Menu Close

Nhiều tổ chức kêu gọi trả tự do cho Mục Sư Nguyễn Công Chính

NGUỒN TIN: RFA

Mục Sư Nguyễn Công Chính, và gia đình ông bị chính quyền Việt Nam tra tấn. Ảnh: Danlambao - blogger
Mục Sư Nguyễn Công Chính, và gia đình ông bị chính quyền Việt Nam tra tấn. Ảnh: Danlambao – blogger

Hai mươi sáu tổ chức và cá nhân hoạt động vì quyền con người cùng ký tên trong lá thư ngỏ, kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do vô điều kiện ngay lập tức cho tù nhân lương tâm, là Mục Sư Nguyễn Công Chính. Họ cũng yêu cầu chính quyền phường Hoa Lư, Thành Phố Pleiku,  tiến hành điều tra độc lập, thực chất về những tố cáo cho thấy Mục Sư Nguyễn Công Chính bị đối xử tàn tệ trong nhà thù; vợ của ông là bà Trần Thị Hồng, cũng bị tra tấn. Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế- Amnesty International có trụ sở tại Anh Quốc, đã công bố bức thư ngỏ nêu trên trong ngày hôm qua. Họ cũng yêu cầu chính quyền địa phương phải bồi thường thiệt hại cho ông bà Mục Sư Nguyễn Công Chính.

Công an đến nhà lục soát, bắt giữ Mục Sư Nguyễn Công Chính. Ảnh: Diễn Đàn CTM - blogger
Công an đến nhà lục soát, bắt giữ Mục Sư Nguyễn Công Chính. Ảnh: Diễn Đàn CTM – blogger

Bức thư ngỏ đề ngày 23 tháng 5 gửi đến Chủ Tịch Việt Nam Trần Đại Quang, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn thị Kim Ngân. Nhóm gửi thư cho biết, họ tiếp tục theo dõi tình hình của tù nhân lương tâm Nguyễn Công Chính và vợ ông là bà Trần Thị Hồng. Hoạt động này sẽ được thực thi cho đến khi Mục Sư Nguyễn Công Chính được trả tự do; những cáo buộc hình sự đối với ông được giải bỏ thông qua tiến trình pháp lý phù hợp.

Mục Sư Nguyễn Công Chính ra tòa án Gia Lai, ngày 26/3/2012. Ảnh: RFA
Mục Sư Nguyễn Công Chính ra tòa án Gia Lai, ngày 26/3/2012. Ảnh: RFA

Được biết năm 2012, Mục Sư Nguyễn Công Chính thuộc Hội Thánh Tin Lành Lutheran Việt Nam, bị kết án 11 năm tù giam với cáo buộc ‘phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia,’ theo điều 87 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam. Mục Sư Nguyễn Công Chính bị giam giữ một cách tùy tiện, bị tuyên án tù chỉ vì thực thi quyền tín ngưỡng, cũng như các quyền tự do tư tưởng, tự do bày tỏ một cách ôn hòa.