Sớm hơn bất cứ nơi nào trong nước, báo chí Sài Gòn có những sinh hoạt phong phú và đa dạng.
Trên báo Bách Khoa số ra ngày 1.3.1962 trong tác phẩm Thư nhà, nhà văn Võ Phiến viết: “Mới ba bốn giờ chiều đã có tiếng rao báo sớm chạy trên các đại lộ, trung tâm đô thành. Rồi thì tiếng rao ấy lan dần mau chóng ra tới các khu phố. Vậy là cho đến 8, 9 giờ tối người bán báo len lỏi vào các xóm lao động ngoại ô la lớn bất ngờ, tiếng nghe ấy vẫn cứ hấp dẫn cho tới khuya, khi ta đang ngồi trước một tô mì, tô phở trong tiệm, người bán báo loáng thoáng rảo qua một vòng khắp các bàn ăn chìa ra xấp báo, ta vẫn thấy tò mò kích thích, tưởng còn có hy vọng tìm thấy trong ấy một tin tức gì mới khác thêm nữa…”.

Còn nhà thơ Thái Ngọc San đã viết trong Tạp chí Ý Thức ra tháng 4.1971:
“Cái khung cảnh gây cho tôi nhiều hứng khởi nhất những ngày ở Sài Gòn, là vào những buổi chiều khi xuống bến xe lam nhằm vào lúc những tờ báo mới ra lò. Ðấy là hình ảnh những anh công nhân kê vai vác từng kiện báo lớn, những người đàn bà, những chị thanh nữ thoăn thoắt xếp gấp vội vàng bên vỉa hè, những đứa bé lăng xăng chạy lui chạy tới gọi báo mới, báo mới. Chen lẫn trong rừng ngựa xe người ngợm mắc cửi, nếp sinh hoạt nầy mỗi chiều được nhóm lên một lần, hoạt náo như một khu chợ”.
Một mẩu quảng cáo cho tờ nhật báo sắp ra còn làm rõ hơn: “Bạn đọc chú ý. Muốn biết thời sự nóng hôi hổi hãy mua Báo Sóng Thần. Nhật báo Sóng Thần sẽ có mặt trên các sạp báo lúc 3 giờ chiều ngày…”.

Một độc giả của thời ấy tên Khang Duy ghi nhận:
Trước năm 1975, tôi còn nhớ ba tôi làm công chức chiều về lúc nào cũng có tờ báo Trắng Ðen hoặc Tia Sáng. Sau bữa cơm chiều khi sáng đèn là ông ngồi nghỉ ngơi xem báo…, mẹ lo giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa. Chị em chúng tôi học bài. Xem bài báo “Người Sài Gòn xưa đọc báo buổi chiều” một kỷ niệm đẹp chạnh lòng khó quên. Giờ bố tôi đã không còn, mẹ già trên 80 tuổi anh em mỗi người mỗi nơi vì cuộc sống. Nhưng tôi vẫn nhớ hoài kỷ niệm đẹp của gia đình trước năm 1975.
Sau đây là kỷ niệm của Trần Quang Dinh.

Trước 75, đa số báo phát hành vào buổi chiều. Nhà cũ ba má tôi ở P8 Q 10. Chiều nào lối 3h hay hơn, những người giao báo thường đứng tuổi, nam, đi xe đạp và chạy khá vội. Hai bên có mắc vào hai cái túi bằng vải thồ. Miệng rao: “ Báo mới ! Báo mới đây!”. Vì có khoảng 2- 3 người giao báo lận. Ai cũng muốn giao cho thiệt sớm. Hẻm nhà tôi hầu như nhà nào cũng đặt báo . Người giao chỉ việc bỏ vào song cửa chẳng hạn. Nếu có chủ nhà, họ đưa tận tay. Một số loại báo: Chính Luận, Tia Sáng, Tin Sáng, Ðộc Lập, Trắng Ðen. Riêng ba má tôi đặt tới 4 loại báo. Tôi thấy mình may mắn. Vì thuở nhỏ theo nếp gia đình nên mê đọc báo hồi nào không hay.
Như vậy, thói quen đọc báo đã từ lâu ăn sâu vào nếp sống của người Sài Gòn và đến khi có cuộc di cư của người Bắc, sinh hoạt báo chí lại nở rộ. Người ta thấy xuất hiện nhiều tờ báo mới như Tự Do, Ngôn Luận, Chính Luận… Người đọc báo cũng dần dần làm quen với những tên tuổi mới như Thanh Nghị, Ðặng Văn Sung, Từ Chung, Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Hải Thủy…

NGUYỄN & BẠN HỮU – Tổng hợp