Menu Close

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc

Trong một bài trước của mục này, người viết đã có nhắc sơ qua về vai trò phát ngôn viên Toà Bạch Ốc, được cho là một trong những công việc khó khăn nhất trong các giới chức cao cấp của chính phủ. Đặc biệt, vai trò phát ngôn viên Toà Bạch Ốc hiện nay lại càng khó khăn gấp bội, là vì có thể nói từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức đến nay, hầu như không ngày nào là không có những tin đồn, tin rò rỉ…, làm cho các cuộc họp báo thường nhật tại Toà Bạch Ốc trở thành những cuộc đối chất giữa báo giới và người phát ngôn viên này.

phat-ngon-vien-toa-bach-oc1
Tuỳ viên Báo chí Toà Bạch Ốc Sean Spicer nguồn UPI.com

Chức vụ này có tên chính thức là Tuỳ viên Báo chí Toà Bạch Ốc (White House Press Secretary), là một trong những chức vụ cao cấp với trách nhiệm chính là đóng vai phát ngôn viên cho Tổng thống Mỹ và Toà Bạch Ốc. Chức vụ này do Tổng thống bổ nhiệm nhưng không đòi hỏi phải được thượng viện chuẩn thuận, mặc dù vậy nhưng lại là người thường xuyên đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc họp báo để truyền đạt các thông tin có liên quan tới công việc cũng như các chính sách của chính phủ tới báo chí, và qua đó là tới với người dân. Thế nên, chức vụ tuỳ viên báo chí tuy không nằm trong thành phần nội các chính phủ nhưng lại luôn được xem là một trong những chức vụ quan trọng nhất.

Là một phát ngôn viên Toà Bạch Ốc thì bắt buộc phải nắm rõ tất cả mọi thông tin có liên quan đến các chính sách của chính phủ và phải hiểu tường tận mọi vấn đề, vì vậy để chu toàn trách nhiệm của một phát ngôn viên không phải là công việc dễ dàng. Hơn nữa, vì không phải là thành phần nội các chính phủ, cũng như không phải là một cố vấn, nên thông thường tuỳ viên báo chí không được mời tham dự những buổi họp, nhất là những buổi họp quan trọng của các bộ. Do đó, để nắm được những thông tin quan trọng thì phải qua văn phòng chính của các bộ, mà ở mỗi bộ lại có một hai phát ngôn viên của riêng họ. Nếu như một tuỳ viên báo chí Toà Bạch Ốc tạo được mối quan hệ tốt đẹp với các bộ thì được họ đều đặn gửi các thông tin tới cho, còn không thì đôi khi họ cố tình gửi tới trễ hay không gửi tới đầy đủ các chi tiết quan trọng và chẳng may bị các phóng viên vặn hỏi mà trả lời không được, nhẹ thì bẽ mặt, nặng hơn thì bị mất điểm với Tổng thống, và nhiều khi trở thành câu chuyện đàm tiếu của dư luận.

phat-ngon-vien-toa-bach-oc
Diễn viên Melissa McCarthy trong vai Sean Spicer nguồn Business Insider

Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc từ trước tới nay vẫn luôn là nhân vật đầu tiên trong chính phủ phải hứng chịu những cơn bão dư luận thổi đến mỗi khi xảy ra những vụ bê bối hay những tin tức bất lợi. Tuỳ viên báo chí Toà Bạch Ốc Sean Spicer hiện nay là một trường hợp đặc biệt và hiếm hoi. Hầu như không tuần nào tên tuổi ông này không được báo chí nhắc đến, nếu không phải là những cuộc họp báo mà ông phải đối phó với những vụ bị báo chí khai thác từ những tin tức rò rỉ từ bên trong nội bộ thì cũng là những phát ngôn thiếu chính xác. Vụ nặng nhất có lẽ là trong lần họp báo vào đầu Tháng Tư, trong khi chỉ trích Tổng thống Syria Bashar al Assad đã sử dụng vũ khí hoá học giết dân, và để so sánh giữa al Assad và Hitler, Spicer cho rằng Hitler đã không hạ thấp mình đến độ sử dụng loại vũ khí nguy hiểm này. Phải chăng Spicer quên mất câu chuyện những người Do Thái ở Âu châu đã bị Hitler ra lệnh giết trong các phòng hơi ngạt tại các trại tập trung thời Thế chiến hai? Trong lần họp báo sau đó, khi một phóng viên nêu lại vấn đề này, Sean Spicer đã tìm cách chống chế và nói rằng Hitler chỉ dùng hơi ngạt để giết dân Do Thái chứ đâu có giết dân Ðức của ông. Câu trả lời của Spicer làm nhiều người thắc mắc là không biết ông này có hiểu rõ vấn đề hay không. Giết dân mình hay giết dân khác thì vẫn là tội giết người.

Chương trình Saturday Night Live của đài truyền hình NBC đã tạo ra nhân vật Sean Spicer và cho xuất hiện hàng tuần vào mỗi tối Thứ Bảy qua sự diễn xuất của nữ tài tử Melissa McCarthy đã mang lại cho thiên hạ những tràng cười bất tận.

