Tháng 5, chưa phải mùa bão nhưng đối với người Việt sau biến cố 30 tháng 4, 1975, lại là tháng bắt đầu cơn bão lớn đưa người tị nạn ra biển khơi. Đầu tháng 5 ở Little Sàigòn tại phòng hội Việt Báo, họa sĩ Ann Phong đã mở một cuộc triển lãm với tiêu đề “Biển và Đời” quy tụ được rất nhiều khách thưởng tranh trong ba ngày cuối tuần. Riêng ngày thứ Bảy 6 tháng 5, 2017 có thêm tiết mục văn nghệ “Biển và lòng tôi” với bác sĩ Bích Liên và các ca sĩ Thương Linh, nhạc sĩ Đỗ Bằng Lăng, Hoàng Công Luận góp mặt. Ngày Chủ Nhật có một work shop do chính họa sĩ Ann Phong hướng dẫn.

Y Sa, là người dẫn chương trình đã giới thiệu nhà thơ Trần Dạ Từ chủ bút tờ Việt báo lên phát biểu cảm tưởng.
Ông chia sẻ cảm nghĩ của mình về tranh Ann Phong trong một giọng nhẹ nhàng, đầy chân tình. Ông tiết lộ mình không am hiểu hội họa nhưng lại thấy một cái gì lạ lắm khi xem tranh của Ann Phong. Dường như ấy là cuộc hành trình giữa con người và biển khơi trong đó có những trận đấu đầy sóng gió. Rồi ông nhận thấy sự chuyển hướng trong tranh của bà sang một cái gì tươi sáng hơn, trẻ trung hơn, đầy sức sống, để tạo nên một Ann Phong mới, trẻ trung, tươi hồng như ánh sáng ban mai.

Kế đó, họa sĩ Ann Phong đã đưa người xem vào thế giới tạo hình của mình bằng những dẫn giải:
“Khi nghe thi sĩ Trần Dạ từ nói về tranh của tôi, tôi rất xúc cảm. Khi xem tranh nó giống như nhìn một cô gái, tự nhiên thấy thương mà không biết thương chỗ nào. Hệt như ví dụ trên, nhìn một bức tranh thấy thích, mà không biết tại sao”
Bà cắt nghĩa sự khác nhau giữa nghệ thuật đương đại và nghệ thuật hội họa cổ điển ngày xưa trong lối vẽ diễn đạt rõ ràng, khác với lối vẽ trừu tượng ngày nay. Họa sĩ bây giờ vẽ cảm xúc và họ chỉ vẽ những gợi ý, do đó, người xem có thể xem tranh theo ý của mình và dĩ nhiên kết quả là nhiều người xem cùng một bức tranh, lại có những cảm nghĩ khác nhau. Trong loạt tranh trưng bày kỳ này, bà đã và đang cố gắng đi một hướng khác. Nó ngược lại những gì trước đây bà từng làm là dùng ít đi những màu rất đậm, rất dữ dội như bản chất bà. Lần này bà thay bằng những màu hồng, tím. Còn màu vàng bà dùng là màu da của người Việt, màu da của thuyền nhân, vì đường biển là con đường mà bà đến Hoa Kỳ. Tuy nhiên cá tính của bà vẫn còn đấy, đó cũng là cách mà bà muốn làm.

Ðiểm đặc biệt trong buổi ra mắt là, có rất nhiều những em học sinh trẻ mà bà đã mời đến từ các trường trung học Westminster HS và La Quinta HS. Mục đích chính là bà muốn bắc một nhịp cầu cho các em bước vào thế giới văn chương và nghệ thuật. Bà không quên nhắc nhở các em tha hồ hỏi và đóng góp ý kiến.
Bức tranh màu xanh biển lớn gây ấn tượng nhất cho phòng tranh, có lẽ là bức “Lives are like bubbles”. Nó tạo sự tương tác giữa người xem và người vẽ bằng cách, bạn chọn một trong những cái nút nhỏ hình tròn như bọt sóng có nam châm mà trên ấy có vẽ những con thuyền rất nhỏ. Bạn có thể đặt cái nút tròn tượng trưng cho con thuyền cuộc đời bạn vào bức tranh kia. Bạn sẽ hình dung ra được cuộc đời bạn thế nào, giữa biển đời phong ba bão táp.

Trong phút dạo gót quanh phòng tôi thấy được một em trai đang chăm chú xem tranh. Em đã tiết lộ:
“Em tên Ðiền từ La Quinta HS do thầy giáo dạy tiếng Việt giới thiệu tới. Em sinh ra ở Việt Nam, học lớp 12 qua Mỹ mới được 2 năm. Em không biết gì về hội họa. Em cảm thấy bà họa sĩ đã vẽ rất nhiều. Em biết đến buổi triển lãm này nhờ em học lớp tiếng Việt của thầy Bạch. Thầy dạy nhiều về biến cố 30 tháng 4 và những cuộc vượt biên của người tị nạn. Lúc còn ở Việt Nam mẹ em có nói nhiều về việc này nhưng em không biết và hiểu gì hết. Hôm nay nhờ thầy Bạch mà em được biết nhiều hơn.”

