượng với chế độ. Nói theo cách nói của Nguyễn Thụy Kha thì Hữu Loan là người đi bộ ngược chiều. Chiều của dòng chảy thuần tính xã hội chủ nghĩa, chiều của a dua hay im lặng. Chiều của muôn vàn cái ác cái xấu nay đã trở thành bình thường và được nhiều người dửng dưng chấp nhận.
Nguyễn và bạn hữu
Hữu Loan người đi bộ ngược chiều
Thống nhất đất nước, tôi trở về Hà Nội. Qua tiếp xúc với Ðặng Ðình Hưng, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Ðạt, Trần Dần… và nhất là Văn Cao, tôi mới biết được khí phách của “người đi bộ ngược chiều” này. Văn Cao kể rằng sau vụ “Nhân văn Giai phẩm”, Hữu Loan có quyết định giống như Nguyên Hồng là về quê. Nguyên Hồng về ấp Cầu Ðen là để viết tiếp những dự định tiểu thuyết của mình. Còn Hữu Loan thì đoạn tuyệt hẳn với nghề viết. Ông sắm xe đạp đi thồ đá ở Nga Sơn (Thanh Hoá quê ông).

Ðêm trước khi về quê, Hữu Loan và Văn Cao đã đi bên nhau trắng đêm quanh hồ Thuyền Quang. Bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu tâm sự, họ đã trút sang nhau cạn kiệt đến thanh thản. Ðêm ấy đã gợi cho Văn Cao viết bài thơ “Cạn”: “Những tiếng gà lên/ Rụng hết, những ngôi sao cuối/ Tiếng kêu ở trong tôi/ Có xót xa có cả vui mừng/ Tiếng kêu của một khúc thép đỏ/ Trong chậu nước…”
Mùa thu 1987 là mùa thu Hữu Loan ra Hà Nội. Chính mùa thu ấy, tôi mới thực kiến diện “người đi bộ ngược chiều”. Hữu Loan vui mừng với thời đổi mới bằng việc mang ra một tập thơ mang tên “Màu tím hoa sim” với những bài thơ lừng danh một thời như “Ðèo cả”, “Hoa lúa”, “Những làng ta đi qua”, “Nguyễn Sơn”, “Quách Xuân Kỳ”… Những cuộc rượu đầm đìa nước mắt của cố nhân gặp cố nhân. Những ngày ấy, khi ông ở nhà tôi, khi ông ở nhà anh Chu Thành (tức Tú Sót). Anh em hàn huyên bao chuyện không dứt. Hữu Loan cũng là một “tiên tửu”. Càng say, ông càng vuốt những sợi râu cước oai phong và đọc vang Ðường thi. Ông có lối dịch thơ Ðường cũng khác người. Ông ngông đến mức không biết giữa ông với tiên sinh Tản Ðà, ai hơn ai kém. Chất chứa trong lòng bao nhiêu ẩn ức, vậy mà tiếng cười Hữu Loan vẫn trong vang, sảng khoái. Tiếng cười của người thồ đá.

Có một đêm uống rượu khá say ở nhà ông Chu Thành, tôi dìu ông ra vỉa hè đường Bà Triệu và sau đó đi bộ về Hàng Bông. Vừa đi tôi vừa ngẫu hứng từng câu thơ trong cuộc “đi bộ ngược chiều” đó: Khoác vai nhau đi/ngược đường Bà Triệu/Người ba mươi năm trước/người hôm nay/Không khoảng cách/Anh thầm thì sợ lạc/như từng lạc/Khiến tôi đang say/chợt tỉnh/rồi lại say/Nếu là ôtô/Là môtô/Là xe đạp/sẽ bị tuýt còi ngay/Nhưng ngược chiều là hai người đi bộ/Những bước chân chẳng nói được gì về tốc độ/Trong đầu họ những tứ thơ vụt bay/Hai người/hai thế hệ/cách nhau ba mươi năm/vẫn đang cùng sóng đôi/Ði ngược chiều đường Bà Triệu/Trong đêm ai dõi nhìn có hiểu/Họ sẽ cùng đi tới sáng bằng lối này/Ngỡ ông say không nghe, vậy mà hết bài thơ, ông nắm chặt tay tôi. Không nói/ Lại bước tiếp.
Cứ thế, ông đã là “người đi bộ ngược chiều” cho đến hôm nay khi bước vào tuổi 95. Giống như mẹ tôi khi mất, ông đã sống thọ theo cách nói của hôm nay là “đá bù giờ sau phút”, đã ngừng hành trình của “người đi bộ ngược chiều”, tạc lại đời một khí phách Hữu Loan.
NTK
Người viết được gặp và ngồi uống rượu với Hữu Loan một lần sau năm 1982 tại nhà Hà Thượng Nhân gần khu Nhà Thờ Ba Chuông. Cuộc họp mặt có Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Trung Dũng. Sau đây là một bài thơ viết cho Hữu Loan.
Kẻ sĩ nga sơn
sáng. quẩy níp lên nương
canh gà. treo. điếm cỏ
chuôi cày. bóng. mặt trăng
đất vun. sóng sông mã
kẻ sĩ. miền nga sơn
một túp lều. xiêu xó
chờ cơn giông. đọc thơ
điếu cày. reo. tiếng đục
lửa bếp tàn. sương khuya
thơ bay. đồi hoa gạo
ối đỏ. đầy quán không
xứ xứ. hồn u khốc
ngày kêu. ngoài bãi sông
cát bồi. mây núi sụt
nước cuốn phăng mấy làng
trời một vùng châu thổ
đêm. nghe tiếng hổ. gầm
gió mùa. về châu thổ
nhà trống tuếch. trống toang
dậy bóng đoàn thu sản
che khuất một vầng trăng
sông mã. trôi. sông mã
nguồn cao. sóng réo gầm
người túa ra sân ga
người lang thang. phố chợ
thân gầy. áo rách tươm
khất đồng tiền của quỷ
mẹ bán con làng bên
mai này con hết khổ
chó nhà ai đi hoang
nửa đêm về cào cửa
đời siết mấy dây oan
tóc râu. như lão tử
trùm lên bóng trâu xanh
mài bút. viết bi ký
rau dưa. khổ. thánh hiền
sông mã. trôi. sông mã
xa rồi. trời phương nam
trông vầng trăng châu thổ
còn nghe. sóng biếc. gầm
NXT – 1988