Menu Close

Lời dối trá của Trung Cộng

Đôi tuần trước, Diễn Đàn “Vành Đai và Con Đường” được tổ chức tại Bắc Kinh, Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Cộng cam kết sẽ đầu tư  khoảng 124 tỉ đô la trong việc “thúc đẩy hợp tác kinh tế và tự do mậu dịch” trong chiến lược toàn cầu hóa của mình. Đây là một chiến lược tích cực trong việc phát triển khu vực và thế giới nói chung (!?) hay đây là một trong những sách lược mà Trung Cộng đề ra nhằm tạo ảnh hưởng cho vị thế chính trị thế giới của mình qua chiêu bài kinh tế? Là gì thì liệu Trung Cộng có đủ sức lực, đủ vai trò và thực tâm để thực hiện những điều này? Trên tạp chí The Week, ký giả Pascal-Emmanuel Gobry đã bình luận về vấn đề này, chuyên mục xin dịch và giới thiệu với các bạn trên số báo hôm nay.

loi-doi-tra1
Hí họa của Paresh (nguồn www.asiaoberver.org)

Pascal-Emmanuel Gobry

Ðinh Yên Thảo dịch

Cuối tuần trước, Trung Cộng đã tổ chức “Diễn Ðàn Vành Ðai và Con Ðường” (Belt and Road Forum) với sự quy tụ của 30 quốc gia. Trong bài phát biểu của mình, họ Tập cam kết tài trợ cho dự án Một Vành Ðai Một Con Ðường (One Belt One Road), một dự án xây dựng hạ tầng liên quan đến các quốc gia khắp Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Tập cũng kêu gọi các quốc gia hợp tác với Tập trong việc toàn cầu hoá.

Như một trường hợp trong hầu hết các diễn đàn quốc tế, điều này chính yếu là một cú quảng bá. Nhưng cú quảng bá này nhắm đến các mối quan hệ quốc tế và toàn bộ vụ việc phần lớn là gián tiếp nhắc đến một người: Donald J. Trump.

Ðây là chân dung một Trung Cộng mà họ Tập đang cố hy vọng vẽ ra:

“Trong khi nền kinh tế Hoa Kỳ đang trì trệ dưới thời Trump, Trung Quốc là một siêu quyền lực kinh tế đang trỗi dậy. Trong khi Mỹ ném bom bên trái, bên phải, Trung Quốc không có ý gây hại gì cho bất cứ ai (tất nhiên trừ khi “bị khiêu khích”) và cam kết cả 100 tỷ đô la cho các ngân hàng phát triển. Trong khi Hoa Kỳ triệt thoái khỏi sự toàn cầu hóa dưới thời của Trump, Trung Quốc vẫn giữ sự cởi mở, thân thiện, cổ vũ cho những lợi ích của việc tự do mậu dịch. Trong khi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thất thường, khó lường và mang chủ nghĩa dân tộc,  lãnh tụ Trung Quốc  là chiến lược gia, kỹ trị những vấn đề tăng trưởng kinh tế và phát triển chung”.

Tất nhiên, đây toàn là những điều nhảm nhí.

Nền kinh tế Hoa Kỳ  chưa có thể  khá hơn nữa, nhưng nó cũng chẳng tệ gì. Hơn thế, nó vẫn là nền kinh tế hiệu năng lớn nhất trên trái đất này, những tiểu bang nghèo nhất vẫn còn giàu hơn cả Ðức và Thụy Ðiển (Chú thích KTT: tác giả dựa theo nghiên cứu của các kinh tế gia khi so sánh các nền kinh tế Châu Âu và các tiểu bang Hoa Kỳ dựa theo thu nhập, sức mua và chỉ số đắt đỏ). Trong khi đó, còn xa Trung Cộng mới đạt đến chuyện siêu cường kinh tế, thì họ đang ngày càng chứng tỏ có thể bị chia thành hai quốc gia khác nhau: một quốc gia phát triển với khoảng 50 đến 100 triệu người kèm chung với một quốc gia nghèo đói cả tỷ dân. Trong khi không thể phủ nhận là Trung Cộng có một phần tăng trưởng thật sự nào đó, còn hầu hết là  nền kinh tế bong bóng –  bong bóng thị trường chứng khoán, bong bóng tín dụng, bong bóng bất động sản và các dự án đồ sộ đầu voi đuôi chuột do nhà nước quản lý. Hoa Kỳ từng là đầu máy kinh tế của thế giới bao thời nay, bất luận điều gì khác bạn có thể nói về Trung Cộng, nó không có cửa để thay thế vai trò của Hoa Kỳ.

loi-doi-tra
Hí họa của Heng (www.nytimes.com)

Trong khi đó, với khái niệm “sự trỗi dậy ôn hòa” mà Trung Cộng đang rêu rao, rằng dù quyền lực của họ đang gia tăng nhưng họ không có ý tấn công bất cứ ai, thì sẽ nghe tiếng cười gượng gạo của các quốc gia lân bang ra sao. Hãy xem vấn đề biển Ðông mà Trung Cộng qua mặt cả Công pháp Quốc tế thì biết. Trung Cộng tuyên bố rằng họ muốn là một người tốt trong mắt quốc tế (!?).

Trong vấn đề thương mại, trong khi Trung Cộng và Hoa Kỳ có vẻ như ở hai mặt đối nghịch, thì trên thực tế chúng cũng giống nhau: Dưới quyền Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ nói về việc kiềm chế tự do mậu dịch, nhưng đến nay vẫn chưa làm gì. Trong khi đó, họ Tập tuyên bố về tự do mậu dịch, thì Trung Cộng cũng chẳng làm gì. Họ kiểm soát vốn nghiêm ngặt, cắt giảm đầu tư nước ngoài và trợ giá cho xuất cảng, thao túng tiền tệ, chính phủ và các ngân hàng quốc doanh ngầm bơm tiền cho những công ty xuất cảng. Bất kể sự lợi hại trừu tượng giữa tự do mậu dịch với bảo hộ mậu dịch ra sao, chẳng thể nói rằng Trung Cộng thực sự đang tham gia vào tự do mậu dịch.

Cuối cùng, trong khi đúng là lãnh đạo Hoa Kỳ cũng có phần chưa hợp lý và khó lường còn Trung Cộng thì không, họ Tập là một kẻ theo chủ nghĩa dân tộc. Khác các lãnh tụ tiền nhiệm, những kẻ cũng muốn quyền lực độc đoán nhưng có xu hướng tìm sự đồng thuận từ nhiều cấp quốc gia để ra quyết định, thì  họ Tập tập trung quyền lực cho mình một cách tinh vi kể từ sau Mao. Ðiểm trên hết, kiểu quyết định của họ Tập chỉ dẫn Trung Cộng vào tình thế nguy hiểm của việc phân rã, cũng như  việc thiết lập một tinh thần sùng bái dân tộc thông qua tuyên truyền của nhà nước sẽ chỉ dẫn Trung Cộng lùi về một quá khứ độc tài.

Vấn đề là, bất kể có vấn đề gì với Ông Trump và bạn nghĩ về Trung Cộng ra sao, đừng tin vào những sự cường điệu này. Về mặt quảng bá thương hiệu, Ông Trump là sự tương phản hoàn hảo cho Trung Cộng, là một cơ hội để Trung Cộng rêu rao rằng Hoa Kỳ đang sa sút và hỗn loạn trong khi giới cầm quyền của Trung Cộng vẫn kiên trì cho chiến thắng trong tương lai. Và nhiều người phương Tây tin vậy.

PG – ÐYT  dịch