Trước năm 1880 người ta thấy chưa cần phải bổ nhiệm một phát ngôn viên để giữ mối dây liên lạc giữa Tổng thống với những tờ báo thường hay theo dõi và đưa tin về Tổng thống. Nhưng rồi số giới chức làm việc tại Toà Bạch Ốc ngày một đông hơn, những người này lại thường xuyên gặp gỡ với những nhóm phóng viên chuyên nghiệp làm công việc săn tin tại Toà Bạch Ốc cũng mỗi ngày mỗi đông. Ðến lúc đó, một vài vị Tổng thống đã bắt đầu mướn một số phụ tá có kinh nghiệm về báo chí để những người này lo công việc chuyển tải thông điệp của Tổng thống tới người dân qua cửa ngõ báo chí.

Ví dụ trường hợp John Nicolay, thư ký riêng của Tổng thống Abraham Lincoln, từng là chủ bút và chủ nhân của một tờ báo ở Illinois trước khi làm việc tại Toà Bạch Ốc. Nicolay tương tác với báo chí trong suốt thời gian giữ chức vụ thư ký riêng của Tổng thống với nhiệm vụ là xác nhận các nguồn tin ít nhiều có liên quan tới chính phủ một khi được các nhà báo nêu lên. Nhưng cho đến thời điểm này Toà Bạch Ốc vẫn chưa có những cuộc họp báo thường nhật như chúng ta thấy ngày nay.

Cuối thời Tổng thống Grover Cleveland (1885-89, 1893-97), một tờ báo đầu tiên bắt đầu tường thuật những tin tức thường nhật từ ngay Toà Bạch Ốc. Lúc đó ông William Price đang thử việc phóng viên cho tờ Washington Evening Star và đã túc trực mỗi ngày tại Toà Bạch Ốc để phỏng vấn những khách ra vào toà nhà và tường thuật các câu chuyện này trong một cột báo dưới tựa đề “At the White House.” Những tờ báo đối thủ khác ngay sau đó cũng gửi phóng viên của họ tới để làm phóng sự và không lâu sau đã có một đội ngũ phóng viên luôn túc trực tại đây để tường thuật các bản tin hàng ngày về các hoạt động của chính phủ.

phat-ngon-vien-toa-bach-oc2
Họp báo tại Toà Bạch Ốc – nguồn Business Insider

Khoảng năm 1898, các phóng viên săn tin tại Toà Bạch Ốc được mời vào bên trong và còn được dành riêng một khu riêng biệt để viết tin và làm phỏng vấn. Năm 1902, Tổng thống Theodore Roosevelt đã ra lệnh cho xây luôn một khu vực cố định dành cho đội quân báo chí ở phía tây của toà nhà, mở ra thời kỳ mới với sự có mặt thường xuyên của báo chí tại Toà Bạch Ốc.

Thuật ngữ “Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc” lần đầu tiên được nội các của Tổng thống Calvin Coolidge (1923-1926) sử dụng như là nhân vật thay mặt Tổng thống để trả lời các câu hỏi của báo chí trong các cuộc họp báo mỗi ngày.

Dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt (1933-1945), Stephen Early trở thành tùy viên báo chí Toà Bạch Ốc (White House press secretary) đầu tiên với nhiệm vụ duy nhất được giao phó là gặp gỡ và trao đổi với các phóng viên trong những cuộc họp báo thường nhật tại Toà Bạch Ốc. Trước khi phục vụ cho Tổng thống, Early làm biên tập viên cho tờ Stars & Stripes và là phóng viên cho cơ quan thông tấn Associated Press. Do cách làm việc của Early là tiếp cận và xuất hiện trước ống kính của báo chí mỗi ngày, kể từ đó vai trò phát ngôn viên Toà Bạch Ốc càng ngày càng nổi bật, và nhiều khi trở thành tấm bia đỡ đạn đầu tiên của Tổng thống trong những vụ bê bối.

phat-ngon-vien-toa-bach-oc3
Phụ tá Tuỳ viên Báo chí Toà Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders trong buổi họp báo đầu tiên – Nguồn The Washington Post

Riêng đối với chính phủ của Tổng thống Donald Trump trong mấy tháng qua lại không thiếu những vụ việc rắc rối. Lùm sùm nhất có lẽ là vụ Trump sa thải cựu Giám đốc FBI James Comey vào đầu Tháng Năm, và chỉ trong ít ngày, từ Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc đến Bộ Tư pháp đến cá nhân Tổng thống, qua các cuộc họp báo cũng như phỏng vấn, đã đưa ra bốn năm lời giải thích khác nhau. Ðã thế, trong ngày đầu tiên họp báo để giải thích vụ việc trên, phát ngôn viên chính là Sean Spicer không xuất hiện mà để một phụ tá còn rất trẻ là cô Sarah Huckabee Sanders họp báo và đứng mũi chịu sào. Mặc dù là lần đầu tiên chủ trì một cuộc họp báo của Toà Bạch Ốc, cô phụ tá này đã trả lời rất mạch lạc, rõ ràng, và trong giọng nói có pha chút âm hưởng miền Nam rất đặc biệt. Sau cuộc họp báo trên, Sarah Huckabee Sanders bỗng dưng trở thành khuôn mặt sáng giá và dư luận không ngớt bàn tán cho rằng phía Toà Bạch Ốc đã cho Sanders thử việc để xem có thể thay thế Spicer được hay không.

Làm phát ngôn viên Toà Bạch Ốc, mặc dù là công việc khó khăn lại không có quyền hành, nhưng bù lại được nhiều người biết đến, thế nên từ trước tới nay, mỗi khi được Tổng thống bổ nhiệm, hầu như chưa có ai từ chối mà không nhận.

VH