Tôi được gặp thầy Bạch Thái Dũng là người đầu tiên dạy tiếng Việt, giờ đã được 15 năm, trong trường La Quinta HS. Mục đích của ông là giới thiệu và khuyến khích các em có một kinh nghiệm về phòng tranh.
Nhân dịp ông đang dạy về “Tháng Tư Ðen” mà buổi triển lãm này lại trùng hợp với bài dạy, nên ông khuyến khích các em đến xem và cho bài tập cùng các câu hỏi liên quan tới hội họa của Ann Phong. Ông thêm “Các em học tiếng Việt phải biết Tiếng Việt là ngôn ngữ di sản, phải tham gia vào sinh họat cộng đồng để bảo tồn văn hóa, để hiểu mình là ai và từ đó phải biết lịch sử cộng đồng.”

Tôi xin ý kiến của một khách thưởng tranh khi cô đang đứng trước bức “Human and Nature”, cô cho biết:
“Tôi thấy màu sắc tranh Ann Phong và của bức này rất nhã, và có tình thật trong màu sắc đó. Tôi nhìn ra nó giống một thân cây nứt ra bởi vì cây đã rất già. Nó nêu lên sự sống sót và sự đau khổ của thân cây. Tôi thấy dường như nó đang đau đớn, và muốn nói lên “đừng để tôi trong này nữa mà hãy đưa tôi ra” Tôi cũng lại thấy bức tranh giống hình một con lợn đang đau đớn, tựa như nó sắp bị đem ra mổ xẻ. Phía trên của thân cây trông giống lỗ mũi của một con lợn.”
Phần cuối chính là phần tôi dành cho HS Ann Phong. Tôi xin bà kể lại câu chuyện vượt biển của mình và biến cố đó tác động thế nào đến cuộc đời bà.

“Tôi vượt biên năm 1981, đối với tôi nó là một cuộc vượt biên thành công. Khi ấy, một học sinh lớp 7 của tôi, khoảng 13 tuổi dẫn đi. Tuy nhiên, em không ra bến được, sau này mới biết em bị bỏ tù ba năm. Tàu của tôi chỉ đủ chỗ cho 4 người mà lại chở đầy ngập 56 người. chúng tôi đi vào tháng 10, 11 là mùa bão. Chúng tôi may mắn thoát được 1 cơn bão lớn nhờ sự cứu giúp của một tàu đánh cá Thái Lan. Người thuyền trưởng cho chúng tôi lên tàu ông và cột chiếc tàu không của chúng tôi vào tàu ông. Khi bão đến, điều chúng tôi thấy rõ nhất là bão, sóng, đập lên đầu của mọi người. Ông thuyền trưởng của Thái rất hay và biết chẻ sóng mà đi. Ông không đi đường ngang của sóng mà chạy thẳng vào sóng nên ra khỏi sóng được. Nếu không gặp tàu Thái Lan thì tàu của chúng tôi đã chìm rồi. Khi đến đảo Paula Bidong, Mã Lai, tôi gặp lại hai đứa bé học trò cũ khoảng 11, 12 tuổi. Chúng chạy đến ôm tôi và nói “Em bị hãm rồi cô ơi”. Tôi đau xót, ôm chúng vào lòng. Tội 2 em bơ vơ không cha mẹ đi theo, lại bị hãm hiếp khi tuổi còn rất nhỏ.
Cảm giác đau thương đó, tới hôm nay vẫn còn trong tôi, nên tôi vẽ không phải cho tôi mà tôi vẽ cho các em, cho thuyền nhân. Trong cuộc đời có những khó khăn, đau khổ và giây phút phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Tôi nghĩ cần phải đi thẳng và cần sự kiên cường để đối mặt với nó. Năm 1992, khi tôi lấy bằng Master, tôi có nghiên cứu và tìm hiểu trên sách báo của người Mỹ về thuyền nhân. Họ đã diễn tả người thuyền nhân rất thê thảm. Phần hình ảnh thì họ chọn những góc cạnh đau khổ nhất để chụp. Ngoài những thống khổ đó, tôi thấy được điều quan trọng nhất là lòng can đảm của người dám ra đi, bỏ hết tất cả và trong cái chết tìm lại sự sống. Tuy nhiên điều đó người Mỹ không nhận thấy. Vì vậy tôi lấy chủ đề này vẽ ra cho họ thấy, vả lại nó lại rất thật với tôi nên từ đó chủ đề thuyền nhân luôn đi với tôi.

TTT